THỦ TƯỚNG ĐƯƠNG NHIỆM HUNGARY TUYÊN BỐ TỪ CHỨC
- Thứ bảy - 21/03/2009 12:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giây phút từ chức của thủ tướng Gyurcsány Ferenc - Ảnh: Barakonyi Szabolcs [index]
Vài tiếng sau, tuyên bố này được thủ tướng Hung nhắc lại trong bài phát biểu tại Đại hội đảng, khiến đa số các đảng viên MSZP cảm thấy bất ngờ. Một số lãnh đạo của MSZP - trong đó có bà Lamperth Mónika (cựu bộ trưởng Nội vụ) và bộ trưởng Nông nghiệp Gráf József - cho hay, họ chỉ được biết về quyết định này trong những giờ phút cuối.
Lý do của sự ra đi được chính ông Gyurcsány Ferenc lý giải như sau: "Tháng Giêng năm ngoái, tôi có nói với Đoàn chủ tịch của đàng, rằng nếu sự ủng hộ dành cho Đảng Xã hội không được gia tăng, chúng ta sẽ phải giải quyết một lô vấn đề. Và sự ủng hộ đó đã không được gia tăng. Tôi được nghe rằng mọi người nhắn nhủ tôi, bầu không khí cần thiết cho những thay đổi, và cách cư xử biết điều của phe đối lập đều có tôi là vật cản. Do đó, tôi chấm dứt vật cản này".
Trong phát biểu từ chức, thủ tướng Hung đề nghị Đảng Xã hội hãy tìm ra một người thay thế ông trong vòng 2 tuần. Ông Gyurcsány Ferenc đề ra một kịch bản: hai tuần nữa, một đại hội bất thường của Đảng Xã hội sẽ quyết định về ứng viên thủ tướng mới. Sau đó, Quốc hội Hungary - trong khuôn khổ một đề xuất bất tín nhiệm do ông Gyurcsány Ferenc đưa ra đối với chính mình - sẽ bỏ phiếu giáng chức thủ tướng, đồng thời, phê chuẩn tân thủ tướng.
Ông Gyurcsány Ferenc cũng cho biết: mặc dù từ chức thủ tướng, nhưng ông vẫn tiếp tục tham chính trong sắc áo MSZP. Và, ông đã có khả năng làm điều này vì vài giờ sau bài phát biểu, Đại hội Đảng Xã hội đã tiếp tục bầu ông làm chủ tịch đảng với tỉ lệ nhất trí tuyệt đối.
*
Tuyên bố từ chức của thủ tướng Hungary, cho dù có thể gây bất ngờ về thời điểm, nhưng đã là một đòi hỏi thường xuyên được đặt ra trên chính trường Hung từ gần 3 năm nay.
Mùa hạ năm 2006, ngay sau khi tái đắc cử, ông Gyurcsány đã khiến công luận Hungary công phẫn vì bài phát biểu thừa nhận ông và Đảng Xã hội đã dối dân trong cuộc bầu cử, khi họ ỉm đi (hoặc công bố một cách sai trái) những dữ liệu cho thấy Hungary đã rơi vào cảnh nguy ngập về kinh tế và tài chính.
Đồng thời, với những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" hà khắc trong quá trình cải cách kinh tế, ông Gyurcsány Ferenc đã trở thành thủ tướng bị dân Hung chê trách, thậm chí căm ghét nhất, kể từ khi nước này chuyển đổi thể chế chính trị năm 1989. Những cuộc biểu tình, thậm chí ẩu đả dữ dội trên đường phố đã diễn ra liên miên, tạo nên "đất dụng võ" cho các phe, nhóm cực đoan, khiến chính trường và đời sống xã hội Hungary bị chia cắt nặng nề.
Ngay Liên đoàn Dân chủ Tự do, liên minh với MSZP trong phe cầm quyền, từ một năm nay cũng đã "chia tay" với Đảng Xã hội và triệu hồi khỏi nội các tất cả bộ trưởng, quốc vụ khanh của mình, để phản đối cá nhân ông Gyurcsány trên cương vị thủ tướng.
Cuối cùng, tình trạng tài chính suy sụp và chưa thấy đường ra của Hungary trong vòng nửa năm trở lại đây - mặc dù Hung đã được nhận gói cứu trợ 20 tỉ Euro từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF - là những giọt nước tràn ly khiến ông Gyurcsány phải quyết định ra đi.
Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ của các chuyên gia chính trị, với động thái này, thủ tướng Hung muốn rút vào hậu trường và từ đó, chỉ đạo những gì diễn ra trên chính trường Hungary. Ngoài ra, tự đặt ra kịch bản cho sự từ chức của mình, ông Gyurcsány có thể tránh được sự can thiệp của tổng thống Hungary, trong trường hợp Quốc hội và nội các Hung có thể bị giải thể (và Hungary phải tổ chức bầu cử trước thời hạn) theo luật định, và đây vẫn là một nước cờ khôn ngoan trong "thế bí" của ông Gyurcsány, để tồn tại trên cương vị một chính khách lớn của nước Hung!