VIỆT NAM DƯỚI MẮT MỘT TRÍ THỨC HUNGARY
- Thứ sáu - 19/11/2004 22:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Chúng ta biết gì về Việt Nam? Về phần mình, phải nói là hầu như tôi chả biết gì!”, học giả Hungary Szerdahelyi István chia sẻ.
Có người Hung còn tưởng cuộc chiến Việt Nam chưa chấm dứt - Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Lời Tòa soạn: Trong ba thập niên trước biến cố 1989, Việt Nam và Hungary đã duy trì mối quan hệ rất mật thiết về văn hóa, chính trị và ngoại giao; một thời gian dài, các sự kiện diễn ra ở Việt Nam được đài báo Hung cập nhật và tường thuật thường xuyên.
Nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam cũng đã được chuyển ngữ sang tiếng Hung và vào thời đó, người dân Hung - với mức hiểu biết trung bình - cũng có khá nhiều thông tin về Việt Nam.
Tuy nhiên, điều này đã thay đổi hoàn toàn sau khi Hungary thay đổi thể chế chính trị. Đại đa số dân Hung hiện tại, có lẽ chỉ biết đến Việt Nam qua những bộ phim Mỹ (về đề tài chiến tranh Việt Nam), khá ngô nghê và hàm chứa nhiều xuyên tạc.
Lớp trẻ, có người còn tưởng Việt Nam chưa... thống nhất (như trường hợp Nam - Bắc Hàn). Cư dân các thành phố lớn thường chỉ có ấn tượng với người Việt thông qua những dịp tiếp xúc ở các chợ trời xô bồ!
Bài viết sau đây của nhà nghiên cứu văn học Hung Szerdahelyi István (1934-) - đăng trên số đặc biệt về Việt Nam của tờ nguyệt san văn học, nghệ thuật và phê bình xã hội “Ezredvég” (tháng 9-1995) - cho thấy cái nhìn khá đặc biệt của một trí thức Hung về Việt Nam thời “hậu đổi mới”.
Szerdahelyi István là một học giả, một nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng, chủ biên bộ “Đại tự điển văn học thế giới” của Hung (gồm 18 tập, dày hơn 15.000 trang khổ lớn, được coi là bộ tự điển văn học đồ sộ nhất trên thế giới, được biên soạn trong vòng 30 năm (1966-1996), với sự tham gia của hơn 1.500 chuyên gia nổi tiếng).
“Đại tự điển văn học thế giới” đã dành cho nền văn học Hungary những vị trí rất trang trọng, với rất nhiều mục từ về các tác giả, tác phẩm của Việt Nam. Trên cương vị “thủ lĩnh” nhóm thực hiện tự điển, hẳn khôn thể nói được rằng, ông Szerdahelyi István là người hoàn toàn không có thông tin về Việt Nam.
Tuy nhiên, qua bài viết của ông, có thể thấy rằng: trong khi “chờ” hai nhà nước Việt Nam và Hungary có những bước tiến ngoạn mục hơn nữa trong việc (tái) “tìm hiểu lẫn nhau”, bản thân chúng ta, những thành viên của cộng đồng Việt Nam tại Hungary, cũng có thể làm gì đó để người dân sở tại biết, và hiểu chúng ta hơn.
Phải chăng, hiệu quả, bền vững và dài lâu nhất, vẫn là phải “tự thể hiện mình” bằng văn hóa? (BBT)
CHÚNG TA BIẾT GÌ VỀ VIỆT NAM?
Về phần mình, phải nói là hầu như tôi chả biết gì. Qua tin tức trên báo chí, người ta còn nhớ đến tên một số địa danh, nơi đã xảy ra những trận kịch chiến: Điện Biên Phủ, Đà Nẵng.
Qua “Truyện Kiều”, tác phẩm cổ điển của Nguyễn Du, và qua “Một người Mỹ trầm lặng” của Graham Green, tôi có những ấn tượng sách vở về những ngôi chùa cổ đầy thi vị và hương hoa, và về những vụ mưu sát bằng bom mìn thời hiện đại.
Tôi được nghe là Bác Hồ, chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đi xe đạp đến công sở và làm thơ bằng chữ Hán, cũng như - là một người nghiên cứu thi ca - tôi biết niêm luật, âm vận trong thơ ca truyền thống Việt Nam.
Ngoài ra, tôi còn được coi hàng tá phim Mỹ về chiến tranh Việt Nam và như thế, tôi biết chính xác là Hollywood hình dung ra sao về cuộc chiến trong rừng rậm nhiệt đới.
Nhưng, thử hỏi, cuộc tàn sát hàng loạt đã hủy diệt đất nước này trong vòng ba thập niên từ 1945 đến 1975, đã diễn ra như thế nào trong thực tế?
Người châu Âu chúng ta coi “Cuộc chiến 30 năm” thế kỷ XVII như một trong những đại biến động kinh khủng nhất của lịch sử. Mặc dầu, so với cuộc chiến Việt Nam diễn ra với những phương tiện sát nhân tối tân nhất, thì chuỗi ẩu đả vụn vặt bằng phương tiện sơ đẳng ấy - kiếm chọi kiếm, súng hỏa mai thô sơ châm ngòi phía trước - có là gì?
Chỉ riêng lính Mỹ đã đổ 7 triệu 800 ngàn tấn bom xuống đất nước Việt Nam, hơn gấp đôi lượng bom mà trong Thế chiến thứ Hai, quân đội Đồng minh giáng xuống một diện tích trải dài từ Nhật Bản đến Stalingrad.
Không chỉ hai phần ba những khu dân cư biến thành đất vụn mà hơn một phần tư rừng rú nước này cũng bị tiêu hủy; hai triệu rưởi dân bị thiệt mạng và gần ba triệu người bị thương tật.
Những dữ kiện, số liệu thống kê. Và đối với chúng ta, những từ ngữ của thời kỳ hậu chiến còn khó nắm bắt hơn cả những thống kê. Ở Việt Nam, người ta đưa vào thực thi “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”. Cách đây không lâu, tôi được đọc bài viết của một tác giả rất khuynh tả, rằng khái niệm nói trên là chẳng khác chi một thứ động cơ vĩnh cửu.
Có thể điều đó đúng về mặt lý thuyết. Nhưng ở chỗ khác, tôi lại được đọc rằng thứ động cơ ấy - dù vĩnh cửu hay không - vẫn có hiệu quả trong thực tế: dù sao đi nữa, nó cũng đã chấm dứt tệ lạm phát và nâng tỉ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm lên tới 8%; Việt Nam, đất nước ngày xưa từng khốn khổ vì nạn đói, nay đã đứng hàng thứ ba trong số các quốc gia xuất khẩu gạo.
Việt Nam có diện tích hơn 85 ngàn cây số vuông, dân số đông hơn Vương quốc Anh 18 triệu. Vậy mà đất nước này vẫn nằm ngoài “tầm nhìn” của chúng ta và chúng ta chỉ có những khái niệm mờ nhạt, ấu trĩ về nó. Có điều, ở nơi khác, cái tầm nhìn này cũng rất khác biệt với thứ mà chúng ta có.
Nhờ ông cụ tôi - đến cuối đời ổng mang quốc tịch Hoa Kỳ - trong những năm 70 có bận tôi qua đảo Bali và ở bờ biển, một thanh niên (tự nhận là sinh viên đại học) muốn gạ tôi mua mấy viên đá trang sức trông rất đáng ngờ. Tôi bảo anh ta rằng tôi từ Hung qua, tôi không có xu nào để mua những thứ này.
- Hung ở đâu vậy? - anh ta hỏi, vẻ thất vọng.
- Cạnh biên giới phía Tây của Liên Xô - tôi đáp, hơi phật ý vì niềm tự hào dân tộc [bị tổn thương], và tin rằng khi nhắc đến một siêu cường và tính chất “Tây”, uy tín nước ta sẽ tăng tiến trong mắt chàng thanh niên.
- Ồ, Liên Xô, Liên Xô... - chàng ta ngẫm nghĩ, rồi nét mặt sáng lên: - À, cái nước Liên Xô ấy ở cạnh Tiệp Khắc chớ gì!
Dạo đó, những rung động cuối cùng của cuộc đổ bộ [của khối Hiệp ước Warszawa] vào Tiệp Khắc vẫn còn chưa dứt và như thế, tại đường chân trời của đảo Bali - nơi đại đa số là dân Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam cư ngụ - sự tồn tại của Liên Xô gắn liền với cái vòng liên tưởng này.
Có thể, trong mắt của kẻ khác, thế giới quan của chúng ta cũng là thứ kỳ dị mang tính giai thoại như kiểu này chăng?