CÓ NÊN LY HÔN?
- Chủ nhật - 23/11/2014 19:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Đứng giữa trời mưa, lần đầu tiên cô hiểu sự vô vọng của tất cả bao dung, nín nhịn, lo toan của mình. Khi về nhà, cô quyết tâm đặt vấn đề xin ly dị. Tất cả đều kinh ngạc hỏi lý do nhưng cô chỉ biết nói là “không hợp”.
Minh họa: Internet
Cô và anh quen nhau khi học đại học ở nước ngoài. Tình đồng hương ở nơi xa, sự chân chất của anh đã làm cô bỏ qua việc anh không đẹp trai, không chiều chuộng cô và gia cảnh cũng nghèo. Cô cũng bỏ qua những lời can ngăn về việc lấy người khác vùng miền sẽ rất khó sống, bên cãnh đó hai người còn khắc tuổi.
Khi đưa anh về giới thiệu với gia đình, cô bỏ qua sự e ngại của bố mẹ trước viễn cảnh con gái lấy chồng xa.
Khi về thăm nhà chồng, cô bỏ qua chuyện anh để mặc cô tự xoay xở với những khó khăn trong sinh hoạt nơi xa lạ, thậm chí cả những so sánh cô không hòa nhập bằng người này người kia. Cô nghĩ: “Lấy chồng thì phải theo chồng, chắc mình cố gắng chưa đủ”.
Sống với nhau, cô bỏ qua việc anh không chịu thay đổi, cứ bê nguyên xi nếp sống quê nhà ra thành phố. Cô nghiến răng làm thay anh vì nghĩ đã lấy nhau thì phải chấp nhận. Rồi khi có con, không đủ sức làm nữa thì cô thuê người làm, bụng nghĩ: “Thôi, cho yên cửa yên nhà”!
Làm vợ cô cũng nuốt nước mắt cả đời chịu cảnh chồng không thể làm người đàn ông tử tế. Cô cũng đành bỏ qua khi anh không chịu thuốc thang, chữa chạy vì tự ái. Cô chặc lưỡi: “Vợ chồng ở với nhau hết tình còn nghĩa, con cái rồi, cố chịu cho qua kiếp người”. Một vài người có đến với cô nhưng nghĩ đến con, cô lại thôi.
Cô cũng bỏ qua chuyện anh đi nước ngoài đằng đẵng hàng năm, bỏ cô một mình nuôi con, làm nhà, khi về còn tính đếm từng xu anh gửi về xem cô chi tiêu có đúng ý không. Cô nghĩ: “Bản tính quê anh là vậy, anh cũng chỉ lo cho vợ con thôi mà”!
Nhưng cô không ngờ đến khi con lớn, cô có cơ hội đi nước ngoài thì anh ở nhà lại chạy theo ô-sin do chính cô thuê cho anh vì sợ anh vất vả. Anh bảo nó mới là người tận tụy chăm sóc, hết lòng với anh. Khi nó hiện nguyên hình là đứa đào mỏ thì anh xin lỗi cô và muốn quay lại. Cô lại bỏ qua vì nghĩ “cũng là chuyện đàn ông thường tình, đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại”.
Cô bỏ qua chuyện anh vì sợ vợ có uy tín hơn nên rất chiều con để lấy lòng, thậm chí kích động con phản đối mẹ. Cô nghĩ chỉ là hoàn cảnh gia đình anh không được giáo dục nề nếp nên anh thương con không phải lối.
Sau thời gian nuôi con nhỏ, cô bắt đầu lo học hành, công việc. Vốn nhanh nhẹn, thông minh lại chăm chỉ nên cô ngày càng được tín nhiệm. Nhưng anh rất khó chịu trước việc ấy, tìm đủ cách khích bác, cản trở cô. Cô cũng bỏ qua vì nghĩ “đàn ông thường tình”. Mãi đến khi biết là không cản được và gia đình được nhờ cô nhiều anh mới chịu yên.
Theo tuổi tác, sức khỏe kém hơn, cô bỏ qua chuyện vợ sốt cả đêm tự uống thuốc, sáng ra chồng đi làm không hỏi một câu, tối còn bận đi chơi tennis. Hỏi thì anh bảo: “Em không nói anh biết làm gì?”. Cô nghĩ đàn ông vô tâm, tại mình không chỉ bảo. Cứ như vậy, cô cẩn thận hơn. Việc nhà thì cô và các con lo.
Ngày lễ tết, cô tự mua hoa, tự đặt bàn ăn, tự đặt tour rủ chồng đi cùng vì nghĩ vợ chồng cần vun đắp tình cảm. Già rồi, con đi hết, vợ chồng cố dựa vào nhau mà sống. Ra ngoài chồng cô học hành tử tế, công việc đàng hoàng, vợ chồng luôn đi với nhau, ai cũng bảo là còn mơ gì nữa. Cô cũng mong “bình thản nắm tay người đi giữa nhân gian” cho đến cuối đời.
Nhưng sự đời không êm ả như cô tưởng. Dịp kỷ niệm ngày cưới, cô rủ anh đi chơi, anh đồng ý. Cô kỳ công chuẩn bị khách sạn, vé máy bay... thì đùng một cái, anh bảo nhà có giỗ, anh phải về quê và rủ vợ về cùng. Tiếc công chuẩn bị, cô đồng ý về quê trước rồi đi tiếp sau, chấp nhận nghỉ ngắn vậy. Vì vậy hai vợ chồng đi làm đến sát giờ mới hớt hải lên máy bay, sáng hôm sau dậy sớm đi hơn trăm cây số về quê.
Cả buổi anh chỉ cằn nhằn sợ muộn, trong khi cô mệt rũ người vì đi liên tục. Đi được nửa đường, cô bảo lái xe tìm quán nào dừng một lúc. Thấy anh không hài lòng, cô bảo thế thì dừng ở trạm xăng thôi cho cô đi vệ sinh, có tuổi không chờ được. Lái xe đang loanh quanh tìm chỗ thì anh bảo: “Buổi sáng đã đi muộn, giờ lại còn đòi dừng, em định đến bao giờ mới về hả? Cả năm mới về một lần mà còn lắm chuyện”.
Cô nghẹn đắng không nói được, chỉ biết lẳng lặng mở cửa xe bước xuống. Đứng giữa trời mưa, lần đầu tiên cô hiểu sự vô vọng của tất cả bao dung, nín nhịn, lo toan của mình. Khi về nhà, cô quyết tâm đặt vấn đề xin ly dị. Tất cả đều kinh ngạc hỏi lý do nhưng cô chỉ biết nói là “không hợp”.
Chả lẽ lại bảo ly dị vì chồng không cho đi tiểu?