Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Tòa Hungary: BIỂU TÌNH “CÂM” ĐỂ KHÔNG LÀM PHIỀN LÁNG GIỀNG THỦ TƯỚNG

Rốt cục chỉ có 10-15 “biểu tình viên” có mặt tại cuộc “biểu dương lực lượng” trước ngôi nhà của Thủ tướng Hungary Orbán Viktor tại đường Cinege (Quận 12, Budapest), nhưng ý nghĩa của nó thì vượt quá khuôn khổ của một cuộc biểu tình hường lệ.
Biểu tình trong lặng lẽ - Ảnh: Földi Imre (“Népszabadság”)
Vấn đề được đặt ra lớn hơn thế nhiều: quyền tự do biểu đạt, tự do thể hiện quan điểm khi chỉ trích những đại diện của chính quyền có thể bị hạn chế bằng cách viện dẫn những quyền cá nhân của công dân? Những diễn biến gần đây tại Hungary cho thấy, nước này còn phải chấn chỉnh môi trường luật pháp để tránh những “bất cập” xét về góc độ này.

Xuống đường trong “thinh không”

Trái với những cuộc tuần hành thường thấy ở Hungary, cuộc biểu tình trước tư gia của Thủ tướng Orbán Viktor hôm 10/8 vừa qua diễn ra khá âm thầm và yên ắng. Hơn chục người cầm bóng bay, biểu ngữ, cờ quạt tập trung và phát biểu, nhưng không hề thấy những âm thanh vang dội thường lệ, được khếch đại qua những loa phóng thanh hoặc thiết bị tăng âm.

Tất nhiên, những mục tiêu chính trị được thể hiện trên biểu ngữ, khẩu hiệu... thì vẫn mạnh mẽ, và đa dạng. Trái với kế hoạch ban đầu khi nhóm biểu tình chỉ muốn xuống đường để phê phán chính sách bài xích người tỵ nạn và di dân của chính phủ, một tấm băng-rôn chẳng hạn đã đòi Thủ tướng Orbán Viktor phải “cuốn gói và đừng có trở lại, đã đến lúc rồi đó”.

Ông Orbán không những bị nhóm biểu tình chỉ trích vì mối quan hệ hữu hảo với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đang bị Châu Âu tẩy chay và coi là kẻ độc tài, mà còn bị lên án, coi là “trùm mafia”, với vô số mối quan hệ tham nhũng của ông. “Nếu Quốc hội hạn chế quyền tụ tập, thì người dân sẽ quét sạch Orbán và bè lũ”, một nhà hoạt động phát biểu.

Đây không phải sự đe dọa, mà là lời hứa”, ông này còn nhấn mạnh thêm. Büki Zoltán, người khởi xướng biểu tình thì tuyên bố với báo chí rằng cực chẳng đã ông mới phải tới nhà Thủ tướng, nếu có thể nói thẳng ý kiến của mình với ông Orbán Viktor thì ông không cần phải đến đó, cho dù theo ông “chính quyền Hungary thường xuyên can thiệp vào đời tư của cư dân”.
 
Các thông điệp đa phần được thể hiện qua những biểu ngữ, khẩu hiệu - Ảnh: Földi Imre (“Népszabadság”)
Các thông điệp đa phần được thể hiện qua những biểu ngữ, khẩu hiệu - Ảnh: Földi Imre (“Népszabadság”)

Thông điệp thì vẫn thẳng thừng và mang tính “đối kháng” như vậy, nhưng điều lạ là cuộc biểu tình đã diễn ra hết sức yên lặng, khiến báo chí Hung khi tường thuật đã gọi nó là “cuộc tuần hành lặng lẽ”. Đó là bởi vì ông Büki Zoltán khi thông báo việc tổ chức biểu tình, đã phải hứa hẹn rằng sẽ hết sức trật tự, thậm chí nếu cần có thể ngồi tọa kháng câm lặng cũng được.

Chỉ vì là nhà Thủ tướng?

Hungary là một quốc gia mà chuyện biểu tình nhìn chung rất dễ dàng và tự do, nhiều khi “như cơm bữa”: chỉ cần một động tác thông báo đơn giản. Tuy nhiên, “tập trung đông người” trước tư gia Thủ tướng Orbán Viktor thì lại là cả một việc đầy khó khăn, khiến báo chí Hung gọi cuộc chiến giữa các “biểu tình viên” và chính quyền là “một bộ phim nhiều tập kiểu soap-opera”.

Lý do thường xuyên bị cảnh sát đưa ra để cấm biểu tình, là tính chất của khu vực nơi gia đình vị thủ tướng sinh sống không cho phép và thích hợp cho những cuộc biểu tình ầm ĩ, vì sẽ ảnh hưởng tới đời tư và các quyền của... hàng xóm. Khi vụ việc được đưa lên Tòa, thường Tòa án Hung cũng đồng tình với quan điểm của cảnh sát, và Tòa Bảo hiến đã phải đứng ra phân giải.

Tuy nhiên, ngay cả Tòa án Hiến pháp Hungary - với các vị thẩm phán do phe cầm quyền chỉ định và bầu chọn - trong một phán quyết vào thượng tuần tháng 7-2016 - cũng cho rằng việc cấm biểu tình với lý do như vậy không phải là vi hiến. Tòa Bảo hiến chỉ nhận xét rằng, trong luật định của Hung hiện đang có sự mâu thuẫn không thể hóa giải giữa quyền tự do tụ tập và quyền cá nhân cần được bảo vệ.

Việc tồn tại mâu thuẫn như vậy bị coi là sự vi phạm Hiến pháp và Tòa Bảo hiến ra quyết định buộc Quốc hội Hungary, từ nay tới cuối năm, phải xử lý được tình thế đó. Tuy nhiên, đối với người dân và nhiều cơ quan truyền thông, thì đây chỉ là việc lạm dụng những công cụ của pháp luật để giúp cho người đứng đầu nội các tránh được búa rìu từ công luận và phe đối lập.
 
Không hề có những “âm thanh khủng” như trong các sự kiện tương tự - Ảnh: Földi Imre (“Népszabadság”)
Không hề có những “âm thanh khủng” như trong các sự kiện tương tự - Ảnh: Földi Imre (“Népszabadság”)

Bởi lẽ, từ hàng chục năm nay, những cuộc “biểu dương chính trị” trước tư gia các thủ tướng Hung đều bị chính quyền làm khó dễ, nhưng dần dần lý do để cấm biểu tình không còn được chấp nhận trên Tòa, nên người dân đã có thể hô khẩu hiệu đả đảo trước nhà các vị chính khách này. Tuy vậy, cho tới giờ, “quấy quả láng giềng” bỗng nhiên trở thành một rào cản ngại khó vượt qua...

Biểu tình câm là giải pháp duy nhất?

Không chịu lùi, ông Büki Zoltán - người đứng đầu một nhóm trên mạng xã hội Facebook mang tên “Vì một nước Hungary dân chủ” tuyên bố ông sẽ tổ chức một cuộc biểu tình dưới năm mươi “tham dự viên”, không to tiếng mà chỉ thì thầm và những “ác cảm” của họ sẽ được thể hiện bằng khẩu hiệu, thông điệp trên biểu ngữ. Hoặc nếu cần trật tự nữa thì họ sẽ tọa kháng trên vỉa hè.

Một cuộc biểu tình như vậy thì khó có thể coi là quấy rầy hàng xóm thủ tướng, tuy vậy Sở Cảnh sát Budapest (BRFK) vẫn bác nguyện vọng này. Nhóm ông Büki Zoltán khiếu nại quyết định cấm lên Tòa và rốt cục, Tòa án Hungary xử thắng cho các “biểu tình viên” với lời lý giải, việc thực hiện quyền tự do tụ tập theo phương án “câm lặng” như vậy thì không vi phạm các quyền cơ bản của ai cả.

Tòa cũng nói thêm: không thể coi giả thiết là nhóm chủ trương biểu tình sẽ không thực hiện được lời hứa là lý do để cấm biểu tình trước khi nó xảy ra. Còn nếu đoàn biểu tình có gây ầm ĩ mất trật tự đi nữa, thì khi đó cảnh sát mới có quyền giải tán. Bằng phán quyết ấy, Tòa án Hungary có vẻ đã tìm ra sự cân bằng giữa quyền của người muốn biểu tình và quyền được... nghỉ ngơi của hàng xóm Thủ tướng.

Rốt cục, cuộc biểu tình do ông Büki Zoltán chủ trương và triệu tập đã được tổ chức sớm hơn vài ngày so với dự định ban đầu, ngay sau khi Tòa bác quyết định cấm của cảnh sát. Cơ quan công quyền cũng không tìm ra lý do gì để giải tán cuộc xuống đường vì nó đã diễn ra quá yên ắng. Báo giới cũng nhận xét là không có dấu hiệu nào cho thấy gia đình ông Orbán Viktor ở nhà vào lúc đó.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra vẫn là, từ nay về sau nếu muốn lên tiếng trước nhà người đứng đầu nội các Hungary, không lẽ cứ phải chia nhau ra, đi nhẹ nói khẽ trong từng nhóm nhỏ?

(*) Bài viết đã đăng trên “Luật Khoa Tạp Chí”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh