Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TỔNG THỐNG HUNGARY ÐẠO VĂN, NHƯNG THOÁT TỘI

Ngày hôm qua 27-3, sau hơn 2 tháng làm việc, một Ủy ban Ðiều tra do trường Ðại học Y khoa Semmelweis (Budapest) thành lập đã hoàn tất một báo cáo dài 1.127 trang về hoàn cảnh ra đời bản luận án của ông Schmitt Pál, tổng thống đương nhiệm của Hungary.

Tờ trình dày hơn 1.100 trang của Ủy ban Ðiều tra về luận án “tiến sĩ trường” của Tổng thống Schmitt Pál - Ảnh: Ðại học Y khoa Budapest


Cùng ngày, danh tính của 5 thành viên ủy ban - vốn được giữ kín nhằm tránh những ảnh hưởng chính trị bất lợi từ bên ngoài - cũng được công bố. Ngoài một luật sư ít được biết đến, còn lại là 4 chuyên gia uy tín trong các lĩnh vực sư phạm, thể thao, y khoa và chuyên môn. Ðặc biệt, có ông Tóth Miklós, trưởng khoa Khoa học Thể dục và Thể thao trực thuộc Ðại học Y khoa Budapest, người đã có phát biểu bênh vực tổng thống Hungary ngay sau khi bê bối xảy ra.

Ủy ban nói trên được thành lập sau khi một số tờ báo của Hungary vào tháng Giêng đã có loạt bài viết kèm các bằng cứ thuyết phục cho thấy, luận án “tiến sĩ trường” (doctor universitatis, một học vị cũ của Hungary thời cộng sản, tương đương Cao học Chuyên ngành chứ chưa đạt mức tiến sĩ PhD theo hệ thống bằng cấp hiện tại) của ông Schmitt Pál - bảo vệ năm 1992 - có tới gần 95% là sự sao chép của các tác giả khác nhau.

Sự kiện trên gây nên một làn sóng dữ dội trong công luận Hungary: các đảng đối lập và một bộ phận của giới khoa học Hungary lên tiếng kêu gọi tổng thống phải lập tức từ chức để đảm bảo sự trong sạch của nền khoa học, cũng như của chính trường nước này. Bản thân ông Schmitt Pál đã có những tuyên bố mâu thuẫn liên quan tới bản luận án, nhưng tựu trung ông phủ nhận lời cáo buộc.

Sao chép, đạo văn, nhưng không có lỗi?

Ủy ban Ðiều tra đã tóm lược, tổng kết các kết quả thu được trong 3 trang và công bố trên website của trường, theo đó, quả thực là ông Schmitt Pál đã sao chép từ các nguồn khác nhau mà không hề ghi chú nguồn trong luận án. Tuy nhiên, Ủy ban cũng nói một cách khéo léo và ngoại giao rằng, đồng thời, trường đại học cũng có lỗi khi không phát hiện kịp thời những sai sót và không cảnh báo ông Schmitt Pál về điều đó.

Về cơ bản, Ủy ban Ðiều tra xác nhận những phát hiện của báo chí là đúng. Trong bản luận án, có 8 trang được dịch y nguyên từ một công trình của một giáo sư Ðức, 180 trang có xuất xứ từ một nghiên cứu khác của một tác giả Bulgaria với những thêm bớt này nọ - ông Schmitt Pál đã hoàn toàn không ghi nguồn tại những đoạn trích này, cũng như, không dùng dấu ngoặc kép bắt buộc phải có khi trích dẫn từ nơi khác.

Cho dù ở cuối luận án, ông Schmitt Pál có liệt kê danh mục những công trình mà ông đã tham khảo, sử dụng, nhưng việc liệt kê cũng phạm phải những tùy tiện và sai sót đáng kể: trong số 21 tác phẩm được viện dẫn, có 5 tác phẩm không thể tìm ra bản gốc và trong số 23 bài viết được coi là “của riêng”, cũng không tìm thấy 10 bài, còn 3 bài thì bị liệt kê với những dữ liệu thư mục sai.

Liên quan tới thủ tục thực hiện và bảo vệ luận án, Ủy ban cho rằng, khoảng thời gian 1 tháng - tức là rất ngắn ngủi - kể từ khi đăng ký đề tài đến khi bảo vệ luận án là “dị thường”, cho dù không thể coi điều đó là trái quy tắc. Ngoài ra, Ủy ban còn phát hiện ra rất nhiều điều kỳ lạ khác, chẳng hạn không tìm thấy một số văn bản đi kèm bắt buộc phải có, theo quy định thời đó, như bản dàn ý về đề tài, biên bản về cuộc thi toàn môn bậc thạc sĩ, cũng như biên bản về phiên họp của hội đồng đánh giá luận án.

Ủy ban còn lưu ý một điều mà họ cho là quan trọng: bản luận án không có phần cám ơn những nhà nghiên cứu, những cộng sự đã giúp đỡ hoặc cùng tác giả thực hiện công trình này. Sở dĩ ủy ban coi điều đó là đáng quan tâm, vì sau khi bê bố về “nghi án đạo văn” bùng nổ, Văn phòng Tổng thống Cộng hòa đã chối bỏ những cáo buộc với khẳng định, ông Schmitt Pál có quen thân với tác giả người Bulgaria và hai người đã cộng tác trong một số phần của luận án. (Ðiều này, sau đó, đã bị ái nữ của nhà nghiên cứu đã quá cố bác bỏ).

Như vậy, “nghi án đạo văn” đã được xác nhận. Tuy nhiên, đáng chú ý và gây nhiều bất bình trong công luận là cách diễn đạt rất thận trọng của bản tổng kết, khi Ủy ban cho rằng việc không phát hiện ra kịp thời sự sao chép “ở mức độ khác thường” là lỗi chuyên môn của trường đại học trong thủ tục bảo vệ luận án, khiến tác giả bản luận án có thể nghĩ rằng công trình của ông phù hợp với những yêu cầu cần thiết.

Công luận và đối lập phẫn nộ, chính quyền bênh vực

Chỉ một vài phút sau khi bản tổng kết của Ủy ban được công bố trên mạng, thông qua mạng xã hội Facebook, đảng đối lập LMP (Chính trị có thể khác) đã kêu gọi tụ tập tại Quảng trường Kossuth (trước Tòa nhà Quốc hội Hungary) để phản đối và đòi ông Schmitt Pál phải từ chức. Diễn ra vào hồi 7 giờ tối hôm qua với sự tham gia của hàng ngàn người, cuộc biểu tình được coi là “tự phát” với mục đích phản ứng kịp thời một sự kiện nhất định nên không phải thông báo trước 72 giờ như theo luật định.

Ðảng đối lập cực hữu JOBBIK cho rằng, Ủy ban đã xác định rằng tổng thống Hungary đạo văn, có điều, theo JOBBIK Ủy ban “đã đưa ra những kết luận nực cười” để cứu mạng ông Schmitt Pál. Tuy nhiên, như JOBBIK khẳng định: chỉ cần thực tế đạo văn cũng đủ khiến ông Schmitt Pál phải từ chức và nếu liên minh cầm quyền không kêu gọi ông làm điều đó, thì đây là điều chứng tỏ “việc giữ ghế một cán bộ chính trị quan trọng hơn đối với họ, so với sự trong sạch của xã hội”.

Ðó là chưa kể, theo JOBBIK, khi “nghi án đạo văn” nổ ra, ông Schmitt Pál đã có những tuyên bố mang màu sắc dối trá. JOBBIK cho rằng với những hành vi và cách ứng xử của mình, ông Schmitt Pál không xứng với cương vị tổng thống Cộng hòa và qua đó, uy tín của nền giáo dục đại học, cao học Hungary cũng bị thương tổn.

Cùng một ý kiến như vậy, Chủ tịch đảng đối lập MSZP (Ðảng Xã hội Hungary) Mesterházy Attila khẳng định, tổng thống đã “đánh cắp” bản luận án, do đó ông cần từ chức và đảng cầm quyền FIDESZ có bổn phận phải lựa chọn một người có tư cách đạo đức cho ghế tổng thống. Ông Mesterházy cho rằng, Thủ tướng Orbán Viktor có thể ra “chỉ thị” thay thế vị nguyên thủ quốc gia và với 2/3 số ghế trong Quốc hội, các dân biểu FIDESZ có thể dễ dàng làm điều này.

Liên minh Dân chủ cũng lên tiếng đòi ông Schmitt Pál phải từ chức, bằng không, một tuần sau họ sẽ tổ chức biểu tình vì mục đích này. Ngược lại, đảng cầm quyền FIDESZ - thông qua phát ngôn viên Selmeczi Gabriella - chỉ tuyên bố ngắn gọn: sau khi được biết nội dung tờ trình của Ủy ban, FIDESZ coi sự việc đã kết thúc. Ðồng minh của FIDESZ trong phe cầm quyền, Ðảng Nhân dân Dân chủ Thiên Chúa giáo (KDNP) thì cho rằng bản báo cáo có thể là kết cục khiến mọi người yên lòng trước những giả thiết cho rằng Tổng thống Hungary đã đạo văn.

Trong khi đó, trên mạng Internet, tràn ngập những lời chế giễu chua cay và bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ của cư dân vì theo họ, thế là một lãnh đạo lại “thoát tội” chỉ vì cương vị cấp cao mà họ nắm giữ. Các mạng tin trực tuyến đều đưa lên trang nhất rất nhiều tin, bài có nội dung phê phán ông Schmitt Pál, cho thấy chính trị đã can thiệp vào một vấn đề lẽ ra thuộc phạm trù khoa học.

Số phận của bản luận án và tác giả: không hế hấn

Có thể nói, Ðại học Y khoa Budapest dường như không muốn thực hiện nhiệm vụ của họ, là ra quyết định trong vấn đề đạo văn như đã hứa hẹn khi Ủy ban Kiểm tra được thành lập, bởi lẽ chỉ cơ sở cấp văn bằng mới có quyền tước nó, theo luật định. Kết luận chuyên môn của Ủy ban đã được chuyển lên Bộ Nguồn lực Quốc gia phụ trách các vấn đề giáo dục, y tế, lao động và xã hội để “thông báo và xin ý kiến”.

Tuy nhiên, theo luật Hungary thì Bộ này hoàn toàn không có chức năng và thẩm quyền trong vụ đạo văn của ông Schmitt Pál. Bên cạnh đó, ngay từ đầu Viện Hàn lâm Khoa học Hungary cũng tuyên bố là họ không có liên quan, và các trường đại học - khi kết quả của Ủy ban được công bố hôm qua - cũng đều tránh, từ chối trả lời phỏng vấn báo chí. Có vẻ như giới khoa bảng Hungary đã chán ngán nếu phải tham gia những vấn đề mà đằng sau có yếu tố chính trị.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tờ báo, ngay sau khi tổng kết của Ủy ban được đưa ra, đã giật tít cho rằng ông Schmitt Pál đã thoát tội: không những vẫn có thể giữ ghế tổng thống, bằng “tiến sĩ trường” của ông cũng sẽ không bị thu hồi, điều mà một vài nhà khoa học khác đã bị trong quá khứ khi họ bị phanh phui là đã đạo văn. Ngay từ năm 1992, ông Schmitt Pál đã có uy tín quá lớn trong phong trào Thế vận Hungary và quốc tế, khiến mọi thứ liên quan tới ông đều được biệt đãi.

Hơn 20 năm trước, ngay người hướng dẫn làm luận án cho ông cũng là một cán bộ thuộc chức của ông, khiến khi luận ăn được trao cho người phản biện thì nó đã được đóng thành tập ở dạng cuối cùng, chứ người phản biện không hề có khả năng đưa ra những góp ý trước đó về việc thiếu dẫn nguồn và sao chép. Ngay nhiều thành viên của Ủy ban Ðiều tra cũng giữ những trọng trách trong Ủy ban Olympic Hungary, nơi mà cho đến nay, ảnh hưởng của ông Schmitt Pál vẫn bao trùm.

Chính quyền cánh hữu bị tố là bao che “gà nhà”

Hơn nữa, dễ thấy việc đi hay ở của ông Schmitt Pál là vấn đề chính trị. Ðảng FIDESZ - và đặc biệt là Thủ tướng Orbán Viktor - đã đưa ông lên ghế tổng thống vì thấy ở ông một đồng minh tin cậy, một người sẵn sàng ký thông qua mọi đạo luật mà phe cầm quyền mong muốn. Một khi đích thân ông Orbán Viktor chưa nhắc tới, chưa bàn tới vấn đề đạo văn của tổng thống trong các phiên họp nội bộ - điều mà các nguồn tin từ FIDESZ khẳng định - ông Schmitt Pál vẫn có thể tiếp tục giữ ghế nguyên thủ.

Có lẽ vì vậy mà theo các nguồn tin báo chí, Ủy ban Ðiều tra đã phải mất rất nhiều thời gian để có được cách thể hiện quan điểm sao cho không sai sự thật là bao, mà vẫn “nhẹ nhàng” nhất đối với chính quyền Hungary. Một thành viên của Ủy ban, ông trưởng khoa Tóth Miklós dường như đã là người liên lạc giữa chính quyên và Ủy ban, để có được những nhận định rất “thể tất” đối với ông Schmitt Pál (nhưng có thể rất có hại cho uy tín của nền giáo dục đào tạo Hungary nói riêng, và giới khoa bảng Hungary nói chung).

Báo chí Hungary và quốc tế, ngay hôm qua, đã cho rằng bê bối đạo văn của ông Schmitt Pál cũng cho thấy sự yếu kém của nền dân chủ Hungary khi không một trường đại học nào dám nhìn thẳng vào một sự thật hiển nhiên và trả lời câu hỏi nếu một học sinh của họ đạo văn thì sẽ ra sao? Khi phe cầm quyền có thể ung dung giữ lại một cá nhân bị các đảng đối lập coi là yếu ớt và không thích hợp với vai trò tổng thống, mặc dù đã rõ ràng sai phạm về tư cách của ông?

Và đặc biệt là khi lời nói của lãnh đạo và việc làm của họ đã từ lâu không những đã không là một, mà còn đối lập nhau. Một ví dụ hay được nhắc đến: Thủ tướng Orbán Viktor sau khi đảng cánh hữu FIDESZ đại thắng trong kỳ bầu cử Quốc hội mùa xuân 2010, đã tuyên bố Hungary sẽ vĩnh viễn không còn là một nước mà tại đó, lãnh đạo không phải chịu hậu quả về những hành động của mình.

Những dấu hiệu hiện tại cho thấy, điều này không ứng với ngài Tổng thống Cộng hòa, như bình luận của giới ký giả ngoại quốc!

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest