Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Thảm họa sinh thái tại Hungary: NHÀ NƯỚC PHẢI GÁNH PHẦN TRÁCH NHIỆM

Hai tuần sau khi thảm họa bùn đỏ tại Hungary xảy ra, những cuộc tranh luận dai dẳng giữa chính quyền, doanh nghiệp và các nạn nhân của “sự cố” này cho thấy, vấn đề bùn đỏ không đơn thuần dừng lại ở hiểm họa môi trường mà nó gây ra.

Vách của bể chứa bùn - “biểu tượng của sức mạnh” - đã vỡ toang vì những nguyên nhân đến nay vẫn chưa được làm rõ

Trong khi Hungary ít nhiều đã bình ổn được tình hình, cách xử lý thảm họa của nước này được Liên hiệp Châu Âu đánh giá là xuất sắc, thì một vấn đề bao trùm vẫn chưa có lời giải đáp: trách nhiệm thuộc về ai?

Tại doanh nghiệp!

Đó là quan điểm của chính phủ Hungary ngay từ khi vụ tràn bùn xảy ra. Ngay cả khi chưa hề có kiểm tra kỹ thuật để tìm hiểu về nguyên nhân của sự cố, nhưng Thủ tướng Orbán Viktor đã khẳng định thảm họa xảy ra là do sự bê trễ của con người, hiểu theo nghĩa Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.), chủ sở hữu nhà máy chế biến alumin ở TP Ajka phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự cố xảy ra.

Cái nhìn đó của thủ tướng Hungary đã được sự chia sẻ và lặp lại thường xuyên của nhiều quan chức chính phủ khác, đặc biệt là Quốc vụ khanh phụ trách Môi trường Illés Zoltán, người được coi là ngôi sao trong những ngày qua với tần suất xuất hiện khá dày đặc trong các bản tin, với những khẳng định với nội dung gây sốc và rất bất lợi cho doanh nghiệp ngay tại hiện trường tai nạn.

Đương nhiên, trong tình trạng khẩn cấp, thái độ đó của chính quyền đã nhận được sự ủng hộ của một bộ phận lớn trong công luận Hungary. Đó cũng là lý do khiến một dự luật đã được Chính phủ đề xuất và Quốc hội thông qua trong thời gian ngắn kỷ lục với đại đa số phiếu thuận, cho phép quốc hữu hóa MAL Zrt. và đặt sự quản lý của nhà nước lên doanh nghiệp này, vỏn vẹn 1 tuần sau khi sự cố phát sinh.

Tuy nhiên, khi Viện Kiểm sát đề xuất bắt tạm giam Giám đốc điều hành MAL Zrt. Bakonyi Zoltán với tội danh hết sức trầm trọng (với bản án tù có thể lên tới chung thân nếu tội danh đó được chứng tỏ), thì dường như mọi thứ đã đi quá mức cần thiết.

Việc tòa án bác đề xuất kể trên - một việc được coi là hy hữu vì theo thống kê, trong 10 trường họp, may ra chỉ có 1 trường hợp nghi can được tại ngoại do tòa án bất đồng quan điểm với cơ quan kiểm sát - cho thấy tòa án Hungary đã cố gắng hoạt động công minh và độc lập trước chính quyền và dư luận trong giai đoạn đầu của vụ án.

Bình luận về việc chính quyền Hungary tìm cách trút hết tội lỗi về phía doanh nghiệp, báo giới nước này nhắc lại một cách châm biếm tuyên bố của Thủ tướng Orbán Viktor, theo đó, nhà máy sản xuất alumin - nơi vụ tràn bùn xảy ra - khó có thể được tái hoạt động một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, vài ba ngày sau đó, khi MAL Zrt. vừa rơi vào tay Nhà nước, lập tức những lo ngại của chính quyền đã tan biến!

MAL Zrt.: hoàn toàn tuân thủ các quy định?

Từ khi vụ tràn bùn xảy ra tới nay, MAL Zrt. không thay đổi quan điểm cho rằng họ phải trách nhiệm về sự cố này. Lập luận của Tập đoàn Nhôm Hungary khá đơn giản: họ đã tuân thủ ngặt nghèo tất cả các quy định về kỹ thuật và thủ tục sản xuất theo đúng luật định: trong 10 năm qua , họ đã bỏ ra hơn 30 tỉ Ft để bảo dưỡng và “nâng cấp” các bể chứa.

Ban lãnh đạo MAL Zrt. cũng khẳng định: các cơ quan chức năng thường xuyên tới kiểm tra hệ bể chứa bùn đỏ của MAL Zrt., lần gần nhất là 2 tuần trước khi thảm họa xảy ra, và chưa bao giờ họ tìm thấy bất cứ một sai sót kỹ thuật nào. Trước sau như một, MAL Zrt. vẫn cho rằng thảm họa xảy ra là do nhiều yếu tố thiên nhiên trớ trêu, không thể tính trước được.

Với góc nhìn như vậy, số tiền mà Tập đoàn Nhôm Hungary đề xuất để “hỗ trợ” (chứ không phải bồi thường thiệt hại) các nạn nhân của bùn đỏ chỉ dừng lại ở mức 1,5 tỉ Ft trong vòng 5 năm (mỗi năm 300 triệu Ft), kèm khoảng 1 triệu Ft cho mỗi gia đình có người thiệt mạng trong sự cố vừa qua. MAL Zrt. cũng nhấn mạnh: đối với Tập đoàn, khoản tiền này cũng đã là lớn, xét rằng lỗi không thuộc về họ - và họ cũng chỉ có thể chi trả được nếu Nhà nước Hungary trao trả cho họ quyền tự quyết trong cuộc việc kinh doanh, “trong chứng mực có thể”.

Có thể thấy, câu hỏi về trách nhiệm trong vụ tràn bùn không chỉ mang tính lý thuyết, mà còn có vai trò rất thực tiễn trong cuộc “mặc cả” giữa MAL Zrt. và tổ hợp luật sư đại diện cho các gia đình bị thiệt hại. Cả hai bên đều thấy rằng, người dân cần ngay tiền để trở lại cuộc sống bình thường, hoặc chí ít cũng để có nơi nương tựa trong mùa đông đáng tới, chứ không thể chờ tòa án phân định trách nhiệm trong một thủ tục tư pháp được nhìn nhận là sẽ rất phức tạp và kéo dài.

Thế nhưng, nếu MAL Zrt. không phải chịu (hoàn toàn) trách nhiệm về thảm họa sinh thái này, thì trách nhiệm liên đới phải thuộc về ai?

Nhà nước - bên lãnh trách nhiệm tối thượng

Đó là quan điểm của các nghị sĩ Nghị viện Châu Âu khi vấn đề bùn đỏ được đưa vào chương trình nghị sự của EU đầu tuần qua. Đa số các ý kiến được đưa ra cho thấy, Châu Âu cho rằng chính quyền Hungary đã lơ là các nguyên tắc chủ đạo về bảo vệ môi trường do EU đề xuất.

Không chỉ vậy, trong quá trình thảo luận, nhiều nghị sĩ người Hungary của Nghị viện Châu Âu cũng nêu góc nhìn phê phán chính quyền nước mình. Kinh tế gia, cựu Bộ trưởng Tài chính Bokros Lajos, khi cho rằng chính quyền các cấp ở Hungary chưa được chuẩn bị đầy đủ để phòng ngừa thảm họa, còn chỉ trích chính phủ định tạm giam lãnh đạo MAL Zrt. trước khi xem xét nguyên nhân thảm họa. Theo ông, truyền thông Hungary cũng có lỗi khi “toa rập” chính quyền, chỉ tập trung đả phá doanh nghiệp mà không “săm soi” các cơ quan chức năng có nhiệm vụ kiểm tra MAL Zrt.

Vai trò của nhà nước cũng được MAL Zrt. nhắc tới khi họ trình bày kết quả các ý kiến giám định sơ bộ về nguyên nhân tràn bùn. Theo đó, khi Tập đoàn “tiếp quản” nhà máy chế biến alumin ở TP Ajka vào năm 1997, Nhà nước Hungary buộc họ phải chi 3,6 tỉ Ft cho công tác bảo vệ môi trường, mà bước đầu là xây một vách chắn dài 10km, tạo thành một lòng chảo kín sâu 8-16m dưới lòng đất (tới tận các lớp chống thấm), nhằm mục đích ngăn nước ngầm nhiễm kiềm lan tỏa, thẩm thấu.

Vách chắn được xây trong 2 năm (1997-1999) với tổng chi phí 700 triệu Ft, và nhà nước Hungary cũng góp 300 triệu Ft. Do vách chắn mà trong nhiều năm, một lượng rất lớn nước mưa đã bị đọng lại, không chảy được đi đâu, khiến tường hộ đê bị úng và thành đập của bể chứa bị vỡ. Luật sư đại diện cho MAL Zrt., ông Ruttner György khẳng định: việc nhà nước buộc Tập đoàn phải xây dựng một bức vách “hoàn toàn sai lầm và thiếu chuyên môn” như vậy là “nguyên nhân hàng đầu của vụ vỡ đập chắn”.

Công luận Hungary cho rằng nếu tuyên bố trên của phía MAL Zrt. là xác thực thì giới lãnh đạo Hungary - những người trước nay vẫn muốn trút hết tội lỗi lên Tập đoàn - sẽ rơi vào tình thế hết sức khó xử. Chưa thấy chính phủ Hungary đưa ra phản ứng trước khẳng định này, nhưng trước đó, đại diện Bộ Môi trường cũng phải thừa nhận rằng, các thủ tục cấp phép và kiểm tra hoạt động của những cơ sở công nghiệp tại Hungary đã lộ rõ rất nhiều bất cập.

Cụ thể, trong trường hợp MAL Zrt., cơ quan chức năng về bảo vệ môi trường chỉ có thẩm quyền xem xét và kiểm tra công nghệ, còn trạng thái thực tế của các bể chứa thì do chính doanh nghiệp tự quản lý. Tương tự, chính quyền địa phương có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng các cơ sở công nghiệp, nhưng lại không thể tiến hành kiểm tra. Tình trạng “cha chung không ai khóc” ấy dẫn đến hậu quả khi thảm họa xảy ra, các bên đá trái bóng trách nhiệm cho nhau, rốt cục chỉ người dân phải chịu trận!

*

Mặc dù câu hỏi về trách nhiệm có lẽ còn lâu mới được làm sáng tỏ, nhưng trong thảo luận về sự cố bùn đỏ tại Nghị viện Châu Âu, một dân biểu người Hungary, ông Kovács Béla có đưa ra một kết luận dễ được chấp nhận, rằng tai nạn xảy ra là bởi lòng tham vô đáy của nhũng kẻ muốn kiếm lợi nhuận.

Nói đến yếu tố lợi nhuận, đa phần công luận hướng về phía doanh nghiệp, phía có xu hướng bỏ qua và nhắm mắt trước những cảnh báo môi trường, chỉ tập trung làm sao có doanh thu tối đa. Tuy nhiên, trong trường hợp MAL Zrt., một tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Hungary, chiếm 12% thị phần sản xuất alumin tại Châu Âu, nơi tạo dựng công ăn việc làm cho nhiều ngàn nhân công và đem lại khoản thuế không nhỏ cho đất nước, thì việc chính quyền các cấp có những dễ dãi và làm ngơ với họ trong những tiêu chí kỹ thuật và bảo vệ môi sinh là điều rất có thể.

Xét về toàn cục, trong những thảm họa môi trường như sự cố tràn bùn tại Hungary vừa qua, trách nhiệm tối thượng phải chăng vẫn thuộc về chính quyền, đòi hỏi nhà nước phải có mối quan tâm và tầm nhìn sáng suốt, dài hạn trong vấn đề môi trường, thoát khỏi sự tính toán hơn thiệt thiển cận về kinh tế.

(*) Bài viết đã đăng trên “Sài Gòn Tiếp Thị”.

Tác giả bài viết: Trần Lê, từ Hungary