STALIN KHÔNG CÒN LÀ CÔNG DÂN DANH DỰ CỦA BUDAPEST
- Thứ tư - 23/03/2011 21:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Và cùng với “nhà độc tài đỏ” này, 8 nhân vật khác từng là kẻ thù của cuộc cách mạng đòi độc lập và dân quyền cho Hungary năm 1848 cũng bị loại khỏi danh sách các Công dân Danh dự của thủ đô Budapest.
Ảnh tư liệu của Hãng Thông tấn Hungary MTI
Đây là quyết định được Hội đồng Thành phố Budapest thông qua một cách nhất trí vào ngày thứ Tư 23-3. Theo đó, nhà độc tài Liên Xô Stalin và các yếu nhân của Liên minh Áo - Nga từng đè bẹp cuộc cách mạng 1848 của Hungary - gồm các vị tướng Haynau, Windischgrätz, Karl Ludwig Grünne, Thủ tướng Felix Schwarzenberg, Bộ trưởng Nội vụ Alexander von Bach và Đặc phái viên của Hoàng đế Karl Geringer (Áo), nhiếp chính Jellasics (Croatia) và tướng Ivan Paskevich (Nga) - đã chính thức và vĩnh viễn bị xóa khỏi danh sách Công dân Danh dự Budapest.
Đáng chú ý là trong số các nhân vật trên, ngoài Stalin thì 8 cái tên còn lại đều được Hoàng đế Áo phong danh hiệu Công dân Danh dự Pest từ giữa thế kỷ 19. Do đó, một số đại biểu thuộc Đảng Xã hội MSZP của Hội đồng Thành phố đã tranh luận rằng trong trường hợp đó, không chắc là có thể coi họ cũng nghiễm nhiên là Công dân Danh dự Budapest, thành phố chỉ được chính thức thành lập sau đó vài chục năm.
Ông Horváth Csaba, trưởng nhóm đại biểu đảng MSZP còn cho rằng, Thị trưởng Budapest Tarlós István (đảng cầm quyền Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ) đã lờ tịt một cách có chủ đích rằng, ngay từ năm 2004, trước khi gia nhập Liên hiệp Châu Âu, Ban lãnh đạo Budapest đã đưa ra một tuyên bố, theo đó Stalin chưa bao giờ - và sẽ không bao giờ - được coi là Công dân Danh dự của thủ đô. Do đó, phe đối lập trong Hội đồng Thành phố kết luận rằng, thay vì làm những việc xóa tên đổi họ, nên hướng về những vấn đề xã hội thì hơn.
Để trả lời, Thị trưởng Tarlós István tuyên bố: ngay 7-11-1947, nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Hội đồng Thành phố Budapest đã ra quyết định trao tặng danh hiệu Công dân Danh dự cho “Đại nguyên soái Liên Xô Stalin”. Do đó, việc truất danh hiệu này - từ một “kẻ thù của nền dân chủ” - là có cơ sở pháp lý.
Ngoài ra, Hội đồng Thành phố còn quyết định rằng, thay vì 25 năm như trước kia, từ nay trở đi, 5 năm sau ngày mất là khoảng thời gian đủ để đặt tên ai đó cho phố xá, quảng trường... hoặc những nơi công cộng nói chung. Cạnh đó, có thể đặt tên một người cho phố xá ở nhiều quận khác nhau.