Thăm ngôi làng chết Konlontár: CHERNOBYL CỦA HUNGARY
- Chủ nhật - 10/10/2010 11:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Những cảnh tượng như thế chỉ có thể thấy trong phim về Hiroshima” - cảm tưởng của ký giả Földes András khi tới thăm ngôi làng chết Kolontár, một ngày sau khi thảm họa bùn đỏ tại Hungary bùng nổ.
Như một cuốn phim về thảm họa hạt nhân
Là một làng nhỏ và nghèo với dân số chưa đầy 900 người, Kolontár nằm cách thủ đô Budapest 160 km về phía Tây Nam và cách TP Akja 5 km, nơi có nhà máy chế biến Alumin trực thuộc Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.). Trưa ngày thứ Hai tuần qua, một trong 10 bể chứa bùn đỏ của nhà máy đã bị vỡ vách chắn, khiến hơn 1 triệu m3 dung dịch bùn đỏ tràn khỏi bể, tạo thành một cơn lũ bùn khủng khiếp nhấn chìm Kolontár trong biển bùn.
Một ngày sau, khi Földes András về làng, tất cả dân làng đều đã đi “lánh nạn” nơi khác, làng được rào lại và được canh gác, bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, vào lúc đó, cư dân được phép trở lại nhà trong vòng hai tiếng để xem còn vật dụng gì có thể đem được theo người hay không. Câu trả lời: hầu như không!
Quang cảnh tan hoang
Đi theo một xe buýt cảnh sát vào làng, Földes András cảm thấy như có một sức nặng vô hình đè lên vai anh: đó là sức mạnh nguyên sơ đã cuốn đi cây cối, nhà cửa, cột xi-măng, gia súc..., làm tiêu điều một ngôi làng và để lại bầu không khí yên ắng câm lặng.
Bùn vẫn ngập đến mắt cá chân và toàn bộ diện tích đất canh tác thì như biến mất dưới lớp bùn đỏ đậm đặc kiềm. Ngôi làng chết hoang vu với những ngôi nhà xiêu vẹo, những con đường không một bóng người, đâu đâu cũng một màu đỏ, từ những vách tường đến những vũng nước đỏ quạnh hứng cơn mưa lõm bõm.
Một ki-ốt bán hàng bị cơn lũ bùn trước đó cuốn trôi và quẳng lên một cành cây cao, giờ vẫn lơ lửng tại đó. Tất cả tạo cho Földes cảm giác như thể anh đang ở hiện trường của một bộ phim về tai nạn nguyên tử - nếu dưới chân anh không phải là biển bùn nhớp nháp và cạnh anh không là một cây ăn quả cũng bị phủ một lớp bùn đỏ quạnh.
Xa xa, một người đàn ông nghẹn ngào ôm chú chó con run rẩy, toàn thân vấy bùn. Ở góc đường, một nhóm người buồn rầu đi đi lại lại quanh nhà, vô vọng vì thấy không còn gì có thể cứu vãn. Cũng chính họ, trước đó vài giờ, còn giận dữ đập bàn đập ghế và cười nhạo trước khoản “hỗ trợ” - theo họ là quá bèo bọt, tương đương 500 USD - mà Tập đoàn Nhôm Hungary muốn chi cho họ.
“Cậu nhìn cái này này” - một ông cụ đứng tuổi chỉ vào những tảng bê-tông nằm la liệt bên đường dưới lớp bùn đỏ. Cảnh tượng ấy hay thấy trong phim về Hiroshima. “Vào nhà tôi chút nhé”, ông mời ký giả vào ngôi nhà hai tầng, coi bộ cũng khá giả với bộ ghế khang trang, TV, tủ sách... và nhiều đồ vật khác, bị lũ bùn cuốn nằm ngổn ngang lên nhau.
“Bùn đến rất bất ngờ, tôi nhìn ra cửa sổ, nó đã ngập 30-40 cm ngoài vườn rồi. Trông từ xa hệt như một cơn sóng thần. Vừa kịp bảo vợ tôi, nước đã tràn vào nhà và chỉ vài phút đã ngập hết căn phòng. Lũ nâng bổng bàn ghế, quẳng chúng nó lên nhau nên mới lộn xộn thế này đây”, ông nói, gần như một lời xin lỗi vì cảnh tượng bừa bãi trong căn phòng.
“Tôi vừa bắt đầu học dùng máy tính, cũng có mua một cái đấy” - rồi ông cụ chỉ ra đám bùn trước mặt, nhưng đơn thuần là một cử chỉ “biết vậy”, chứ không có ý tìm chiếc máy mới mua.
Nhà cửa tiêu điều
Ngoài đường, một chàng trai thâm thấp, bộ dạng năng động, hài hước, tay chỉ vào một bãi trống đỏ ngầu vì bùn và kể: “Đây này, hồ nuôi cá của nhà tớ đấy, rặng cây sau hồ thì vừa làm xong, mất 75 ngàn. Bọn tớ nuôi vịt ở đấy, còn đây là cái chòi canh với ba con chó, mỗi con cũng 70 ngàn”.
Từ mái hiên sau ngôi nhà của chàng thanh niên, chỉ còn thấy một cảnh duy nhất: vách tường sừng sững vươn cao trên đầm lầy màu đỏ - đó chính là vách bể chứa bùn đỏ bị vỡ, khiến cơn lũ bùn tràn từ đó xuống làng bản. Nhìn công trình đồ sộ ấy (cao 30-40m, bề dày của vách cũng 40-45m, nơi dày nhất 65m), và nhất là khi tai nạn đã xảy ra, có lẽ không ai hiểu được, tại sao bể chứa lại được xây gần khu dân cư như thế.
Tuy nhiên, tất cả những người mà ký giả Földes có dịp trò chuyện đều cho biết không bao giờ họ nghĩ rằng tai họa sẽ xảy ra. Thậm chí, ngay cả một công nhân làm việc lâu năm ở nhà máy chế biến Alumin cũng nói rằng, bề dày đáng nể của bờ vách khiến ông chả bao giờ cảm thấy lo ngại.
Chàng thanh niên trẻ cũng không tốn lời về bể chứa. Anh chỉ vào tường nhà: “Mới xong phần cách âm cách nhiệt 1 tháng nay, tốn của tớ 1 triệu đấy”. Chủ nhà và khách lội lõm bõm trong bùn ở phòng khách - trên bộ bàn ghế màu trắng, những đồ chơi trẻ em và điều khiển TV từ xa nằm chỏng chơ. Trên tường, chiếc TV màn hình phẳng dính bùn nhơm nhớp.
“Tớ làm quần quật ở Đan Mạch trong 4 năm để mở rộng ngôi nhà này đấy. Nghe tin có lũ bùn, tớ phải nhào về để xem sự thể ra sao. Chứ nghe vợ tớ khóc nức nở trong điện thoại, tớ chả hiểu gì cả. Ôtô thì tìm mãi không thấy, hóa ra bùn kéo nó ra tít cánh đồng, cách nhà tớ 1 cây số”.
Ở làng Kolontár, có những nơi bùn đỏ ngập tới 1-2m, không thể vào được nhà, chỉ có thể ngó từ ngoài qua cửa sổ. Một bà cụ bùn lấm đến đầu gối cất giọng thì thầm như thể đang kể chuyện của ai khác: “Tôi nghe một âm thanh ù ù. Nhìn ra ngoài, chỉ thấy một cái gì đó màu đỏ ào tới.
Tôi nhào lên gác xép, dưới nhà bùn ngập hết mọi thứ của tôi. Dưa tôi muối, hoa quả tôi ngâm trong lọ đều đi toi hết. Khoai tây nữa. Nhưng đất trồng trọt thế là cũng hỏng, giờ biết làm sao đây”, bà nghẹn ngào và ứa nước mắt.
Đoàn ký giả bối rối lội trong bùn đỏ và không tìm được lời nào để an ủi cư dân địa phương, và họ cảm thấy bất cứ lời nào cũng là thừa. Không lẽ nói “rồi mọi thứ sẽ đâu vào đấy”?
Kolontár có một cây cầu đá nhỏ ngang qua con suối. Ngày hôm trước, khi dòng lũ tràn qua, cây cầu cũng bị quật đổ, chia làng làm hai phần. Gần đó là quả đồi mà cư dân trong làng đã hoảng hốt trèo lên khi nghe tin đồn một bể chứa khác cũng bị vỡ.
Bên kia cầu, một chiếc xe Jeep bị lật ngửa, bốn bánh chĩa lên trời. Một nạn nhân của bùn đỏ đã thiệt mạng khi tìm cách phóng xe vượt dòng lũ bùn: có người bảo anh muốn giúp đỡ những người đang gặp nạn, cũng có người bảo anh “chơi trội”.
Điều lạ lùng là dân làng Kolontár không muốn nói về các nạn nhân. Trả lời báo giới, tất cả chỉ nói “tôi có biết họ”, “họ” ở đây là 4 người chết và 6 người bị mất tích.
Hai tiếng đồng hồ trôi vèo, một quân nhân đặt tay lên vai Földes, đã đến lúc phải đi, làng tiếp tục được phong tỏa để các đội cứu hộ làm việc.
Biểu tượng của sự hủy hoại môi sinh
“Ngôi làng này coi như đã chết, không thể ở lại đây được nữa”, một cư dân Kolontár phẫn uất gào lên trong buổi họp mặt, tại đó đại diện chính quyền và Cơ quan Quản lý Thảm họa bàn bạc với dân làng về “những điều cần làm ngay” và trong tương lai. Người dân được biết rằng nhà nước sẽ bồi thường cho dân, và sau đó sẽ làm việc cụ thể với bên phải chịu trách nhiệm về thảm họa này.
Chính quyền địa phương hứa rằng sẽ cung cấp nhân lực và máy móc để những hộ gia đình nào muốn, có thể trở lại sinh sống trước mùa đông năm nay, nếu nhà cửa của họ có thể khắc phục được. Tuy nhiên, dân làng giận dữ cho rằng, có còn nhà đi nữa thì bùn đỏ cũng phá sạch tường vách, đồ đạc của nả, và chả còn ý nghĩa gì để tiếp tục sống tại đây nữa.
Họ cũng ngờ vực khi được nghe rằng có thể hoàn thổ diện tích đất trồng trọt bằng cách thay 2 cm trên cùng: “Hàng chục năm nữa cùng chả trồng trọt được gì ở đây”, nhiều người lên tiếng, và họ cho rằng mọi thứ coi như tiêu tan, nhà cửa đất đai bán cũng không ai mua. Một cư dân nổi khùng nhắc lại chuyện vào năm 1986, một tấm vách chắn tại bể chứa đã bị vỡ một mảng nhỏ và rò rỉ - mặc dù khi đó thảm họa không xảy ra, nhưng “lẽ ra phải lấy đó làm bài học chứ?!”.
Như vậy, hai ngày sau khi Kolontár bị bùn đỏ bức tử, đa số dân làng đã đồng thanh cho biết họ muốn chuyển đi nơi khác, ngay cả khi trong làng vẫn còn những phần thoát hiểm trong tai họa vừa qua và chính phủ có thể cho xây khu cư dân mới tại đó. Một cuộc khởi kiện tập thể cũng đã được bàn bạc, nhằm truy tận gốc các thủ phạm phải chịu trách nhiệm trong vụ này.
“Quả là một tấn thảm kịch thiên nhiên chưa từng có tại Hungary, nếu nó xảy ra vào ban đêm thì không ai có thể sống sót. Đây là một sự vô trách nhiệm không lời nào tả xiết”, đó là khẳng định của Thủ tướng Orbán Viktor trong chuyến thị sát tại hiện trường. Ông Orbán cũng đồng tình khi cho rằng, không thể tái thiết những khu vực bị bùn đỏ tràn qua trong làng và tuyên bố: “Cần rào lại (khu vực bị bùn đỏ hủy hoại), như một memento vĩnh viễn”.
Phải chăng, ngôi làng chết Konlontár sẽ trở thành một Chernobyl của Hungary, biểu tượng của sự hủy hoại môi sinh, sự tàn phá của công nghệ, xuất phát từ sự bất cẩn và thiếu suy nghĩ của con người trong thời đại công nghiệp?
(*) Bài viết đã trích đăng trên “Tiền Phong”.