SỨC MẠNH “ẢO”, QUYỀN LỰC THẬT?
- Thứ sáu - 14/01/2011 16:47
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Một cuộc biểu tình lớn, được hứa hẹn là có sự tham gia của chừng 7 ngàn người, sẽ được tổ chức vào hồi 6 giờ tối nay tại quảng trường Kossuth, trước Nhà Quốc hội Hungary, nhằm phản đối Đạo luật Truyền thông mới được thông qua vào cuối tháng 12 năm ngoái, bị coi là theo chiều hướng bóp nghẹt tự do báo chí.
Thông điệp gửi Quốc hội - Ảnh: Bócsi Krisztián (“Tự do Nhân dân”)
Đây có thể coi là cuộc xuống đường lớn thứ ba của giới dân sự Hungary, tiếp nối hai cuộc biểu tình trong tháng 12 vừa qua (ngày 2-12 và 20-12), để bảo vệ quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận.
Cuộc biểu dương lực lượng của xã hội dân sự
Cũng như trong hai dịp trước, lần này, dụng ý của Ban tổ chức vẫn là dựa trên sự đồng thuận và đoàn kết của các cá nhân, tránh xa mọi ý thức hệ đảng phái, chính trị, với mục tiêu là yêu cầu xét lại cơ sở hiến định của Đạo luật Truyền thông.
Như một hành động mang tính biểu tượng, những người tham gia biểu tình sẽ trương một Lời kêu gọi gồm 7 điểm của họ - đến nay đã được nhiều người ký hưởng ứng - trước cửa ra vào của Quốc hội Hungary.
Những đòi hỏi của họ bao gồm: xét lại, hoặc điều chỉnh tính hiến định của Đạo luật Truyền thông; để đại diện các tổ chức chuyên môn tham dự trong quá trình khởi thảo quản lý truyền thông; đảm bảo sự độc lập chính trị của Cơ quan Quản lý Truyền thông và các tổ chức truyền thông; xóa bỏ khả năng phạt tiền một cách quá trớn và độc đoán các cơ quan báo chí.
Ngoài ra, thỉnh nguyện thư còn đòi hỏi phải tôn trọng các bí mật cá nhân, cũng như các nguồn tin của giới ký giả, những giá trị đã được pháp luật bảo vệ; phục hồi sự độc lập của các ban biên tập thuộc đài, báo quốc gia; cũng như, phải đưa các tổ chức bảo vệ tự do ngôn luận, nhân quyền và các quyền chính trị khác vào sự thiết lập một Đạo luật Truyền thông phục vụ công ích.
Cũng như trong các dịp trước, Ban tổ chức cuộc biểu tình tối nay đề nghị các chính khách, dân biểu không tham gia xuống đường cùng họ, mà hãy làm chính trị và thực hiện bổn phận của mình trong khuôn khổ nghị trường. Không dính líu với đảng phái và giới chính trị gia là điều mà Ban tổ chức cho rằng sẽ đem lại sự xác tín cho những đòi hỏi của họ, tránh mọi sự lợi dụng từ mọi hướng.
Trái với một số cuộc biểu tình khác của giới trẻ ít nhiều mang tính tự phát, cuộc xuống đường tối hôm nay được chuẩn bị kỹ càng và được sự ủng hộ của nhiều tổ chức dân sự, cùng giới trí thức, văn nghệ sĩ. Đặc biệt, Bródy János, ca - nhạc sĩ thuộc hàng tên tuổi nhất của lịch sử nhạc Pop - Rock Hungary cũng sẽ có mặt và biểu diễn trong cuộc biểu tình!
Biến sức mạnh “ảo” thành sức ép thật
Biểu tình để phản đối một quốc sách nào đó của chính phủ không phải là điểm lạ tại Hungary. Thế nhưng, các cuộc xuống đường mang tính dân sự của cư dân Hungary - nhằm bảo vệ tự do báo chí - lại mang một tính chất khác, rất đặc thù trong thời đại điện toán, về nội dung và hình thức tổ chức.
Trước hết, như lời cô Babarczy Eszter, được coi là “đại biện không chính thức” của nhóm mang tên “Một triệu người vì tự do báo chí” - đơn vị tổ chức cuộc biểu tình tối nay - nhóm của họ không phải là một tổ chức chính trị, càng không mang tính đảng phái, mà là tập hợp của những cá nhân dân sự nỗ lực cho cùng một mục đích và cùng một vụ việc.
Thứ nhì, việc một nhóm hoạt động trên mạng xã hội Facebook như “Một triệu người vì tự do báo chí” quyết định vận động các thành viên xuống đường - nhóm hiện có hơn 70 ngàn thành viên - là một ví dụ cho thấy, “sức mạnh ảo” có thể được sử dụng trong thực tế để gây sức ép đến chính quyền như một hình thức “phản biện xã hội” hữu hiệu của giới dân sự.
Được hình thành chưa đây 1 tháng nay trên mạng xã hội Facebook, “Một triệu người vì tự do báo chí” quy tụ những thành viên có quan điểm phản đối Đạo luật Truyền thông mới của Hungary, và là nhóm đã có sự phát triển mạnh nhất trong số các trang Hungary trên Facebook (tỉ lệ tăng trưởng trong tuần đầu của tháng 1-2011 là 26,31%).
Mục đích được đặt ra của của nhóm là đấu tranh cho nền truyền thông độc lập (với các đảng phái và các chính phủ) tại nước Hung. Nhóm đặt mục tiêu bầu ra một Ban biên tập trên cơ sở dân chủ, đăng tải tất cả những bài vở, hình ảnh bị cấm đoán, đưa chúng tới 1 triệu người (ước tính, có gần 2,5 triệu người Hungary trên tổng số 10 triệu cư dân sử dụng mạng xã hội Facebook), và có thể huy động lực lượng để biểu tình vào bất cứ lúc nào, khi cần thiết.
Chỉ trong một thời gian hình thành ngắn ngủi như thế, “Một triệu người vì tự do báo chí” đã có lượng thành viên vượt nhóm Orbán Viktor - quy tụ những người có cảm tình với Thủ tướng Hungary tại trang chính thức của ông trên mạng Facebook.
Là một trong 3 thành viên chủ đạo của nhóm (hai người còn lại ẩn danh), cô Babarczy Eszter - một nhà nghiên cứu, một ký giả trẻ - cho hay cô chỉ là một tình nguyện viên, tham gia phong trào trên mạng xã hội Facebook với mục đích gây áp lực để chính quyền phải hủy Đạo luật Truyền thông.
“Nói vậy chứ chúng tôi cũng biết rằng không thực tế nếu chúng tôi có được sự ủng hộ của 1 triệu người trong số 2,8 triệu cư dân Hungary sử dụng mạng Internet. Tuy nhiên, nếu thể hiện được nguyện vọng chung của 200 ngàn người, thì đây đã là một đám đông có thể định nghĩa được về mặt chính trị. Và chính trị cũng không thể bỏ qua ý nguyện của họ”, cô Babarczy bày tỏ quan điểm, ám chỉ rằng, 200 ngàn người là con số có thể đưa một chính đảng vào Quốc hội Hungary.
Trong cuộc vận động này, tính chất “ảo” của mạng Internet đã hòa quyện với hiệu quả thực tế một cách ít ai ngờ tới. Chẳng hạn, người đề xướng và “tổng chỉ huy” cuộc biểu tình tối nay là anh Fölkel Róbert, trước đây chưa bao giờ tham gia tổ chức những hoạt động tương tự. Như lời anh thổ lộ, do chuyển nghề được 4 tháng nay nên hiện anh có thời gian tham gia các diễn đàn mạng.
Bất bình trước hành động của chính phủ, Fölkel Róbert cảm thấy cần làm một điều gì đó và cuộc biểu tình tối nay là hành động phản kháng mà anh đã quên ăn, quên ngủ để tổ chức. Điều thú vị là Fölkel Róbert cũng không hề quen biết bất cứ ai trong số những “yếu nhân” của nhóm “Một triệu người vì tự do báo chí”, va bản thân các thành viên tích cực nhất của nhóm này trước đây cũng không hề quen biết nhau.
Họ là những người có chính kiến, ý thức hệ về cảm tình đang phái khác nhau, chỉ gặp nhau trên mạng, nhưng đồng thuận với nhau ở một điểm là không thể để tự do ngôn luận, tự do báo chí bị đe dọa. Cô Babarczy cho rằng, cho dù nhóm “Một triệu người vì tự do báo chí” chỉ là một cộng đồng ảo, nhưng không được phép coi thường sức mạnh của nhóm vì “đây là những con người thực, ít nhất là họ đã dám nêu danh khi tham gia phong trào”.
“Không đơn thuần chỉ là ấn nút “like” - với hành động này, nhiều người đã mạo hiểm cả sự sinh kế của mình, bởi lẽ những động thái “ảo” của chúng tôi đều có thể theo dõi được, và cũng không thể giấu được người thân quen. Ngoài ra, giới công chức đã bị dọa dẫm, có người vì thế mà không dám tham gia với chúng tôi”, cô phát biểu.
Và, như lời anh Fölkel Róbert chia sẻ: “Chúng tôi không biểu tình chống chính phủ, mà chỉ xuống đường để bảo vệ những nguyên tắc và giá trị căn bản. Và chúng tôi sẽ biểu tình đến chừng nào Đạo luật Truyền thông chưa bị thu hồi. Vớ tôi, mục đích trước mắt chưa phải là trước, sau, có thể lật đổ hay không nội các FIDESZ. Mục đích trước mắt, là tự do!”.
Phép thử của xã hội dân sự
Nỗ lực của các cá nhân cho một mục tiêu chung, bất chấp đảng phái, xu hướng chính trị, có thể là phép thử mới của xã hội dân sự Hungary, cũng như, của “nền dân chủ” mới tại xứ sở này, mới tồn tại 21 năm nay.
Trước mắt, hoạt động tối hôm nay của nhóm “Một triệu người vì tự do báo chí” đã được sự chú ý rộng rãi của công luận, và sự ủng hộ của nhiều tổ chức dân sự, nhân quyên khác, nổi bật là Ân xá Quốc tế (AI) - tổ chức bảo vệ nhân quyền này tuyên bố họ cũng phê phán Đạo luật Truyền thông và sẽ gia nhập cuộc biểu tình trước Nhà Quốc hội Hungary.
Trong một thông cáo, Ân xá Quốc tế kêu gọi mọi người tham dự biểu tình hãy dán miệng trong cuộc xuống đường tại Quảng trường Kossuth để phản đối Đạo luật Truyền thông, mà “rất nhiều điều khoản có thể đi kèm với các hậu quả nghiêm trọng, như quyền tự do thể hiện quan điểm sẽ bị sứt mẻ”.
Cùng lúc với cuộc biểu tình, các nhân viên và cảm tình viên Phân bộ Áo của Ân xá Quốc tế cũng sẽ tham dự một cuộc tuần hành bày tỏ tình đoàn kết với Hungary trước tòa đại sứ nước này ở Vienna, và họ sẽ trao một lá thư chính thức cho đại sứ Hungary. Lá thư này cũng sẽ được các phân bộ địa phương của AI tại nhiều quốc gia Châu Âu khác chuyển tới các cơ quan đại diện ngoại giao Hungary.
“Hoạt động tự do, không bị kiểm duyệt và không bị bất cứ rào cản nào của truyền thông và báo chí là điều kiện tất yếu của sự thể hiện tự do các quan điểm - điều mà Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, Công ước Nhân quyền Châu Âu và Hiến chương các Quyền cơ bản của EU cũng đảm bảo” - AI khẳng định trong lá thư.
Theo tổ chức nhân quyền này, mức độ hạn chế truyền thông ở Hungary đã đi quá mức độ mà các chuẩn mực nhân quyền quốc tế cho phép, và có thể gây nên tình trạng tự kiểm duyệt và kiểm duyệt một cách nguy hiểm.
(*) Bản tin đã đăng trên RFI.