TS. Nguyễn Ngô Việt: KỶ NIỆM SÂU SẮC VỀ NGƯỜI THẦY HUNG
- Thứ bảy - 24/08/2013 11:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Mỗi lần nghe hay hát bài hát Hung là những năm tháng tuổi thanh xuân lại hiện về và tôi cảm thấy mình như trẻ lại, vẫn là sinh viên cùng những khoảnh khắc hạnh phúc ngập tràn” – chia sẻ của TS. Nguyễn Ngô Việt.
TS. Nguyễn Ngô Việt (trái) trong cuộc gặp mặt thường niên kỷ niệm Quốc khánh Hungary 20-8 và Quốc khánh Việt Nam (2-9) do Hội Hữu nghị Việt Nam - Hungary tổ chức (Hà Nội, ngày 24-8-2013) - Ảnh: Bích Ngọc
Anh Nguyễn Ngô Việt sang Hungary học đại học năm 1974. Sau khi tốt nghiệp Tổng hợp Toán vào năm 1979, anh về nước và làm việc tại Viện Kinh tế, Tổng cục Bưu điện. Năm 1985, anh tốt nghiệp thêm Khoa Kinh tế, Đại học Kỹ thuật Thông tịn Liên lạc, và được trở lại Hungary làm nghiên cứu sinh (NCS) năm 1989.
Tháng 11-1992, trong một tai nạn xe ô tô, anh Việt bị chấn thương tủy sống cổ, bị liệt - theo giám định y khoa, anh bị mất sức lao động tới 95% và phải ngồi xe đẩy kể từ đó. Tuy nhiên, bằng nghị lực phi thường, anh đã tiếp tục nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Kinh tế năm 1993.
Năm 1994, anh Việt cùng gia đình trở về nước, thời gian đầu anh làm việc ở Viện Kinh tế Bưu điện, Học viện Bưu chính Viễn thông. Với quyết tâm trau dồi, nỗ lực để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, trên cương vị một dịch giả tự do làm công tác dịch thuật, anh còn dịch (chủ yếu cho các công ty nước ngoài) và tổ chức biên dịch nhiều đầu sách.
Anh Việt và vợ, chị Đỗ Phương Mai (cũng là một cựu DHS tại Hungary) có hai con: con trai lớn (SN 1984) hiện đang làm việc ở Pháp cho một công ty của Mỹ, và con gái (SN 1988) đang học MBA ở Mỹ. Theo chia sẻ của anh, trong thời gian rỗi rãi, anh thường học thêm ngoại ngữ, tìm hiểu và nghiên cứu Kinh Dịch, tử vi, viết báo và nghe nhạc, theo dõi thể thao, v.v...
Ngoài ra, anh Việt còn tham gia Trung Tâm Sống Độc Lập của người khuyết tật Hà Nội, một tổ chức tư nhân, phi lợi nhuận và dựa vào cộng đồng, hoạt động với mục đích hỗ trợ từng cá nhân khuyết tật, hướng người khuyết tật có thể tự quyết định và điều khiển toàn bộ sự hỗ trợ của người khác đối với mình.
Trong trao đổi sau đây với PV NCTG tại Hà Nội, TS. Nguyễn Ngô Việt chia sẻ những kỷ niệm, cảm xúc sâu sắc của anh với nước Hung, con người Hung, và vị trí của Hungary trong đời sống tinh thần của anh.
Thầy Jurányi István cùng các học sinh Việt Nam khóa 1973-1974 tại Viện Dự bị Quốc tế (NEI, Budapest). Anh Nguyễn Ngô Việt là người đầu tiên ở hàng sau cùng, từ bên phải - Ảnh do nhân vật cung cấp
Kỷ niệm về quãng thời gian học tập và sinh sống ở Hung thì rất nhiều vì đó là thời sinh viên - có thể nói là quãng thời gian đẹp nhất của mỗi người - cũng như quãng thời gian sau đó, khi tôi làm NCS ở Hung. Nhưng đối với tôi, có lẽ thời sinh viên có nhiều kỷ niệm đẹp hơn vì lúc đó chúng ta còn trẻ, còn vô tư và ít bị chi phối bởi những vấn đề của cuộc sống thường nhật.
Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi về nước Hung là hình ảnh của người thầy chủ nhiệm dạy tiếng Hung đầu tiên của tôi ở Viện Dự bị Quốc tế (NEI) ở Budapest, Thầy Jurányi István.
Thầy không chỉ tận tình dạy bảo, giúp chúng tôi có một cơ sở tiếng Hung chắc chắn để có thể tự tin nghe giảng, nghiên cứu học tập và giao tiếp ở trường đại học mà còn quan tâm đến cuộc sống tinh thần cũng như vật chất của chúng tôi. Ngoài giờ học chính thức, thỉnh thoảng Thầy còn đưa chúng tôi đi thăm quan các danh lam thắng cảnh của Hung, các viện bảo tàng để chúng tôi hiểu biết hơn về đất nước Hung, con người Hung. Có lần Thầy còn dẫn cả lớp về nhà Thầy chơi, hái quả. Tôi đã trèo lên cây hái được một cành anh đào rất đẹp - cành anh đào duy nhất tôi từng hái trong đời - về tặng cho Mai, sau này là “sếp” của tôi cho đến giờ.
Thời đó, Đại sứ quán quản lý sinh viên rất chặt, có đôi bạn hôn nhau cũng bị kiểm điểm. Quần áo mặc hơi mốt một tý cũng ”có vấn đề”. Tôi còn nhớ tôi và anh bạn Thành “ruồi”, hiện đang làm cho một công ty dầu khí ở Đà Nẵng, rủ nhau mua quần loe đỏ và áo hoa mặc. Kết quả là hai đứa bị đơn vị và chi đoàn kiểm điểm, thậm chí còn bị đưa lên báo của sinh viên Việt Nam tại Hung.
Thầy Jurányi István nghe được chuyện này bực lắm. Có lần, trong giờ giải lao, trong khi tôi đang đứng nói chuyện với Thầy thì bạn Bình, sau này học ở Bách khoa Budapest rồi về dạy học ở Trường Bưu điện Phủ Lý, Ninh Bình, chạy lại nói:
- Thưa thầy, bạn Việt “huligan” (du côn) lắm ạ.
Đang bực sẵn, Thầy bảo:
- Ai “huligan”? Có tụi bay mới là “huligan”.
Thầy chăm sóc chúng tôi từng li từng tí. Có lần mải chơi, tôi xin nghỉ báo ốm để ở nhà đánh bài. Đến chiều, cả lũ đang chơi bài thì Thầy đến khệ nệ một túi hoa quả đến thăm cậu “học sinh ốm”. Tôi xấu hổ quá nhưng cũng không dám thú thật với Thầy là đã nói dối. Chỉ biết nói với Thầy là em đã đỡ rồi và hôm sau có thể đi học được.
Thầy còn rất quan tâm đến cuộc sống tinh thần của chúng tôi. Có lần Thầy hỏi: “Con gái Hung có đẹp không?”. “Có thích con gái Hung không?”. Thú thực, lúc đó còn trẻ con ú ớ chưa biết gì lắm nên tôi trả lời là không thích. Thế là Thầy bĩu môi, nhấp nháy đôi mắt to, xanh, rất hiền và nói: “Lại nho chua rồi”.
Sau năm dự bị học tiếng Hung, tôi lên Debrecen học Toán ở trường Đại học Tổng hợp Kossuth Lajos, cách Budapest 300km. Thỉnh thoảng về Budapest tôi vẫn đến thăm Thầy và Thầy luôn quan tâm hỏi han về tình hình học tập cũng như sinh hoạt của tôi.
Năm 1989, khi quay trở lại NCS, tôi đã không gặp được Thầy nữa vì Thầy đã mất trước đó vài năm. Tôi dự định sẽ đến viếng mộ Thầy nhưng chưa làm được thì lại bị tai nạn. Một trong những điều mà tôi ân hận nhất trong đời là chưa đến viếng thăm được và đặt một nhành hoa lên mộ Thầy.
Giá như có dịch vụ điện hoa đến các nghĩa trang thì hay biết mấy!
Cùng các bạn trong một buổi dã ngoại tại đồi Gellért (Budapest) - anh Nguyễn Ngô Việt là người đầu tiên từ trái sang - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nước Hung có vị trí rất đặc biệt trong cuộc đời tôi, có thể nói đó là Tổ quốc thứ hai của tôi.
Thứ nhất, đó là nơi tôi nhận được một phần khá lớn, nếu không nói là lớn nhất, sự đào tạo chính thức: Tôi đã tốt nghiệp Tổng hợp Toán và lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế ở Hungary.
Thứ hai, những năm tháng sinh viên của tôi là ở Hung nên có rất nhiều kỷ niệm đẹp gắn với nước Hung, con người Hung.
Thứ ba, gần 11 năm học tập và sinh sống ở Hung nên bản thân con người của tôi cũng có phần nào mang dấu ấn Hung. Tôi rất thích các bài hát Hung, ẩm thực Hung. Mỗi lần nghe hay hát bài hát Hung là những năm tháng tuổi thanh xuân lại hiện về và tôi cảm thấy mình như trẻ lại, vẫn là sinh viên cùng những khoảnh khắc hạnh phúc ngập tràn. Mỗi khi uống rượu Tokaj Asszú, házi pálinka (hai loại rượu nổi tiếng của Hung), ăn téli szalámi, paraszt kolbász (các loại xúc xích, dồi… của Hung) hay cseresnye (trái anh đào) là nhớ đến nước Hung, bạn bè ở Hung.
Chính vì vậy mà vài năm trở lại đây, hàng ngày tôi vẫn tranh thủ nghe đài Hung, đọc tin tức Hung để biết tin tức và để đỡ quên tiếng Hung, đỡ mất đi một mảng văn hóa tinh thần rất quan trọng, mặc dù về mặt kinh tế có thể nói là không có ý nghĩa gì.