Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“TÔI CÓ BỔN PHẬN PHẢI TRẢ LỜI!”

(NCTG) “Tay phải tôi đặt trong lòng bàn tay của tổng thống, tay trái thì bị người vệ sĩ siết chặt, sau lưng tôi cả nhóm phóng viên nhiếp ảnh xô đẩy, Ban tổ chức thì muốn đưa tổng thống đi tiếp, nhưng ông nói rằng ông sẵn sàng trả lời câu hỏi của tôi”.
“Tay phải tôi đặt trong lòng bàn tay của tổng thống, tay trái thì bị người vệ sĩ siết chặt” - Ảnh: “Napló” (TV2)

Bài viết thú vị của ký giả trẻ Takács András (đăng trên “Tự do Nhân dân” ngày 8-10-2007) về cuộc “hội ngộ” và phỏng vấn chớp nhoáng cựu Tổng thống Bill Clinton trong dịp ông sang Hungary thứ Bảy tuần trước.

Hoàn toàn yên tâm vì biết mình chả có “triển vọng” gì, tôi đạp xe qua cầu Lánc. - Tổng thống không trả lời phỏng vấn! - đó là câu trả lời mà tôi được nhận ngày thứ Sáu từ Bộ Ngoại giao, từ tòa đại sứ Hoa Kỳ và cả từ lãnh đạo hãng tổ chức bữa tối trọng thể [với sự có mặt của Bil Clinton]. Lãnh đạo hãng còn trấn an tôi rằng, ngay các ký giả thuộc hàng “sao” lừng danh nhất của Hung cựu tổng thống còn không trả lời, nói gì đến tôi, một cậu nhãi ranh mới ngoài hai mươi.

Trước khách sạn, một phóng viên nhiếp ảnh lai vãng đang chỉnh tiêu cự trên chiếc máy ảnh của anh ta, trước mắt anh chưa có việc gì, các đồng nghiệp của anh đang chụp hình Bill Clinton cùng thủ tướng Hung tại Nhà Quốc hội…

Những kẻ săn chữ ký đầu tiên xuất hiện vào hồi 5 giờ 15, vài phút sau đến lượt các ký giả lăm lăm sổ ghi chép, rồi cả một đội quân máy ảnh hùng hậu, cuối cùng là dàn máy quay phim. Thế này không ăn thua, tôi nhận định và đạp xe xuống tầng đậu xe. Tôi vào thang máy, chấn chỉnh bộ Âu phục và bước vào sảnh với vẻ tự tin ở mức cao nhất.

- Cửa ra ở đây mà anh - một vệ sĩ nhanh tay nhanh mắt phát hiện ra tôi và “mời” tôi ra ngoài một cách lịch sự. – Khách sạn đóng cửa rồi, chỉ khách khứa mới được ở trong này.

Bên ngoài, đám đông ngày một lớn. Tổng thống đến bây giờ đây! Tôi làm dấu thánh. Cạnh tôi là một du khách Canada cỡ lục tuần. Ông hỏi chúng tôi chờ đợi ai vậy. Tôi nói. Hóa ra ông ở trong khách sạn. Ông đưa tôi vào.

Các nhân viên an ninh vận áo da đen, tai đeo máy nghe chấn chỉnh này nọ, các vị khách bắt đầu đến, từ Béres Alexandra [nhà thể thao nổi tiếng của Hung] tới Kóka János [Bộ trưởng Kinh tế Hung, Chủ tịch đảng SZDSZ], trùng trùng lớp lớp các vị mặc đồ đại tiệc. Rồi, bỗng tôi liếc thấy mái tóc bạc của tổng thống - ở một cửa khác. Bật máy thu, tôi nhào về phía ông và chỉ còn cách ông chừng ba thước, thình lình tôi cảm thấy một chiếc đồng hồ đeo tay thục dưới bụng, phía dạ dày. "Sorry, stop here" [Xin lỗi, đứng lại!], một vệ sĩ ngăn tôi, nhưng Bill Clinton nhìn thẳng vào mắt tôi và giơ tay bắt. Tôi chào ông và tự giới thiệu.

Tôi biết rõ rằng tổng thống chuẩn bị phát biểu về những vấn đề toàn cầu của nhân loại, hẳn ông đã thảo luận với thủ tướng về quan hệ giữa EU và Hoa Kỳ, khả năng thắng cử của vợ ông thì báo chí ngày nào chẳng hỏi, về thời kỳ ông giữ chức tổng thống đã có bao sách vở được ấn hành, mà tôi chỉ có được 1-2 phút. Một câu hỏi khiến tôi rất để tâm. Tuy vậy, người trả lời phỏng vấn có lẽ thuộc loại thành thục nhất thế giới có thể nghĩ gì về mối quan hệ giữa giới chính khách và ký giả?

Nhắc đến Tim Sebastian, ký giả “ngôi sao” của BBC, người cách đây một tuần đã nói ở Budapest rằng người phóng viên phải đối xử với chính khách như lũ cẩu với mẩu xương, Cliton bật cười và đáp rằng theo ông, nhiệm vụ hàng đầu của giới ký giả là đưa tin một cách trung thực cho người dân và để làm việc ấy, họ cũng phải “quy trách nhiệm” các chính khách một cách khắt khe. - Vâng, nhưng chính khách thì ăn nói ra sao - tôi hỏi -, nếu phóng viên không để yên và toàn hỏi những câu khó chịu, chẳng hạn như Christiane Amanpour, ký giả nổi tiếng của CNN, người vẫn được ông gọi là “tiếng nói của lương tâm”?

- Nói đến Christiane Amanpour - Clinton đáp -, cô ấy đặt cho tôi nhiều câu hỏi khó quá. Tôi tôn trọng cô ấy và phải tiết lộ rằng, tôi rất khoái cổ. Một ký giả, nếu không vặn vẹo thật ngặt nghèo những kẻ đang ở vị trí quyền lực, thì vặn ai?

- Ở Hung còn xảy ra chuyện, ngay khi tường thuật trực tiếp, các vị chính khách bỏ đi, mặc kệ ký giả - tôi nói. - Mà ở nơi khác cũng có chuyện ấy. Tổng thống có thể hình dung là đang trong buổi phỏng vấn, ông đứng dậy và rời bàn hay không?

- Không. Nói đúng hơn là… Cũng tùy - Clinton đáp. - Nếu câu hỏi đó, dù “cứng” đến đâu đi nữa, mà liên quan đến công việc tôi làm, tôi có bổn phận phải trả lời.

Tôi cám ơn Clinton đã trả lời, ông mỉm cười gật đầu và đi tiếp. Chiếc đồng hồ đeo tay của người vệ sĩ lại thụi vào bụng tôi và tôi bay vù khỏi khách sạn.

Tác giả bài viết: Trần Lê dịch