TỪ SÀI GÒN ĐẾN SÔNG DANUBE
- Thứ sáu - 22/09/2017 04:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Tôi không chỉ trở về với kỷ niệm xưa mà còn có thêm nhiều kỷ niệm mới hay đẹp. Mối “duyên” của tôi với Hungary đã trở thành “món nợ đẹp”, gắn bó tôi với “Dòng sông xanh” mãi mãi” - cựu nhà báo Phúc Tiến chia sẻ những kỷ niệm đẹp của anh với đất nước Hung trong bài viết riêng cho NCTG.
Lời Tòa soạn: Cựu nhà báo Phúc Tiến, từng là phóng viên báo “Tuổi Trẻ”, cách đây 27 năm đã có dịp theo học một khóa báo chí ngắn hạn tại Budapest năm 1990. Hiện tại, trên cương vị Giám đốc Công ty du học và Anh văn Hợp Điểm tại TP. HCM, hàng năm anh vẫn có dịp trở lại mảnh đất Hungary mà anh có nhiều kỷ niệm và ấn tượng đẹp đẽ.
Vào ngày 29-9-2017 tới, nhân chuyến công tác ở Hungary, tác giả Phúc Tiến sẽ có cơ duyên chia sẻ với bạn đọc về câu chuyện gìn giữ những di sản lịch sử của Sài Gòn thông qua những cuốn sách ghi lại tình yêu với thành phố nơi mình sinh ra và quê hương Việt Nam: “Sài Gòn không phải ngày hôm qua” và “Sài Gòn - hai đầu thế kỷ” (*).
Cũng nhân dịp này, anh đã có bài viết riêng cho NCTG, ghi lại những ký ức không quên, và sự gắn bó với mảnh đất Hungary từ nhiều năm qua. Trân trọng giới thiệu! (NCTG)
(*) Sự kiện do Trung Tâm Thăng Long và báo NCTG phối hợp tổ chức, bắt đầu vào hồi 19 giờ thứ Sáu ngày 29-9-2017 tại Nhà Hàng Hoa Sen (Trung Tâm Thăng Long, 1183. Budapest, Gyömrői út 79-83).
Tại buổi giao lưu sẽ có buổi nói chuyện ngắn về lịch sử Sài Gòn, triển lãm một số hình ảnh so sánh Sài Gòn xưa và nay, trưng bày sách của tác giả...
Vào ngày 29-9-2017 tới, nhân chuyến công tác ở Hungary, tác giả Phúc Tiến sẽ có cơ duyên chia sẻ với bạn đọc về câu chuyện gìn giữ những di sản lịch sử của Sài Gòn thông qua những cuốn sách ghi lại tình yêu với thành phố nơi mình sinh ra và quê hương Việt Nam: “Sài Gòn không phải ngày hôm qua” và “Sài Gòn - hai đầu thế kỷ” (*).
Cũng nhân dịp này, anh đã có bài viết riêng cho NCTG, ghi lại những ký ức không quên, và sự gắn bó với mảnh đất Hungary từ nhiều năm qua. Trân trọng giới thiệu! (NCTG)
(*) Sự kiện do Trung Tâm Thăng Long và báo NCTG phối hợp tổ chức, bắt đầu vào hồi 19 giờ thứ Sáu ngày 29-9-2017 tại Nhà Hàng Hoa Sen (Trung Tâm Thăng Long, 1183. Budapest, Gyömrői út 79-83).
Tại buổi giao lưu sẽ có buổi nói chuyện ngắn về lịch sử Sài Gòn, triển lãm một số hình ảnh so sánh Sài Gòn xưa và nay, trưng bày sách của tác giả...
*
Thuở nhỏ, mỗi lần nghe ngân vang những giai điệu “Dòng sông xanh” bất tử của Johann Strauss II, tôi mơ tưởng một ngày nào đó sẽ được dạo chơi trên miền đất đầy lãng mạn ấy. Thế rồi, điều ấy cũng đến với tôi, bất ngờ và hồi hộp, cứ như quà tặng của... Bụt!
Từ Ấn Độ sang... Hung
Có thể nói tôi được đi học Hungary vào phút thứ 89! Năm 1990, tôi đang là phóng viên báo “Tuổi Trẻ”. Đất nước mới mở cửa, phóng viên bắt đầu được đi đây đi đó nhiều hơn mà không phải xếp hàng “đợi suất” như trước. Đại sứ quán Ấn Độ thông báo thi tuyển học bổng đi học sáu tháng tại Học viện Báo chí và Truyền thông New Dehli. Tôi được cơ quan đề cử cùng một số anh chị cùng dự thi tiếng Anh và tham dự phỏng vấn trực tiếp bởi ông Tổng lãnh sự. May mắn, tôi trúng tuyển và bắt đầu chuẩn bị “khăn gói” lên đường. Tuy nhiên, giờ chót, “sếp” “Tuổi Trẻ” gọi tôi vào đề nghị “nhường” suất ấy cho một biên tập viên lâu năm. Lý do nêu ra là tôi còn trẻ (chưa đến 30, sẽ còn nhiều cơ hội khác. Còn đồng nghiệp của tôi, tuổi “cứng” hơn, đang cần học tập, bồi dưỡng cấp bách. Đổi lại, tôi sẽ đi học suất hai tháng báo chí bằng tiếng Anh tại Hungary. Đây là suất học bổng đặc biệt, Đại sứ quán Hungary chỉ ưu ái dành cho “Tuổi Trẻ”!
Thôi thì, “sếp” đã nói mình còn trẻ, chuyện học vẫn còn dài. Tôi tặc lưỡi đồng ý, sau khi “hỏi nhỏ” ý kiến người yêu! Kể ra, học hai tháng có hơi ngắn nhưng Hungary là Châu Âu, xứ sở của “Dòng sông xanh”. Tôi chưa đi nước ngoài lần nào (trừ Campuchia, hai lần đi theo bộ đội qua nhà hàng xóm, chẳng cần hộ chiếu), nay được đi Châu Âu một phát, ai cũng bảo là hên! Thế nhưng, thủ tục đi nước ngoài ngày ấy rất lằng nhằng. Nhiều cơ quan duyệt xét, ý kiến qua lại suốt hai ba tháng. Cuối cùng, đúng là có Bụt, tôi đã cầm được Giấy chấp thuận của Thành Ủy và Ủy ban Nhân dân Thành phố để qua Sở Ngoại vụ nhận hộ chiếu công vụ. Có hộ chiếu mới lấy được vé máy bay do nhà trường đã book trước ở phòng vé. Hôm ấy, cũng đúng là ngày nhân viên sứ quán Hungary thông báo với tôi một tin động trời: “Nhà trường vừa “fax” sang, nói rằng lớp đã khai giảng một tuần, thôi anh cứ ở lại, sẽ đi học khóa sau!”.
May quá, chậm một chút nữa, thì tôi khỏi đi “thỉnh kinh” ở cả Ấn Độ và Hungary! Ngày 22-10-1990, một buổi chiều mưa lê thê, lòng người và thời tiết sao mà giống nhau thế, tôi ra sân bay Tân Sơn Nhứt. “Nhớ về con nhé”, “nhớ về anh nhé”, khi chia tay, cả mẹ và người yêu tôi đều nhắn nhủ như vậy! Cả hai chắc cũng đã nghe chuyện nhà báo Bùi Tín đi Pháp đã ở lại, lên đài BBC rỉ rả. Nhưng cả hai có lẽ tin rằng tôi là “thằng nhãi ranh”, không mơ màng chuyện “tầy đình” đó. Hai người phụ nữ mà tôi mến yêu, biết cái tính ham chơi, ham vui của tôi. Cả hai chắc đều lo ngại tôi “tung tăng” nơi này nơi kia, quên mất đường về!
Biết làm sao được! Tôi cũng chưa biết thế nào, chỉ định bụng có tiền có thời gian thì phải “tranh thủ” đi thêm một vài nước Châu Âu cho “thỏa cẳng”. Bởi hồi ấy, ai cũng biết đi nước ngoài là “lộc” quý hiếm, không dễ có lại. Ôi, tuy nhiên trong túi tôi lúc ấy, chỉ có hai tờ giấy bạc 100 đô Mỹ. Một tờ của cơ quan “cho mượn” để “phòng thân” vì Phòng Tài vụ nói nhà nước không có quy định cấp công tác phí cho những trường hợp đi công tác được nước ngoài đài thọ. Còn một tờ, do người yêu đưa lúc ở sân bay với lời dặn: “Anh cứ xài khi cần, đừng mua quà gì cho em hết!”. Khốn thay, khi vào bên trong nhà ga, lúc đi toilet, tôi chợt thấy nhiều người lấy tiền đô nhét vào vớ giầy. Hỏi ra mới biết, theo quy định, người Việt Nam xuất cảnh, không được mang theo một chút ngoại tệ hay vàng bạc nào. Do vậy, người ta phải giấu đi trước khi qua hải quan. May thay, ở hải quan, người ta khám xét rất kỹ hành lý nhưng không khám người! Vậy là tôi phơi phới lên đường!
Học báo chí trên đồi Hoa Hồng
Lạ lùng, tôi đi một chuyến bay dài nhất cho đến giờ. Đầu tiên bay từ Sài Gòn đến Bangkok, sau đấy bay sang New Dehli. Từ Ấn Độ lại bay đến Pháp, dừng chân ở Paris rồi chuyển máy bay sang Zurich (Thụy Sĩ). Cuối cùng, từ đấy bay sang Budapest, tổng cộng các chặng bay phải đến 30 giờ đồng hồ. Dẫu sao, lần đầu đi máy bay nước ngoài, tôi chẳng thấy vất vả gì hết. Lại thấy vui vì được ghé xuống nhiều nước, dẫu chỉ là sân bay. Thêm nữa, lại thêm một món quà của Bụt, tôi được đi Châu Âu bằng hãng Air France chứ không phải hãng Aeroflot của Liên Xô như thông lệ thời ấy.
Bụt còn “đãi” tôi một món quà “không mơ thấy nổi”. Đó là vé máy bay hạng nhất từ Sài Gòn đến Paris và vé hạng Business cho tất cả các chặng còn lại! Tôi lớ ngớ lên máy bay, thắc mắc sao mình ở trong cái khoang gì mà ít người thế. Ghế rộng, ăn uống thả cửa. Cứ hai tiếng đồng hồ lại nhận được một bản tin thế giới bằng tiếng Anh của hãng AFP! Lại còn được xem phim truyện, phim tài liệu du lịch trên màn hình tivi lớn đặt ở giữa khoang. Mổi lần lên máy bay mới, tôi lại thấy ông Cơ trưởng mặc áo veste đen ra chào, rất trang trọng. Thôi, không dám kể nữa, lẩm cẩm, nhiều chuyện mất rồi.
Tuy nhiên, món quà lớn nhất của Bụt chính là ngôi trường và khoa học báo chí tôi được học. Đó là ngôi trường của Hội Nhà báo Quốc tế OIJ do Liên Xô và các nước XHCN hậu thuẫn. Trường này đặt tại khu vực đồi Hoa Hồng của Budapest, tiếp nhận các nhà báo ở nhiều nước thứ ba. Nhiều anh chị cấp quản lý ở các báo lớn của Việt Nam đã đi tu nghiệp ngắn hạn tại đây. Trường còn có các khóa học cho phóng viên đủ các loại hình báo viết, báo nói, báo đài... Những năm 1988-1990, tôi không rõ kinh phí từ đâu và mục tiêu thế nào, trường OIJ liên tục mở các khóa học về Video Production cho nhà báo truyền hình và kể cả báo viết. Chị Minh Thu - đạo diễn phim tài liệu kỳ cựu của HTV đã đi học khóa này.
Về sau, tôi được biết khóa học của tôi được lên kế hoạch cho năm 1989 nhưng năm ấy Hungary thay đổi chế độ nên đình lại. Bụt phù hộ thế nào đấy, sang năm 1990 trường vẫn hoạt động và khóa học Video Production vẫn có. Nhưng sang năm 1991, khi Liên Xô “tan hàng” thì trường cũng “rã đám”. Có lẽ khóa học của tôi là một trong những chuyến tàu giờ chót.
Tôi còn nhớ sau buổi bế giảng vài ngày, bỗng ông Hiệu trưởng gọi tôi gặp riêng ở văn phòng. Ông hỏi tôi có thể giới thiệu nhà xuất bản nào ở Việt Nam sẵn sàng hợp tác mua bản quyển sách của nước ngoài. Hóa ra, ông đã chuẩn bị cho một nghề mới, phòng khi trường đóng cửa. Tôi có đem lời đề nghị của ông chuyển cho một số nhà xuất bản quen biết song rất tiếc ở VN thời gian này, chuyện mua bản quyền sách rất xa lạ, bởi Việt Nam chưa biết đến và chưa tham gia Công ước thế giới về bản quyền. Cho đến giờ, tôi không biết ông Hiệu trưởng và ông Hiệu phó của trường “lưu lạc” đi đâu khi OIJ và ngôi trường tan biến.
Những ông thầy Hungary thân thiện
Tôi không quên ngày mình đặt chân đến sân bay Budapest, lại chính là ngày quốc lễ 23-10. Hôm đó, trường nghỉ lễ, không có người đón ở sân bay (cũng vì tôi sang trễ!). Nhưng sau khi nhận được điện thoại “cầu cứu” của tôi, đích thân ông Hiệu trưởng đã lái xe ra sân bay đón tôi. Ông là người Hungary đầu tiên tôi gặp (trừ mấy ông tài xế taxi vòi vĩnh ở phi trường), nói chuyện rất cởi mở. Vừa lái xe đưa tôi đến trường, ông vừa trả lời “phỏng vấn chớp nhoáng” của tôi về tình hình Hungary sau một năm thay đổi chế độ. Ông giải thích cho tôi đang có cuộc bầu cử Quốc hội nên dọc đường đi có rất nhiều banner và poster hình ảnh các ứng cử viên cùng logo các đảng. Ông nói nhà trường đã nghĩ rằng tôi không sang học nhưng vẫn còn giữ một phòng trống.
Lúc đến trường, tôi đã được mời ăn một bữa trưa đầy nóng sốt. Thì ra, ngày lễ, nhà bếp của trường cũng nghỉ nhưng ông Hiệu phó khi nghe tin tôi đến đã cho cô con gái đến làm thức ăn ngay cho tôi. Cả hai ông, trong thời gian tôi học ở đây, đều rất niềm nỡ với các học viên. Lúc bế giảng, ông Hiệu phó khi trao phần thưởng cho tôi, một trong năm người có phim thực tập được đánh giá cao, đã nói riêng: “Việt Nam tốt lắm, giỏi lắm!”.
Lớp chúng tôi có 20 học viên đến từ nhiều nước Phi Châu, Mỹ - La Tinh, Trung Đông và Châu Á. Tất cả đều có phòng ở ngay trong trường và được nuôi ăn ba bữa. Mổi ngày, chúng tôi học từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, sau đó được ra phố đi chơi hay quay phim. Ngoài ra, còn được đưa đi tham quan các đài truyền hình, hoặc đến các quán cà phê gặp gỡ trò chuyện với các nhà báo Hung. Học Video Production, chúng tôi được đào tạo theo lối “One man show”. Từng người đều phải học đủ các khâu: viết kịch bản phim tin tức và phim tài liệu, quay phim trong studio và bên ngoài, kỹ thuật phỏng vấn, kỹ thuật dựng phim... Tất cả giảng viên đều là người Hungary, nói tiếng Anh rành rẽ. Các thầy đều là hội viên các hội điện ảnh và truyền hình, hoặc là nhà báo lâu năm. Đa số đều có bộ râu cá chép rậm rạp, rất điển hình quý ông Hungary. Ai cũng cười vui, khi tôi chào họ bằng tiếng Nga, vì các thầy đều đã có thời kỳ học tiếng Nga.
Các thầy ai nấy thoải mái “truyền nghề”, hướng dẫn tường tận. Khi tôi hỏi một thầy làm sao có thể quay được toàn cảnh Budapest từ trên cao, một thầy đã chỉ tôi lên đỉnh núi Gellért. Lúc xem phim chấm bài, một thầy khác ngạc nhiên hỏi tôi làm sao biết được điểm quay rất tuyệt vời đó. Tôi và một học viên Lào ở Đài Truyền hình Vientiane còn được các thầy tin cậy cho phép sử dụng phòng máy để tự dựng phim cho mình, không giống các học viên khác phải có thầy dựng giúp. Chúng tôi còn được thầy cho mượn bộ micrô vô tuyến đem ra bờ sông Danube quay cảnh tôi đứng trước ống kính làm xướng ngôn viên. Phía sau tôi là tàu điện chạy qua nhưng nhờ có micrô vô tuyến nên không bị tạp âm. Nhà trường còn sẵn sàng cho học viên mượn video camera đi quay bên ngoài cả ngày, không hạn chế.
Mùa Thu Vàng không quên
Phim thực hành của tôi mang tên “Mùa Thu Budapest”. Chẳng phải thời sự, chẳng phải báo chí, chỉ ngẫu hứng thế thôi. Bởi vì tôi sanh ra ở đất không có mùa Thu, quanh năm Sài Gòn luân phiên hai mùa mưa nắng.
Đến Hungary, tôi mê mẩn trước những hàng cây đang chuyển màu, trước dòng sông Danube lấp loáng ráng chiều. Mùa Thu vàng của Budapest chính là ánh nắng dát vàng lên tòa nhà cổ của Viện Hàn lâm, là hai con sư tử bệ vệ trầm ngâm trong nắng, bên chiếc cầu dây độc đáo Széchenyi. Cái sắc thái dịu dàng ấy cứ trôi đi bãng lãng trên những chuyến xe điện sơn vàng, trên những tòa nhà cổ kính và nhất là những tòa cung điện trầm mặc trên núi cao. Và kìa, những chiếc lá vàng rơi khẽ trên những chiếc ghế gỗ và những bức tượng đó đây trong công viên. Trên đồi Hoa Hồng, những tòa biệt thự xinh xắn, chập chùng nối bước nhau làm tôi nhớ Đà Lạt. Một chiều sương xuống lãng đãng, bên một chiếc hồ, tôi thấy có đàn chim bay qua nhẹ nhàng giữa lúc chuông nhà thờ ngân vang. Khung cảnh cứ như bước ra từ nét nhạc, nét vẽ tài hoa của Trịnh Công Sơn trong bài hát hát “Nhớ mùa Thu Hà Nội”.
Dù trời lạnh và phải leo cao, tôi vẫn tìm đến đỉnh cao nhất trên đồi Gellért, nơi không bị tàn lá cây nào che khuất. Tại đây, tôi đặt camera trên chân máy, đúng theo chỉ dẫn của thầy quay từ từ 360 độ toàn cảnh thành phố mà hình ảnh không bị rung hay xô lệch. Tôi có được ý tưởng đó cũng nhờ hàng ngày trông thấy ở phòng ăn nhà trường, có bức tranh vẽ Budapest nhìn từ trên cao, tuyệt đẹp. Tôi dùng bức tranh và cảnh quay panorama trên đồi Gellért làm cảnh mở đầu phim tài liệu thực hành 5 phút của mình. Kết thúc phim, là “cảnh sống” tôi ghi được ở khu vực thành Vár: trong đêm thanh vắng, người nghệ sĩ Violon cất lên giai điệu bản giao hưởng số 5 của Beethoven lai láng và bất hủ. Budapest trong mắt tôi xinh đẹp và thánh thiện vô cùng!
Tha hương ngộ cố tri
Nhưng Budapest trong tôi không chỉ có mùa Thu, không chỉ có những nét thân thiện đáng yêu của người bản xứ. Tôi còn gặp ở đây những đồng hương Việt Nam đang bươn chải giữa thời kỳ kinh tế chuyển đổi đầy trắc trở.
Càng bất ngờ và vui, khi tôi gặp lại trên đất Hung hai bạn học sinh Sài Gòn là Thanh Hải và Hồng Nghĩa. Cả hai là học sinh trường Lê Hồng Phong lớp chuyên Toán, từng đoạt huy chương thi Olympic Quốc tế môn Toán. Các bạn được học bổng nhà nước đi học ở Hungary vừa mới chân ướt chân ráo sang đây thì chính quyền thay đổi. Sinh hoạt phí bị cắt, thế là như nhiều sinh viên Việt Nam khác, các bạn đều phải vừa học, vừa “chạy chợ”. May mà tư duy toán học cũng thích ứng với kinh tế và thị trường! Gặp tôi, Nghĩa ngạc nhiên: “Sao anh không mang qua đây một va-li kimônô để bán thì được hẳn một cục tiền to mua quà về!”. “Áo ki nuôi chiến sĩ”, tôi học được một câu tục ngữ Việt ở Hung! Quả thật, bấy lâu chỉ làm phóng viên về mảng Giáo dục và Thanh niên, cho nên tôi rất dốt về chuyện mua bán. Hơn nữa, tôi chẳng biết hỏi ai vì thời đó ở Sài Gòn, chỉ thấy người ta đi Liên Xô, đi Đông Đức là nhiều.
Dưới một số nhà ga xe điện ngầm, thỉnh thoảng tôi gặp cảnh người Việt Nam “bán hàng chạy” thuốc lá, quần áo. Đặc biệt, tại các chợ trời, đội quân “da vàng mũi tẹt”, ngày ấy xưng mình là “cộng”, nhộn nhịp bán hàng rượu, thuốc lá, kẹo bánh, đồ chơi ngoại quốc. Nghe nói “quân ta” láu lỉnh có cách khai thác từ “tổng kho” hàng miễn thuế cho Ngoại giao đoàn và nhiều nguồn hàng từ nước ngoài đổ đến. Trong đó, có hàng xuất từ Việt Nam: “kimônô”, “áo phông”, “quần bò”, đồng hồ và giầy dép mang mác Phương Tây nhưng chắc là “made in Thái Lan” hay Chợ Lớn. Lại nghe nói năm 1990, ở Hungary chỉ có khoảng 3.000 người Việt, phần lớn là dân đi học, nghiên cứu sinh, còn lại là dân “xuất khẩu lao động”. So với người Việt ở Liên Xô và các nước Đông Âu khác, con số này chỉ bé tí song là “bé hạt tiêu”, chịu khó chịu làm, năng động không kém.
Hữu duyên, tôi gặp ở Budapest một đoàn công nhân xưởng phim hoạt hình đến từ Sài Gòn. Ở đấy đủ cả già trẻ lớn bé, phần lớn là 20-30, sung sức và nghệ sĩ lắm. Người tôi quen ở đây là đồng nghiệp Phương Thảo - nguyên họa sĩ trình bày báo “Khăn Quàng Đỏ”. Trong lúc chờ máy bay về Sài Gòn, đồng nghiệp Phương Thảo rủ tôi về ở hẳn một tuần với đoàn ở ký túc xá. Tại đây, tôi đi theo Phương Thảo và một số bạn thử “bán chợ trời” ở Budapest vào dịp cuối tuần. Có bạn rủ đi tỉnh, càng xa càng bán được hàng, tha hồ cho tôi chất liệu “làm phóng sự”. Một bạn còn “khuyến khích” tôi thử vượt biên qua Áo rồi đến Đức, xin vào trại tỵ nạn. Muốn ở lại thì tùy, còn không thì trải nghiệm để viết sách, viết báo! Hấp dẫn quá, tôi khoái lắm nhưng nghĩ đến đủ thứ phức tạp sẽ xảy ra nếu tôi đi mà cơ quan và người thân không biết (hồi ấy báo “Tuổi Trẻ” của tôi chưa có máy fax để có thể gởi thư về nhà mau chóng) nên tôi tặc lưỡi - chỉ nên đi thực tế “làm phóng sự” quanh đây.
Và rồi, một bạn khác rủ tôi đi xe lửa qua Praha ba ngày. Bạn này có anh trai làm công nhân nhà máy thủy tinh bên đó. Hai anh em cũng buôn bán lằng nhằng nhiều thứ. Lúc về, tôi phải ngồi xe lửa đêm một mình, hộ tống hai chiếc va-li to của họ, trong đó có một khẩu súng săn - hàng chiến thời đó. Chuyến xe lửa đêm hôm ấy, chung quanh đều là dân buôn nước ngoài, toa tàu nêm cứng người. Còn tôi thì cứ hồi hộp, lo ngại cảnh soát xét hay mất cắp. Đến bây giờ, tôi không nhớ làm sao tôi tha về hai chiếc va-li to về ký túc xá của đoàn mà không bị sứt mẻ! Chắc cũng vì có Bụt!
Gắn bó với “Dòng sông xanh”
Trước đó, đến chơi với đoàn, biết tôi đang học làm phim, anh Phương “hói” trưởng đoàn, đặt hàng tôi làm “thư video” ghi hình các sinh hoạt và những lời nhắn gởi của nhiều thành viên, gởi về cho gia đình. Phim quay nhiều ngày tại ký túc xá của đoàn, nơi làm việc. Kể cả lúc đoàn đi chơi làng cổ Szentendre rất thú vị. Phim quay xong, đoàn giao tôi đem về dựng ở Việt Nam, làm một bản gốc hoàn chỉnh, gởi lại cho đoàn. Cứ tưởng “quay chơi” nhưng đoàn trả thù lao cho tôi đàng hoàng, hẳn một “vé’’ (một trăm đô Mỹ). May mà trường không biết tôi mang camera của trường đi làm việc riêng bên ngoài.
Đây đúng là bộ phim “đầu tay” thứ hai của tôi, khoảng một tiếng đồng hồ. Trong phim, không chỉ hình ảnh sinh hoạt của đoàn mà còn có nhiều cảnh đẹp về Budapest và Szentendre - tôi hào hứng ghi lại. Lúc về thuê phòng dựng ở cơ sở 2, Đài Truyền hình Thành phố (HTV), ngay bên cạnh báo “Tuổi Trẻ”, tôi nghe người kỹ thuật viên cứ suýt xoa: “Phim quay bằng camera gì, băng video tape loại nào mà ánh sáng hay lắm, rõ nét, không nhòa, không rung!”. Anh cũng ngạc nhiên thấy hình ảnh đất nước và con người Hungary rất yêu kiều và lịch lảm. Tôi rất tiếc bản phim này và kể cả bản phim tốt nghiệp của tôi và 5-6 băng video đã ghi hình của tôi về Hungary, sau này đã xuống cấp. Không chuyển qua được DVD. Dẫu sao, tôi vẫn hy vọng anh chị nào đấy trong đoàn có lẽ còn giữ được một bản “thư video” ghi lại câu chuyện gần ba chục năm trước!
Trong bài viết này cho NCTG, tôi cố gắng “quay lại” khúc phim xưa, hồi tưởng những kỷ niệm Hungary tuy ngắn ngủi nhưng sâu thắm. Đối với tôi, và có lẽ với nhiều anh chị và bạn trẻ khác, đây không phải là đất nước chỉ ghé đến một lần! Cũng không phải là một đất nước chỉ để dạo chơi mà còn là một quê hương xinh đẹp nơi nhiều người Việt làm ăn, định cư lâu dài. Người dân Hungary, năm tôi đến chỉ có 10 triệu người, đến giờ cũng vậy. Hungary rất hiền hòa, rất thân thiện và có nhiều “kỳ công” trong chống ngoại xâm và xây đắp văn minh nhân loại. Một đất nước giàu ý nghĩa và giàu tài nguyên con người như thế, xứng đáng là một nơi “đất lành chim đậu”.
Chính vì vậy, dù trễ, phải mất 13 năm sau - năm 2003, tôi mới có dịp trở lại Hungary lần thứ hai, song tôi hớn hở như được trở về nhà. Từ đó đến nay, hầu như hàng năm tôi đều đi công tác ở Hungary. Tôi không chỉ trở về với kỷ niệm xưa mà còn có thêm nhiều kỷ niệm mới hay đẹp. Đó không phải là kỷ niệm những cuộc dạo chơi hay tâm đắc điều gì đó về đất nước này mà ở công việc nhà tư vấn hiện tại, tôi còn được học hỏi và khám phá để góp phần mang đến nền giáo dục chất lượng cao cho các bạn trẻ Việt Nam ở thế kỷ 21. Mối “duyên” của tôi với Hungary đã trở thành “món nợ đẹp”, gắn bó tôi với “Dòng sông xanh” mãi mãi.