Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“THE ECONOMIST”: NẾU Ở NƯỚC KHÁC, TỔNG THỐNG HUNGARY NÊN THẢO THƯ TỪ CHỨC

(NCTG) “Sao chép, nhưng không đạo văn” - phóng viên tại Hungary của tờ tuần báo kinh tế Anh “The Economist” Adam LeBor đã có ngay một bài viết với tựa đề như vậy ngay sau khi một ủy ban điều tra đã công bố kết luận liên quan đến luận án “tiến sĩ trường” (doctor universitatis) của Tổng thống Schmitt Pál.

Biểu tình trước Nhà Quốc hội đòi tổng thống phải từ chức - Ảnh: Huszti Péter (index.hu)


Ngày 27-3, trước thời hạn một ngày, Ủy ban Ðiều tra do Ðại học Y khoa Semmelweis (Budapest) thành lập đã hoàn tất một báo cáo dài 1.127 trang, và bản tổng kết của nó đã được tóm lược trogn 3 trang và đưa trên website của trường, theo đó, quả thực là ông Schmitt Pál đã sao chép từ các nguồn khác nhau mà không hề ghi chú nguồn trong bản luận văn “tiến sĩ trường” (dr. univ., chưa đạt mức tiến sĩ PhD theo hệ thống bằng cấp hiện tại) bảo vệ năm 1992.

Bình luận về kết quả này, ký giả Anh cho hay, “tại đại đa số các nước khác, Schmitt nên thảo thư từ chức”, và nhắc đến việc Bộ trưởng Quốc phòng Ðức Karl-Theodor zu Guttenberg đã phải ra đi vì một vụ việc tương tự cách đây 1 năm. “Nhưng tại Hungary mọi sự lại không theo hướng đó”, Adam LeBor viết, và nói thêm rằng theo ông, Ủy ban Ðiều tra đã cho rằng “mặc dù Schmitt sao chép những đoạn dài từ các công trình của người khác và đưa ra như thể của mình, nhưng không cần quy trách nhiệm ông ta”.

Cây bút của tờ “The Economist” nhận xét: quyết định của ủy ban khiến nhiều người tại Hungary không hài lòng và cả 4 đảng đối lập trong Quốc hội đều lên tiếng đòi ông Schmitt Pál phải từ chức. LeBor cũng dẫn lời Thủ tướng Orbán Viktor sau khi đảng cánh hữu FIDESZ đại thắng trong kỳ bầu cử Quốc hội mùa xuân 2010, theo đó, Hungary sẽ vĩnh viễn không còn là một nước mà tại đó, lãnh đạo không phải chịu hậu quả về những hành động của mình. Những dấu hiệu hiện tại cho thấy, điều này không ứng với ngài Tổng thống Cộng hòa, “The Economist” bình luận.

Trong một động thái có liên quan, vào hồi 7 giờ tối 27-3, vài trăm người đã tụ tập “biểu tình tự phát” theo kiểu “flashmob” tại Quảng trường Kossuth (trước Tòa nhà Quốc hội Hungary) để phản đối và đòi ông Schmitt Pál phải từ chức. Cuộc biểu tình được hiệu triệu trong vòng vỏn vẹn 6-7 tiếng bởi đảng đối lập LMP (Chính trị có thể khác) qua mạng xã hội Facebook và với tính chất “thoắt đến, thoắt đi” của các thành viên tham dự, nó được coi là “tự phát” với mục đích phản ứng kịp thời một sự kiện nhất định và do đó, không phải thông báo trước 72 giờ như theo luật định. Cảnh sát, mặc dù đã có sự chuẩn bị, đã không cần can thiệp vì cuộc biểu tình diễn ra toàn toàn ôn hòa.

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp, theo index.hu