ĐỢI TAXI
- Thứ sáu - 30/05/2014 23:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Tôi chẳng thể quên ánh mặt nghiêm nghị của anh tài xế nhìn tôi qua gương chiếu hậu khi hỏi tôi câu đó và bàn tay bé xíu của cháu bé đã vẫy chào tôi khi xe lăn bánh…”.
Minh họa: Internet
Mười hai giờ đêm, chiếc ôtô khách dừng lại thả tôi và chị gái xuống trước cổng Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình để chúng tôi bắt taxi về nhà trọ. Vừa xuống xe, đang tìm một vị trí thích hợp để bắt taxi thì tôi nhìn thấy ba chị còn khá trẻ cũng đang tay xách nách mang một số đồ đi về phía chúng tôi. Đến gần hơn, tôi thấy một đứa bé ngủ gục trên vai mẹ.
Rất nhanh, chúng tôi làm quen với nhau và trò chuyện một chút, ai cũng vừa sau một chuyến đi xa và mong được về nhà để nghỉ ngơi. Đứa bé trên vai mẹ tỉnh dậy ngái ngủ nhìn chúng tôi rồi lại gục xuống. Đúng lúc đó, một chiếc taxi gần tới, tôi vội vàng đi dịch ra đường để vẫy. Chiếc xe dừng lại, tôi đến bên để mở cửa - như chợt nhớ ra, tôi quay lại nói với ba chị gái kia:
- Chị có đi không thì em nhường?
Thực chất câu mời của tôi chỉ là xã giao vì tôi đang rất nôn nóng về nhà trọ sau cả một chặng di chuyển dài mệt mỏi và cũng vì nỗi lo nhà trọ đóng cửa.
Ba chị lắc đầu nói tôi cứ đi trước đi. Chúng tôi vội vàng bước vào xe, bên ngoài ba chị giơ tay vẫy, đứa bé vẫn gục trên vai mẹ nhưng cũng giơ bàn tay nhỏ xíu vẫy chúng tôi.
Cửa xe đóng lại, anh tài xế hỏi tôi:
- Họ là phụ nữ và có trẻ con sao em không nhường họ đi trước?
Tôi giật mình. Lần đầu tiên tôi cứng họng trước lời nói của anh tài xế, cứng họng không phải vì tôi không thể linh hoạt đối đáp lại lời nói của anh, mà vì đã kịp nhận ra nếu nói gì thêm nữa chỉ là ngụy biện cho sự vô tâm của mình mà thôi.
Kịp nhận ra nhưng tôi không còn thời gian để sửa chữa, chiếc xe đã lăn bánh, có quay trở lại cũng vô ích. Tôi ngoái đầu lại, không còn nhìn thấy ba chị phụ nữ và đứa bé nữa, tôi chợt nghĩ đến khuôn mặt mệt mỏi của mẹ đứa bé, của hai chị còn lại và cả cái nhìn ngái ngủ của đứa bé lúc chợt tỉnh dậy giữa chừng nhìn tôi.
Tôi chỉ còn biết im lặng, cứ như vậy quãng đường 3 km mà tôi cảm thấy dài như 300km khi suốt thời gian trên xe tôi không thể nói gì và cũng không dám nhìn vào anh tài xế.
Tôi cầm chiếc điện thoại chăm chú nhìn và lướt màn hình rồi bấm bấm viết viết nhưng thực ra tất cả chỉ là động tác giả vì tôi cảm thấy ân hận vô cùng. Mặc dù cũng không có gì lớn lao, không phải là hành vi vi phạm pháp luật hay đạo đức xã hội gì ghê gớm, nhưng chuyện xảy ra chứng tỏ sự vô tâm của tôi đối với những điều nhỏ nhặt nhưng thực sự cần thiết trong cuộc sống đời thường.
Hàng ngày chạy đua với guồng quay quá ư mau lẹ của cuộc sống nơi này, tôi chú tâm nhiều vào những điều theo tôi là quan trọng nhưng lại đánh rơi không ít những bài học từ cuộc sống. Giờ đây, tôi đã hiểu và cảm nhận sâu sắc rằng, trong cuộc sống vô tâm với mọi người xung quanh đã là đáng tránh, và vô tâm với con trẻ, phụ nữ còn đáng trách hơn gấp ngàn lần vậy.
Trong tương lai tôi sẽ là một luật sư và có thể là một luật sư giỏi, tôi cần trau dồi nhiều, nhiều hơn nữa những kiến thức chuyên ngành cần có và tôi có thể bào chữa cho hành vi sai trái của người khác, nhưng chắc chắn tôi sẽ không bao giờ bào chữa cho hành vi sai trái của chính mình như câu chuyện vừa xong.
Tôi chẳng thể quên ánh mặt nghiêm nghị của anh tài xế nhìn tôi qua gương chiếu hậu khi hỏi tôi câu đó và bàn tay bé xíu của cháu bé đã vẫy chào tôi khi xe lăn bánh. Viết lại những dòng này cho chính mình, tôi muốn làm vơi đi chút ân hận trong lòng và như một lời xin lỗi gửi đến ba chị cùng một cháu bé đứng đợi taxi cùng tôi lúc mười hai giờ đêm hôm qua trước cổng Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.