Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN TAXI HÀ NỘI (Phần 1)

(NCTG) “Ấy về thế khéo chẳng đi đâu được. Giáp Tết đường phố đông nghịt, giao thông tắc nghẽn, đến cái taxi cũng chẳng có mà gọi!” - đấy là phản ứng của cô bạn tôi khi biết tôi quyết đinh về thăm nhà trước Tết có mấy ngày. Nhưng mà không sao, tôi về Tết là để ở nhà chứ không phải về để đi!
Tác giả tại Hà Nội, xuân Bính Thân - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tác giả tại Hà Nội, xuân Bính Thân

Taxi Nội Bài

Sau hơn hai tiếng đồng hồ đứng đến chùn cả chân để lấy hành lý, đẩy được cái va-li ra khỏi cửa, chen qua hàng rào dày đặc những người đi đón thân nhân, cảm giác đầu tiên của tôi là sao mà taxi ở Nội Bài lại “chuẩn” đến như vậy. Hàng đoàn xe đỗ rất trật tự, có người điều khiển ra vào, mỗi taxi chỉ dừng lấy người lên trong tích tắc…

Tôi ngồi lên xe, thở phào nhẹ nhõm, ngắm nắng, ngắm gió và các cánh đồng dọc hai bên đường. 

- Chị muốn đi đường nào về?

- Qua cầu Nhật Tân nhé, đường đó gần nhất - tôi trả lời rất đỗi tự tin.

Anh lái buông một từ duy nhất: 

- Tắc! 

Tôi chưa biết nên phản ứng thế nào nên đành ngồi im. Và đúng như lời tiên đoán, xe đang chạy bon bon trên đường, qua cầu, về đến đường Nghi Tàm, đoạn đê thắt chặt lại như cái cổ chai thì mọi thứ xung quang tôi dường như ngừng lại: cả nắng, cả gió, cả thời gian… và sợ nhất là cả đoàn người xít xìn xịt nhau trước mặt.

Rất nhiều người chở đào, chở quất, chở hoa, chở cây cảnh nhưng mặt ai cũng căng thẳng, chẳng còn thấy đẹp vào đâu. Tôi cũng thế, biết ngay sắp bị ăn mắng nên lập bập:

- Hay chúng ta rẽ ra đường khác, xa cũng được nhưng mà đỡ tắc hơn?

- Chị đã không biết gì thì cứ ngồi im đi cho xong, giờ này đường nào chẳng tắc, đã đi đến đây rồi còn muốn quay đi đâu được nữa?

Nói thế thôi chứ bất thình lình anh ta cũng rẽ xuống cái ngách bên cạnh đường, chỉ đủ có một xe lách, thậm chí còn phải bấm còi liên tục cho người đi bộ và xe máy dẹp bớt vào. Tôi thấy tim mình bắt đầu đập mạnh: ngách chật thế này chẳng may có cái đi ngược lại thì lùi kiểu gì bây giờ? Cũng may đoạn ăn gian đường này khá ngắn, kiểu gì cũng phải trèo lên lại cái đường đông lúc nãy.

Oái oăm thay chỗ này rất dốc. Thêm một xe tải to tướng loại có thùng trộn bê tông đằng sau đang đứng chênh vênh. Không biết anh ta đã chờ đợi như vậy từ bao giờ vì anh ấy muốn rẽ trái, đâm ngang qua cái dòng người dầy đặc kia. Tất nhiên tôi chỉ mong anh ta “thoát” vì nếu không xe taxi của tôi cũng chịu chết đứng ở đó. Không biết hàng bao nhiêu lần anh ta nhấn ga chần chừ đi lên. Khối lượng khổng lồ của chiếc xe cứ nhích lên tụt xuống ở cái dốc.

Nhưng cái làm tôi hồi hộp đến vã mồ hôi lại không phải vì anh xe tải này mà vì những người đi xe máy bên cạnh. Mặc kệ tất cả, họ cứ lao, cứ lách, ngay sát mũi xe kể cả lúc cái xe đang tiến lên và lúc vừa vào chân ga nó bị lùi lại cảm giác như sắp đè bẹp những xe ngay sau nó mà anh lái không thể nhìn thấy qua kính chiếu hậu!

Tại sao con người ta lại coi thường mạng sống của mình đến thế được? Chỉ là do vội một tích tắc mà liều thân? Giáp Tết xảy ra tai nạn nằm dưới bánh xe tải, để rồi đổ lỗi cho ai??? Đầu tôi ù đi vì sợ và cũng không nhớ được chúng tôi đã ra khỏi khu vực đó thế nào nữa. Lúc về đến nhà, biếu thêm cho anh taxi “tiền Tết” mà tôi vẫn thấy tay mình run.

Taxi già

Bắt taxi trong dịp Tết là cả một nghệ thuật. Tôi đã nghiệm ra vậy. Mọi khi ngay dưới khu nhà tôi ở bao giờ cũng đầy taxi, chẳng cần phải vẫy. Bây giờ đứng trơ mặt nhìn xe cộ ùn ùn đi qua, hít mùi hít bụi mà chịu chết vì xe nào cũng có khách, xe nào cũng bận. Sao người ta đi đâu lắm thế nhỉ? Đang suy nghĩ lung tung chợt từ xa thấy một chiếc taxi đánh xi nhan muốn tạt vào.

Tôi mừng quá, nhưng chưa kịp tiếp cận đã thấy một em gái guốc cao gót chạy rất nhanh từ trong sân mở cửa xe xông thẳng lên luôn bất chấp là cô ta vừa ra, chắc chắn phải nhìn thấy ngoài tôi còn có một tốp các bác già cũng đang đứng đợi. “Thôi được, cô ấy trẻ, cô ấy xinh nên cô ấy có quyền”, tôi nghĩ thầm rồi đi tránh lên một chút để “đón đầu” các xe khác.
 
Taxi Hà Nội
Taxi Hà Nội

Hôm nay số tôi cũng không may. Chiếc xe này do một “bác” lái. Taxi ở Hà Nội không có thói quen chào hỏi khi lên và xuống xe, cùng lắm khi trả tiền chỉ nói “cám ơn” nên tôi cũng không nói “chào bác!”. Xe nhỏ, xóc long sòng sọc và cái chính sặc mùi thuốc lá. “Bác” này lái nhanh kinh khủng so với khả năng của giao thông thời điểm đó, luồn bên này, lách bên kia, phanh khựng lại, bấm còi inh ỏi và chửi đổng liên tục!

Đi được một lúc tôi bắt chuyện cho đỡ căng: 

- Nghề lái taxi mệt nhỉ? Bao nhiêu cái phải chú ý!

- Xì trét lắm em ạ! hao thần kinh, tổn hại sức khỏe. Bạn anh có thằng chạc tuổi, mới trên 40 mà đã nhồi máu cơ tim với cả tai biến! 

Tôi giật thót mình vì công nhận anh ta già nhiều trước tuổi: tóc bạc gần hết, mặt rất nhiều nếp nhăn nhất là chỗ cau mày giữa trán, râu ria cũng chẳng cắt cạo gì. Hú hồn, may mà mình không chào bằng “bác” chứ không anh ta lại tưởng mình “chào đểu”! 

Taxi trẻ

- Cho chị ra 118 Bà Triệu nhé! 

- Em sinh năm tám mấy?

- Ơ cậu này lạ nhỉ, ai lại hỏi tuổi phụ nữ không quen biết thế này? Mà đoán nhầm rồi, phải hỏi bẩy mấy chứ sao tám mấy? 

- Thật à, thế thì trẻ thật! Chẳng ai đoán thế đâu, mình sinh năm 77, vậy là hơn hay kém?
 
- Kém! 

Tôi đoán cậu ta bốc phét chứ mặt còn búng ra sữa thế kia sao sinh năm 77 được,nhưng mà thôi, cứ im đi cho qua chuyện. Cậu ta nào có để yên: 

- Vậy chị quê ở đâu?

- Ở đây luôn. 

- Thản nào, nhìn chị biết ngay người Hà Nội gốc.

- Có mà mất gốc thì có! - tôi bật cười rồi hỏi lại: - Thế cậu quê ở đâu? 

- Quê em ở tận Mù Căng Chải cơ chị ạ!

Lại bốc phét, nhưng mà tôi thấy ngộ nghĩnh nên giả vờ tin: 

- Bạn chị vừa đi du lịch trên đó về, quê em đẹp nhỉ?

- Em nhìn ảnh chụp quê em ruộng bậc thang mà cũng thấy đẹp giật mình! Nhưng chỉ thế thôi chứ sống ở trên đấy cũng chán và buồn lắm.

- Ai mà chẳng có lúc chán và buồn. Mà này, sao cậu lại đi đường vòng rồi dừng lại ở đầu phố thế này? Đã đến nơi đâu? 118 cơ mà?

- Ối, xin lỗi chị, em tưởng số 8! Chị làm em lúng túng quá!

Tôi thấy hơi nóng mặt:

- Trẻ tuổi mà tai nghễnh ngãng thế? Kém cả bà già!

- Dạ, em chỉ mong được trẻ như chị!

Xuống xe, thôi thì mất thêm cho đoạn đường vòng ít tiền, bù lại được khen là “trẻ”. Cái gì cũng có cái giá của nó. 

Taxi dù 

Đứng chờ xe cùng với mẹ, tay cầm một cành đào, tay cầm một cái túi nặng nên tôi thấy rất sốt ruột, chỉ muốn có xe ngay. Tự nhủ gặp bắt cứ taxi nào sẽ lên luôn bất kể hãng gì. Một chiếc xe nhỏ dừng lại, tài xế là một phụ nữ. Cô ấy ăn mặc khá tươm tất sạch sẽ nên tôi thấy cảm tình:

- Mẹ ơi, có xe rồi, mình lên đi!

Bỗng dưng mẹ tôi lại dở bài khó tính:

- Cháu ơi, mẹ con cô đi xa, mà phải chờ một hai tiếng đấy, cháu có chờ được không?

Tôi nài nỉ:

- Không cần bắt cô ấy chờ đâu mẹ ơi, lúc về mình bắt xe khác.

Mẹ tôi như không nghe thấy gì kiên quyết không lên xe rồi kéo tay tôi. Cô gái lái taxi nghe đến từ “chờ” mặt đanh lại, nhấn ga đi thẳng không thèm nói một câu. Sau đó mẹ mới giải thích: “Bọn này toàn là taxi dù đấy, ngồi lên chúng tính tiền rất gian, mẹ phải nói tránh thế chứ nếu không còn bị chửi cho!”.
 
Thêm một bài học: không phải chuyện gì cũng tin vào phụ nữ, kể cả phụ nữ lái taxi! 

Taxi truyền thống 

Tôi có thói quen hay quan sát bàn tay của mọi người. Mặc dù không hiểu biết gì về xem bói các đường chỉ tay, tôi nghĩ bàn tay nói lên được nhiều điều: người làm việc chân tay, người làm việc trí óc, người tính tình cục mịch, người thanh cảnh, người chăm chút bản thân, người cẩu thả… nói chung tha hồ có cái để mà đoán.

Vừa ngồi vào chiếc taxi mà mãi hai mẹ con mới gọi được, tôi giật cả mình: anh lái xe có một bộ móng tay mà khéo cả đời tôi chưa từng nhìn thấy. Phần móng trên mỗi ngón dài chừng 5-7 cm, tất nhiên anh ta để “tự nhiên”, không bôi sơn nên trông kỳ lạ như những móng tay đại bàng, nhất là khi anh ta cầm cả hai tay vào vô-lăng. Không thể đừng được tôi thốt lên:

- Anh có bộ móng tay như của các cụ thời xưa chụp trên ảnh ý!

Mẹ tôi cũng chêm vào: 

- Móng thế này mà anh cũng làm được mọi việc à?

Không ngờ câu nói đó lại gây kích động niềm từ hào vốn có của anh:

- Cháu quen rồi cô ạ. Đời ông bà cụ kỵ cháu đều làm trưởng thôn, nhiều đất đai và người hầu lắm. Các cụ chẳng phải động chân động tay vào việc gì nên nuôi móng cho thật dài để ra oai với dân làng. Giờ cháu đây mảnh đất cắm dùi cũng không, nhà cửa cũng đi ở thuê. Còn có mỗi cái móng tay cố giữ cho đỡ mất đi truyền thống.

Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng truyền thống của một gia đình, dòng họ lại lưu truyền qua bộ móng tay như thế. Đời có lắm cái lạ thật!
 
Bài và ảnh: Đặng Phương Lan, từ Budapest - Còn tiếp

* Bạn có những trải nghiệm vui, buồn với taxi? Hãy chia sẻ với NCTG.