Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TRÙM TÌNH BÁO NATO LÀ ĐIỆP VIÊN NGA?

(NCTG) Ấy là mối quan ngại - đồng thời là một bê bối của đang gây ầm ĩ tại ngoại quốc từ một tuần nay -, nhất là đối với những người theo “lý thuyết âm mưu”, khi quan chức đứng đầu Cơ quan Tình báo Hungary, ông Laborc Sándor, từ đầu năm 2008 được giữ cương vị chủ tịch Ủy ban Tình báo khối quân sự NATO trong vòng 1 năm!

Thiếu tướng Laborc Sándor, giám đốc Cục An ninh Quốc gia Hungary

1. Câu chuyện bắt đầu từ ngày 17-12 năm ngoái, khi thủ tướng Hungary Gyurcsány Ferenc phê chuẩn sự đề cử thiếu tướng Laborc Sándor (năm nay 49 tuổi) vào cương vị giám đốc Cục An ninh Quốc gia Hung (NBH), sau khi ông này đã trải qua cuộc thanh lọc ở mức “C” (mức cao nhất), và được xác nhận là không gây mạo hiểm trên phương diện an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, ngay sau khi được ông Szilvásy György (bộ trưởng Bộ không bộ, phụ trách an ninh quốc gia dân sự) đề cử vào hè năm ngoái, và nhất là sau khi được phê chuẩn giữ chức đứng đầu NBH, cá nhân ông Laborc Sándor đã bị phe đối lập và cả đảng SZDSZ (đồng minh của Đảng Xã hội MSZP trong chính phủ) phản đối gay gắt vì nhiều lý do. Ủy ban An ninh Quốc gia trực thuộc Quốc hội Hungary, do dân biểu các đảng đối lập đứng đầu, cũng không ủng hộ sự đề cử này.

Thứ nhất, ông Laborc Sándor không có quá khứ thật rõ ràng: người ta không biết cụ thể ông làm gì trước thời Hungary thay đổi thể chế chính trị. Chỉ biết, sau năm 1989, ông làm việc tại Cục Thông tin, từ năm 2000, ông giữ một số trọng trách trong Cục Hình sự (thuộc Cơ quan Thuế quan và Thanh tra tài chính Hungary, APEH), năm 2003 bộ phận này được hợp nhất vào Cục Điều tra Tài chính thuộc Sở Cảnh sát Quốc gia (ORFK). Dường như, giữa chừng, được sự hậu thuẫn của ông Zsohár István (trước được đào tạo ở Moscow, mới mất năm nay) là giám đốc NBH thời đó, ông Laborc Sándor lên giữ cương vị trưởng phòng NBH. Dần dần, do những “thuyên chuyển công tác” liên tục tại cơ quan tình báo Hungary, từ tháng 6-2007, ông Laborc được phong quyền giám đốc NBH và trên cương vị ít nhiều mang tính “tạm thời” này, ông đã tiến hành tái tổ chức toàn diện cơ cấu của cơ quan tình báo Hungary. Phe đối lập, vì thế, phê phán gay gắt Laborc Sándor, cho rằng ông ít kinh nghiệm, “phá nhiều hơn xây”, thậm chí theo họ, ông còn hủy, “phi tang” một số hồ sơ kinh tế & hình sự.

Lý do thứ hai hay được đưa ra để đả phá ông Laborc Sándor là vào đầu thập niên 80 thế kỷ trước, ông đã theo học và tốt nghiệp Học viện Dzerzhinsky trong vòng 6 năm (1983-1989); đây là trường đào tạo tình báo chính quy và khét tiếng của các cơ quan mật vụ chính trị Nga – Liên Xô, từ Cheka (thập niên 20 thế kỷ trước), KGB (Cơ quan An ninh Quốc gia) đến FSB hiện tại (Cục An ninh Liên bang Nga). Phe đối lập Hung cho rằng, một học viên theo học tình báo ở Moscow, hẳn phải được kiểm tra nghiêm ngặt về nguồn gốc, xuất xứ, lý lịch, các mối quan hệ, và khả năng là đến nay, người ấy vẫn còn giữ những “mối quan hệ Nga”, thậm chí, có thể làm… gián điệp cho Nga! Nhất là, theo những người phản đối, điều này càng nguy hiểm về mặt ngoại giao và an ninh quốc gia khi trong những năm gần đây, chính phủ Hung – và thủ tướng Gyurcsány Ferenc – có những biểu hiện thân thiện với Nga, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng và kinh tế, là những vấn đề có thể ảnh hưởng đến toàn Châu Âu. Mặt khác, trên cương vị giám đốc NBH, từ đầu năm 2008, ông Laborc Sándor sẽ đứng đầu Ủy ban Tình báo NATO, có nhiệm vụ chia sẻ, đánh giá, nhậnh định các thông tin tình báo và khởi thảo chính sách an ninh cho Minh ước Bắc Đại Tây Dương, và đây là điều khiến các đồng minh NATO của Hungary có thể e ngại. Những tín đồ của “lý thuyết âm mưu” còn đi xa hơn nữa khi khẳng định, với cá nhân ông Laborc, một gián điệp Nga sẽ lọt vào những ủy ban cơ mật của NATO!

2. Bẵng đi chừng 1 tháng rưỡi, sau những cuộc tranh luận gay gắt nhưng ít nhiều mới mang tính nội bộ trong nước Hung, ngày 4-2 qua, tờ “Thời báo New York” (The New York Times, NYT) đã khuấy lại vấn đề với một khẳng định gây sốc: NATO lo ngại khi vị chủ tịch Ủy ban Tình báo, đồng thời là giám đốc tình báo Hungary, từng theo học KGB tại Moscow. Tác giả bài báo - mang tựa đề “Quan chức Hungary được KGB huấn luyện nắm giữ vai trò NAO” - là ký giả Judy Dempsey, phóng viên thường trú của NYT tại Berlin, người cũng từng đăng bài với nội dung tương tự trên tờ “International Herald Tribune” (IHT - Đức).

Tờ báo cho hay: một vài quan chức NATO ẩn danh, khi được hỏi, đã phát biểu rằng vì quá khứ của ông Laborc - người mà họ cho rằng “không thể tin quan điểm của ông ấy thay đổi nhiều từ dạo ấy đến giờ” - có thể trong tương lai, các quốc gia thành viên NATO sẽ không dám trao đổi các tin tức tình báo một cách “thoải mái” như trước, vì nỗi lo “có nhiều tin bị rò rỉ từ NATO lắm rồi”. Một điều đáng chú ý, theo bài viết, là việc ông Laborc theo học tình báo ở Moscow đã không hề được nhắc tới trên trang website của Cơ quan Tình báo Hungary, và nhiều thành viên Ủy ban Tình báo NATO cũng không được biết tới điều này.

Bài viết nhắc đến chuyện, sau khi Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Czech gia nhập NATO (năm 1999), rồi Romania và Bulgaria (năm 2004), giới ngoại giao Châu Âu có quan ngại rằng hễ NATO biết điều gì là Moscow cũng lập tức biết theo! Một nhà ngoại giao được NYT phỏng vấn, phát biểu: “Thể chế cộng sản cũ và các cơ quan mật vụ vẫn còn hoạt động rất dữ tại Bulgaria và Romania. Nhưng tôi phải nói rằng, trường hợp Hungary là rất, rất đáng buồn!

Trong dịp này, tờ “Le Monde” (Paris) cũng đưa bài tóm tắt từ bản tin của IHT với tựa đề: “NATO bối rối vì một người Hung được KGB đào tạo đã nắm một cương vị nhạy cảm”.

3.Chính phủ Hungary có phản ứng như thế nào trước vụ bê bối này?

Từ trước khi bài viết của “Thời báo New York” ra mắt (nhưng đã có những xì xào rằng NATO tỏ ý “không hài lòng”), ông Martinusz Zoltán, đại sứ Hungary tại NATO, đã khẳng định rằng chưa bao giờ ông nhận được hồi âm hay phản ứng “không bình thường” từ các đồng nghiệp NATO. Thủ tướng Hungary, trước sau, vẫn coi việc phê chuẩn ông Laborc Sándor là hợp lý, vì “không thể nghi ngờ chuyên môn của ông ấy”. Văn phòng Thủ tướng Hungary cho biết: chưa hề có nhà ngoại giao nào phản đối việc cất nhắc ông Laborc với nội các Hung.

Trả lời Hãng Thông tấn Hungary MTI, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Washington coi đây là vấn đề nội bộ của nước Hung và không có quan điểm gì. Ông Chase Beamer, phát ngôn viên Cục Châu Âu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bác bỏ nguồn tin cho rằng đại sứ Hoa Kỳ tại NATO tỏ vẻ trách cứ đại sứ Hung tại Mỹ về điều này.

Phải chăng, trong vấn đề mang tính “có gì đâu mà rộn” này, nên đồng tình với ý kiến của ông Balázs Péter, giáo sư Kinh tế Đại học Trung Âu (Budapest), cũng được NYT đưa trong bài viết đã dẫn: “Tất cả chỉ là một chuyện nội bộ. Chỉ vì ai đó học tại Moscow cách đây hai chục năm, tôi không nghĩ rằng phải giáng chức người ấy”.

Bởi lẽ, nước Hung đã thay đổi nhiều, rất nhiều, trong hai thập niên…

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp theo báo chí Hungary