THÀNH LẬP VIỆN NGHIÊN CỨU CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN
- Thứ sáu - 21/10/2011 16:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Theo thông báo của Tiến sĩ Sử học Schmidt Mária, Tổng giám đốc Quỹ Nghiên cứu Lịch sử và Xã hội Ðông - Trung Âu, một học viện nghiên cứu chủ nghĩa cộng sản (CNCS) đã được thành lập trong khuôn khổ hoạt động của Quỹ.
Một chiến xa Liên Xô cùng tên và ảnh của nạn nhân các thể chế độc tài toàn trị thế kỷ XX tại Bảo tàng Nhà Khủng bố (Budapest) - Ảnh: Trần Lê (NCTG)
Trong hội thảo được tổ chức tại Bảo tàng Nhà Khủng bố (Terror Háza Múzeum) thứ Sáu vừa qua, bà Schmidt Mária cho hay: mục đích căn bản của học viện mới được thành lập này là thu thập và mở rộng những kết quả nghiên cứu có liên quan tới CNCS.
Theo vị Tiến sĩ Sử học - người đã và đang giữ những cương vị quan trọng và thân cận với chính phủ cánh hữu như Tổng giám đốc Học viện Thế kỷ XXI, Tổng giám đốc Bảo tàng Nhà Khủng bố -, trong số những thể chế độc tài toàn trị của thế kỷ XX, CNCS đã tỏ ra sống dai nhất.
Kể từ cuộc chính biến tháng 11-1917 cho đến khi thể chế áp bức này sụp đổ tại Liên Xô, CNCS bảo lưu tất cả những nét phi dân chủ và phi nhân của nó, với hậu quả là hàng trăm triệu nạn nhân đã thiệt mạng - bà Schmidt Mária khẳng định.
Thể chế hủy diệt này đã “làm tan nát nửa Châu Âu”, rồi xuất hiện ở đa số châu lục khác và cho đến nay, cái gọi là CNCS - hay “CNXH quốc tế” - vẫn tước đoạt quyền tự quyết của nhiều triệu con người, không cho họ được quyết định về chính số phận của họ.
TS. Schmidt Mária nhấn mạnh: sự vạch trần những tội ác đã được thực hiện nhân danh CNCS, cũng như việc nghiên cứu lịch sử các thể chế độc tài cộng sản mới chỉ được tiến hành sau khi Liên bang Xô-viết cáo chung và các quốc gia Ðông - Trung Âu thay đổi thể chế chính trị.
Vẫn còn rất nhiều khoảng trống cần được tìm hiểu, mặt khác, tuyên truyền cộng sản đã “làm vấy bẩn tư duy công chúng” hơn nửa thế kỷ nay, hiện vẫn gây ảnh hưởng cả tại Phương Ðông lẫn Phương Tây, và đó là lý do ra đời của Viện Nghiên cứu CNCS, theo lời bà Schmidt Mária.