Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Thảm họa bùn đỏ ở Hungary: TÁI CHẾ BÙN ĐỎ VÀ CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ

Thời kỳ “hậu bùn đỏ” ở Hungary, giới chuyên môn phải nghĩ đến lời đáp cho câu hỏi làm gì với lượng bùn đỏ khổng lồ đọng lại trong 70 năm qua, để chúng thôi là những trái bom hẹn giờ đe dọa hệ sinh thái và đời sống cư dân?

Hậu quả nặng nề từ sự cố vừa qua khiến vấn đề tái chế bùn đỏ trở nên mối quan tâm của giới chức Hungary - Ảnh: Làng Kolontár bị bùn đỏ tàn phá (Huszti István, index.hu)


Bởi lẽ, tại Hungary, bùn đỏ chỉ được lưu giữ chứ không xử lý. Cho dù Hungary từ nhiều năm nay đã đủ khả năng về công nghệ để làm điều đó, vấn đề lớn nhất có lẽ vẫn chỉ là tài chính và cạnh đó là quyết tâm chính trị.

“Vàng ròng” trong núi bùn đỏ

Trong bùn đỏ có cả hệ tuần hoàn Mendeleev!”, TS. Szépvölgyi János, Viện trưởng Viện Vật liệu và Môi trường (Trung tâm Nghiên cứu Hóa học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hungary) khẳng định khi nói đến thành phần của bùn đỏ.

Cho dù không đến nỗi là “cả hệ tuần hoàn”, nhưng thực sự có thể tách được nhiều kim loại giá trị từ bùn đỏ. Cũng vì mục đích đó mà kể từ 7 thập niên nay, khi những bể bùn đỏ đầu tiên được xây dựn tại Hungary, giới kỹ thuật nước này mới chỉ trữ bùn đỏ với mong muốn sẽ tái chế vào lúc nào đó.

Thời gian trôi qua, đã có ít nhất 50 triệu tấn bùn đỏ tích tụ lại, chủ yếu tại các bể chứa khổng lồ ở bốn vùng Ajka (30 triệu), Almásfüzitő (12 triệu) và Mosonmagyaróvár (8 triệu), trong đó, ngoại trừ các bể tại Mosonmagyaróvár là được phủ kín đất và trồng cây cỏ lên trên, hệ bể ở các nơi khác đa phần còn là lộ thiên.

Là sản phẩm phụ của quá trình luyện quặng bô-xít thành alumin bằng phương pháp Bayer, bùn đỏ tuy là rác thải công nghiệp độc hại nhưng cũng chứa nhiều kim loại có thể tận dụng. Theo các nhà khoa học, căn cứ thành phần của các hợp chất hóa học trong bùn đỏ ở Hungary, có thể khai thác được 8-10 triệu tấn nhôm, 15-18 triệu tấn sắt, 1 triệu tấn Titan, 50 ngàn tấn Vanadium, 100-150 tấn Gallium, cũng như nhiều kim loại đất hiếm mà quý nhất là các chất Cerium, Lanthanum, Neodymium và Gadolinium (50 tấn).

Nếu có thể tách được các kim loại này để tái sử dụng trong công nghiệp và đời sống, bùn đỏ sẽ chỉ còn trơ “xác”, việc chôn và xử lý sẽ trở nên đơn giản và an toàn gấp nhiều lần so với hiện tại.

Khả năng tận dụng

Hungary bắt đầu để tâm một cách tích cực đến việc tận dụng bùn đỏ trong thập niên 80 thế kỷ trước. Khi đó, trong nhiều năm ròng, trong khuôn khổ phòng thí nghiệm và “thử nghiệm thực tế”, TS. Szépvölgyi János đã tham gia một đề án khảo sát khả năng tách kim loại từ bùn đỏ do Phòng Nghiên cứu Hóa vô cơ (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hungary) kết hợp cùng các sơ cở nghiên cứu công nghiệp khác.

Kết quả của nghiên cứu này được đăng tải năm 1984 trong tờ “Công nghiệp Mỏ và Luyện kim”, cho thấy các nhà khoa học Hungary rất ý thức được rằng sản xuất alumin theo phương pháp Bayer khiến lượng bùn đỏ phát sinh nhiều hơn lượng alumin thu được. Ngoài ra, trong một số trường hợp, lượng kim loại có thể tách được trong bùn đỏ còn nhiều hơn lượng mà Hungary có thể sản xuất, hoặc sử dụng hàng năm.

Tuy nhiên, những thử nghiệm nói trên cũng cho thấy, với công nghệ thời đó, nếu tái chế bùn đỏ trên diện hẹp thì sẽ không có hiệu quả kinh tế, nói cách khác, giá thị trường của các kim loại được tách ra từ bùn đỏ không đủ bù cho những chi phí cần thiết.

Căn cứ thực tế đó, một quyết định chính trị đã được đưa ra, thực ra là dễ hiểu so với hoàn cảnh đương thời: hãy chờ đợi, khi nào công nghệ rẻ, và giá thành các kim loại có thể tách từ bùn đỏ gia tăng trên trường thế giới!

Những bể chứa bùn đỏ tại Hungary, như thế, cứ đầy lên với thời gian gần 30 năm trôi qua...

Không chỉ là chuyện kinh phí

Hai mươi năm sau, trong thời gian 2001-2004, được sự ủy nhiệm của Cục Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia Hungary, học viện do TS. Szépvölgyi János đứng đầu lại kết hợp với Đại học Pannon để thử nghiệm việc tận dụng bùn đỏ với một công nghệ mới mang tên công nghệ plasma. Hồ sơ hàm chứa các kết quả nghiên cứu, cho đến nay vẫn được bảo mật.

Ông Szépvölgyi chỉ tiết lộ với báo giới rằng chi phí để xây dựng một nhà máy xử lý bùn đỏ (với công suất 50 ngàn tấn hàng năm), theo giá thanh năm 2004, là 9 triệu USD. Theo các tính toán thời đó, khoản tiền này sẽ được hồi lại sau 3 năm hoạt động của nhà máy, có điều, với công suất như vậy thì cần phải vận hành hàng nghìn năm mới xử lý được hết lượng bùn đỏ tích tụ tại Hungary, đấy là chưa kể hàng năm các nhà máy luyện alumin tại nước này vẫn tiếp tục thải ra bùn đỏ.

Làm một phép tính với các con số, nếu mỗi hệ bể chứa tại Hungary đều có một nhà máy với công suất như vậy thì chi phí bỏ ra là chừng 5,4 tỉ Ft và “chỉ” trong vòng 300 năm, sẽ xứ lý được triệt để vấn đề bùn đỏ Hungary.

Tất nhiên, các nhà khoa học còn tính tới những dự án lớn hơn thế. “Hoành tráng” nhất là kể hoạch cho xây ở TP Ajka một nhà máy lớn với công suất 1,5 triệu tấn bùn đỏ hàng năm, và hai nhà máy nhỏ hơn tại Almásfüzitő và Mosonmagyaróvár với công suất 1 triệu tấn, đủ khả năng để làm “tiêu biến” bùn đỏ Hungary trong vòng 20, 12 và 8 năm.

Vấn đề chỉ là, sau khi xử lý hết bùn đỏ thì làm gì với những cơ sở công nghiệp ấy, mà chi phí xây dựng là chừng 400-500 triệu USD, tức 80 tỉ Ft theo thời giá hiện nay. Bởi lẽ, thời thế đổi thay, từ một cường quốc luyện bô-xít, alumin và nhôm trong phe XHCN, đến giờ Hungary chỉ còn duy nhất một nhà máy sản xuất alumin tại TP Ajka, hàng năm thải ra chừng 400 ngàn tấn bùn đỏ, tức là một phần tư công suất nhà máy theo giả định.

Như thế, vấn đề ở đây không chỉ là tiền, mà còn là khả năng nhìn xa trông rộng và cân nhắc hơn thiệt của lãnh đạo trước những biến cố khó lường. TS. Szépvölgyi János cho hay, kể từ khi hoàn tất công trình nghiên cứu năm 2004, ông không hề có tin gì về nó nữa: “Chúng tôi được trả công, thế rồi hồ sơ bị nhét sâu vào một ngăn kéo nào đó”.

Nếu không có thảm họa sinh thái ở TP Ajka, có lẽ vấn đề tái chế bùn đỏ còn xa mới lọt vào tầm ngắm của giới chức Hungary, hiện đang lo vận lộn với cuộc khủng hoảng tài chính và những hậu quả tệ hại ở nước này. Có điều, sự cố đã xảy ra, khả năng là việc thiết lập những phân xưởng xử lý bùn đỏ theo hướng nói trên để đi tới cùng trong việc đảm bảo an toàn môi sinh cũng đang được giới chuyên môn và các cơ quan chức năng Hungary để tâm và cân nhắc.

(*) Bài viết đã đăng trên “Pháp luật TP HCM”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh