Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TÒA ÁN HIẾN PHÁP HUNGARY: SẼ KHÔNG CÓ TRƯNG CẦU DÂN Ý VỀ BIA MIỄN PHÍ

(NCTG) Nền dân chủ có thể cho phép người dân đi xa đến mức nào? Có thể sử dụng mô hình dân chủ trực tiếp (trưng cầu dân ý) cho những vấn đề "tào lao" - như mong muốn đươc uống bia miễn phí- hay không? Tòa án Hiến pháp Hungary (AB), mới đây, đã đưa ra câu trả lời "không" và như thế, cơ quan này đã tái xác nhận quyết định năm ngoái của Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hung (OVB).

Câu chuyện xuất phát từ mùa thu 2006, khi một công dân Hung tên là K. Károly đặt một câu hỏi kỳ quặc "Anh (chị) có đồng ý rằng thực khách của các hàng quán phải được uống bia miễn phí hay không?", và ông ta muốn rằng Quốc hội Hung đưa câu hỏi đó để trưng cầu dân ý. Để đạt được "nguyện vọng" này, ông ta muốn thu thập chữ ký những người ủng hộ. (trên nguyên tắc, nếu có đủ số chữ ký và chúng được OVB chứng thực, thì Quốc hội Hung sẽ phải đưa vấn đề vào chương trình nghị sự.)

Ngày 22-11-2006, OVB đã bác bỏ việc chứng thực câu hỏi "bia miễn phí" với lý do đề xuất của K. Károly vi phạm Hiến pháp, cũng như vi phạm các hiệp định quốc tế có hiệu lực. Các thành viên OVB cho rằng câu hỏi được đặt ra là một giả thiết "phi thị trường" và trái với nền kinh tế thị trường.

Phản đối quyết định của OVB, K. Károly đã đề nghị Tòa án Hiến pháp Hung đưa ra lập trường chính thức trong vấn đề này. Tuy nhiên, đồng tình với OVB, Tòa án Hiến pháp Hung cũng bác bỏ việc đặt câu hỏi vì cho rằng nó "không phù hợp yêu cầu của cơ quan lập pháp", bởi lẽ, nếu câu hỏi được đưa ra trưng cầu dân ý và cuộc trưng cầu có kết quả, thì Quốc hội phải làm thế nào, và lấy đâu ra nguồn kinh phí để đảm bảo bia miễn phí trong các hàng quán.

Tòa án Hiến pháp nhấn mạnh: yêu cầu căn bản là cử tri phải thấy được rõ ràng những hậu quả có thê xảy ra khi họ trả lời câu hỏi. Bởi lẽ, câu hỏi phải được đặt ra làm sao để các khả năng lựa chọn là khả thi, là có thể thực hiện được trong thực tế và có thể lường trước được hậu quả của nó.

Trong số các thành viên Tòa án Hiến pháp, có hai luật gia còn cho rằng nếu ai đó yêu cầu chứng thực một câu hỏi "xấu bụng", "tào lào" (như câu hỏi về bia miễn phí nói trên), có thể buộc người đề xuất phải trả chi phí làm việc cho Tòa, vì đây là điều luật pháp cho phép.

Được biết, ngoài câu hỏi về bia miễn phí, K. Károly còn định đặt thêm 3 câu hỏi cũng kỳ quái không kém, đó là: 1./ cử tri Hung có muốn mọi hàng quán phải thuộc sở hữu nhà nước, hay chính quyền dịa phương, hay không? 2./ có muốn vào hàng quán không phải trả tiền, 3./ và bia thì chỉ được bán trong quán rượu hay không? Việc chứng thực 3 câu hỏi này dĩ nhiên cũng bi. OVB bác bỏ, nhưng K. Károly không đề nghị Tòa án Hiến pháp xem xét lại.

Tác giả bài viết: H.Linh, theo [origo]