CÁI NỒI CHÁY VÀ TÌNH YÊU
- Thứ bảy - 08/03/2014 00:22
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Tôi chỉ muốn các anh biết rằng, các anh là những người đàn ông sung sướng nhất quả đất vì những người phụ nữ quanh các anh rất giàu lãng mạn, đến nỗi chúng tôi sẽ lâng lâng trong hạnh phúc đến độ có thể làm được vô số thể loại “thơ” nếu các anh làm cái việc (lẽ ra) đương nhiên là của các anh – việc cọ cái nồi cháy”.
Minh họa: Internet
Cái nồi cháy thì liên quan gì đến tình yêu? Ô, thế mà có đấy! Người ta chẳng bảo: đường đến trái tim người đàn ông đi qua cái dạ dày còn gì? Thế thì các thể loại nồi niêu phục vụ cái dạ dày quá liên quan đến tình yêu ấy chứ, phỏng ạ?
Một lần, tôi chứng kiến bố mẹ chồng “đôi co” nhau trong bếp về một cái nồi cháy. Chả là trước đó, mẹ chồng tôi mải chơi với con cháu trong lúc nấu nướng nên quên mất nồi thức ăn sắp cạn trên bếp, kết quả là nó bị cháy khét. Thấy bà ngán ngẩm nhìn cái nồi vì sẽ phải mất công cọ rửa, tôi xung phong làm giúp (vì đã có thâm niên trong việc làm cháy nồi và rửa nồi cháy) nhưng bà quyết không cho con dâu nhúng tay, bảo rằng mẹ làm cháy nồi mà bắt con cọ thì vô lý quá!
Tôi biết năn nỉ mấy cũng không xong bèn đứng từ xa quan sát, định bụng sẽ chỉ cho bà vài mẹo cọ nồi để thể hiện tài vặt (dĩ nhiên là có tham khảo thêm ý kiến của người bạn thân Gúc-gồ). May mắn thay cho tôi, vì cái ý tốt theo dõi sát sao hòng giúp đỡ ấy mà tôi có dịp được chứng kiến một cảnh tượng xúc động và nảy ra cái liên tưởng có vẻ rất không liên quan giữa cái nồi cháy và tình yêu.
Mẹ chồng tôi ngâm cái nồi cháy để qua đêm, đến chiều tối hôm sau thì cặm cụi rửa. Trong lúc bà đang đánh vật với cái nồi, bố chồng tôi vừa đi làm về đến nhà thấy thế xắn tay áo lao vào giành, bảo: Em yêu, để đấy anh làm cho. Bà xua tay bảo thôi, vì ông đang bận quần áo chỉnh tề thế, dây vào làm gì cho bẩn ra. Ông ôn tồn nói: Em yêu, đây là việc nặng, để anh làm. Nghe xong câu đấy, mẹ chồng tôi lui ra nhường ngay việc cọ cái nồi bị cháy khét cho ông, không quên cảm ơn ông và nói với ông rằng: Em yêu anh.
Chắc cái lý lẽ rằng việc cọ cái nồi cháy là việc nặng nhọc của bố chồng tôi thuyết phục được mẹ chồng tôi ngay tắp lự vì bà thấy đúng là như thế thật. Còn tôi - người được sinh ra và lớn lên trong một xã hội có truyền thống coi việc xó bếp tủn mủn là việc của đám đàn bà con gái quanh quẩn góc nhà thì thấy cái lý lẽ ấy thật đáng yêu.
Tôi tin là bà tôi, mẹ tôi, các dì của tôi, em gái tôi và những người bạn gái của tôi đều nghĩ như tôi, nghĩa là tất cả chúng tôi đều không coi chuyện bếp núc là chuyện vất vả, nặng nhọc. Chính vì thế, cái lý lẽ của bố chồng tôi trở nên đáng yêu vì nó có vẻ không thực tế, mà chỉ là cái cớ được đưa ra để giành việc bếp núc với vợ, để bày tỏ sự quan tâm tới người phụ nữ của ông.
Tôi theo dõi mấy câu “đôi co” của bố mẹ chồng trong bếp và mỉm cười sung sướng như vừa được xem một cảnh tình tự thơ mộng trong phim ảnh mà mở tứ là chuyện cái nồi cháy và kết tứ là một câu yêu đương trìu mến. Hình ảnh bổ chồng cởi bỏ chiếc áo comple sau một ngày làm việc bận rộn ở công sở để chúi mũi vào việc cọ cái nồi cháy giúp mẹ chồng khiến tôi cảm động và vô cùng ngưỡng mộ ông cũng như tình yêu của ông bà – một cặp vợ chồng già đã sống với nhau 45 năm trời mà vẫn giữ được những tình tứ ngọt ngào như thuở ban sơ.
Nhưng khi nghĩ lại, tôi nhận ra tôi – kẻ đứng ngoài cuộc cọ rửa cái nồi đang thơ mộng hóa mọi chuyện theo cái nhìn của tôi, còn hai người trong cuộc là bố mẹ chồng tôi thì nhận thức thực tế khác hẳn cách tôi nhận thức. Đối với họ, việc cọ rửa cái nồi cháy đúng là việc nặng nhọc, và chuyện bố chồng tôi nhận lấy phần nặng nhọc ấy về mình là chuyện đương nhiên.
Hai ông bà hồi trẻ
Hai ông bà yêu nhau trong một sự phân công công việc đương nhiên như thế, trong sự tự nhiệm đương nhiên như thế, không cần đến bất kỳ sự cảnh vẻ, tô vẽ, lãng mạn nào. Và có lẽ, đó là bí quyết để cuộc hôn nhân của các cụ không chỉ sống sót mà còn đơm hoa kết trái hạnh phúc viên mãn sau bốn mươi lăm năm bên nhau.
Tôi không dám ngỏ ý gì với các đấng mày râu nước Nam ta, tôi chỉ muốn các anh biết rằng, các anh là những người đàn ông sung sướng nhất quả đất vì những người phụ nữ quanh các anh (cũng như tôi) rất giàu lãng mạn, đến nỗi chúng tôi sẽ lâng lâng trong hạnh phúc đến độ có thể làm được vô số thể loại “thơ” (thơ chữ nghĩa, thơ hành động, thơ ngôn từ, thơ cơ thể…) nếu các anh làm cái việc (lẽ ra) đương nhiên là của các anh – việc cọ cái nồi cháy.
Chúng tôi đã sẵn lòng mơ mộng, lẽ nào các anh không hào phóng chút công sức để cọ rửa một cái nồi hơi khó cọ? Và dù rằng, ngay cả trong những cuộc hôn nhân khỏe mạnh được tính bằng nhiều tháng năm bên nhau, chúng ta sẽ có vô số cái nồi cháy cần được cọ thì cũng xin các anh hãy nhận lấy cái trọng trách của mình để phụ nữ chúng tôi được dịp phát huy năng lực lãng mạn tiềm tàng, để những cuộc hôn nhân sẽ luôn giữ được màu hồng ngọt ngào của cánh thiệp cưới ngày cũ xưa xa lắc nào đó.
Cọ một cái nồi cháy để tiếp lửa cho hôn nhân, tôi tin rằng không có người đàn ông thông minh nào lại bỏ qua cái bí quyết đơn sơ ấy!