Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CON TRAI VÀ 150 YÊN

(NCTG) “150 Yên trị giá thật nhỏ với người lớn, nhưng cũng có thể mua được những món ăn em rất thích... Em có thể cho vào túi quần cất đi mà không ai biết… Nhưng thật vui vì em, cũng như những em bé khác, đã tự giác và làm đúng như những gì các em được học từ khi còn ở nhà trẻ: đem đến trạm cảnh sát những gì mình nhặt được mà không biết của ai”.

Những đồng xu nhặt được

Chiều thứ Bảy, vừa về đến nhà ba anh em đã ríu rít chìa ra cho mẹ xem một tờ giấy mà thoạt đầu mẹ chả hiểu gì, lại lo quá, gì mà cảnh sát thành phố thế này!

Nào từ từ kể cho mẹ nghe xem nào!

- À, ừ, chiều nay, anh lớn ở nhà với bà còn hai em bé đi dạo với ông nội. Vẫn như mọi lần, ba ông cháu ghé vào công viên chơi... Rồi thế nào nữa?

- Bọn con chơi trốn tìm nhé, lúc đó con tìm mãi mới thấy một chỗ tốt để trốn là hàng rào, đằng sau nhà vệ sinh ấy.

- Ừ.

- Đang lúc ngồi thụp xuống, con nhìn thấy dưới đất có hai đồng tiền nhé!!

- Thật à?

- Vâng - em gái tranh nói -, là đồng xu 100 Yên và 50 Yên đấy!
- Ồ...

- Con chạy lại đưa cho ông nội. Nhưng lúc đấy ở công viên chẳng có ai cả, chỉ mỗi ba người.

- Không biết ai đánh rơi thì làm thế nào?

- Vâng, gần công viên cũng không có trạm cảnh sát. Tất nhiên nhặt được là đem đến trạm cảnh sát đúng không?

-…

- Ông hỏi có muốn đi ngay hôm nay không? Bọn con bảo có! Thế là về nhà rồi ông nội lấy xe đưa bọn con đến Sở Cảnh sát Thành phố ấy. Ngồi lâu lắm. Vì ông nói chuyện với chú cảnh sát. Chú ấy cũng hỏi con nữa. Cuối cùng chú ấy cho tờ giấy này đấy.

Đó là một tờ biên nhận giữ đồ vật nhặt được. Ghi rõ ngày tháng và tên em, 8 tuổi, nhặt được một đồng 100 Yên, một đồng 50 Yên, ở công viên vào lúc 4 rưỡi chiều. Ở dưới có nhiều ô để chọn và em chọn không cần báo tên em cho người đánh rơi khi họ đến nhận. Em cũng chọn không cần tiền trả ơn. Em tự ký tên mình ở dưới và chú cảnh sát ghi chú thêm em đi đến Sở Cảnh sát cùng ông nội 70 tuổi.

Thế còn ngày tháng này có nghĩa gì nhỉ? Mẹ chưa kịp hỏi thì các em đã giải thích: “Này mẹ xem nhé, nếu mãi không có ai đến lấy thì tiền này trờ thành của con đấy…”. Ồ, đợi chút nào. Mặt sau của tờ biên nhận có giải thích rất kỹ. Hóa ra, nếu người đánh rơi đến nhận lại đồ/tiền của mình, người nhặt được - ở đây là em - có quyền nhận được từ 5-20% giá trị món đồ đó theo thỏa thuận hai bên.

Tùy ý em muốn, cảnh sát sẽ báo lại (hoặc không báo) tên em cho người đến nhận Và cuối cùng, nếu quá ba tháng không có ai đến nhận lại thì tiền này thuộc quyền sở hữu của em, trong vòng hai tháng sau đấy, em chỉ việc cầm tờ giấy này lên để nhận tiền về, thậm chí nếu bị mất tờ giấy này em có thể được cấp lại một tờ khác.


Tờ biên nhận quan trọng

Hai anh em nhờ mẹ giữ hộ tờ giấy (vì “rất quan trọng, chú cảnh sát nói thế”), rồi quay sang chơi với nhau luôn như thể đã kịp quên chuyện vừa kể - à, tất nhiên có hơi “phổng mũi”, cười mỉm vì mẹ đang khen nãy giờ là hôm nay đã làm được việc tốt.

Mẹ quay số, gọi điện thoại cảm ơn ông nội đã không ngại xa xôi, không ngại lằng nhằng, và không ngại mất thời gian đưa cháu tới đồn cảnh sát. Ông cười, những cái đấy có đáng gì đâu, quan trọng hơn là mình giúp các cháu làm những việc đúng đắn, trân trọng và khích lệ các cháu làm những việc ấy từ nhỏ.

Nhìn những dòng chữ có dấu (thay cho chữ ký) rất rõ ràng của anh cảnh sát tên Morita, phía dưới là dấu đỏ của Sở Cảnh sát Thành phố và chữ ký còn nguệch ngoạc của con trai trên tờ giấy biên nhận, mẹ chợt cảm động và hiểu những điều ông nói thật đúng…
 
150 Yên (tương đương 30.000 đồng tiền Việt) trị giá thật nhỏ với người lớn, nhưng cũng có thể mua được những món ăn em rất thích như một cái kem và một hai cái kẹo, năm quả quýt hoặc một bánh hamburger ở McDonald’s đấy. Em có thể cho vào túi quần cất đi mà không ai biết, nhất là đang dịp Tết và em nhận được một ít tiền mừng tuổi nữa.

Nhưng thật vui vì em, cũng như những em bé khác, đã tự giác và làm đúng như những gì các em được học từ khi còn ở nhà trẻ: đem đến trạm cảnh sát những gì mình nhặt được mà không biết của ai.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Lê Vân, từ Kawanishi (Nhật Bản)