Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN TÀU XE THỜI BAO CẤP

(NCTG) “Chỉ cần có ánh đèn bật lên ở ô cửa bán vé thôi là hàng trăm hàng ngàn người bỗng nhiên từ đâu đổ tới, giẫm, đạp lên nhau để đưa được cánh tay của mình vào bên trong ô cửa. Tiếng cãi vã, chửi bới... những cú đấm đá, rồi cả những tiếng kêu thất thanh…” - hồi tưởng về những chuyến tàu thời bao cấp.

Đi tàu ngày tết - Ảnh tư liệu


Câu đố: “Ngủ như điên - ăn như điện - đi tàu không mất tiền. Là con gì?”. Trả lời: “Con” sinh viên

Đi tàu trốn vé

Vào những năm của thập kỷ 70 và 80, sinh viên đi học xa nhà đi tàu trốn vé là “chuyện thường ngày ở huyện”. Đã từng có câu: “Không trốn vé tàu không phải sinh viên”.

Đi tàu trốn vé là cả một công trình “nghệ thuật” và “nghiên cứu khoa học”. Trước hết phải điều tra, xem xét kỹ lưỡng ở khu vực ga đi và ga đến xem có lối nào có thể vào ga mà không phải qua cổng soát vé. Ngày xưa ga tàu hỏa không khang trang như bây giờ. Ở nhiều ga phụ, trâu bò ra vào ăn cỏ thảnh thơi như ở chỗ không... tàu. Nếu không đúng vào dịp lễ tết, nhiều khi may mắn bạn có thể tìm được một chỗ ngồi kín đáo để khỏi làm “ngứa mắt” những nhân viên của “nhà tàu”.

Tuyệt vời nhất là ngồi giữa những người có vẻ “công chức” nhà nước. Có thể có người sẽ thông cảm với hoàn cảnh “khốn khó” của bạn mà mua cho bạn một gói xôi 5 hào khi tàu dừng ở những ga có bán hàng ăn. Đôi khi họ còn sẵn sàng giữ chỗ cho bạn khi bạn phải đứng lên đi ra phía đầu toa, lánh mặt nhân viên soát vé, những người luôn sẵn sàng mạt sát không tiếc lời với lũ “có học mà không biết nhục”. Nhiều anh chị sinh viên tán tỉnh nhau đến lúc cao trào, thấy bóng áo màu ghi xám đến gần cũng phải vội vàng nói lời từ biệt. Không biết sau khi soát vé xong có còn tìm được nhau không...

Lên tàu đã khó, xuống tàu lại càng khó hơn. Cánh con trai còn dạy nhau được môn võ “nhảy tàu”. Khi giọng loa í éo của “nhà tàu” cất lên “đoàn tàu của chúng ta đang chuẩn bị vào ga X...”, những gương mặt thư sinh lúc trước bỗng dưng biến mất. Toa tàu như rộng hẳn ra và tự nhiên xuất hiện rất nhiều chỗ ngồi bỏ trống. Đám con gái ngồi lại trông chờ vào sự may rủi và thương hại của nhân viên soát vé ở cửa ra. Cô nào có gương mặt ưa nhìn hoặc mắt nai ngơ ngác thì chỉ cần rơm rớm nước mắt là có thể qua cửa ngon lành.

Đôi khi ở những ga khó khăn quá, bọn con gái phải “nghiến răng” mua chung một vé. Đứa nào nhanh nhẹn, xinh xắn được ra trước. Cầm vé giơ lên cao, mà phải gần như nắm kín chiếc vé ở trong tay. Nếu chẳng may nhân viên nhà ga có muốn xé, thì cũng chỉ xé được một góc nhỏ. Chiếc vé ấy sẽ được quay vòng lại cho những người sau.

Tôi hầu như bao giờ cũng phải ra cuối cùng. Nếu chẳng may đứa đi trước bị thu mất vé thì cứ yên tâm bị lôi vào “giam” trong phòng đợi của nhà ga. Mắng mỏ, mạt sát mãi mà chẳng thu được đồng tiền phạt nào, cuối cùng họ cũng phải để cho chúng tôi về. Nhiều khi tàu về ga vào lúc 12 giờ đêm mà phải gần 3 giờ sáng mới về được đến nhà. May mắn nhà tôi ở rất gần ga, nên dù muộn thế nào đi về cũng không sợ.

Nhà tôi chẳng khá giả gì. Tôi đi học khi mẹ đã về nghỉ hưu. Nhiều khi thấy tôi bị mắng mỏ, giam giữ lâu quá vì tội trốn vé, mẹ tôi phải đưa tôi ra tận ga, mua vé để tôi lên tàu rồi mới về nhà. Nhưng đi tàu mà mua vé là “có tội” với bạn bè cùng phòng. Giá tiền một chiếc vé lúc bấy giờ là hai đồng hai, trong khi tiền học bổng của sinh viên tiên tiến mỗi tháng chỉ được chín đồng sáu. Một chiếc vé tàu có thể đủ cho một bữa sắn luộc thịnh soạn của sinh viên, những kẻ mà dạ dày hầu như lúc nào cũng trống rỗng và gào thét không nguôi...

Đợi cho bóng mẹ khuất hẳn khỏi nhà ga, tôi sẽ tìm cách bán lại chiếc vé ấy cho người cần mua. Mỗi năm vài bận trốn vé, bị mắng chửi thêm một lần nữa chắc cũng không thể... chết được.

Về quê ăn tết

Ngày thường đi tàu trốn vé đã là “đoạn trường tân thanh”, những dịp lễ tết đi tàu mới thực sự là ác mộng. Ngay cả khi bạn muốn tỏ ra “lương thiện” xếp hàng mua vé nghiêm chỉnh thì sự chen lấn, xô đẩy trước quầy bán vé cũng làm bạn không còn muốn trở thành “người tử tế”. Nhiều người rải báo, rải áo mưa ra ngủ để xếp hàng. Nhưng chỉ cần có ánh đèn bật lên ở ô cửa bán vé thôi là hàng trăm hàng ngàn người bỗng nhiên từ đâu đổ tới, giẫm, đạp lên nhau để đưa được cánh tay của mình vào bên trong ô cửa. Tiếng cãi vã, chửi bới... những cú đấm đá, rồi cả những tiếng kêu thất thanh: “Nó móc mất tiền của tôi rồi...”.

Mua được vé là cả một “chiến tích”, nhưng chen được vào ga để lên tàu còn gian khổ hơn nhiều. Đoàn xếp hàng rồng rắn bắt đầu từ cửa ga Trần Quý Cáp, kéo dài tới tận vườn hoa Quốc Tử Giám. Bạn không cần phải quan tâm xem mình đang đứng ở đâu, đi về hướng nào vì bạn bị cả dòng người hàng ki-lô-mét ấy xô đẩy về phía cửa ga. Thoát được “nút cổ chai” ở cửa soát vé, đoàn người chạy như ong vỡ tổ, tiếp tục chen lấn, xô đẩy để lên được tàu. Bọn con gái thường không thể chen vào được bằng lối cửa chính nên bọn con trai phải có nhiệm vụ đẩy mông chúng tôi lọt vào bên trong cửa sổ. Sau đó bọn chúng phải tìm cách nhảy lên nóc toa để ngồi. Có những năm, số người ngồi trên nóc toa gần bằng số người ngồi bên trong toa tàu.

Lên được tàu là bạn sẽ về được đến nhà. Việc đối phó với nhân viên soát vé không còn đặt thành vấn đề nữa vì hành khách còn phải đứng bằng một chân thì họ chẳng có cách nào đến được chỗ bạn đứng/ngồi để hỏi vé. Nếu may mắn, bạn chen vào được toa chở khách, tức là toa có ghế ngồi và cửa sổ, thì dù tàu đông đến mấy bạn cũng vẫn còn không khí để thở. Có năm, nhà ga phải huy động cả tàu chở hàng ra vận chuyển hành khách. Nếu không may, bạn phải ngồi ở toa đó thì lúc về nhà, bố mẹ bạn sẽ nghĩ rằng bạn vừa trở về từ một vũ hội hóa trang. Ở trong toa chở hàng - còn gọi là toa đen - bạn phải ngồi ngay xuống sàn tàu và hít thở không khí đậm đặc của các loại hàng hóa mà con tàu chuyên chở trước đó. Hàng hóa có thể là xi măng, phân lân, phân đạm, than đá...

Nếu ngày thường, tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng, tàu chạy mất 5 tiếng, thì ngày tết, bạn phải mất từ 8 đến 12 tiếng là chuyện hết sức bình thường. Hai tiếng đồng hồ đầu tiên, bạn còn đang “hưng phấn” vì đã lọt được vào bên trong toa để về nhà nên nhiều chuyện tiếu lâm sinh viên được đem ra góp vui. Khi tàu đã chạy được 5 tiếng đồng hồ mà bạn vẫn chưa biết bao giờ mới là ga cuối thì bạn gần như đã kiệt sức. Mọi người bắt đầu tìm mọi cách để ngả lưng, chợp mắt. Kể cả quen hay không quen, người nọ cứ dựa vào người kia mà ngủ. Chỗ nào rộng rãi hơn một chút, mọi người nằm thẳng lên phân đạm, phân lân, xi măng... Nếu bạn yếu thận hoặc “xấu bụng” thì việc ngồi ở toa đen 10 tiếng đồng hồ không có nhà vệ sinh quả là một vấn đề nan giải...

Bạn của anh trai tôi đã tổng kết những chuyến tàu đêm như sau:

Đêm trên tàu chân để ở đâu?
Nhấc lên, đặt xuống, nghĩ rất lâu
Mặt anh, mặt chị, bày ngang dọc
Đêm trên tàu, chân để ở đâu?

Tác giả bài viết: Thanh Chung, từ New York