DU XUÂN
- Thứ ba - 12/02/2013 15:47
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Trời vẫn se se lạnh, ngoài kia mưa xuân vẫn lất phất bay, thời tiết và bầu không khí thì rõ là mùa xuân đấy, nhưng sao lòng mình chả thấy mùa xuân đâu nhỉ? Nó vẫn ở đâu đó xa lắm mình không chạm tay vào được”.
Năm nay quất vẫn vàng rực, đào vẫn nở thắm tưng bừng, thời tiết đang nóng 30 độ như mùa hè trở lạnh ngay vào ngày 30 tết, người người vẫn hối hả sắm tết, chúc tết. Nhưng dường như ai nấy đều cảm thấy nó như cái vỏ bề ngoài, còn thực sâu trong lòng mỗi người, mùa xuân vẫn ở đâu đó, xa lắm, không thấy, không chạm tay vào được... Sau câu chúc mừng năm mới, rồi ai cũng thở dài cái: “Năm nay tết chả có không khí gì nhỉ!”. Đáp lại là những lời đồng tình: “Ừ, chả thấy gì cả, đâu cũng vậy, chán nhỉ? Hay là mình già rồi?”.
Có lẽ mình già thật, vì bọn trẻ con vẫn tưng bừng hớn hở lắm, xúng xính quần áo mới háo hức đi chúc tết cùng người lớn và chạy ùa ra chào khách khi thấy có khách đến chúc tết nhà mình cho dù lúc đó cả hội vẫn đang say sưa chơi trò gì đó rất hấp dẫn. Nhưng rồi chỉ cần khách mừng tuổi cái, cầm trong tay nắm bao lì xì là chúng lại chạy ùa ra với trò chơi của chúng nó hoặc xòe bao lì xì ra khoe nhau tiền mừng tuổi để mặc người lớn với những câu chúc mừng và thăm hỏi lặp đi lặp lại theo thói quen: “Tết năm nay nhà làm tết có to không?”, “Thì cũng như mọi nhà thôi, bánh chưng thịt gà các thứ, nghèo vẫn phải sắm đủ những thứ đó”. “Ừ, giờ no đủ quanh năm nên tết cũng không khác ngày thường mấy!”. “Cơ quan thưởng tết thế nào?” “Chán lắm, còn chưa có lương tháng này nữa đấy!”. “Ừ, bên này sát nút may vẫn có lương”. “Đã có kế hoạch gì trong mấy ngày nghỉ tết chưa?”. “Kế hoạch thì nhiều nhưng chắc nằm nhà ngủ thôi”. “Ừ, cũng biết vậy, phải có tiền mới đi đây đi đó được”. “Mày làm nhà nước còn trông chờ lương thưởng, tao làm ngoài chết đói mày ạ”. “Ừ, dù gì thì tao vẫn có lương”...
Mình ngại, lười và không hào hứng đi đâu cả nhưng các anh chị và hàng xóm đến chúc tết bố mẹ mình đông quá, cứ ngồi nhà mãi cũng không được, đành cùng gia đình các em đi thực hiện bổn phận chúc tết mọi người. Họ hàng, hàng xóm chung nhau nên chỉ nội trong một buổi chiều thôi có rất nhiều người cùng gặp nhau đến ba lần ở nhiều chỗ khác nhau, nhưng rồi cũng vẫn phải gặp lại nhau lần thứ tư vì họ đã đến chúc tết bố mẹ mình nên mình cũng phải đến chúc tết nhà họ nữa. Lại vẫn những câu nói, câu chúc khuôn sáo như thế, có chăng bánh kẹo và đồ uống từng nhà thì khác nhau, và nhà nào cũng ngồi một tẹo rồi lại: “Thôi năm sớm, chúng cháu đến chúc tết bác và anh chị, giờ cháu xin phép đi chúc tết nhà khác”. Các bác cũng rất thông cảm: “Ừ, ngày tết mỗi nhà một ít, thế các cháu đi nhé, chốc quay về đây ăn tết với các bác”. Rồi cả đoàn lại rồng rắn nhau đến nhà khác và cùng dự đoán xem sẽ gặp lại ai ở đó. Chỉ có bọn trẻ con cả chủ nhà và khách là hớn hở thực sự với nắm bao lì xì trong tay còn người lớn ra khỏi cổng nhà nào cái lại hỏi nhau: “Còn mấy nhà nữa thì hết nhỉ?”. Hoặc bỗng gặp đoàn nào đó thì hỏi với: “Bên đó sắp hết chưa?”. “Chưa, còn hai nhà nữa là xong”. “Thích thế, bên này mới đi được mấy nhà, còn nhiều lắm”. “Thì bên đó đi muộn, bên này đi từ sáng sớm mà”.
Cuối cùng công cuộc chúc tết rồi cũng kết thúc, chân cẳng mỏi rã rời và người thì chếnh choáng do có nhiều nhà ép uống rượu, một nhấp thôi nhưng không quen cũng lênh phênh ra phết. Định nghỉ chút thì bố hỏi có đến nhà bác H. không? Mới chợt nhớ ra là chưa đến. Mẹ đang lau bàn thấy thế nói luôn: “Thể nào bà ấy cũng trách cho mà xem! Năm ngoái cứ trách mãi là không thấy vợ chồng con đến”. Bố cáu: “Cái bà dở hơi, gặp tôi cũng nói, tôi bảo nó đang có tang bố chồng nó không đi chúc tết nhà nào cả!”. Nghe tiếng ông nói to, bọn trẻ con đang đếm tiền mừng tuổi chợt im bặt ngước nhìn ông rồi tất cả lại bật cười giòn giã và lại chúi mũi vào đống tiền lì xì rồi chạy đuổi nhau khắp nhà.
Trời vẫn se se lạnh, ngoài kia mưa xuân vẫn lất phất bay, thời tiết và bầu không khí thì rõ là mùa xuân đấy, nhưng sao lòng mình chả thấy mùa xuân đâu nhỉ? Nó vẫn ở đâu đó xa lắm mình không chạm tay vào được. Mình già thật rồi...