Thảm họa bùn đỏ 2010: DOANH NGHIỆP VÀ CHÍNH QUYỀN ÐỀU CÓ PHẦN TRÁCH NHIỆM!
- Thứ tư - 02/11/2011 21:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 27-10 vừa qua, Ủy ban chuyên trách trực thuộc Quốc hội Hungary vừa công bố tờ trình gần 80 trang trên trang chủ của Quốc hội nước này, về vấn đề trách nhiệm trong sự cố bùn đỏ năm ngoái và đề xuất ngăn chặn những thảm họa tương tự trong tương lai.
Thảm họa bùn đỏ Hungary - Giải thưởng lớn Liên hoan Ảnh báo chí Hungary (Hội Nhà báo Hungary) lần thứ 29
Nhắc lại, sau khi thảm họa sinh thái xảy ra vào đầu tháng 10-2010, một Ủy ban điều tra đã được thành lập vào ngày 21-12 theo đề xuất của một dân biểu đảng cực hữu JOBBIK, ông Kepli Lajos, người về sau được đề cử cương vị Chủ tịch Ủy ban.
Ủy ban chuyên trách điều tra vụ tràn bùn đỏ
Gồm 10 thành viên là các dân biểu đại diện cho 5 chính đảng trong Quốc hội Hungary, trong 1 năm hoạt động, Ủy ban đã họp 18 phiên (trong đó có 16 phiên công khai, 1 phiên không công khai và 1 phiên nội bộ), đã thẩm vấn 48 người, trong đó có Ban lãnh đạo Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.), lãnh đạo các cơ quan có liên quan, các chuyên gia, giám định viên, các nhà khoa học, cũng như một số yếu nhân trong công nghiệp bauxite Hungary. Ðáng chú ý là cựu Thủ tướng Gyurcsány Ferenc cũng bị triệu tập thẩm vấn trong đợt này.
Trong quá trình làm việc, Ủy ban đã tỏ ra dân chủ ở chỗ trước khi công bố bản báo cáo, họ có gửi toàn văn dự thảo tờ trình cho các Bộ, ngành có liên quan, và cho cả MAL Zrt. để tham khảo ý kiến của doanh nghiệp. Một số phản hồi, đính chính... của MAL Zrt. đã đưa đưa vào văn bản chính thức.
Tờ trình của Ủy ban điều tra đã được thực hiện một cách công tâm để trả lời một câu hỏi vẫn khiến công luận Hungary nhức nhối: ai phải chịu trách nhiệm về thảm họa đã gây nên cái chết của 10 người, khiến vài trăm người bị thương nặng, hàng ngàn người mất nhà cửa, sạt nghiệp, hơn 1 ngàn hec-ta đất canh tác nông nghiệp bị tiêu hủy, thiệt hại lên tới 35 tỉ Ft (tương đương 167 triệu USD).
Trách nhiệm chính yếu: MAL Zrt.!
Bản báo cáo trình lên Quốc hội Hungary quy trách nhiệm chính cho doanh nghiệp MAL Zrt., nhưng cũng khẳng định rằng rất nhiều yếu tố phức tạp và phức hợp, hàng loạt thiếu sót và bất cẩn về thiết kế, công nghệ, vận hành và quản lý là nguyên nhân phụ dẫn tới thảm họa sinh thái này.
Lãnh đạo MAL Zrt. cho rằng, theo những định luật vật lý, vách hồ chứa không thể bị vỡ được...
Ủy ban khẳng định, MAL Zrt. phải chịu trách nhiệm chính trong tai nạn công nghiệp này vì hồ chứa số 10 bị tràn bùn đã bị sử dụng quá tải, gấp nhiều lần so với mức quy định. Cụ thể, trên lớp bùn đỏ được trữ trong bể, theo quy định, mực nước có chỉ số pH (tức nồng độ kiềm) cao không được quá 1,5m (trung bình là 1m), nhưng tại hồ chứa số 10, con số này là 4,45m (trung bình), có nơi lên tới 8m.
Về phần MAL Zrt. cho dù hàng tuần có cử người đi đo đạc mực nước chứa trong bể, nhưng doanh nghiệp này đã không làm gì để cải thiện tình hình. Thêm nữa, cách đo đạc hiện tại là không chính xác, nhiều khi đưa ra những kết quả mâu thuẫn. Những tính toán cho thấy lượng dung dịch có nồng độ kiềm rất mạnh này gấp ba con số cho phép, nên đã tạo ra một áp suất vô cùng lớn cho các đê chắn.
Hồ chứa số 10 được xây năm 1989 với những kích thước khổng lồ, bắt đầu chứa bùn đỏ từ năm 1998 và trong thực tế, lượng dung dịch kiềm có nồng độ rất mạnh đã đầy vào giữa năm 2010. Áp lực lớn đè lên thành vách khiến bể bị rạn và vào ngày 4/10 định mệnh năm ngoái, vết rạn trong thời gian ngắn đã biến thành một khe có bề rộng 60m, gây nên thảm họa.
Vô vàn thiếu sót đi kèm
Tuy nhiên, cạnh nguyên nhân cụ thể nói trên, bản báo cáo đã liệt kê tỉ mỉ nhiều sự cố kỹ thuật, nhiều sai sót đã góp phần cho quá trình rạn vỡ thành hồ chứa số 10. Theo tờ trình, nếu các bên có liên quan lưu ý đến tầm kích và độ nguy hiểm của hồ chứa để có những biện pháp kịp thời, thì lẽ ra đã có thể ngăn chặn được những yếu tố này.
Cụ thể, về mặt thiết kế, việc xây hồ chứa với những kích thước khổng lồ như vậy ở nơi từng là lòng một con suối, nền đất yếu - mà không lưu tâm đầy đủ tới những lực căng bên trong một công trình có độ cao mấy chục mét và những hậu quả khả dĩ của chúng - là một sai lầm.
Về mặt vận hành và quản lý, hầu như tất cả các ban, ngành có liên quan đều phạm sai sót khi cấp phép xây dựng và hoạt động của hồ chứa. Cơ quan quản lý mỏ - nơi lẽ ra cần đưa ra ý kiến giám định khi xây dựng - đã không được hỏi ý kiến, trong khi đó, lãnh đạo hành chính khu vực, tuy không có chuyên môn về kỹ thuật nhưng lại là bên cấp phép.
Hàng ngàn người sa vào cảnh màn trời chiếu đất
Thay vì coi bùn đỏ là rác thải độc hại, tại hồ chứa số 10, doanh nghiệp đã “lách luật” khi báo cáo đó không phải là chất độc hại để không phải áp dụng những quy định nghiêm ngặt nhất trong việc xử lý bùn đỏ. Trong việc này, cơ quan chuyên trách là Ủy ban Phân loại Rác thải đã hoàn toàn không được hỏi ý kiến khi cần đánh giá và phân loại rác thải!
Tiếp đó, Cơ quan Phòng chống Thảm họa cũng sai lầm khi không xếp hạng đúng đắn hồ chứa bùn đỏ và do đó, đã không có quyền giám sát cơ sở công nghiệp nguy hiểm này. Thêm nữa, sự phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền rất lỏng lẻo, do đó, những quy định của chính quyền đã không được thực hiện ở mức độ đáng kể.
Bản báo cáo cũng đề cập tới và bác bỏ một số giả thiết cho rằng những điều kiện thời tiết, khí hậu (mưa, gió...) đã gây nên vỡ vách chắn, và khẳng định rằng: về căn bản, đây không phải là một thảm họa thiên nhiên, mà rõ ràng là thảm họa công nghiệp có nguồn gốc từ hoạt động công nghiệp.
Bài học từ sự cố tràn bùn Hungary
Kết quả điều tra cho thấy, chính yếu tố con người (sự bất cẩn, chủ quan, vô trách nhiệm...) đã đóng vai trò trọng yếu trong tai nạn công nghiệp này, chứ không phải sự yếu kém và lạc hậu của công nghệ khai thác bauxite - alumin của Hungary, như ý kiến của đoàn công tác Việt Nam tới khảo sát tại hiện trường tai nạn, từng được các quan chức Việt Nam viện dẫn để trấn an những quan ngại của công luận trong nước trước đề án bauxite Tây Nguyên.
Bởi lẽ, công nghệ của Hungary không lạc hậu và trong nhiều thập niên, nước này cũng từng là cường quốc trong công nghiệp nhôm. Thậm chí, tờ trình cũng thừa nhận rằng, từ năm 2009, Tập đoàn Nhôm Hungary đã đầu tư 750 triệu Ft để thiết lập một hệ thống kỹ thuật làm giảm độ ẩm trong bùn đỏ và sau này, vì sự đầu tư đó, MAL Zrt. cũng chỉ cần chưa đầy nửa năm để chuyển sang công nghệ thải bùn khô vào mùa xuân năm nay.
Một vấn đề khác cũng rất đáng được lưu tâm: tờ trình đã nhận định một cách khách quan rằng không phải chỉ doanh nghiệp phải chịu “chịu trận”, mà nhà nước và cơ quan quản lý cũng phải có phần trách nhiệm trong tai nạn. Lý do là vì nhiều quy định chưa được hợp lý về mặt pháp luật và hành chính khiến các ban, ngành có liên quan (thủy lợi, xây dựng, bảo vệ môi trường...) đã không có sự phối hợp hiệu quả trong quá trình kiểm tra và giám sát hồ chứa.
Những cuộc kiểm tra định kỳ các hồ chứa để gia hạn các giấy phép chỉ được tiến hành một cách qua quít, không thực chất, sự giám sát rất hạn chế và đơn thuần chỉ mang tính hành chính chứ không đi sâu vào nội dung kỹ thuật tỉ mỉ. Do đó, khiến sự cố bùn đỏ vẫn xảy ra trong khi, như đại diện doanh nghiệp thường nhấn mạnh trong quá trình điều tra, MAL Zrt. có đủ các giấy phép do chính quyền cấp, chứng tỏ họ đã thực hiện hết cả bổn phận.
Vô số nguyên nhân phụ khác dẫn tới thảm họa sinh thái đầu tháng 10-2010 tại Hungary
Báo cáo cũng nhắc tới một điểm mấu chốt khác: người dân trong vùng đã không được cung cấp các thông tin cần thiết về trạng thái và sự nguy hiểm của các hồ chứa bùn đỏ, họ hoàn toàn không được chuẩn bị cho những tình huống đặc biệt, khi sự cố xảy ra. Chính quyền khu vực cũng không hề có trong tay những kế hoạch phòng vệ để có thể xử lý và chế ngự được những thảm họa công nghiệp và môi trường ở mức độ như thế.
Hậu quả nói trên của việc doanh nghiệp và chính quyền không thực hiện bổn phận minh bạch thông tin với cư dân, không duy trì quan hệ đối tác với cư dân, là khi tai nạn xảy ra thì nó kéo theo những hậu quả thảm khốc và không lường trước nổi!
Những kết luận của Ủy ban điều tra cũng cho thấy, trong một ngành công nghiệp hàm chứa những nguy hiểm đối với môi trường như công nghiệp chế biến quặng bauxite và alumin, ngay cả trong trường hợp công nghệ được áp dụng là tương đối hiện đại như ở Hungary, vì rất nhiều lý do khác nhau, vẫn không thể loại trừ hoàn toàn khả năng thảm họa xảy ra, như đã…
(*) Bài viết đã đăng trên RFI.