Thảm họa bùn đỏ ở Hungary: CÓ PHẢI DO “CÔNG NGHỆ 1942”?
- Thứ sáu - 26/11/2010 22:38
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cho dù lý do và nguyên nhân của sự cố tràn bùn bi thảm tại Hungary chưa được các cơ quan hữu quan nước này làm rõ, tuy nhiên, vừa qua, truyền thông Việt Nam có đưa ý kiến sơ bộ của đoàn công tác Việt Nam vừa tới khảo sát tại hiện trường tai nạn, liên quan đến công nghệ do phía Hungary áp dụng.
LS. Ruttner György (bên phải) trong cuộc đàm phán với LS. Magyar György, đại diện các nạn nhân của sự cố bùn đỏ - Ảnh: Soós Lajos (MTI)
Để làm rõ thêm vấn đề công nghệ của nhà máy bauxite ở TP Ajka, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Ruttner György, đại diện pháp luật của Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.). Ông này được coi là người duy nhất có chức năng phát ngôn thay mặt Tập đoàn kể từ khi MAL Zrt. bị đặt dưới quyền quản lý và giám sát của nhà nước (trung tuần tháng 10-2010).
- Trên báo chí Việt Nam có đăng nhận xét dựa trên kết luận trong chuyến thăm thành phố Ajka của đoàn công tác Việt Nam. Theo đó, “công nghệ của Hungary hiện nay của nhà máy bauxite Ajka của Hungary là công nghệ từ năm 1942”. Ông có ý kiến gì về nhận xét này?
- Công nghệ MAL Zrt. sử dụng thì cũng là công nghệ hiện nay đa số các cơ sở luyện alumin trên thế giới vẫn dùng thôi. Tất nhiên nó là công nghệ thải ướt, không thuộc loại tối tân nhất nhưng bản thân công nghệ chẳng có vấn đề gì cả.
- Hệ bể chứa ở Ajka cũng bị cho là đã quá cũ và yếu vì bằng bê tông xỉ, xin trích: “Thành xây của Hungary làm từ năm 1942. Bạn xây bằng bê tông xỉ...”.
- Cần nói rõ là hiện tại trong số 10 bể chứa ở Ajka chỉ còn bể số 10 và 10/a hoạt động (lượng bùn đỏ phát sinh trong quá trình sản xuất alumin hiện nay của nhà máy được chứa trong bể 10/a).
Các bể khác đều đã được đắp bởi lớp đất và thảm thực vật, quá trình hoàn thổ được thực hiện. Riêng bể số 10 bị tràn bùn được xây năm 1985 và đến 1990 thì hoàn thành. Như vậy nó cũng không mới nhưng tất nhiên là không đến nỗi cũ từ năm... 1942!
Các bể chứa được xây bằng loại chất liệu mà với thời gian thì nó trở nên cứng như xi măng, cũng rất vững chãi. Vấn đề ở đây không phải là ở chất liệu bể chứa.
- Thế thì tại cái gì? Nguyên nhân của sự cố, theo như chúng tôi biết, chưa được công bố trên báo chí. Ông có thể cho biết đã có kết quả chính thức gì chưa cho dù là ý kiến giám định, hoặc quan điểm của tòa án? Về trách nhiệm pháp lý ở đây?
- Tại cái gì thì bây giờ chưa có phán quyết của tòa. Chúng tôi cho rằng đây là một sự cố không thể lường trước được.
Cho đến nay hoàn toàn chưa có ý kiến giám định. Tuy nhiên, các ý kiến thẩm định sơ bộ thì đã có, thiên về hướng nhà nước cũng có phần trách nhiệm ở đây. Bởi lẽ năm 1997, khi mua lại nhà máy alumin ở TP Ajka, MAL Zrt. cũng phải tiếp quản luôn hệ bể chứa đã được nhà nước cho xây trước đó.
Thậm chí vào lúc đó, nhà nước còn buộc MAL Zrt. phải xây một vách chắn ngăn nước ngầm nhiễm kiềm lan tỏa, thẩm thấu. Do vách chắn mà trong nhiều năm, một lượng nước mưa rất lớn bị đọng lại, không chảy được đi đâu khiến tường hộ đê bị úng, các lớp đất bị trượt, kéo theo thành đập của bể chứa khiến nó bị vỡ.
- Vậy thì thực ra đây là phần trách nhiệm thuộc về nhà nước và là điều nhà nước có thể tiên lượng được? Còn khi MAL Zrt. “tiếp quản” hệ bể chứa thì họ chỉ tiếp nhận một “sự đã rồi”? Những đợt kiểm tra thường xuyên sau đó không chỉ ra được vấn đề này?
- Bể chứa được kiểm tra thường xuyên và chưa bao giờ có vấn đề gì. Vì thế tôi mới nói rằng đối với MAL Zrt. thì sự cố vừa rồi là điều không thể tính đến được.
Nhìn lại, có thể nói là nếu chọn được nơi xây bể chứa mà đất tốt, không có cấu trúc và thành phần khác nhau như ở vùng Ajka thì có lẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, đây là điều mà khi làm cách đây mấy chục năm, không ai lường được.
(*) Bản tin đã đăng trên “Pháp luật TP HCM”.