BÀ ĐỒNG NÁT
- Chủ nhật - 25/01/2015 16:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Con ơi, cuộc đời của con sung sướng ngay từ lúc ở trong bụng mẹ, con không biết khổ sở và đói bụng là như thế nào. Bà này đang ở tổ quốc của bà, một đất nước nghèo, bà kêu khách để bán hàng kiếm tiền ăn, nếu con không thích thì con cứ về nước thì bà sẽ không sang Hungary làm phiền con đâu”.
Minh họa: Internet
Tháng 9-1979. Lần đầu tiên sang Việt Nam - một đất nước hoàn toàn xa lạ, không quen biết - nên một cô gái Châu Âu là tôi cũng có nhiều chuyện bực mình.
Buổi sáng đầu tiên đến Hà Nội, sáng sớm vẫn còn rất mệt mỏi do chênh lệch giờ giấc thì vào tầm sáu giờ, lúc đang còn ngủ rất ngon lành tự nhiên ngoài phố Tôn Thất Thiệp có tiếng người nói to: “Lông gà, lông vịt, dép nhựa hỏng bán đê...”. Lúc đấy tôi chưa hiểu ý nghĩa của câu này và cũng không biết ai “kêu” vào lúc sáng sớm nên cảm thấy rất bực bội.
Sáng hôm sau lại có tiếng “kêu” và cả sáng hôm sau nữa. Tôi chưa hiểu ai “kêu” lung tung thế này nên đến ngày thứ năm, thứ sáu, vừa thức dậy trên giường xong tôi chạy đến cửa sổ để nhìn xuống xem ai “kêu”, thì thấy một bà già đội nón, mặc quần lụa đen, chân đất gánh hàng rong. Chính bà “kêu”. Tôi hỏi mẹ: “Sao bà này không thể đi phố khác được mà cứ phải qua nhà mình “kêu” to, điếc hết cả tai”.
Mẹ mỉm cười trả lời: “Con ơi, cuộc đời của con sung sướng ngay từ lúc ở trong bụng mẹ, con không biết khổ sở và đói bụng là như thế nào. Bà này đang ở tổ quốc của bà, một đất nước nghèo, bà kêu khách để bán hàng kiếm tiền ăn, nếu con không thích thì con cứ về nước thì bà sẽ không sang Hungary làm phiền con đâu”.
Tôi đứng lặng im và thấy mẹ nói cũng có lý. Từ giờ phút đó tôi nhìn bà ấy bằng một con mắt khác. Và, lúc bắt đầu biết nói vài câu tiếng Việt, chính tôi là người đầu tiên xuống phố để gặp bà, đưa cho bà tất cả những hộp bia mà hôm trước khách đã uống hết rồi để lại, và còn đưa thêm cho bà vài đồng để đi ăn bát phở.
Sau một thời gian tôi và bà đã trở thành bạn, bà kể nhiều chuyện cho tôi nghe. Bà đã tám mươi mốt tuổi rồi, chồng và ba đứa con trai bà hy sinh ở miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ nên bà sống độc thân. Bà rất thấp, gầy còm, có bộ răng đen, miệng lúc nào cũng nhai trầu cau... lúc đầu tôi thấy bà rất xấu nhưng càng thân với bà thì tôi càng thấy bà có cái gì rất có duyên và dễ thương.
Cứ sáng nào cũng qua nhà tôi “kêu” và “làm phiền” tôi suốt năm năm trời nhưng sau những bức xúc ban đầu, tôi đã trở nên rất quen thuộc và yêu mến bà. Một hôm tôi chuẩn bị một gói quà để trước khi về nước tặng bà làm kỷ niệm. Cứ đứng ở cổng chờ mãi nhưng không thấy bà đến nữa. Hôm sau cũng vậy nên tôi chạy sang hàng xóm hỏi xem bà Nghĩa bị sao.
Chú Thuận nhìn tôi một cách ngạc nhiên hỏi: “Thế mày chưa biết à? Hôm kia bà Nghĩa bị xe máy đâm chết”. Tôi đứng hết hồn, hết hồn... hai giọt nước mắt chảy dài hai gò má... và trong trái tim thấy trống rỗng vì biết sẽ không được nghe những tiếng “kêu” và làm phiền của bà “Lông gà, lông vịt, dép nhựa hỏng bán đê...” nữa. (*)
(*) Tác giả bài viết, chị Sebők Ildikó (tên Việt là Hà Thị Kim Liên) tốt nghiệp khoa Tiếng Việt Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là phiên dịch tiếng Việt tại Hungary.