Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Tượng đài Hồ Chí Minh tại Hungary: MỘT BIỂU TƯỢNG CỦA TÌNH HỮU NGHỊ BỀN CHẶT

“Dạo ấy, Việt Nam rất được yêu quý ở Hungary: một năm sau ngày thống nhất, đất nước của các bạn được coi như xứ sở được ưa chuộng nhất trong khối XHCN. Và tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đồng nghĩa với tự do, ái quốc, với sự thống nhất của những lý tưởng cánh tả và XHCN. Hồ Chí Minh đã trở thành một khái niệm, từ đó đến giờ, và ngay cả những địch thủ của ông cũng không thể nói được gì xấu về ông”.

Nhà thờ tại Zalaegerszeg

Nằm cách thủ đô Budapest chừng 220km, Zalaegerszeg là một đô thị nhỏ, thủ phủ của tỉnh Zala (khu vực Tay - tả ngạn sông Danube), được biết đến như một trong những TP nhiều cây xanh và hoa lá nhất của Cộng hòa Hungary. Tuy nhiên, đối với cộng đồng Việt Nam tại Hungary, TP có hơn 700 năm tuổi này lại mang một ý nghĩa đặc biệt khác: tại đây, cho đến giờ, vẫn tọa lạc một tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ là độc nhất vô nhị trong vùng Đông - Trung Âu!

Hồ Chủ tịch trong lòng các bạn Hungary

Tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề xa lạ với người dân Hungary. Dẫn đầu phái đoàn Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Hungary kéo dài bốn ngày vào mùa hè năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc trong lòng những bạn bè Hungary. Trong các hồi tưởng, nhiều ký giả, chính khách Hungary đã cảm nhận ở Bác hình ảnh của một nhà ái quốc vì dân vì nước, một vị hiền triết phương Đông với những tư tưởng thâm trầm.

Sự tôn trọng mà đất nước Hungary dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiện cảm của người dân nước này với cuộc chiến giành độc lập của Việt Nam đã khiến Hungary trở thành một người bạn thân thiết với Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Hungary đã có những hỗ trợ đáng kể và quý báu cho miền Bắc, trong phong trào quyên góp ủng hộ Việt Nam, trong việc đào tạo nhiều thế hệ du học sinh – trong đó, có nhiều học viên quân sự - để nhiều người trong số họ trở thành các chuyên gia đầu ngành, phục vụ hiệu quả cho cuộc chiến tranh vệ quốc.

Tượng bán thân chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Hà Nội (tác phẩm của điêu khắc gia Farkas Aladár)

Trong những năm tháng ấy, tên của Hồ Chủ tịch đã được đặt cho Trường Cao đẳng Sư phạm ở TP Eger, tại nhiều vùng trên toàn quốc, những pho tượng bán thân, phù điêu mang hình Bác được đặt ở những quảng trường, vườn hoa… Tuy nhiên, đài kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP Zalaegerszeg là món quà quý báu duy nhất của nhân dân Hungary đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thời gian và thời cuộc.

Để tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời của tượng đài Hồ Chí Minh cách đây hơn ba thập niên, trong dịp tham dự Diễn đàn Kinh tế Hungary - Việt Nam tổ chức tại tỉnh Zala vào mùa xuân năm 2009, chúng tôi đã có dịp trao đổi với ông Hóbor József, một người bạn nhiệt thành của Việt Nam, người đã có những “hệ lụy” sâu sắc với tượng đài. Ông cho biết:

Dạo ấy, Việt Nam rất được yêu quý ở Hungary: một năm sau ngày thống nhất, đất nước của các bạn được coi như xứ sở được ưa chuộng nhất trong khối XHCN. Và tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đồng nghĩa với tự do, ái quốc, với sự thống nhất của những lý tưởng cánh tả và XHCN. Hồ Chí Minh đã trở thành một khái niệm, từ đó đến giờ, và ngay cả những địch thủ của ông cũng không thể nói được gì xấu về ông”.

Cũng trong thời gian ấy, tại Xí nghiệp May ở TP Zalaegerszeg (gần nơi tượng đài tọa lạc), có rất nhiều phụ nữ Việt Nam làm việc. Đây có lẽ cũng là một lý do khiến TP quyết định dựng tượng Bác Hồ”.

Một tác phẩm lớn từ tay một điêu khắc gia lớn

Những năm 70 thế kỷ trước, Zalaegerszeg là một trong số các TP phát triển năng động nhất của Hungary, đồng thời, cũng là một đô thị rất để tâm đến những giá trị văn hóa. Trong khuôn viên của TP, có rất nhiều pho tượng giá trị và khi nảy ra ý định dựng tượng đài Hồ Chí Minh, Ban lãnh đạo TP cũng đã “cầu viện” tới một bậc thày trong nền điêu khắc Hungary: ông Marton László (1925-2008).

Được coi là một trong những điêu khắc gia vĩ đại nhất của Hungary trong mọi thời đại, từng được Giải Kossuth (phần thưởng cao quý bậc nhất cho những đóng góp xuất sắc trên bình diện văn hóa và nghệ thuật), Marton László là tác giả của chừng 150 pho tượng trên toàn quốc, trong số đó, có hơn 40 pho tượng đặt tại Budapest.

Điêu khắc gia Marton László

Các tác phẩm của ông được trưng bày tại Phòng Trưng bày Quốc gia Hungary và nhiều TP lớn trên thế giới, như Paris, London, Berlin, Vatican…, cũng như, trong những bộ sưu tập cá nhân của các nhân vật nổi tiếng như Hoàng đế Nhật Bản, hoặc Hoàng tử xứ Wales. Pho tượng đồng thi hào József Attila, đặt bên cạnh Nhà Quốc hội Hungary, hướng ra bờ sông Danube, là một kiệt tác nổi tiếng của ông.

Có thể đặt tượng đài Hồ Chí Minh trong loạt các tác phẩm khắc họa những danh nhân Hungary và quốc tế của Márton László. Thể hiện hình tượng Bác Hồ một cách dung dị, nhưng rất sắc nét và có hồn, mang dáng dấp một “Ông Ké Cao Bằng”, dẫn đường cho quần chúng lao khổ, nhà điêu khắc Hungary đã tránh được lối mòn của trường phái “hiện thực XHCN” thịnh hành thời ấy, với những nét khoa trương, lên gân không cần thiết.

Được khai trương đúng vào dịp kỷ niệm 1 năm ngày Việt Nam thống nhất (30-4-1976), tượng đài Hồ Chí Minh đã đoạt giải của Bộ Văn hóa Hungary năm 1977 và trở thành một phần của nét văn hóa TP Zalaegerszeg. Sau khi Hungary thay đổi thể chế chính trị, nhiều pho tượng thời XHCN đã bị dẹp bỏ, nhưng đúng như nhận xét của ông Hóbor József, “bằng một cách nào đó, vẻ đẹp của bức tượng và hình tượng Hồ Chí Minh đã không cho phép người ta đụng vào tượng đài”.

Biểu tượng của tình hữu nghị Hungary - Việt Nam

Đối với cộng đồng Việt Nam tại Hungary, tượng đài Hồ Chí Minh ở TP Zalaegerszeg chỉ được biết đến một cách rộng rãi từ năm 2005 qua một dịp rất ngẫu nhiên và lý thú.

Tượng đài Hồ Chí Minh ở TP Zalaegerszeg

Ngày 3-4 năm đó, trong lễ kỷ niệm 60 năm thoát khỏi ách phát-xít Đức (tổ chức tại Nhà Quốc hội Hungary), đã có sự hiện diện của Đại sứ Việt Nam Trần Hữu Tùng, cũng là một cựu DHS Việt Nam tại Hungary thập niên 60 thế kỷ trước. Ông Hóbor József hồi tưởng: “Bỏ qua mọi nghi lễ ngoại giao, tôi đã tiến đến trò chuyện với ngài đại sứ và cho ông biết rằng, tại nơi tôi ở, TP Zalaegerszeg, có một tượng đài Hồ Chí Minh rất đẹp, mời các bạn Việt Nam đến thăm và nhân cơ hội đó, có thể thắt chặt mối quan hệ giữa TP và Việt Nam”.

Vài bữa sau, tại Ngày Thơ ca Hungary (12-4 hàng năm) tổ chức ở Zalaegerszeg, được biết Hồ Chủ tịch đồng thời cũng là một nhà thơ, ông Balogh Mikós, một chính khách Đảng Xã hội Hungary, khi ấy là nghị sĩ Quốc hội và thành viên Hội đồng TP, đã đến đặt hoa tại tượng đài và đọc một số thi phẩm của Bác. TP Zalaegerszeg có một truyền thống đẹp là mỗi thành viên Hội đồng TP đều nhận phần gìn giữ, chăm sóc một pho tượng đặt tại TP, và ông Balogh Miklós – cũng là một người bạn Hungary có mối giao tình đẹp đẽ với Việt Nam - đã nhận phần chăm sóc tượng đài Hồ Chí Minh.

Ông Hóbor József, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng và Tham tán Chính trị Nguyễn Viết Phúc bên tượng đài Hồ Chí Minh

Nhờ sự tích cực của các ông Hóbor József và Balogh Miklós, cũng như của ĐSQ Việt Nam tại Hungary, tượng đài Hồ Chí Minh tại Zalaegerszeg đã trở thành một điểm đến hàng năm của các đoàn thể Việt Nam tại Hungary và trong nước.

Gần đây nhất, nhân Diễn đàn Kinh tế Hungary - Việt Nam được tổ chức tại tỉnh Zala, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng và các cán bộ, nhân viên ĐSQ Việt Nam tại Hungary và Đảng bộ tỉnh Zala của Đảng Xã hội Hungary đã cùng đặt vòng hoa tại tượng đài, như một biểu tượng của tình hữu nghị hai nước, được những người bạn thân thiết của Việt Nam trân trọng gìn giữ cho đến nay.

(*) Bài viết đã được trích đăng trên “Tiền Phong”.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Trần Lê