BẢN SẮC DÂN TỘC
- Thứ bảy - 22/12/2012 09:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Được mời dự đầy tháng con người bạn, tôi tất bật lo liệu để đúng 10 giờ sáng là xong hết việc và chuẩn bị đến dự liên hoan.
Minh họa: Trần Lê
Sắp đến nhà hàng nơi bạn tổ chức thì có tai nạn ngang đường, cả một dòng xe ùn tắc không di chuyển được. Thấy tôi sốt ruột nhấp nhổm không yên trên xe, đứa cháu lái xe động viên:
- Bác yên tâm, ở nhà đi ăn cỗ mọi người đi muộn lắm, không có ai đi sớm như bác đâu, chỉ có bác ở nước ngoài về mới đi sớm thế này. Cháu đảm bảo tan đám tắc đường này bác vẫn đến đầu tiên.
Tôi cáu:
- Thổ tả, người ta mời 11 giờ thì đúng 11 giờ phải có mặt, sao lại có kiểu đến muộn là thế nào?
Vừa cho xe nhích thêm một chút bám sát đuôi xe phía trước, thằng cháu tôi vừa nhếch mép cười:
- Ở nhà là vậy, riêng cỗ bàn đến sớm sợ bị gọi là tham ăn.
Dần từng mét, rồi xe tôi cũng đi qua chỗ tai nạn và thoát khỏi đám tắc đường. Rất nhanh thôi, chiếc xe đỗ xịch trước cổng nhà hàng, tôi nhìn đồng hồ: 11 giờ kém 5! Chưa bao giờ tôi đến chỗ hẹn sát giờ như thế này, thông thường bao giờ tôi cũng đến sớm trước mươi, mười lăm phút. Chào thằng cháu và hẹn hò nó giờ đón xong, tôi vội vã bước vào.
Gia chủ thấy tôi ai cũng hớn hở chạy ra tay bắt mặt mừng. Tôi cuống cuồng nói xin lỗi vì có tắc đường nên đến sát giờ quá thì gia chủ mỉm cười bảo không sao, mới có mấy người lớn tuổi trong nhà đến thôi. Bước vào trong, tôi thấy cỗ bàn đã bày kín phòng và quả thực, mới chỉ lác đác mấy ông bà già đang ngồi bàn ngoài uống nước, hút thuốc và trò chuyện tầm phào.
Tôi đứng lại nơi cửa nói chuyện cùng gia chủ, kim đồng hồ cứ nhích dần nhích dần và mười một rưỡi lúc nào không hay. Các cụ già, các bậc cao niên theo như lời gia chủ thì coi như đã đến đủ, nhưng đám thanh niên thì vẫn chỉ lác đác vài người, ai nấy túm năm tụm ba nói chuyện, mặc nhân viên khách sạn cứ ra vào quanh những mâm cỗ đã bày sửa soạn căn chỉnh.
Tôi sốt ruột nhắc gia chủ:
- Này, trên giấy mời nói 11 giờ bắt đầu, giờ 11 rưỡi rồi? Mấy giờ mới bắt đầu đây?
Gia chủ nhìn đồng hồ, rồi liếc sang đám thực khách, mặt nhăn nhó:
- Vâng, em cũng biết vậy nhưng giờ mới được nửa khách, còn thiếu nhiều lắm ạ.
Một cụ già từ trong đi ra:
- Hơn mười một rưỡi rồi, cho bắt đầu đi thôi cháu ạ, đám già cứ ngồi chờ đợi khổ thân các cụ lắm. Bắt đầu đi để các cụ ăn còn về nghỉ trưa.
Gia chủ nhìn đồng hồ, liếc nhóm các cụ tổ hưu rồi lại hướng ra khoảng sân rộng trước cửa nhà hàng:
- Vâng, có khi bắt đầu thôi, mọi người đến sau thì vào ăn luôn vậy.
Đám mừng đầy tháng được bắt đầu một cách tưng bừng, trang trọng với đủ lệ bộ, đúng là phú quí sinh lễ nghĩa. Tuy nhiên, phía dưới thì còn một nửa mâm cỗ trống chưa có người ngồi.
Thực khách bắt đầu ăn và thi thoảng lại thêm một vài người đến nữa, ai đến sau cứ thế được xếp vào những mâm trống, mâm nào đủ người thì bắt đầu ăn, mâm nào chưa đủ thì lại ngồi tán gẫu chờ có thêm người đến.
Rồi mâm tôi cũng xong, ra bàn uống nước và ngay cả lúc này, vẫn có mấy cô gái trẻ váy áo xúng xích, đẹp đẽ như đi dự hoa hậu bước vào.
Vô tình liếc thấy một anh bạn quen cũng ở nước ngoài về thăm nhà, tôi bức xúc “phản ánh” chuyện trễ giờ. Thì anh rất điềm nhiên bảo:
- Cậu ít về nên cảm thấy vậy thôi, Việt Nam giờ cao su, “bản sắc dân tộc” mà. Tớ quen rồi, cứ trừ hao nửa tiếng là vừa, chả sao cả…
Định phê bình anh ở Tây nửa đời mà vẫn “tác phong tiểu nông”, nhưng rồi tôi phải nhường lối cho một toán trung niên khá đông ào ào đi vào, cười nói vui vẻ và chiếm luôn một bàn. Gia chủ có vẻ mệt mỏi, nháy tôi cho biết, họ cố tình chờ nhau thành nhóm cho đủ bàn luôn…
Tôi mỉm cười gượng gạo với gia chủ, ừ, thôi thì nhập gia đành tùy tục vậy.