Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĂN

(NCTG) “Ăn thuộc về một trong những nhu cầu cơ bản và trên nó còn biết bao thứ nhu cầu bậc cao nữa như an toàn, xã hội, tự trọng…., mà đỉnh cao nhất là nhu cầu tự khẳng định mình. Đành rằng ăn là điều rất quan trọng, văn hóa ẩm thực rất phải nâng niu nhưng chả nhẽ cứ miệt mài ăn, quanh quẩn cái ăn suốt?”.
Ăn uống luôn là nét đặc thù của Việt Nam
Mùng 5 Tết, tôi theo các bạn từ Hà Nội và Sài Gòn đi du xuân. Sau ba tiếng len lỏi vất vả trên đường cao tốc, với mọi kiểu lách vượt gian gian khác nhau, chúng tôi đã tới được Vũng Tàu. Uống vài hớp nước, làm một trận tennis giữa trời nắng chang chang, cả đội đã đói meo. Kéo nhau đi tìm quán ăn.

Anh bạn thổ dân Vũng Tàu rất thạo, đã dứt khoát ngay từ đầu: giờ này không thể ra những chỗ tên tuổi như Gành Hào, Lan Rừng… được, vì những ngày đầu xuân này, tranh được cái chỗ đỗ xe có khi cũng đánh nhau vỡ đầu chứ đừng nói chuyện ăn. Vậy ta ra quán nho nhỏ chén.

Quán đầu tiên, nhìn từ xa đã thấy người trong ngoài kín mít, cả đội đi tiếp. Quán thứ hai, chúng tôi đỗ lại, anh chủ quán phán đanh: “Các bác có đợi được một tiếng thì đợi nhé”. Đến quán thứ ba, nghe tin chỉ phải đợi có nửa tiếng, cả đội mừng hú, quyết định chờ. Đứng ngoài vỉa hè, nghe tiếng mọi người ăn rào rào trong quán, như tằm ăn rỗi, đã đói lại càng đói thêm.

Kiên trì dẫn tới thành công, cuối cùng chúng tôi cũng phắt ngay được một bàn người ta vừa đứng dậy. Anh bạn tôi dõng dạc: “Em ơi, dọn nhanh cho anh cái bàn”. Em dạ một câu ngọt sớt. Rồi em mang một chiếc khăn lau tới, với động tác thuần thục, em gạt ba phát trên bàn. Tất cả những giấy ăn vò quăn, ít cọng rau, xương cá, xương sườn, cơm rụng, tăm xỉa rồi…. biến vèo khỏi bàn, rơi hết xuống đất.

Một cọng bún và miếng thịt bạc nhạc suýt rơi vào giầy tôi, may mà nhờ phản ứng nhanh của con nhà võ, tôi kịp rút chân ngay, tránh tai họa. Rồi vẫn cái khăn màu đen xỉn ươn ướt ấy, em nó lau qua lau lại cái bàn. Chỉ trong loáng mắt, mặt cái bàn nhựa trông cũng có vẻ sạch sẽ.

Nhưng cái thằng giàu trí tưởng tượng như tôi lại cứ nhìn mặt bàn bóng lên, như mới được tráng mỏng một lớp hỗn hợp chất mới tinh, được pha trộn bởi nước, mỡ, nước mắm, dấm, canh và muôn vạn các loại thức ăn khác đã rơi xuống bàn từ sớm tới giờ, vì thấy em lau xong vứt đánh bộp chiếc khăn đó vào góc, rồi nửa tiếng sau em lại dùng nó lau cái bàn khác, không qua một quá trình tráng rửa nào.

Rồi em khác mang chồng bát ra, vứt một đống đũa xuống bàn, chúng tôi tự chia nhau, đông thế này, ta thông cảm vậy. Lại tưởng tượng một lần nữa, mấy cái bát , đũa này có khi dọn xong của bàn trước vào, họ chỉ lau quàng rồi lại đem ra, thời gian đâu mà rửa.

Mà cũng khổ, áp lực vô cùng lớn. Quanh các bàn thì khách quát giục ầm ầm, giữa quán thì bà chủ hét oang oang, người chờ ở ngoài đường thì liên tục trút “những ánh mắt mang hình viên đạn” vào, giục chỗ, cộng thêm cái hoàn cảnh của các em, mấy ngày tết đã không được về quê ăn tết, phải hầu mấy thằng thành phố xuống ăn chơi, xì trét quá nặng nề.

Còn ở trong bếp họ nấu nướng ra sao, rau có nhặt không, thịt có rửa không, anh bếp có lau tay không, eo ơi không dám lơ mơ nghĩ đến nữa. Vậy mà đói quá, đội nhà có vài phút cũng đánh vèo hết bữa cơm bình dân với rau xào, thịt kho, canh chua, trong khi ở nhà anh nào tủ lạnh cũng ngất ngưởng toàn sơn hào hải vị Tết ăn mãi chưa hết.

Trước khi tới quán, mấy chị em Hà Nội vào đã lần mò tới một quán bánh khọt nổi tiếng Vũng Tàu, quyết tâm nếm đặc sản nổi tiếng của vùng này. Ai dè quán bánh khọt cũng đông kinh khủng, chị chủ hẹn một tiếng sau quay lại, chắc có chỗ. Đúng một tiếng sau, mấy chị em thành phố hí hửng quay lại. Quán vẫn đông như cũ.

Một bạn nhanh nhẹn nhất đội quyết định dùng “nhẹ nhàng kế”, thủ thỉ với chị chủ quán: “Em ơi, đúng 9 giờ tối máy bay của chị bay ra Hà Nội rồi, thông cảm cho chị nếm ít bánh khọt đi”. Chị chủ quán tay vẫn thoăn thoắt đếm tiền, mặt tỉnh bơ: “Chị bay Hà Nội hay Lạng Sơn, chuyện của chị, chị có ráng chờ được khọt thì chị có bánh ăn, không thì em chịu”.

Bực nghẹn cả cổ, bình thường là xắn quần, nhẩy xổng, chỉ mặt, dạy cho nó một bài nửa tiếng về “nghi thức tiếp tân và ứng xử ngoại giao” lâu rồi, nhưng thôi nghĩ ta đang du xuân, chị Hà Nội đành nuốt bực, quay ngoắt sang em bán mít ngồi đầu vỉa hè, lệnh: “Có bao nhiêu mít, đóng gói bán hết cho chị, chị ăn mít thay bánh khọt”.

Em bán mít vừa vét rổ mít, chắc vừa lẩm bẩm “ơn giời, ơn bà bánh khọt, hôm nay mình bán sạch rổ, lộc xuân đã đến rồi”. Của đáng tội, quán bánh khọt này cũng có tên tuổi, người ta xếp hàng ăn đông nườm nượp thật. Thoáng nhìn cục tiền chị chủ đếm, có lẽ đến cả trăm triệu, trời thì mới quá trưa.

Vâng ạ, chả phải lập công ty, phòng, ban bệ với bao chương trình quản lý đời mới cùng các nhân viên cử nhân, thạc sĩ rườm rà, chị bánh khọt mới học hết lớp năm, chăm chỉ và khéo léo, doanh thu dăm tỷ một tháng, vượt mặt khối anh “đại gia” khác.

Trên đường về, đang ngủ gật gù thì giật mình thấy tấm bản sáng quắc trên tuờng một ngôi nhà hoành tráng giữa Sài Gòn: “VIỆN GÚT”. Lại liên tưởng tới bữa ăn rào rào vừa xong. Gần 30 tuổi, tôi mới nghe cái bệnh Gút lần đầu, vậy mà bây giờ cái bệnh nó có chỗ đứng cao tới mức người ta phải lập viện.

Còn mỡ máu, tiểu đường, huyết áp cao, rối loạn tiêu hóa…. cũng lần mò biến thành “quốc bệnh”, những cái bệnh mà ít ai biết tới ở cái thời bao cấp nghèo đói ngày nào.

Mà cũng lạ, mới sau Tết, sau những ngày tất niên, tân niên, cúng giỗ với đầy thức món ngon lạ để dành cho Tết, tôi thấy tối tối các quán ăn nhậu đã chật ních người, từ các quán bình dân vỉa hè với những tiếng “dzô dzô” vang dội tới các quán sang trọng máy lạnh, kính mát với tiếng chạm lanh canh của cốc pha lê, rượu sâm-banh, đâu đâu cũng thấy ăn và ăn rồi lại ăn.

Nghĩ quẩn thấy tiếng Việt mình cũng hay, cái chữ “ăn” có mặt trong rất nhiều từ, ăn tết, ăn hỏi, ăn cưới, ăn đầy tháng, ăn cắp, ăn hối lộ, ăn cướp, ăn gian, ăn xin…

Theo thuyết tháp nhu cầu của nhà tâm lý học Abraham Maslow, ăn thuộc về một trong những nhu cầu cơ bản (basic needs) và trên nó còn biết bao thứ nhu cầu bậc cao nữa như an toàn, xã hội, tự trọng…., mà đỉnh cao nhất là nhu cầu tự khẳng định mình. Đành rằng ăn là điều rất quan trọng, văn hóa ẩm thực rất phải nâng niu nhưng chả nhẽ cứ miệt mài ăn, quanh quẩn cái ăn suốt?

Hay có thế lực thù địch nào đó muốn dìm ta cứ ăn căng cứng bụng thôi, không quan tâm tới gì khác nữa?

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Ngô Quý Dũng, từ Budapest - Ngày 24-2-2016