Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN NHỎ Ở THỦ ĐÔ

(NCTG) “Tại sao bà ta lại dễ sợ đến như vậy? Tại sao bà ta lại làm chuyện không ai nhờ đến như vậy?”.

Ảnh chỉ mang tính minh họa


Dù câu chuyện dưới đây có thể là khá cá biệt, nó vẫn khiến tôi suy nghĩ khá nhiều.

Ngày cuối cùng của năm 2014, tôi có dịp về Hà Nội công tác. Nhân dịp một sinh viên người Nhật của tôi mới sang Hà Nội để học thêm tiếng Việt, tôi đã rủ cô bé cùng đi thăm thú Hà Nội.

Buổi sáng hôm đó, chúng tôi đã có một chuyến tham quan Kỳ Đài và di tích Hoàng thành Thăng Long khá thú vị. Gần hai giờ trưa, đang tìm một quán bún chả nào đó theo mong muốn của cô học trò, tôi bắt gặp một gánh hàng rong bán bánh trôi, bánh chay. Bụng đang đói và vì nghĩ bánh trôi, bánh chay là một món quà vặt đặc trưng của Hà Nội, tôi rủ cô học trò của mình cùng ngồi xuống ăn.

Nói về cô học trò, dù chỉ mới sang Hà Nội học hai tuần, tôi nhận thấy tiếng Việt của em tiến bộ khá nhiều và em tỏ ra tích cực, vui học hơn so với hình ảnh mà tôi đã từng biết về em bên Nhật. Em đã tận dụng mọi lúc, mọi cơ hội để hỏi tôi những từ mới, những điều mới về văn hóa, về đời sống của người Việt Nam mà em đang trải nghiệm.

Món bánh trôi, bánh chay chúng tôi đã ăn rất ngon. Chị bán bánh cũng có vẻ rất vui khi nhận ra khách hàng của mình là một người nước ngoài. Vì ngẫu hứng và vì muốn đáp lại tấm lòng ham học hỏi của em, tôi đã đọc bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương cho em nghe và giải thích ý nghĩa của bài thơ cho em bằng tiếng Nhật.

Cô học trò của tôi có vẻ rất thích thú khi nhận ra món bánh bình dị mà mình đang ăn lại là hình ảnh ẩn dụ trong một bài thơ nổi tiếng mà hầu hết học sinh Việt Nam đều được học qua. Em yêu cầu tôi đọc lại bài thơ bằng tiếng Việt một lần nữa. Tôi đọc đến đâu thì em cố gắng lặp lại đến đó.

Đang giải thích cho em, bỗng dưng tôi nghe tiếng một người trong nhóm ba phụ nữ trung niên đang ngồi ăn bánh gần đó chỉ trích một cách khá lớn tiếng việc tôi đang làm. Bà ấy nói, đại loại tôi dở hơi, cô bé kia là người nước ngoài thì nói tên món bánh là được rồi, cớ sao tôi cứ vẽ chuyện dạy cả một bài thơ khó thế cho cô ấy, v.v...

Dù có thể người phụ nữ này không biết mối quan hệ giữa tôi và em sinh viên kia, và có lẽ bà ta cũng không biết rằng sinh viên của tôi có thể nghe, hiểu một phần tiếng Việt, điều đáng nói là cô ấy đã lên tiếng với một thái độ khá gay gắt và vô lối. Tôi và sinh viên của mình im lặng ngay lập tức. Chị bán bánh nãy giờ đang vui vẻ giờ cũng tỏ ra ái ngại.

Vẻ ngạc nhiên, cô sinh viên năm thứ ba hỏi tôi bằng tiếng Nhật: “Tại sao bà ta lại dễ sợ đến như vậy? Tại sao bà ta lại làm chuyện không ai nhờ đến như vậy?”. Tôi cảm thấy buồn và thật đáng tiếc trước sự việc đã xảy ra.

Tôi không mong bà trung niên nọ khen ngợi hoặc thậm chí quan tâm đến câu chuyện của chúng tôi, nhưng giả sử nếu có quan tâm, tôi nghĩ lẽ ra bà ta nên cảm thấy vui khi có những người nước ngoài đang cố gắng học hỏi tiếng nói, văn hóa của dân tộc mình. Và nếu có làm được điều gì đó thì lẽ ra bà ta nên hướng dẫn thêm cho họ mới phải chứ?

Chỉ là một câu chuyện nhỏ xảy ra ở thủ đô, nhưng rốt cục nó khiến tôi buồn...

Tác giả bài viết: Phan Thị Mỹ Loan, từ Osaka