Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VỤ ZSANETT: TỰ CÔ GÁI MUỐN QUAN HỆ VỚI TOÁN CẢNH SÁT?

(NCTG) "Ý kiến giám định có hàm chứa một phần cho thấy Zsanett không nổi tiếng [về đức hạnh] như phụ nữ Anh Quốc" - ông Magyar György, luật sư bào chữa cho một nghi can trong vụ Zsanett, phát biểu như vậy trong chương trình Klubrádió Kontra tối thứ Sáu 31-5-2007.

Tối hôm đó, kênh truyền hình RTLKlub phát chương trình về vụ Zsanett và đề tài được nhắc tới là ý kiến giám định về Zsanett của các nhà tâm lý học (mới được công bố ngày thứ Năm qua). Ông Magyar György, luật sư bào chữa cho một cảnh sát bị tình nghi là tòng phạm, đã có lời phát biểu trên khiến truyền thông Hung cho rằng, phải chăng, đây là một bước mới trong vụ án Zsanett: bên bào chữa sẽ viện cớ Zsanett là gái mại dâm hoặc lẳng lơ để biệt hộ cho hàng vi cưỡng bức tính dục (giả định) của các thân chủ họ?

Một luật gia được tờ báo điện tử [index] phỏng vấn, cho rằng trong phiên xử, một luật sư có thể nói bất cứ điều gì về "phía bên kia", nhưng trong các phát biểu với báo chí, đạo đức nghề nghiệp buộc họ chỉ được tuyên bố về thân chủ của họ, chứ không được đưa ra nhận xét này nọ về "bên kia". Về câu nói của ông Magyar, vị luật gia này cho rằng nó có thể làm tổn hại danh dự và "tiếng thơm" của người khác, bởi lẽ nó ám chỉ Zsanett là kẻ phi đức hạnh. Mặt khác, với những khẳng định như thế, ông Magyar có thể còn làm hại cho chính thân chủ của ông, một cảnh sát đang bị tình nghi tội "biến chất".

Luật sư Tuza Péter của Zsanett bình luận khi nghe tin này: "Từ đầu đến giờ, tôi thực hiện mọi điều theo đạo đức nghề nghiệp của một luật sư. Tuy nhiên, một số luật sư bào chữa cho các nghi can đã có những tuyên bố không hay ho về thân chủ của tôi, có điều, tôi không muốn thay đổi quan điểm trước nay của tôi, tôi cảm thấy mình không xứng để phải làm như vậy".

Trả lời tờ [index], ông Magyar György biện bạch: đúng là ông đã nói như vậy, nhưng không thể "ngắt" câu nói ấy khỏi ngữ cảnh của nó. Thân chủ của ông - cho đến giờ - là người duy nhất trong số 5 nghi can đồng ý để qua máy kiểm tra nói dối. Theo ông Magyar, người cảnh sát này ngồi trên xe từ đầu đến cuối, có thể anh ta còn... ngủ gật nên không hề có tiếp xúc gì trực tiếp với Zsanett. Trong chương trình TV đã nhắc tới ở trên, khi người dẫn chương trình hỏi "có thể Zsanett tự động... hiến thân cho cảnh sát không?", thì ông Magyar mới đáp: "Đã có những trường hợp mà hóa ra, chính những nạn nhân đã đồng tình với việc họ bị cưỡng bức". Và sau đó, ông nói thêm nhận xét ám chỉ "đức hạnh" của Zsanett. Luật sư Magyar György cho biết: ông không thấy có gì đáng trách ở nhận xét ấy - mà ông coi là một nói hóm hỉnh -, tuy nhiên nếu nó khiến bất cư ai phiền lòng thì ông có thể rút lại câu nói đó một cách công khai.

Tờ [index] đặt câu hỏi: tự nhiên lại nói đến chuyện "đức hạnh" của Zsanett ở đây, phải chăng bên bào chữa - như trong nhiều trường hợp khác - muốn "phản công": từ bước đầu phủ nhận sự hãm hiếp, họ chuyển sang khẳng định Zsanett muốn chuyện tính dục? Vì nếu chỉ đơn thuần là chuyện kiểm tra giấy tờ thì liên quan gì đến "đức hạnh" của Zsanett? Ông Magyar đáp: "Có thể bào chữa theo kiểu này, kiểu khác. Trong những vụ tình nghi cưỡng bức tính dục, nhiều khi về sau lại sáng tỏ là không hề có chuyện cưỡng bức".

Như vậy, bên bào chữa - lợi dụng quyền của mình - có thể đưa ra câu chuyện Zsanett đã đồng tình "thông dâm" với toán cảnh sát, nghĩa là không có sực cưỡng bức. Để tránh những lý luận kiểu như thế, chính phủ Vương quốc Anh đã đưa ra một chỉ dẫn (được Tổ chức Ân xá Quốc tế - AI - trích dẫn lại trong một tờ trình mới đây). Theo đó, nếu nạn nhân phải chấp thuận để bị làm nhục do bị dọa dẫm, cưỡng bức, hoặc do bị bắt cóc, bị giam cầm bất hợp pháp và do đó, có thể bị hành hung hoặc không thể cưỡng lại được, thì cũng phải coi đó là một hành dộng cưỡng bức về phía những thủ phạm.

Trong khi đó, luật pháp Hungary đòi hỏi khi bị cưỡng bức, người phụ nữ phải kháng cự thể xác (theo Zsanett, cô cũng kháng cự) để "được" coi là bị bạo hành tính dục. Đó là điều rất khó và nặng nề đối với nạn nhân, như lời một thảm phán Hung mà AI đã trích dẫn trong báo cáo trên: "Đã 20 năm nay tôi làm thẩm phán, song phải thành thật mà nói rắng nếu bị cưỡng bức, tôi cũng sẽ không trình báo. Mọi thứ đều rất khó khăn, từ các thủ tục rườm rà nhiêu khê đến quan niệm của xã hội. Tự nạn nhân phải bảo vệ và chứng tỏ mình..."

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo [index]