Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÓ NÊN NÓI THẬT?

(NCTG) “Để làm được những việc của người bình thường, mình đã phải nỗ lực biết chừng nào! Để có thể dùng được dao cắt hoa quả gọt bóc vỏ của quả, mình đã phải bao nhiêu lần chảy máu. Để có thể nấu một món ăn mình đã phải bao nhiêu lần bỏng tay. Để đi lại được trên đường thì đã có bao nhiêu cây gậy bỏ mình mà đi, và mình thì không ít phen bầm dập”.

Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin 2006 Khúc Hải Vân giao lưu với học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội


Sau một thời gian nộp hồ sơ và chờ đợi, mình đã được mời ra phường để có cả một hội đồng xét duyệt tình trạng khuyết tật của mình.

Sau một hồi chờ đợi vì cái sự vênh giữa thời gian họp trong giấy mời và thời gian họp trên bảng, thì cuối cùng buổi họp cũng diễn ra. Lại tiếp tục chờ thêm một thời gian nữa thì mình đã mất kiên nhẫn, và đề nghị được làm việc để đảm bảo một cuộc hẹn lúc chiều. May mắn là hội đồng cũng tạo điều kiện cho mình.

Giờ thì đến màn thẩm định tình trạng khuyết tật.

Hỏi anh có đi lại được không? Đáp được.

Hỏi anh có tự ăn được không? Đáp được.

Hỏi anh có tự tắm rửa, làm vệ sinh cá nhân, đại, tiểu tiện được không? Đáp được.

Hỏi anh có thể hỗ trợ công việc gia đình như quét nhà nấu cơm và các việc khác không? Đáp được.

Hỏi anh có tự mặc quần áo, đi giầy dép được không? Đáp được.

Không hề có câu hỏi “anh có nhìn thấy gì không?”. Tuy nhiên, hội đồng đã nhanh chóng nhận xét, khuyết tật của anh là khuyết tật dạng nhẹ nhất. Vì anh làm được tất cả những việc trong bảng đánh giá này.

Giá mà mình có thể nhẫn tâm phủ định mọi thành quả của cái việc phục hồi chức năng, mà bản thân, thầy cô, bạn bè, và người thân đã mất bao công trợ giúp để bây giờ mình được hoàn thiện về các hoạt động bình thường.


“Để đi lại được trên đường thì đã có bao nhiêu cây gậy bỏ mình mà đi, và mình thì không ít phen bầm dập…”

Giá mà mình có thể nói cho họ biết để làm được những việc của người bình thường, mình đã phải nỗ lực biết chừng nào! Để có thể dùng được dao cắt hoa quả gọt bóc vỏ của quả, mình đã phải bao nhiêu lần chảy máu. Để có thể nấu một món ăn mình đã phải bao nhiêu lần bỏng tay. Để đi lại được trên đường thì đã có bao nhiêu cây gậy bỏ mình mà đi, và mình thì không ít phen bầm dập.

Và với tất cả những nỗ lực ấy, mình đã được xếp vào dạng khuyết tật rất nhẹ vì làm được mọi việc thông thường. Còn những người khuyết tật nặng là những người phải có cuộc sống thụ động, hoàn toàn phụ thuộc vào người khác và chả cần nỗ lực gì cả.

Mình lại nhớ đến một dịp nào đó đi làm một chương trình từ thiện và được nghe một vị quan xã bảo với mấy hộ đến nhận trợ cấp: “Các bác ăn mặc thế này thì chụp ảnh làm sao được, phải nghèo khổ đói rách thì người ta mới thương”. À ra đến cả cái chuyện ăn mặc lành lặn tử tế trong một chương trình từ thiện cũng là một cái tội.

Viết đến đây thì trong lòng mình tự hỏi: không biết cái bảng đánh giá người khuyết tật kiểu này, liệu có nên tồn tại ở một xã hội được treo chữ văn minh?

Và câu kết luận nhắn đến các bạn khuyết tật là nhỡ có được cái dịp may được đánh giá tình trạng khuyết tật, thì đừng dại mà thẳng thắn như mình. Hãy phủ định mọi thành quả nỗ lực của các bạn trong cuộc sống. Nếu không, thì các bạn sẽ là đối tượng khuyết tật rất nhẹ, và khả năng nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng cũng thấp lắm.

Ngẫm mà thấy mình dại. Đến giờ vẫn chưa thấm lời các cụ: “Đi với bụt thì mặc cà sa...”. (*)

(*) Tác giả là người khiếm thị bẩm sinh, nhưng với nghị lực đáng nể phục và đam mê học hỏi, anh đã thành công trên con đường làm tin học - bên cạnh đó, anh còn tích cực hoạt động xã hội và làm công tác tình nguyện.

Năm 2006, Khúc Hải Vân được tạp chí “Echip” bình chọn là “Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin” của năm. Năm sau, anh được nhận giải thưởng “ICT thắp sáng niềm tin” do Hội Tin học Việt Nam, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đồng tổ chức.

Khúc Hải Vân cũng được nhận giải thưởng Chim Én do website vicongdong.vn trao tặng, vì những cống hiến lớn cho cộng đồng. Hiện tại, anh làm công việc biên tập âm thanh, bài giảng cho Công ty Cổ phần Đầu tư Giáo dục Minh Triết và vẫn là một diễn giả, một tình nguyện viên năng nổ có mặt tại nhiều hoạt động xã hội.

Tác giả bài viết: Khúc Hải Vân, từ Hà Nội