Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“THỜI BÁO NỮU ƯỚC” VS NỘI CÁC HUNGARY: LUẬN CHIẾN DAI DẲNG

(NCTG) Cuộc luận chiến giữa các tác giả của “Thời báo Nữu Ước” (The New York Times) và Chính phủ Hungary vẫn tiếp tục: cuối tuần trước, trong một “thư độc giả”, đại sứ Hungary tại Washington, ông Szapáry György đã phản ứng những chỉ trích nhằm vào nội các FIDESZ mà nhà kinh tế học Paul Krugman - Giải Nobel Kinh tế năm 2008 - đã đưa ra trên trang blog của mình đầu tháng 12-2011.

Các thành viên phong trào Những con người Tự do vì một nước Hungary (Szema) - đứng đầu là nữ chính khách cựu trào Ungár Klára (sáng lập viên FIDESZ, yếu nhân SZDSZ) - đi bộ trong im lặng để phản đối bản Hiến pháp mới của Hungary, bị coi là “sự nhạo báng lý tưởng cộng hòa” - Ảnh: Huszti István (index.hu)


Krugman viết rằng, Thủ tướng Orbán Viktor kiến tạo cho mình một thứ quyền lực độc đoán và do đó, gây nguy hiểm cho Châu Âu - như thế, theo nhà kinh tế học, Bruwssels cần can thiệp. Krugman còn khẳng định rằng, chính phủ nước này cho vẽ lại bản đồ các khu vực bầu cử để thực hiện những lợi ích riêng của mình.

Trong hồi âm của mình, đại sứ Hungary bác bỏ những cáo buộc đó, cũng như khẳng định về việc truyền thông Hungary lệ thuộc vào chính phủ.

Thứ Bảy tuần qua, Kim Lane Scheppele - người mà Krugman đã dẫn nguồn - lên tiếng trả lời đại sứ Szapáry. Là giáo sư Ðại học Princeton, giữa thập niên 90 thế kỷ trước, bản thân bà Scheppele đã tham gia quá trình lập pháp tại Hungary trên cương vị cố vấn, và, như khẳng định của bà trong bài viết, bà có quen thân nhiều luật gia xuất sắc của Hungary trong lĩnh vực Luật Hiến pháp.

Nhiều chính khách đương chức cho vẽ lại địa giới các khu vực bầu cử để giành phần lợi về mình. Xét từ góc độ ấy, FIDESZ không làm gì bất thường. Nhưng tôi không biết một hệ thống nào khác cho phép một đảng cầm quyền đưa vào luật địa giới chính xác của các khu vực bầu cử, mà để sửa đổi nó cần 2/3 số phiếu, và trong hệ thống đó không có một cơ quan độc lập nào quyết định rằng sự phân định như thế là công bằng hay không”.

Bà Scheppele cũng phê phán những hoàn cảnh dẫn tới sự ra đời của bản Hiến pháp mới, bắt đầu có hiệu lực pháp luật từ ngày hôm nay: “Khi nội các FIDESZ bắt đầu nắm quyền từ năm ngoái, một trong những hành động đầu tiên của họ là xóa bỏ việc cần 4/5 số phiếu để có thể sửa đổi Hiến pháp - và như thế, tạo điều kiện để chính phủ nước này có thể viết lại Hiến pháp mà không cần sự ủng hộ của các đảng đối lập”.

Thay đổi Hiến pháp là một bước đi cấp tiến của một chính phủ. Hungary bị quốc tế chỉ trích vì bản Hiến pháp đã được đề xuất và thông qua bởi những lá phiếu của một đảng duy nhất. Nếu nội các FIDESZ hợp tác với phe đối lập để đưa ra một bản Hiến pháp đặt căn bản trên sự đồng thuận thực sự thì tôi và những người khác đã chẳng để tâm làm gì. Nhưng, tất cả chúng ta đều sẽ phải mừng rỡ, nếu được thông báo về những diễn biến ấy...” - vị giáo sư nhận định.

Tác giả bài viết: Hoàng Tuấn, theo index.hu