Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TẠI SAO CHÍNH QUYỀN HUNG “MẬT HÓA” CÁC HỢP ĐỒNG PAKS 2?

(NCTG) Đó là câu hỏi mà từ lâu nay, mạng tin index.hu đã kiên trì đặt ra cho các quan chức chính phủ Hungary, lần này là cho ông Lázár János, Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Chính phủ.

Nhà máy điện hạt nhân ở TP. Paks, được xây dựng và vận hành theo mô hình và công nghệ Liên Xô (cũ)


Câu hỏi này càng trở nên cấp thiết khi thay vì 15 năm, chính quyền Hungary đã quyết định “mật hóa” các hợp đồng thuộc đại dự án Paks 2 trong vòng 30 năm. Như vậy, khả năng để truyền thông và công luận tiếp cận được những gì họ muốn trong thương vụ đầu tư lớn nhất trong lịch sử Hungary này là gần như bất khả.

Như NCTG đã nhiều lần đưa tin, Paks 2 - đại dự án mở rộng Nhà máy điện nguyên tử ở TP. Paks bằng cách xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân mới, được thực hiện bằng nguồn tín dụng Nga (10-12 tỉ Euro) - sở dĩ bị các đảng phái đối lập cũng như một bộ phận lớn cư dân trong nước cho là “bất hợp pháp” và tùy tiện, vì nó được thông qua một cách mù mờ, gần như “vượt mặt” Quốc hội và không có những nghiên cứu khả thi.

Không ít ý kiến còn cho rằng “công trình thế kỷ” này của Hungary với Nga còn nguy hiểm hơn nữa ở chỗ sẽ khiến Hungary phụ thuộc vào Nga, nước Hung có thể lâm vào cảnh nợ nần khánh kiệt trong nhiều thập niên. Gần đây nhất, một cựu Quốc vụ khanh thuộc nội các FIDESZ, ông Illés Zoltán, cũng đã lên tiếng chỉ trích gay gắt đại dự án này, cho rằng nó tốn kém một cách phi lý và có thể sẽ bất thành.

Trở lại cuộc chất vất của mạng index.hu, yếu nhân đảng cầm quyền FIDESZ, ông Lázár János cho hay: cần “mật hóa” đột ngột các hợp đồng Paks 2 trong 30 năm (thay vì 15 năm) vì Đạo luật Bảo vệ Dữ luật (tên gọi chính xác là Đạo luật năm 2011 về quyền tự quyết thông tin và tự do thông tin) buộc nhà nước phải làm thế. Và hiện tại thì không có khả năng sửa đổi đạo luật này.

Mạng index.hu bình luận rằng đây quả là một lý luận kỳ quặc, vì đạo luật thượng dẫn do chính FIDESZ thông qua, thông qua lợi thế tuyệt đối “hai phần ba” trong Quốc hội. Nực cười là FIDESZ đã viện dẫn nó để đưa ra một quyết định khiến nhiều thành viên đảng này phải sững sờ và không đồng tình.

Thêm vào đó, đạo luật này quy định rằng có thể và không thể “mật hóa” cái gì. Về căn bản, bất cứ thông tin nào cũng có thể bị coi là dữ liệu cần “mật hóa”, nếu nhà nước coi đó là điều cần làm xét trên góc độ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, đạo luật trên không hề buộc nhà nước phải làm gì, và trong trường hợp đại dự án Paks 2 cũng vậy.

Bên cạnh đó, mạng index.hu cũng nói rõ thêm, họ không hề tò mò những gì có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia, ví dụ, cần bao nhiêu thời gian để lực lượng đặc nhiệm TEK đến hiện trường nếu nhà máy điện nguyên tử bị tấn công, hoặc cần triệt thoái theo những tuyến đường nào, v.v...  Câu hỏi của họ, trước sau như một, vẫn là: nhà nước sẽ chi bao nhiêu cho “công trình thế kỷ” này, và căn cứ vào đâu để làm điều đó?

Trong phần trả lời, ông Lázár János còn đưa ra một lý lẽ, rằng hãy thử chỉ ra một công trình xây dựng nhà máy điện nguyên tử mà mọi thứ “minh bạch” hơn Paks 2 xem sao? Mạng index.hu bình luận rằng, ngày nay đa phần chỉ còn Trung Quốc và Ấn Độ là còn hay xây nhà máy điện nguyên tử, cả hai nước này đều không phải là quán quân của sự minh bạch, nếu so Hung với họ thì tệ hại quá.

Ngoài ra, ở Châu Âu thì Anh và Phần Lan gần đây có xây nhà máy điện nguyên tử, nhưng ở cả hai nơi các công trình đều do doanh nghiệp tư nhân đầu tư và trong trường hợp đó, bí mật kinh doanh mang một ý nghĩa khác hẳn so với trường hợp nhà nước xây dựng nhà máy điện nguyên tử từ tiền thuế của cư dân...

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh tổng hợp, theo index.hu