Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG

* DR

Anh lái chiếc xe microbusz đi chở hàng cho vợ như thường lệ hàng ngày. Công an chặn lại, hỏi giấy tờ. Thấy mấy thùng sữa tươi, ít rau cỏ, vài chục cái bánh mì, dăm két bia... họ có vẻ coi thường ra mặt cha tài xế "Tàu" buôn thúng bán mẹt này lắm.

- Hóa đơn đâu? - mấy anh công an hỏi trống không. Anh lẳng lặng trình giấy tờ.

- Papír, passport? (Giấy tờ lái xe, hộ chiếu?) - họ tiếp tục hỏi kiểu không chủ, vị ngữ. Anh đưa mọi thứ và nói nhẹ: Tessék (xin mời).

- Mày là bác sĩ thú y hả? - anh công an trẻ hỏi với cái giọng nhạo báng, có ý ám chỉ cái chữ DR. trước tên anh trong chứng minh thư.

Bỗng chuông điện thoại anh reo, anh xin phép nhấc lên. Nghe anh nói chuyện trôi chảy tiếng Hung với người cùng tốt nghiệp một khóa học.

- À, hóa ra mày học ở Hung hả - anh công an hỏi với giọng có phần nào nhẹ nhàng hơn lúc nãy nhưng vẫn xấc xược.

- Vâng, thằng bạn cùng khóa vừa gọi "phôn" hẹn Chủ nhật tuần sau họp năm nhân dịp 30 năm ngày tốt nghiệp. Nó lo được cái hội trường rộng vì hiện nó là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hung.

- Xin chào - hai anh công an trẻ trả lại giấy tờ cho anh, chào đi với cái dáng hơi tẽn tò.

* BÁO

Chợ búa bán kém quá, Hà mua tờ báo đọc. Thì ở chợ các anh bán báo thường bán mấy tờ lá cải, nội dung nhẹ nhàng, dễ đọc thôi.

Vài khách hàng thanh niên đi qua:

- Mấy con bé trong ảnh trông bốc lửa nhỉ - vừa nói, họ vừa nháy mắt với ý rất thông cảm anh "Tầu" mù chữ nhưng thích xem ảnh gái khỏa thân.

Hai tuần sau, Hà mang tờ báo "Tự do Nhân dân" (Népszabadság) ở nhà đi, đang ngồi đọc chăm chú, một bác có tuổi đi qua gật gù hỏi:

- Chắc chú mày quan tâm tới mấy con số giá đô, giá EURO hả?

Đến hôm Hà ngồi đọc tờ báo màu xanh lá cây, tờ "Kinh tế Thế giới" (Világgazdaság) thì anh hàng xóm bán hàng cũng hết chịu nổi, hỏi khẽ:

- Mày đọc cái báo này hiểu thật à?

- Vâng, tôi vẫn thường đọc tin tức kinh tế.

- Cái báo này tao đọc một hai lần không hiểu hết nghĩa - anh ấy thú thật, rồi hỏi lại rất thật thà: - Thế ra không phải mấy tờ báo kia mày mua để xem ảnh, xem giá đô à?

* QUẦN ÁO

Trên đường đi chợ về, trời mùa đông quần áo của anh dầy cục, bụi bẩn và có phần hơi lôi thôi. Ghé vào trạm xăng, đổ đầy bình, đi vào trả tiền.

Anh chào: "Chúc buổi tối tốt lành".

Cô gái yểu điệu đứng bên máy tính tiền ngước mắt nhìn anh, không chào lại.

Anh nói rất lịch sự: "Cho tôi trả tiền số 5".

"Số mấy?" - cô hỏi lại trống không. "5 hả. 10.530" - cô nói và giơ tay nhận tiền, mặt vẫn lạnh như lúc nãy giờ.

Hai tuần sau, trên đường đi đám cưới thằng bạn, cũng tới gần quán xăng đó, xe lại hết xăng. Không còn cách nào khác, anh phải ghé vào đó dù rất ngại. Đổ xăng xong xuôi rồi, sờ túi mới giật mình vì anh thay mặc bộ com-lê mới, không bỏ tiền mặt theo, thôi phải dùng card nhà băng. Gay go to, chắc cô này còn nhăn nhó hơn nữa.

Bước vào cửa, mấy anh công nhân và cô tính tiền cười tươi, chào thật to từ xa, thiếu nước cúi người xuống. Khi anh lúng túng nói trả tiền bằng card, cô ấy còn lễ độ hơn nữa, nói rất lịch sự:

- Mời ông bấm số pin.

Xong xuôi hết rồi, trên đường ra xe mà anh vẫn bỡ ngỡ. Nhìn bộ com-lê mà một năm có hai dịp anh được mặc, cái card mà vô phúc quên tiền hôm nay mới dùng lần đầu tiên, vâng nhờ chúng mà hôm nay anh được đối xử vô cùng lễ độ và niềm nở.

* TOÁN

Anh đang nói chuyện với một bác Tây lớn tuổi, chị bán hàng cho khách. Cô mua hàng da ngăm ngăm nâu, mồm mép lau chau, có vẻ con buôn nhà nghề. Đóng gói xong, cô ấy nói một mạch:

- Thế là tôi lấy 20 áo, 18 quần, trong đó có 7 cái hơi lỗi, mày giảm 15% giá, và mày viết hóa đơn cho tao 30% của tổng số hàng, chỗ đó tao phải trả thêm 25% tiền thuế, vậy tính ra tất cả là bao nhiêu?

Anh dừng nói chuyện, tính giúp vợ. Chưa đầy nửa phút, anh nói số tiền. Cô mua hàng chồm chồm lên, nói giọng rất đay nghiến:

- Chúng mày làm ăn phải đàng hoàng, đừng lừa người mua, làm gì có chuyện tính ra nhanh như vậy.

Ông Tây đứng tuổi đang đứng nói chuyện với anh chắc không chịu được nữa xen vào:

- Đối với anh này phép tính vừa xong là bài học vỡ lòng, anh ấy học Toán ở viện tôi mấy năm mà.

- Viện ông là cái quái gì, ông có buôn bán không mà biết tính toán? - chị da nâu, tóc đen hỏi xấc lại vẫn cái giọng rất đanh đá và coi thường cái ông đeo kính, trán hói này.

- Viện tôi viện Toán, anh này học trò tôi PTS Toán, tôi là viện sĩ hàn lâm Toán.

Cô mua hàng tấm tức, im, trả tiền, đi. Còn viện sĩ hàn lâm là cái chức quái gì, chắc cho tới giờ cô ấy cũng chưa biết.

* ĐÚT LÓT

Thắng tốt nghiệp ở Hung đã lâu. Từ hồi ra chợ, anh thường hay gặp công an lúc lái xe, thường hay bị khó dễ, đòi phạt này nọ, đó cũng là chuyện bình thường. Chuyện Thắng thắc mắc là khi gặp công an, anh ăn nói mạch lạc, đàng hoàng, luật pháp cũng hiểu đôi chút mà lúc nào anh cũng bị phạt nặng, đôi khi muốn đút lót mà vô cùng khó khăn, trong khi đó Hoàn, bạn anh mới từ nhà sang, bao giờ cũng giải quyết những vấn đề này rất nhanh gọn và đỡ tốn kém.

Anh quyết tâm học bí quyết của Hoàn và ngay hai hôm sau có dịp thực hành luôn.

- Chào một ngày tốt lành - anh công an giơ tay chào.

- Hế lô. Mi ke lờ? (Hello. Mi kell - Chào, cần gì? ) - anh hỏi với giọng lái lái của người biết ít tiếng.

- Cho chúng tôi kiểm tra giấy tờ xe và hàng hóa.

- Te két tuê em be rờ, te két tuê e gie, i ố? (Te kettő ember, te kettő ezer, jó? - Các anh hai người, hai nghìn nhé ?) - vừa nói, anh vừa đưa tờ 2 nghìn Forint thay vì đưa giấy tờ.

- Mit csinálsz? Nem lehet. Három. (Làm gì thế, không được. Ba nghìn)

- I ố, i ố. (Jó, jó - Được, được) - vừa nói, anh vừa đưa 3 nghìn Ft. Đi tiếp, vừa đi vừa hát to, mất tiền mà trong lòng anh vui sướng như hội, cảm giác thành công lên tới mức cao độ. Lần đầu tiên anh đút lót thành công và rẻ như vậy.

Tác giả bài viết: Ngô Quý Dũng