Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN Ở BỆNH VIỆN

(NCTG) “Một chị gần cửa phòng xuống giường đi ra lấy hộp cơm rồi mang đến giường cuối phòng cho một chị nữa. Hai chị lặng lẽ ngồi ăn cơm cạnh nhau”.
Bên nam lúc nào cũng đông vui nhộn nhịp người ra người vào thăm nom và cơm nước
Mấy ngày chăm sóc người thân trong bệnh viện cũng thấy nhiều điều lạ mắt.

Bên phòng nữ lần nào đi qua mình cũng thấy trầm mặc, im ắng. Các chị vạ vật trên giường ngủ hoặc ôm điện thoại, số ít khỏe hơn lang thang ngoài hành lang giết thời gian.

Trong khi đó bên phòng nam khác hẳn, lúc nào cũng đông vui nhộn nhịp người ra người vào thăm nom và cơm nước. Nhất là đến giờ ăn, các bệnh nhân nặng đang truyền thì thường ăn ngay tại giường, những bệnh nhân khỏe hơn đại đa số là ra ngoài hành lang ngồi ăn ở ghế.

Bữa nào cũng thế, cứ đến giờ ăn là các ông chồng đi lại được cứ ra ra vào vào ngóng vợ. Có bà thì mang đồ ăn đến ngồi cùng chồng chờ chồng ăn xong rồi mang về, có bà chỉ kịp đưa cho chồng xong lại đi luôn, có bà thì cho con mang đến, thường con cũng vội vàng, đưa cho bố xong là lại đi luôn.

Bên nam bao giờ cũng rất rôm rả mà cánh đó hay gọi là “MC trong lúc ăn”.

Thường là các ông cắm cúi ăn, còn các bà vợ đứng hoặc ngồi bên cạnh nói chuyện và hỏi xem: “Bữa sau anh thích ăn gì?”, “Mai anh thích ăn gì?”, “Em hầm ABC với EGF cho anh nhé?”, “Hôm nay anh ăn có vừa miệng không?”, “Nấu thế này nhừ chưa?”, “Nước cam hôm nay có bị chua không? Cam đó em mua của bà Y. đấy, hàng hoa một cho nó ngon!”, “Anh ăn thêm chút thịt bò nữa đi cho tiểu cầu nó lên!”, “Anh nhớ uống hết chỗ nước cam này nhé để tiểu cầu nó còn lên!”, “Anh chịu khó ăn cháo nốt hôm nay thôi không bị xuất huyết dạ dày thì nguy, nhé, cố nhé!”... đại loại là thế.

Đáp lại những trò chuyện đó, thường các ông ăn hết sạch đồ vợ mang đến, nhẵn như chùi, các bà vợ thì mặt tươi hơn hớn thu dọn bãi chiến trường để còn nhường ghế cho bệnh nhân khác ăn.

Có bữa có một đôi trẻ không hiểu giận nhau cái gì, cô vợ mang cơm đến và sắp hết cho chồng ăn, vẫn ngồi cạnh nhưng chả nói một câu gì, anh chồng ăn xong bữa cô vợ chìa hộp hoa quả. Anh chồng lại cắm cúi ăn hết hộp hoa quả nhưng cô vợ vẫn không nói gì, lúc đó sau cánh cửa sổ có giọng nói: “Hôm nay cơm trưa thiếu món MC trong lúc ăn X. nhỉ?” (X. là tên anh chồng).

Chính vì buổi đó nên mình mới biết cánh đàn ông gọi là “Món MC trong lúc ăn”.

Bên nam thì vậy, còn nữ thì khác hoàn toàn - mình không vào phòng nữ nên không biết đến bữa bên trong thế nào, chỉ thấy các bệnh nhân nữ ngồi cùng hàng ghế với mình vào các bữa ăn thôi.

Có bữa đang ngồi thì có hai bệnh nhân nữ ra ngồi cùng, một lúc sau bạn bên cạnh mình có điện thoại, mình thấy bạn ấy nghe rồi hướng dẫn ai đó đi lên phòng, và cũng nhanh thôi một “grab now” xuất hiện với túi đồ ăn đưa cho bạn ấy.

Bạn ấy thanh toán tiền rồi mở hộp ra ngồi ăn.

Bạn nữ bên cạnh cũng ngồi một lúc thì có điện thoại, và cũng một lúc sau lại một “grab now” đến giao đồ ăn.

Có bữa chiều đang ngồi thì bạn nữ cạnh mình có điện thoại, mình nghe thấy bạn ấy nói: “Anh mua gì cho em cũng được, vâng, cháo hay phở cũng được!”.

Có bữa trưa, người thân của mình ăn xong rồi, mình đang thu dọn đồ thì thấy một tốp 5-6 các bạn nữ mặc đồ công sở vào phòng nữ, vừa vào cái cả hội đi ra luôn cùng với một bệnh nhân. Tất cả ngồi xuống ghế và câu đầu tiên các bạn ấy hỏi bệnh nhân là “Ăn gì chưa?”, bạn bệnh nhân lắc đầu kêu chưa. Có một bạn bảo: “Thế mày thích ăn gì để tao đi mua?”, bạn bệnh nhân bảo: “Không cần đâu chốc tao đi ra cổng xem có gì ăn thì mua!”.

Mới nghe đến đấy thì lại thấy vợ một ông đến, nên mình đứng dậy đi về để có chỗ cho đôi đó ăn.

Đi ngang qua tốp các bạn văn phòng ngồi, đúng lúc có một chị xách hai hộp cơm hộp đi vào và đứng ở cửa phòng bệnh nữ hỏi: “Phòng chị có ai đặt hai suất cơm đấy ạ?”.

Một chị gần cửa phòng xuống giường đi ra lấy hộp cơm rồi mang đến giường cuối phòng cho một chị nữa. Hai chị lặng lẽ ngồi ăn cơm cạnh nhau.

Mình đi về và tự dưng nghĩ, không biết, nếu mình nằm viện thì ai mang cơm cho mình nhỉ? Chắc cũng chả khác gì mấy chị phòng nữ này đâu!

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Bích Ngọc, từ Hà Nội