Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG THĂM CHÍNH THỨC CỘNG HÒA HUNGARY

Trong khuôn khổ chuyến công du 3 nước Kazakhstan, Đan Mạch và Hungary, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tới Budapest vào tối 17-9.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Đây là lần thứ hai kể từ mốc 1989, khi Hungary thay đổi thể chế chính trị, có một thủ tướng Việt Nam sang thăm chính thức Hungary (lần trước cách đây 12 năm, khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt công du Budapest vào tháng 5-1997).

Quan hệ ngoại giao có lịch sử 6 thập kỷ

Quan hệ ngoại giao giữa Hungary và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (và sau đó là CHXNCN Việt Nam) đã khởi đầu từ năm 1950 và kéo dài trong nhiều thập niên trong khuôn khổ các quốc gia thuộc khối XHCN (cũ).

Sau biến cố 1989 ở Đông Âu, trong thời gian chừng 5 năm, mối quan hệ ấy có phần bị chững lại, gián đoạn và phải tới giữa thập niên 90 thế kỷ trước, Việt Nam và Hungary mới bắt đầu đặt lại các mối quan hệ hợp tác và phát triển kinh tế trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, cũng phải chờ đến 10 năm sau, khi Hungary ở ngưỡng cửa Liên hiệp Châu Âu (EU), song song với các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao 2 nước, thì quan hệ Việt – Hung mới thực sự khởi sắc.

Trong vòng 5 năm nay, có thể kể đến ở đây những chuyến công du tới Hungary của lãnh đạo Việt Nam - Chủ tịch Trần Đức Lương (tháng 5-2004), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (tháng 6-2008), hoặc tới Việt Nam của lãnh đạo Hungary - Thủ tướng Gyurcsány Ferenc (tháng 5-2005), ngoại trưởng Göncz Kinga (tháng 3-2008) và Tổng thống Sólyom László (tháng 5-2008).

Thiết lập quan hệ đối tác toàn diện

Nhận lời mời của Thủ tướng Hungary Bajnai Gordon, chuyến thăm Hungary lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết là nhằm “mục đích triển khai chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế”. Chuyến đi cũng “khẳng định mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, trong đó tăng cường sự hợp tác về kinh tế - thương mại, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện” giữa Việt Nam và Hungary, theo TTXVN.

Tại Budapest, trong 2 ngày 18/19-9, ngoài các buổi hội kiến Tổng thống, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Hungary, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp gỡ đại diện các chính đảng lớn của Hungary và chứng kiến lễ ký kết khoản vay ưu đãi 60 triệu USD dành cho Trung tâm Ung bướu Cần Thơ.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp mặt cộng đồng, dự khai mạc và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Hungary - Việt Nam, gặp mặt và dự chiêu đãi do Liên hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu và Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary tổ chức.

Tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại

Trong vùng Đông Nam Á, Việt Nam là nước được Cộng hòa Hungary đặc biệt quan tâm và coi là cửa ngõ để Hungary tiếp cận các nước khác trong khu vực.

Một lý do chính là hai nước đã có những mối quan hệ ngoại giao truyền thống lâu đời và Cộng hòa Hungary có thể tận dụng sự hỗ trợ và trình độ của chừng 4 ngàn người Việt Nam, từng theo học và tốt nghiệp tại Hung, nay đang nắm giữ những cương vị quan trọng ở Việt Nam.

Phía Hungary vẫn tự hào gọi đây là cộng đồng (không phải gốc Hung) nói tiếng Hung lớn nhất trên thế giới, và cho rằng đây là “nhân tố con người” vô cùng lớn, nếu Hungary thực sự biết tận dụng.

Trên cơ sở đó, Việt Nam cũng quốc gia đầu tiên mà Hungary, cách đây 5 năm, trên cương vị một thành viên mới của khối EU, đã đặt lại mối quan hệ cũng như các hiệp định song phương và đa phương theo chuẩn EU.

Ngược lại, Việt Nam cũng có thể coi Cộng hòa Hungary là nhịp cầu nối tới Liên hiệp Châu Âu, đồng thời, là một đối tác trong chương trình hỗ trợ ODA. Trung bình ODA Hungary dành cho Việt Năm khoảng 500.000 Euro, nhưng trong năm ngoái Hungary đã tăng mức cam kết ODA cho Việt Nam lên 49,5 triệu USD để thực hiện các dự án nước sạch, quản lý dân số...

Hiện nay, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hungary vẫn còn ở mức khá thấp, năm 2007 chỉ đạt 90 triệu USD, mặc dù Việt Nam vẫn xuất siêu. Tuy nhiên, rất nhiều khả năng đang được mở ra, hứa hẹn những cơ hội hợp tác kinh tế trong tương lai.

Với dân số hơn 80 triệu người, Việt Nam có thể là thị trường tiêu thụ tốt đối với tân dược và thiết bị y tế Hung (hai mặt hàng vốn được người Việt quen biết và đánh giá cao từ hơn nửa thập kỷ qua vì chất lượng tốt và giá cả phải chăng), cũng như đối với các thiết bị năng lượng và viễn thông Hungary.

Từ Việt Nam, Hungary có thể nhập khẩu cà phê, chè, gạo, đồ may mặc và đồ gỗ. Trong các diễn đàn doanh nghiệp Hungary - Việt Nam thời gian gần đây, một số lĩnh vực hợp tác khác cũng đã được đề cập tới, như lĩnh vực công nghiệp cơ khí, xử lý chất thải, sử dụng nước, về du lịch và các dịch vụ chữa bệnh bằng suối nước nóng – đây cũng là những ngành kinh tế mũi nhọn nói chung của Hungary có khả năng tìm được đối tác tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hungary còn có thể hợp tác với phía Việt Nam trong ngành công nghiệp phụ trợ (sản xuất các linh kiện, phụ tùng... bổ sung) mà Việt Nam còn rất thiếu và yếu kém.

Ngoài ra, như khẳng định của Bộ Ngoại giao Hungary, trong chương trình hợp tác phát triển quốc tế, Hungary coi Việt Nam là đối tác ưu tiên! Cộng hòa Hungary cho rằng nước này có thể “chuyển giao” những kinh nghiệm về sự thay đổi thể chế và quá trình tư hữu hóa cho Việt Nam.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest