Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Thông điệp của Pháp với Hung: CHỚ “MỘT MÌNH MỘT KIỂU”

(NCTG) Dân Hung sẽ mất quyền đi lại tự do trong EU nếu trong vấn đề tỵ nạn, Hungary không có sự đoàn kết với các quốc gia thành viên khác, theo nguồn tin từ một nhà ngoại giao Pháp.
Người tỵ nạn ồ ạt đòi được lên tàu hỏa rời Hung sang Áo và Đức tại Nhà ga Quốc tế phía Đông (Keleti, Budapest) - Ảnh: Huszti István (index.hu)
Trong trao đổi với mạng index.hu của Hungary, nhân vật này cho hay: không có chuyện EU bỏ mặc Hungary trong vấn đề tỵ nạn, mà thực tế là chính quyền Hung chưa hề đưa ra đề nghị hay đòi hỏi giúp đỡ gì cụ thể.

Còn về chuyện tài chính thì Châu Âu vẫn hỗ trợ Hung, và sẵn sàng thiết lập những trạm tiếp nhận người tỵ nạn của EU. Nhưng việc một nước thành viên - như Hungary - không chịu nhận một người tỵ nạn nào thì là điều không thể chấp nhận!

“Tình huống này hết sức nghiêm trọng”

Đó là lời của nhà ngoại giao Pháp ẩn danh nọ - hiện đang làm việc ở Budapest - trong cuộc trò chuyện với mạng index.hu về khủng hoảng di dân hiện tại.

Theo ông, ban lãnh đạo Đức và Pháp cùng một quan điểm rằng đây đúng là một khủng hoảng kéo dài, nhưng theo cả Paris lẫn Berlin, không thể là giải pháp nếu các nước thành viên cứ thích tự tìm lời giải riêng cho vấn đề này, thậm chí còn tiến hành những lời giải tệ hại.

Tất cả khởi đầu từ tuyên bố của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius trong dịp trả lời phỏng vấn ngày Chủ nhật qua, trong đó ông dùng những từ ngữ rất nặng nề khi nói về cách hành xử của Hungary trong vấn đề tỵ nạn, coi đó là “vô cùng nghiêm trọng”.

“Việc xây hệ thống hàng rào - mà người ta không làm điều đó đối với cả súc vật - là sự không đếm xỉa gì đến những giá trị của Châu Âu” - ông Fabius nhận xét về hàng rào mà Hung đang xây dọc biên giới với Serbia, và vừa hoàn thành giai đoạn một.

Để trả lời, Ngoại trưởng Hungary Szijjártó Péter coi tuyên bố của người đồng nhiệm Pháp là “đáng kinh ngạc”, và cho triệu Đại biện ĐSQ Pháp tại Budapest tới cuộc gặp mặt với Quốc vụ khanh Magyar Levente để làm sáng tỏ sự việc.

Theo ông Magyar, những lời lẽ của Ngoại trưởng Pháp là không thể chấp nhận và không hiểu nổi, cũng như nó “chứng tỏ một sự thờ ơ, vô cảm và thiếu thông tin”, bởi lẽ mới gần đây thôi Pháp còn cho xây ở vùng Calais một “hàng rào còn lớn hơn ở Hung”.

Pháp và Đức cũng đã quá chán chính sách tỵ nạn của Hung

Không ai coi thường khủng hoảng di dân” - nhà ngoại giao Pháp nói trên nhận xét về phản ứng của ngoại giao Hung. Ông nói, Châu Âu biết chính xác là có rất nhiều người tỵ nạn đến theo tuyến đường vùng Balkans, cũng như việc Hungary bị áp lực lớn,

Tuy nhiên, theo quan điểm của Pháp, vấn đề này chỉ có thể giải quyết được bằng sự đoàn kết và chung tay của tất cả các nước thành viên EU, và sự đoàn kết này thiếu vắng từ phía chính quyền Hung. “Cung cách kỵ sĩ cô độc của Hungary là không phải lối”.

Paris, chẳng hạn, rất bực mình khi Hungary không muốn tiếp nhận bất cứ người tỵ nạn nào, trái với các quốc gia thành viên khác, cho dù trong khuôn khổ của tình đoàn kết, tất cả các nước thành viên đều cần tiếp nhận trong số những người đã được nhận quy chế tỵ nạn.

Cái đích là sự tồn tại của không gian Schengen” - nhà ngoại giao nói, và cho rằng đây là một tín hiệu rất mạnh mẽ, có nghĩa là nếu Hungary tiếp tục duy trì quan điểm như hiện tại về vấn đề tỵ nạn, thì quyền tự do đi lại vốn dĩ rất quan trọng đối với người Hung tại EU cũng có thể bị đình chỉ.

“Con không khóc mẹ không cho bú”

Nhà ngoại giao Pháp cũng cho hay, trong khi chính quyền Hung khẳng định rằng EU bỏ mặc họ, thì trong thực tế họ chưa hề đưa ra một đề nghị cụ thể gì để xử lý vấn đề. Ngay cả những việc Hung cần EU giúp đỡ cũng không được đề xuất.

Trong khi đó, EU vẫn đảm bảo nguồn tài chính, cũng như đã cho Hung biết rằng từ nay đến cuối năm, Châu Âu sẵn sàng thiết lập những trạm tiếp nhận người tỵ nạn (hot spot) ở những nơi mà tình trạng người tỵ nạn là gay cấn nhất.

Nếu Hung cũng có một trạm như vậy, Pháp sẽ cung cấp cho Hung mọi sự hỗ trợ, theo nhà ngoại giao nọ.

Mọi nước thành viên EU đều phải tôn trọng nguyên tắc bảo vệ người tỵ nạn của EU, cũng như những công ước quốc tế có liên quan, và đây là điều Hungary không tuân thủ, theo ý kiến của nhà ngoại giao Pháp.

Bởi lẽ, hàng rào ở biên giới Serbia - Hungary được dựng lên với mục đích rõ ràng là để người tỵ nạn phải tránh xa Châu Âu, cho dù lẽ ra phải bảo vệ và cưu mang đối với những người đến từ vùng chiến sự, nơi tính mạng họ bị đe dọa, như Syria, Afghanistan, Somalia, Eritrea...

Cũng theo nhà ngoại giao nói trên, không thể so sánh hàng rào ở biên giới Hungary - Serbia với hàng rào ở Calais, vì hàng rào ở Calais chỉ bảo vệ một tài sản cá nhân, nó ở bên trong đất nước và không có vai trò để “khóa biên giới” và ngăn người tỵ nạn như hàng rào của phía Hung.

Nhiều nơi tình thế còn tệ hơn

Chúng ta cần phải chừng mực”, nhà ngoại giao Pháp nhắc tới việc khủng hoảng di dân ở EU “chẳng là gì” so với ở vùng Cận Đông. Liên hiệp Châu Âu với dân số 500 triệu, đang tiếp nhận chừng 300 ngàn người đệ đơn xin tỵ nạn, trong khi Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan là những xứ nghèo hơn nhiều thì đã tiếp nhận tới 5 triệu.

Do đó, chúng ta cũng cần giúp đỡ những đất nước ấy” - nhà ngoại giao bày tỏ quan điểm, và cho rằng EU cần lập một danh sách các quốc gia mà từ đó Châu Âu có thể tiếp nhận người xin tỵ nạn, và những ai đến từ những nước đó phải được Châu Âu chấp nhận.

Còn những ai đến từ những quốc gia mà EU đánh giá là an toàn, thì EU cần hợp tác với những nước ấy để xử lý tình hình của họ. Chẳng hạn như Kosovo hoặc Niger, vì 60% người tỵ nạn từ Châu Phi sang EU là đến từ quốc gia thứ hai này.

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo index.hu