Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VẤN ĐỀ DÂN TỘC VÀ CĂNG THẲNG NGOẠI GIAO HUNG - RU XUNG QUANH MỘT NHÀ VĂN

Bê bối ngoại giao và căng thẳng chính trị mới nhất giữa hai nước Hungary và Romania đã diễn ra trong vòng hai tuần nay, liên quan tới việc Hungary muốn đưa tro cốt về quê hương và tái mang táng trọng thể một nhà văn, chính khách bị coi là có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan, ông Nyirő József.

Nhà văn, chính khách Nyirő József (1889-1853)


Đỉnh điểm của căng thẳng rơi vào Chủ nhật tuần qua, khi lễ tái mai táng phải bị đình lại do sự can thiệp cương quyết của chính quyền Romania, nhưng sự hiện diện tại hiện trường và những phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Hungary Kövér László đã như đổ thêm dầu vào lửa, khiến phía Romania hết sức bất bình.

Vậy Nyirő József là ai, có sự nghiệp như thế nào mà gần 6 thập niên sau khi mất, việc tái mai táng ông vẫn còn gây những sóng gió đến thế trong bang giao của hai quốc gia láng giếng, Hungary và Romania?

Nhà văn bị coi là có tư tưởng quốc xã kiểu Hungary

Sinh năm 1899 tại Székelyföld - vùng đất lịch sử thuộc Vương quốc Hungary thời xưa, sau bị sát nhập Romania năm 1919 - Nyirő là một tu sĩ Công giáo cho đến năm 30 tuổi. Sau khi mảnh đất nơi ông chào đời bị tách khỏi Hungary, ông phẫn uất, bỏ áo nhà tu và khởi nghiệp làm báo.

Những truyện ngắn của Nyirő József lập tức có tiếng vang, đoạt nhiều giải thưởng. Tập truyện ngắn “Người tạc tượng Chúa Jesus” (sáng tác năm 1924) của ông được ghi nhận trong nền văn học Hungary như một tác phẩm xuất sắc mà sau này chính ông cũng không vượt qua được.

Trên cương vị người cầm bút, Nyirő được biết đến như một nhà văn khắc họa sâu sắc tâm tư, tình cảm và những vấn đề định mệnh của dân nghèo vùng Székelyföld, trong cảnh bị tách rời với Quê mẹ Hungary. Một số tác phẩm tiêu biểu được ca ngợi đã khiến Nyirő trở nên một nhà văn, nhà báo có tiếng đương thời.

Tuy nhiên, không chỉ trong những sáng tác, Nyirő còn nuôi trong lòng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Đầu Thế chiến Thứ hai, phần đất bị sáp nhập cho Romania được trao trả lại cho Hungary và nhà văn trở thành dân biểu Quốc hội Hung năm 1941. Trong chính trị, ông theo đường lối cực đoan của những người Nyilas (Đảng Chữ thập nhọn, một biến thể quốc xã của Hungary).

Tháng 10-1944, Đảng Chữ thập nhọn cướp chính quyền tại Hungary và khiến nước Hung hoàn toàn phải ngả theo phát-xít Đức, nhưng chẳng bao lâu, chính phủ mới phải tháo lui khỏi thủ đô Budapest. Quốc hội theo hướng quốc xã của Hungary - mà Nyirő là một dân biểu - vẫn tiếp tục hoạt động và chỉ tháo chạy khỏi Hungary vào mùa xuân 1945.

Trong những năm sống lưu vong ở Áo, Đức, Nyirő tiếp tục viết cho các tờ báo của Hung kiều và vẫn giữ quan điểm dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền tại Hungary cuối thập niên 40, chính quyền Hung đã muốn bắt Nyirő bằng cách đề nghị Ủy ban Kiểm tra Đồng minh coi nhà văn là một tội phạm chiến tranh, nhưng vô hiệu.

Sau nhiều năm sống lang bạt tại nhiều thành phố ở Đức, rốt cục, Nyirő được tướng Franco cho sang Tây Ban Nha định cư và ông qua đời tại đó năm 1953. Cho đến cuối đời, chưa bao giờ ông từ bỏ những tư tưởng cực đoan, đậm màu dân tộc chủ nghĩa theo kiểu quốc xã Hungary.

Cuộc hồi hương bất ngờ và kỳ thú

Gần 60 năm trôi qua, cái tên Nyirő József gần như hoàn toàn trôi vào quên lãng, đa phần chỉ các nhà nghiên cứu văn học sử còn nhớ tới ông, cho dù, các tác phẩm của ông có được in ấn và phát hành ở Hungary và Romania. Tuy nhiên, mùa xuân năm nay, báo chí Hungary lại nhắc nhiều đến ông khi Quốc hội Hungary đề xướng việc đưa tro hài cốt của ông từ Madrid về lại quê hương.

Lễ tái mai táng của Nyirő được đồng tổ chức bởi Văn phòng Quốc hội Hungary và một quỹ hỗ trợ cho Hung kiều tại Romania, do chủ tịch một chính đảng Romania - được coi là thân FIDESZ - đứng đầu. Dự tính, sau khi tổ chức tưởng niệm vào ngày 23-5 tại Khu lăng mộ Quốc gia (Nghĩa trang Danh nhân Budapest), tro cốt của nhà văn sẽ được chuyển về quê hương tại Romania, và tái mai táng trọng thể tại nghĩa trang của một nhà thờ công giáo vào ngày Chủ nhật tuần qua.


Tưởng nhớ Nyirő József tại Budapest - Ảnh: index.hu


Tuy nhiên, ý định đó đã gặp phải sự phản đối thẳng thừng của chính quyền Romania. Thoạt tiên, phía Hung muốn đưa tro cốt Nyirő trên chuyến tàu hỏa dành cho người hành hương tới vùng thánh địa Székelyföld, được tổ chức thường niên đúng vào dịp Lễ Hạ Trần, nhưng đường sắt Romania được chỉ thị của Bộ Nội vụ nước này, đã khước từ điều đó.

Sau khi nhận được thông tin phía Hung vẫn quyết tâm thực hiện tái mai táng, trong mấy ngày trước thời điểm 27-5, cảnh sát Romania đã ráo riết kiểm tra các xe hơi có biển số Hungary - kể cả các xe ngoại giao - để ngăn chặn việc tro cốt của nhà văn được nhập cảnh nước này bằng đường bộ. Ông Lukács Csaba, người phụ trách truyền thông của sự kiện, còn bị cảnh sát Romania bắt giữ vài tiếng vì tình nghi đem tro cốt lậu.

Rốt cục, vào phút cuối, do không nhận được đầy đủ giấy phép từ chính quyền Romania nên lễ tái mai táng được chuyển thành lễ tưởng niệm. Có mặt tại buỗi lể, Chủ tịch Quốc hội Hungary Kövér László kêu gọi moị người dân vùng Székelyföld hãy trao vào tay con em mình những tác phẩm của Nyirő, như một thứ sức mạnh tinh thần hiếm có.

Trước cử tọa gồm vài ngàn người, ông Kövér đã có những phát biểu bị phía Romania chỉ trích, theo đó, ông cho rằng phía Romania đến tro cốt một nhà văn cũng phải sợ hãi, và rằng “Nyirő József đã hồi hương, bên cạnh chúng ta, vì chúng ta giữ ông trong trái tim và đất mẹ cũng sẽ ôm lấy ông”.

Trong khi đó, theo Quốc vụ khanh Bộ Nguồn lực Quốc gia Hungary Szőcs Géza (người cũng có mặt trong lễ tưởng niệm), tro cốt của nhà văn đã được bí mật đưa về quê hương. Thậm chí báo chí Hungary còn đưa ra giả thiết nó nằm trong chính chiếc cặp mà vị Quốc vụ khanh mang lên bục diễn giả khi phát biểu, đặt nó xuống cạnh di ảnh nhà văn, rồi ông lại mang đi sau khi đọc xong diễn văn.

Phản ứng trái ngược

Chính quyền Hungary và Romania đã có những phản ứng hết sức trái ngược sau khi vụ bê bối nói trên xảy ra.

Hungary cho rằng lỗi hoàn toàn thuộc về phía Romania vì trước đó, trong nhiều tháng, chính phủ hai nước đã bàn bạc và thỏa thuận rất cặn kẽ về lễ tái mai táng. Có điều, nội các mới theo xu hướng dân chủ - tự do của Thủ tướng Victor Ponta lên nắm quyền từ đầu tháng 5 đã làm hỏng tất cả khi họ gây khó dễ và cấm đoán việc tro cốt một nhà văn được trở về quê hương mình.

Trong vụ này, phía Hung trước sau vẫn cho rằng cần tách riêng sự nghiệp văn học và sự nghiệp chính trị của Nyirő József và như thế, cần trang trọng di sản tinh thần một cây bút đã có nhiều tác phẩm ảnh hưởng đến tâm thức và tình cảm của những người con Hungary bị buộc phải rời xa Tổ quốc. Đó là lý do để Quốc hội Hungary, kết hợp với một tổ chức dân sự Romania, chủ trì sự kiện nói trên.

Ngược lại, Chính phủ Romania phản ứng gay gắt ý muốn của phía Hung, cho rằng đó là hành động chống lại Romania. Ngay trong Chủ nhật tuần trước, Thủ tướng Victor Ponta đã ra thông cáo phản đối việc Hungary muốn tổ chức tái mai táng cho Nyirő, lên án phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Hungary trong buổi lễ, cũng như sự hiện diện tại đó của Chủ tịch đảng cực hữu JOBBIK của Hungary.

Cho rằng Nyirő là một phần tử thân phát-xít, có tư tưởng bài Romania và bài Do Thái, nội các Romania tỏ ra lo ngại trước những động thái vừa qua, coi đó là hành vi khiêu khích, cực đoan, chỉ phục vụ những mục tiêu tranh cử và “không phù hợp với mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai nước”.

Thủ tướng Romania cho biết, ông sẽ đưa chuyện này vào chương trình nghị sự trong dịp hội kiến sắp tới vào đầu tháng 6 với người đồng nhiệm, Thủ tướng Hungary Orbán Viktor, và khẳng định Romania sẽ không chấp nhận những biểu hiện cực đoan.

Tiếp đó, nội các Romania còn ra chỉ thị kiểm tra và xét lại một số quyết định của các chính quyền tự quản địa phương tại nước này, cho phép một số trường học và đường phố trong vùng Székelyföld mang tên Nyirő József. Theo thủ tướng Victor Ponta, có thể những quyết định đó đã vi phạm một điều luật của Romania, cấm việc sùng bái, vinh danh những nhân vật theo tư tưởng phát-xít, kỳ thị chủng tộc.

Cốt lõi vấn đề: mâu thuẫn trong vấn đề Hung kiều

Cho dù màn kịch mang tên Nyirő József có được diễn giải dưới góc độ nào đi nữa, không thật khó khăn để nhận ra rằng đằng sau đó là những mâu thuẫn - nhiều khi rất căng thẳng - trong vấn đề Hung kiều tại Romania, trên cương vị một dân tộc thiểu số nhưng lại có số lượng và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị nước này.

Trên cơ sở Hiệp định Hòa bình Trianon (1920), Hungary đã phải cắt bỏ một phần đáng kể diện tích lãnh thổ cho Romania và đặc biệt, đó là những vùng đất mang tính lịch sử, văn hóa và tâm linh của nước Hung xưa. Điều này, cho đến nay, vẫn là nỗi đau lớn của Hungary, và vẫn là cái cớ để những mầm mống dân tộc chủ nghĩa cực đoan nảy nở.


Phải chăng tro cốt của nhà văn đã hiện diện trong suốt buổi lễ, trong chiếc cặp của Quốc vụ khanh Bộ Nguồn lực Quốc gia Hungary Szőcs Géza - Ảnh: index.hu


Hung kiều tại Romania có đại diện là một số chính đảng có ảnh hưởng trong Quốc hội nước này. Việc ủng hộ những chính đảng đó, giúp họ có thêm phiếu cử tri thông qua tuyên truyền ái quốc, luôn là một mục tiêu của các nội các Hungary. Vì vậy, vấn đề quyền lợi và nhân quyền của người gốc Hung tại Romania luôn được phía Hungary đặt ra và quan tâm.

Ngay từ khi bắt đầu hoạt động vào ngày 7-5, chính phủ mới của Romania đã có nhiều biểu hiện khiến Hungary tỏ ý không hài lòng. Tại trường Đại học Y Dược tại một vùng có đông Hung kiều sinh sống, khoa giảng dạy bằng tiếng Hung bị đình chỉ cho dù Hungary cho rằng Hung kiều rất có nhu cầu. Các đạo luật về bầu cử và dân tộc thiểu số cũng được sửa theo hướng bất lợi cho Hung kiều.

Cho rằng Romania đã vi phạm những quyền con người cơ bản, cũng như những quyền mà Hung kiều đã được nhận, giới dân biểu Hungary tại Nghị viện Châu Âu đã đưa vấn đề này trong phiên họp toàn thể tuần đầu tháng 5. Để trả lời, trung tuần tháng 5, phía Romania cũng đã triệu Đại sứ Hungary tại Bucharest để phản đối những chỉ trích mà Bộ Ngoại giao Hung đưa ra đối với Romania.

Trên cái nền ấy, những động thái của đôi bên xung quanh bê bối Nyirő József không quá khó hiểu. Phía Hung muốn nhân dịp hành hương của dân Công giáo Hungary trong dịp Lễ Hạ Trần - khi vài chục vạn người từ Hungary và các vùng đất khác tập trung tại mảnh đất lịch sử Székelyföld (nay thuộc Romania) - có một sự kiện thúc giục tinh thần dân tộc.

Chính quyền Romania, đương nhiên không thể chấp nhận một động thái có thể coi là can thiệp vào nội tình đất nước này, và muốn tránh việc lễ mai táng có thể biến thành một cuộc tuần hành của người gốc Hung mang tinh thần “hướng về quê mẹ” bất lợi cho họ.

Rốt cục, nhà văn Nyirő Jószef dù đã trở về với mảnh đất nơi ông sinh ra nhưng vẫn không được yên nghỉ vì những toan tính chính trị nhất thời. Tuy nhiên, câu chuyện vừa qua dù sao cũng khiến dân Hungary và Romania, nếu chưa nghe đến tên một cây bút dường như đã bị quên lãng, thì giờ có thể tìm kiếm các tác phẩm của ông, ít nhất cũng vì sự tò mò...

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest