TÒA BẢO HIẾN LÀM TIÊU TAN Ý ĐỊNH CỦNG CỐ QUYỀN LỰC CỦA CHÍNH PHỦ HUNGARY
- Thứ năm - 10/01/2013 13:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những ngày cuối năm 2012 và đầu năm 2013, nội các cánh hữu Hungary đã nhận được những thất bại đầu tiên trên mặt trận tư pháp, khi Tòa Bảo hiến (Tòa án Hiến pháp) liên tiếp đưa ra những quyết định khiến họ phải loại bỏ hàng loạt những dự định được đưa vào các đạo luật và cả Hiến pháp, nhằm “bê-tông hóa” quyền lực của mình.
Các thẩm phán Tòa Bảo hiến Hungary - Ảnh: Szigetváry Zsolt (MTI)
Một thực tế: kể từ khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội mùa xuân 2010, tận dụng ưu thế hơn 2/3 số ghế trong nghị viện, liên minh cầm quyền của thủ tướng Orbán Viktor đã liên tiếp sử dụng phương tiện pháp luật - sửa đổi Hiến pháp, ra hàng loạt đạo luật với những yếu tố phi dân chủ - với mục đích duy trì và củng cố ưu thế cho mình.
Tuy nhiên, theo giới bình luận, đây là lần đầu tiên họ đã phải lùi bước, trước một Tòa Bảo hiến mà phe chính phủ đã cài tới gần một nửa những thẩm phán thân mình vào đó. Bên cạnh đó, vai trò của Tổng thống Áder János, một cựu yếu nhân của đảng FIDESZ, cũng đã được đánh giá lại khi ông tỏ ra có quan điểm cứng cỏi trước những nỗ lực “làm luật” nhiều khi quá trớn của chính phủ.
“Bê-tông hóa” quyền lực thông qua công cụ pháp luật
Hiến pháp mới của Hungary (gọi theo tên mới là “Luật cơ bản”) được thông qua ngày 18-4-2011, hầu như chỉ với số phiếu áp đảo của các dân biểu phe cầm quyền. Ngay từ khi mới ra đời, bản hiến pháp này đã bị các đảng phái đối lập và một số tổ chức dân sự phê phán gay gắt, và cũng bị đưa vào tầm ngắm của Liên hiệp Châu Âu.
Một điểm mấu chốt gây bất bình trong xã hội, là thẩm quyền và chức năng của Tòa Bảo hiến bị thu hẹp, với dụng ý rõ ràng là Tòa đỡ “can thiệp” vào những quyết sách của Chính phủ trong một số vấn đề, trong đó đáng kể nhất là vấn đề tài chính và ngân sách quốc gia. Ðây là điều nguy hiểm vì như thế, có thể sản sinh những đạo luật vi hiến.
Mặt khác, trái với thông lệ trước nay, khi bất cứ ai cũng có thể đề nghị Tòa Bảo hiến xem lại tính hợp hiến của một đạo luật, Hiến pháp mới đã thu hẹp phạm vi này, khiến việc “cầu cứu” tới Tòa Bảo hiến trong thực tế gần như chỉ còn là khả năng của Tổng thống và vị cao ủy phụ trách về các quyền công dân cơ bản thuộc Quốc hội. Đó là một hạn chế rất nặng nề.
Giới chuyên gia cho rằng những điều khoản của Hiến pháp mới không rõ ràng, có thể tạo điều kiện cho sự hạn chế các quyền công dân, và gây khó dễ cho công việc của các nội các tiếp tới, bởi lẽ Hiến pháp quy định rằng cần tối thiểu 2/3 số phiếu thuận để thay đổi những đạo luật liên quan tới đường lối kinh tế và xã hội, như thuế má, lương bổng hưu trí hoặc chính sách gia đình.
Giữa chừng, viện lý do cần có một sự chuyển tiếp giữa luật cũ và luật mới, Quốc hội Hungary đưa thêm ra khái niệm “Những điều khoản Chuyển tiếp” của Hiến pháp và thông qua nó vào ngày cuối năm 2011. trong “Những điều khoản Chuyển tiếp này”, rất nhiều yếu tố có lợi cho việc củng cố và duy trì quyền lực của phe chính phủ đã được đưa vào, đồng thời, nó tiếp tục quy định quyền hạn bị thuyên giảm của Tòa Bảo hiến.
Các bình luận viên chính trị và phe đối lập lập tức nhận ra ngay dụng ý của liên minh cầm quyền: bằng việc đề xuất “Những điều khoản Chuyển tiếp”, những luật định hợp ý chính phủ dần dần sẽ trở thành một bộ phận của bản Hiến pháp mới và do đó, Tòa Bảo hiến sẽ không có quyền hủy chúng, ngay cả khi chúng vi hiến.
Và, trong số những điều luật bị nhiều chỉ trích ấy, có Đạo luật về thể thức bầu cử mới của Hungary...
Giữ chắc ghế bằng các đạo luật bầu cử
Ý muốn thay đổi phương thức bầu cử để đảm bảo ưu thế tuyệt đối cho phe cầm quyền thực ra không phải điều mới: trước lễ Giáng sinh 2011 1 ngày, Luật Bầu cử mới đã được Quốc hội Hungary thông qua với việc xác định lại sơ đồ các khu vực bầu cử theo cách có lợi nhất cho cho liên minh cầm quyền.
Ngoài ra, công dân Hung sống ở nước ngoài - trong đó một bộ phận chủ yếu là người gốc Hung được nhận quốc tịch Hung thời gian gần đây bởi liên minh cầm quyền - cũng sẽ được bỏ phiếu và đây có thể là một nguồn ủng hộ, một sức mạnh đáng kể mới cho phe cầm quyền.
Với việc khoanh vùng lại các khu vực bầu cử và đưa vào cách tính toán mới, liên minh cầm quyền - và nhất là đảng cánh hữu FIDESZ - có thể dễ dàng hơn trong việc chiếm “thượng phong” trong bầu cử. Tính toán sơ bộ cho thấy, với đạo luật này, trong kỳ bầu cử năm 2010, FIDESZ đã có thể chiến thắng với 3/4 số ghế trong Quốc hội, chứ không chỉ là 2/3!
Tuy nhiên, chưa bằng lòng với kết quả đó, vào cuối tháng 11 năm nay, Quốc hội Hungary còn thông qua Đạo luật về thể thức Bầu cử, trong đó, điều khoản bị phản đối nhiều nhất là việc công dân Hungary, từ năm 2014 trở đi, muốn đi bỏ phiếu, phải đăng ký trước tên tuổi vào danh mục cử tri.
Liên minh cầm quyền không đưa được lời lý giải hợp lý nào cho sáng kiến này, nhưng chắc chắn là một quyết định như thế sẽ khiến lượng cử tri đi bỏ phiếu giảm nhiều và điều này - theo phân tích của giới bình luận - khiến xác suất, cũng như tỉ lệ chiến thắng của phe cầm quyền hiện tại càng tăng cao.
Về mặt luật học, một số tổ chức dân sự và cả ông Sólyom László, cựu Tổng thống Hungary nhiệm kỳ trước, người từng giữ cương vị Chánh án Tòa bảo hiến thời kỳ 1990-2000, cũng cho rằng việc phải ghi danh để được đi bỏ phiếu là vi hiến, là một thứ “tự do được phân phát bằng phiếu”, vì quyền bầu cử của cử tri là một trong những quyền căn bản nhất được Hiến pháp quy định.
Dường như biết trước được là sẽ bị phản đối, phe cầm quyền đã “cài” việc đăng ký để được bầu cử vào “Những điều khoản Chuyển tiếp” của bản Hiến pháp mới, để muốn chuyển nó vào Hiến pháp, khiến không ai có thể đụng tới được nó, kể cả Tòa Bảo hiến!
Cuộc phản công ngoạn mục
Mặc dù bị phe đối lập chỉ trích quyết liệt, nhưng với đa số tuyệt đối trong Quốc hội, liên minh cầm quyền có lẽ cũng không ngờ được là họ phải tạm lùi bước trước những định chế mà họ nghĩ là đã khống chế, cầm chừng được hoạt động, đó là Tòa Bảo hiến, vị cao ủy các quyền cơ bản thuộc Quốc hội, và Tổng thống Áder János.
Szabó Máté là người duy nhất trụ lại được trong số nhiều vị cao ủy khác đã bị phe cầm quyền hạ bệ cũng bằng công cụ pháp luật, nhưng vì thời hạn đương chức của ông cũng chỉ còn đến hè năm nay, nên báo chí Hung cho rằng ông không có gì để mất. Vị cao ủy này đã đệ đơn đề nghị Tòa Bảo hiến xem xét lại trạng thái pháp luật của “Những điều khoản Chuyển tiếp”.
Cho rằng trái với tên gọi, “Những điều khoản Chuyển tiếp” không hề mang tính “chuyển tiếp”, mà chỉ là một hình thức lách luật, ông Szabó đề nghị Tòa Bảo hiến diễn giải tính chất của “Những điều khoản Chuyển tiếp” này, để tuyên bố không thể coi nó là một phần của Hiến pháp, thậm chí, cũng không phải là các Tu chính án, và rốt cục, ra chỉ thị hủy tất cả.
Trong trường hợp Tòa Bảo hiến cho rằng không hủy được tất cả, ông Szabó đề nghị Tòa xem xét và hủy 12 điều khoản cụ thể do ông chỉ ra, vì ông cho rằng các điều khoản đó là bất hợp hiến.
Không đồng thời với ông Szabó Máté, nhưng Tổng thống Áder János, người từng được coi là yếu nhân của đảng FIDESZ bên cạnh Thủ tướng Orbán Viktor, cũng có hành động tương tự. Sau khi Đạo luật về thể thức Bầu cử được Quốc hội Hung phê chuẩn vào cuối tháng 11 năm ngoái, trước khi ký thông qua, ông Áder đã gửi đạo luật lên Tòa Bảo hiến để xin ý kiến tham vấn.
Kết quả tới một cách dồn dập: ngày 28-12 qua, Tòa Bảo hiến kết luận không xét đến nội dung đúng sai, nhưng đúng như vị cao ủy Quốc hội khẳng định, nhiều điều khoản trong “Những điều khoản Chuyển tiếp” là “không mang tính chuyển tiếp”, và tuyên bố hủy chúng. Trong đó, có điều khoản liên quan tới việc phải đăng ký trước khi đi bỏ phiếu.
Tiếp đó 1 tuần, ngày 4-1 năm nay, Tòa Bảo hiến tiếp tục công bố rằng đúng như Tổng thống Áder János đề xuất, 7 điều khoản trong Đạo luật về thể thức Bầu cử mới là vi hiến. Ngoài ra, Tòa xét thêm điều khoản về việc phải ghi danh nếu muốn đi bầu cử, và cho rằng đó là sự hạn chế quyền bầu cử đối với những công dân Hung sinh sống trong nước.
Như vậy, việc đăng ký trước khi đi bỏ phiếu bị hủy toàn diện, kể cả góc độ hình thức lẫn nội dung!
Phản ứng của chính phủ và công luận Hungary
Thoạt tiên, khi Tòa Bảo hiến tuyên bố hủy một phần quan trọng “Những điều khoản Chuyển tiếp”, các chính khách liên minh cầm quyền tuyên bố, để lách quyết định của Tòa, họ có thể tìm cách đưa những điều khoản bị loại vì lý do hình thức vào thẳng Hiến pháp. Những nguồn tin gần chính phủ cho biết, ý định đó đã được giữ trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, sau quyết định thứ hai của Tòa Bảo hiến, một chính khách hàng đầu của FIDESZ là Rogán Antal đã lập tức tuyên bố trong kỳ bầu cử 2014 sắp tới sẽ không có chuyện phải đăng ký trước để đi bỏ phiếu. Phe cầm quyền tạm chịu lùi bước trên hồ sơ về thể thức bầu cử, vốn bị một học viên nghiên cứu chính trị nổi tiếng ở Hung coi là bước đi tồi tệ nhất của FIDESZ cho đến nay.
Chưa thể biết được nội các cánh hữu Hung sẽ tiếp tục như thế nào với rất nhiều ý định “lách luật” nay đã thất bại của họ, nhưng cú lùi ngoạn mục của họ, dù có thể mới mang tính nhất thời, cũng cho thấy trong một định chế dân chủ, dù chiếm tuyệt đối trong Quốc hội nhưng phe cầm quyền cũng nên, cũng phải tuân thủ một số luật chơi của dân chủ và tự đặt ra những giới hạn cho mình.
Đây là điều mà báo chí cũng như giới dân báo (blogger) Hungary đưa tin với sự mừng rỡ trong những ngày qua, cho dù phe đối lập nghi rằng, giới cầm quyền chỉ “giả bộ” lùi bước khi không còn cách nào khác để tính đến một nước cờ mới: chuẩn bị tổ chức bầu cử trước thời hạn để nắm chắc phần thắng trong tay!
Cạnh đó, giới bình luận cho rằng với hai quyết định trên, Tòa Bảo hiến dù rất bị o ép bởi phe cầm quyền, và có nhiều thành viên được chọn từ nhóm thân chính phủ, đã có một bước đi tích cực và đáng kể nhất trong vòng 2 năm qua, xứng đáng với truyền thống và vai trò rất quan trọng xưa nay của Tòa!
(*) Bài viết đã đăng trên RFI.