THỤ ÁN TÙ CHUNG THÂN VĨNH VIỄN CÓ THỂ SẼ ĐƯỢC “KHOAN HỒNG”
- Thứ ba - 23/09/2014 11:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Đó là nội dung một dự luật có thể được Hungary thông qua trong năm nay, và sẽ có hiệu lực từ đầu năm sau. Tuy nhiên, những người tù đang thụ án cũng phải chờ đợi bốn mươi năm cho khả năng này!
Ngay các quan chức Viện Hình sự Quốc gia Hungary (OKRI) cũng cho rằng không hề cần thiết phải đưa ra án chung thân vĩnh viễn, xét cả trên góc độ luật học và thực tiễn - Minh họa: atv.hu
Theo tin của Hãng Thông tấn Hungary MTI, trong chương trình “180 phút” (180 perc) của Kênh Kossuth (kênh chính luận thuộc Đài Phát thanh Hungary), Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp Répássy Róbert có cho hay rằng, đối với trường hợp những phạm nhân thụ án tù chung thân vĩnh viễn tại Hungary, sau bốn thập niên, chính quyền sẽ tự động “xét lại” để họ có cơ hội được phóng thích.
Cụ thể, một ủy ban ân xá với sự tham gia của các thẩm phán sẽ xem xét để trả lời câu hỏi, người tù có thích hợp để được trả tự do hay không. Tuy nhiên, quyết định cho phép của ủy ban còn phải được Tổng thống đồng ý, thì mới có giá trị để đưa ra thực thi. Ngoài ra, thủ tục xét ân xá này sẽ không được tiến hành nếu người tù phản đối.
Hungary là quốc gia duy nhất ở Châu Âu - tuy đã xóa án tử hình từ năm 1990, nhưng vẫn duy trì án tù chung thân thực sự đối với những kẻ phạm tội ở mức độ hết sức nghiêm trọng. Trong những trường hợp đó, tòa án bác bỏ cả khả năng “xét lại” để phạm nhân có thể được phóng thích, nghĩa là phạm nhân sẽ phải ngồi tù suốt đời.
Mức án được coi là quá khắc nghiệt đó đã khiến Châu Âu phải lên tiếng phê phán Hungary, và ngay Bộ Tư pháp Hung, từ năm 2007, cũng tính tới việc sửa đổi bộ Luật Hình sự theo hướng cứ sau 20 năm - phải xem lại các bản án tù chung thân và như thế, tạo điều kiện để mọi tù nhân đều có thể được phóng thích.
Gần đây nhất, vào ngày 20-5-2014, Tòa án Nhân quyền Châu Âu (trụ sở tại Strasbourg) đã ra một phán quyết chỉ trích Hungary vì hình phạt này, thông qua một vụ án cụ thể. Tòa Strasbourg đã xét trường hợp một phạm nhân là Magyar László, bị án tù giam chung thân thực sự vì tội cướp bóc và giết người.
Rốt cục, Tòa án Nhân quyền Châu Âu đưa ra nhận định rằng, việc cơ quan tư pháp Hungary đưa ra bản án loại trừ khả năng để phạm nhân có thể được phóng thích, là vi phạm các điều khoản của bản Công ước Châu Âu về Nhân quyền, trong đó có sự đảm bảo quyền được đối xử nhân đạo đối với phạm nhân.
Phản ứng lại quan điểm của Tòa Strasbourg, thoạt tiên phía Hung đã tỏ ra cứng rắn. Thủ tướng Hungary Orbán Viktor cho rằng đây là một bằng chứng mới cho thấy, có vẻ như Châu Âu - Brussels và Strasbourg - “đặt quyền lợi của những kẻ sát nhân lên trên quyền lợi của những người vô tội và những nạn nhân”.
Phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử Nghị viện Châu Âu, ông Orbán còn nói thêm: nhân danh chính phủ Hung, ông cần bác bỏ điều này một cách cương quyết nhất và cần bảo vệ mức án tù chung thân vĩnh viễn bởi lẽ nó có tác dụng răn đe đối với những kẻ phạm tội, hoặc những kẻ đang có dự định gây án.
Đảng cực hữu JOBBIK cũng có quan điểm tương tự khi khi gọi phán quyết của Tòa Strasbourg là “khiến người ta phải sôi máu”. Phát ngôn viên của đảng này, ông Mirkóczki Ádám, đặt câu hỏi: “Thế còn hy vọng của các nạn nhân, quyền lợi của những thân nhân họ và hy vọng vĩnh viễn bị mất đi của họ thì làm sao?”.
Tuy nhiên, theo báo chí Hungary, có thể coi động thái “mềm mỏng” hơn mới đây của Bộ Tư pháp Hungary - khi đặt ra một khoảng thời gian cho những phạm nhân bị án chung thân vĩnh viễn có cơ hội trở về với gia đình, xã hội - là câu trả lời hợp tình, hợp lý hơn trước sự phê phán của cơ quan tư pháp Châu Âu.
Theo ông Répássy Róbert, phán quyết của Tòa Strasbourg không có nghĩa là cần phải trả tự do cho một phạm nhân nào đó với quyết định của thẩm phán - mà điều này có thể diễn ra trên cơ sở một thủ tục xét ân xá. Được biết, một dự luật đã được Bộ Tư pháp Hungary soạn thảo, và có thể sẽ được thông qua trong năm nay để có thể đi vào thực thi từ năm 2015.