Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“VE VÃN” TRUNG QUỐC, ĐÔNG - TRUNG ÂU ĐƯỢC LỢI GÌ?

“Đối với Hungary, đây là hai ngày quan trọng”, Thủ tướng Orbán Viktor phát biểu vào tối hôm qua, thứ Ba 28-11, về cuộc Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 tổ chức tại Budapest, quy tụ sự có mặt của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc và 16 nước thuộc khu vực Đông - Trung Âu và Balkans.
Thủ tướng Hungary Orbán Viktor đón tiếp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại quảng trường Kossuth. Budapest, ngày 28-11-2017 - Ảnh: Koszticsák Szilárd (MTI)
Nghe bản audio tại đây.

Ông Orbán cũng đánh giá rằng, đây là kỳ thượng đỉnh lớn thứ 4-5 trong số các cuộc gặp mặt quốc tế mà thủ đô của Hungary có dịp đang cai từ năm 1990 trở đi, và khiến Budapest phải “đối mặt với những thử thách lớn về hậu cần”, ám chỉ việc giao thông tại đây bị đình trệ trong vài ngày.

Tuy nhiên, chưa rõ là kỳ thượng đỉnh được biết đến với cái tên 16 + 1 này mang lại những kết quả gì trong thực tế, ngoại trừ việc Hungary và vài nước lân cận lao vào một thương vụ đầu tư hết sức đắt đỏ và dường như vô nghĩa, sẽ ảnh hưởng rất lâu dài tới tương lai nước Hung.

Mục tiêu của các bên

Cách đây 6 năm, Bắc Kinh thử nghiệm việc thiết lập mối quan hệ kinh tế và chính trị mới với các nước trong vùng Đông - Trung Âu và lân cận, khu vực được coi là nằm giữa Tây Âu và vùng ảnh hưởng của Liên bang Nga. Hội nghị Thượng đỉnh 16 + 1 thường niên hình thành từ đó.

Đề xướng của Trung Quốc, trên nguyên tắc, đặt mục tiêu củng cố mối quan hệ kinh tế với các nước có liên quan, bên cạnh đó phát triển thêm sự hợp tác trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo và văn hóa. Đương nhiên, phía Bắc Kinh không hề có ý “làm từ thiện” ở đây.

Đơn thuần, mối quan hệ giữa Trung Quốc và đối tác truyền thống ở Châu Âu - là các nước Tây Âu - đã chững lại và suy giảm nhiều từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, nên nước này muốn hướng về một thị trường tiềm năng còn chưa được khai phá, vùng Đông - Trung Âu.

Không phải ngẫu nhiên mà bên cạnh cuộc gặp mặt của các vị thủ tướng, diễn đàn doanh nghiệp với sự hiện diện của hàng ngàn doanh nghiệp Trung Quốc và Đông - Trung Âu rất được quan tâm, với hy vọng đôi bên có được sự hợp tác trong tương lai, tận dụng sự “thông thoáng” của chính trị.
 
Tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6. Budapest, ngày 27-11-2017 - Ảnh: Kovács Tamás
Tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6. Budapest, ngày 27-11-2017 - Ảnh: Kovács Tamás

Đương nhiên, Trung Quốc không chỉ quan tâm tới việc dùng nguồn vốn đầu tư hết sức dồi dào để “nhử” Đông - Trung Âu trong mối quan hệ kinh tế đôi bên. 16 + 1 được coi là một dự án cá nhân của Thủ tướng Lý Khắc Cường, và là sự bổ sung cho sáng kiến “Nhất đới - Nhất lộ” của họ Tập.

Vì thế, cho dù tầm ảnh hưởng của Lý Khắc Cường có phần thuyên giảm trước Tổng bí thư đảng Tập Cận Bình sau kỳ Đại hội tháng 10 vừa qua, nhưng cả việc bắt tay với Đông - Trung Âu về kinh tế, lẫn ý tưởng “Con đường tơ lụa” của thế kỷ 21, đều là mưu toan bành trướng chính trị của Bắc Kinh.

Tiền Trung Quốc ở đâu?

Tuy nhiên, trái ngược với sự hồ hởi của giới lãnh đạo Hungary và truyền thông thân chính phủ, một câu hỏi được đặt ra trước và sau kỳ Hội nghị: nguồn vốn Trung Quốc ở đâu, sau những lời lẽ có vẻ rất khả quan của các vị thủ tướng? Kết quả hợp tác cụ thể ra làm sao, sao không thấy?

Báo chí Hungary nhắc lại, khung tín dụng Trung Quốc - Hung trị giá 1 tỷ USD mà hai nước thỏa thuận từ năm 2011 trong kỳ Thượng đỉnh đầu tiên cũng ở Budapest, tới giờ vẫn chưa hề đi vào sử dụng. Nhiều thương vụ đầu tư 6 năm sau khi được tuyên bố về mặt chính trị cũng chưa được khởi động.

Về mặt ngoại giao, việc Hungary và 15 nước khác trong vùng có trao đổi thường niên về kinh tế với Trung Quốc được coi là một thành niên, nhưng thực sự tới giờ chưa có kết quả cụ thể gì. Những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư Trung Quốc đổ vào Đông - Trung Âu còn có phần thuyên giảm.

Một lý do, là phía Trung Quốc được coi là chưa hiểu tình hình và môi trường Đông - Trung Âu. Mô hình hợp tác của Trung Quốc ở nhiều nước Á, Phi là nước này cho vay tín dụng với lãi suất thị trường để phát triển hệ thống hạ tầng, và các dự án đầu tư đều do các công ty Trung Quốc thực hiện.
 
Hội nghị Thượng đỉnh khiến giao thông Budapest bị đình trệ trong vài ngày - Ảnh: Mónus Márton (MTI)
Hội nghị Thượng đỉnh khiến giao thông Budapest bị đình trệ trong vài ngày - Ảnh: Mónus Márton (MTI)

Tuy nhiên, tại các xứ Đông - Trung Âu đã là thành viên Liên Âu và có độ phát triển ở mức tương đối, mô hình trên không hấp dẫn, vì tại đó có thể tiếp cận nguồn hỗ trợ không hoàn lại của Liên Âu. Ngược lại, thị trường của từng nước cũng chưa đủ lớn để thu hút Trung Quốc nhất thiết tung tiền vào.

Điều đó có vẻ cũng được xác nhận bởi việc truyền thông chính thống của Trung Quốc không mấy quan tâm và để thời lượng không đáng kể cho kỳ Thượng đỉnh lần này. Cho dù, nước đăng cai Hungary những năm qua đã làm hết những gì có thể, kể cả cầu cạnh, để xích lại gần Trung Quốc.

Hungary: bắt tay bằng mọi giá với Bắc Kinh?

Một trong những biểu hiện cho nỗ lực dường như vô giới hạn ấy của Budapest, là lao vào dự án hiện đại hóa tuyến đường sắt cao tốc Budapest - Belgrade trị giá tối thiểu hơn 3 tỷ Euro, bị coi là hết sức đắt đỏ và không hề có giá trị sử dụng, có chăng chỉ lợi cho vận chuyển hàng hóa Trung Quốc.

Không hề đi qua các thành phố lớn, giá quá “khủng” và không phục vụ nhu cầu thực tế của Hung, siêu dự án này cũng đã bị đưa vào tầm ngắm của Liên Âu bởi sự quan ngại về tham nhũng và vi phạm các điều luật EU, khi nghiên cứu khả thi của nó bị phía Hung “mật hóa” trong vòng 10 năm.
 
Đó là chưa nói tới việc nguồn tín dụng của Trung Quốc không rõ lãi suất là bao nhiêu và có thể đẩy nước Hung vào cảnh nợ nần, khánh kiệt, các doanh nghiệp Hungary hầu như không có khả năng tham gia dự án này, tạo cảm giác Hungary đã thua ngay trên sân nhà khi trận đấu còn chưa mở màn.

Chính sách “Hướng Đông” (kết thân với Nga và Trung Quốc) được Thủ tướng Orbán Viktor coi là một trong bốn nền tảng của nền kinh tế Hungary, và từ 7 năm nay được ngoại giao Hung triệt để tuân thủ. Chính quyền Hung sẵn sàng xung đột với Liên Âu, Hoa Kỳ và Nhật để vừa lòng Trung Quốc.
 
Cả đám cảnh sát xông tới trấn áp một người biểu tình ôn hòa giương cờ Tây Tạng - Ảnh chụp màn hình
Cả đám cảnh sát xông tới trấn áp một người biểu tình ôn hòa giương cờ Tây Tạng - Ảnh chụp màn hình

Cũng để chiếm được thiện cảm của Bắc Kinh trong hồ sơ hợp tác kinh tế, vấn đề nhân quyền đã bị nước này gạt sang một bên. Chính quyền Hung thẳng tay dẹp một hai người biểu tình ôn hòa phất cờ đòi độc lập cho Tây Tạng, trái với mọi điều luật về quyền tự do biểu đạt của Hungary.

Hungary trở thành cửa ngõ của Trung Quốc” tại Châu Âu, hợp tác Trung Quốc - Đông - Trung Âu là “có đi có lại” và Sáng kiến “Một vành đai - Một con đường” được “đặt trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi” theo lời Thủ tuớng Orbán Viktor, nhưng báo chí độc lập của Hung vẫn phải đặt câu hỏi: lợi ở đâu?

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest