Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SÓLYOM LÁSZLÓ, ỨNG VIÊN TỔNG THỐNG CỦA PHE ĐỐI LẬP

(NCTG) Sau một thời gian dài không đưa ra tuyên bố dứt khoát, cuối tháng Năm, đảng FIDESZ đã chính thức công bố tên ứng viên tổng thống của họ, ông Sólyom László. Ông Sólyom László cũng được MDF, đảng đối lập (nhỏ) thứ hai trong Quốc hội, chấp nhận, và SZDSZ, một trong hai đảng thuộc Liên minh cầm quyền tại Hung, không phản đối.

Sólyom László và Medgyessy Péter năm 2002-ben: thủ tướng Hung mời nhà luật học giữ chức chủ tịch một ủy ban - Ảnh: Szabó Barnabás ("Tự do Nhân dân")

Như vậy, trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, bà Szili Katalin, chủ tịch Quốc hội Hung, ứng viên tổng thống của Đảng Xã hội (MSZP) sẽ phải đối địch với một nhân vật tên tuổi của chính trường và đời sống tinh thần Hungary: cựu chủ tịch Tòa án Hiến pháp Sólyom László!

Lần đầu tiên, vào tháng Hai năm nay, cái tên Sólyom László được công luận Hung nhắc nhiều trên cương vị một chính khách xứng đáng làm tổng thống Hung, sau khi một tổ chức bảo vệ môi sinh mang tên Védegylet tổ chức một cuộc thu thập chữ ký - và đã có 110 nhân vật nổi tiếng đồng tình - để vận động đề cử cho ông Sólyom. (Védegylet được biết đến trong những kỳ biểu tình chống dự định thành lập căn cứ quân sự của NATO ở vùng Zengõ tổ chức này cũng đã ủng hộ các tiểu chủ Hung trong đợt biểu tình phản đối chính phủ vừa rồi, và còn tham gia chiến dịch đòi cấm đốt pháo. Kể từ khi thành lập, ông Sólyom László là thành viên của Védegylet).

Báo chí Hungary đánh giá ông Sólyom László là người viết kịch bản cho sự thay đổi thể chế chính trị ở Hung cuối thập niên 80 thế kỷ trước. Là giáo sư dạy khoa Luật Đại học Pécs, những năm tám mươi, ông bắt đầu bước vào con đường chính trị và tham gia nhiều tổ chức dân sự đối lập. Sólyom còn là đảng viên sáng lập của đảng MDF: trên cương vị một đại diện của MDF, ông đã góp phần khởi thảo các bộ luật đảm bảo việc thuyên chuyển quyền lực và thay đổi thể chế chính trị tại Hungary tại những cuộc đàm phán của Bàn tròn Đối lập và Bàn tròn Dân tộc (Ellenzéki Kerekasztal, Nemzeti Kerekasztal).

Trước kỳ bầu cử tự do đầu tiên ở Hung (1990), Sólyom László ra khỏi đảng MDF và từ bỏ mọi chức vụ trong đảng vì tháng 11-1989, ông được bầu làm thành viên Tòa án Hiến pháp Hungary. Trong một thời gian ngắn, ông giữ chức phó chủ tịch, rồi ba lần giữ chức chủ tịch Tòa án Hiến pháp thời kỳ 1990-1998. Sólyom László đã được nhận rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế; sau khi hết nhiệm kỳ chủ tịch Tòa án Hiến pháp lần thứ hai, ông là giáo sư thỉnh tháng tại Đại học Cologne trong một năm. Ông cũng là thành viên của Ủy ban Valense, là ủy ban tư vấn về Luật Hiến pháp hoạt động bên cạnh Ủy hội Châu Âu.

*

Sau khi cả hai đảng thuộc phe đối lập đều đề cử ông Sólyom László và đảng SZDSZ cũng không phản đối ông, thậm chí, về mặt cá nhân, một số (khá lớn) nghị sĩ của đảng sẵn sàng bỏ phiếu cho ông, ứng viên tổng thống của Đảng Xã hội, chủ tịch Quốc hội Szili Katalin, rơi vào cảnh rất khó khăn. Tất cả mọi cố gắng để tìm ra một ứng viên tổng thống chung đã thất bại: vào thời điểm cuối cùng, đảng SZDSZ tuyên bố sẽ không tham gia kỳ bỏ phiếu vì họ không muốn ủng hộ ứng viên của phe đối lập, cho dù cá nhân ông Sólyom Lászlo được SZDSZ đánh giá rất cao. Như vậy, theo các tính toán, đảng MSZP phải tìm ra 6-7 nghị sĩ ủng hộ bà Szili Katalin (trong số các dân biểu đối lập và độc lập) thì mới có hi vọng đưa ứng viên của mình lên ghế tổng thống.

Kỳ bầu cử tổng thống Hungary sẽ được tổ chức tối đa là ba vòng, trong đó, ở hai vòng đầu, cần tối thiểu hai phần ba số phiếu để chọn ra tân tổng thống. Nếu hai vòng đầu chưa có hiệu lực, ở vòng cuối, chỉ cần một đa số đơn thuần để chọn ra tổng thống cho nước Hung. Đảng SZDSZ cho biết: trong trường hợp cần phải tổ chức vòng thứ ba, họ sẽ đề nghị những tên tuổi mới cho "bạn đồng hành" MSZP của mình, nhưng điều chắc chắn là SZDSZ sẽ không bỏ phiếu cho Szili Katalin, và cho dù ông Sólyom László thỏa mãn mọi diều kiện của họ, nhưng SZDSZ cũng không muốn ủng hộ ứng viên của phe đối lập.

Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Trung ương Hungary, ông Sólyom László cho rằng ông tính đến một kết quả rất cân bằng, nhưng nếu được chọn làm tổng thống, ông sẽ nhìn nhận luật pháp dưới con mắt của một cựu quan tòa hiến pháp và không để những lợi ích đảng phái làm ảnh hưởng đến công việc của mình.

Cựu chủ tịch Tòa án Hiến pháp Hungary Sólyom László, người có công lao bậc nhất trong việc tạo dựng những định chế pháp luật dân chủ cho nước Hung thời hậu cộng sản

(*) Mặc dù đảng SZDSZ quyết định sẽ không tham gia kỳ bỏ phiếu bầu tổng thống Hungary và nếu ai muốn bỏ phiếu, cần sự đồng ý của ít nhất hai phần ba nghị sĩ SZDSZ, nhưng một số dân biểu đảng này vẫn cho rằng có lẽ họ có quyền bầu bán (vì "nói chung, nhiệm vụ của một nghị sĩ là bỏ phiếu", theo nữ nghị sĩ Béki Gabriella). Mécs Imre, một nhân sĩ nổi tiếng của nước Hung, thành viên SZDSZ, còn cho rằng chưa chắc đã cần phải "xin phép" để được đi bỏ phiếu.

Nếu một số nghị sĩ thuộc đảng SZDSZ vẫn đi bỏ phiếu thì có thể họ sẽ đóng vai trò quyết định. Theo những lời tuyên bố đến nay, 177 nghị sĩ MSZP sẽ ủng hộ bà Szli Katalin, còn ông Sólyom László được phiếu của 169 nghị sĩ FIDESZ và 8 nghị sĩ MDF. Trong số 11 dân biểu độc lập (thiên hữu), khả năng là 10 người sẽ bỏ phiếu cho ông Sólyom. Ngoài ra, ba nghị sĩ SZDSZ, từ xưa, đã cho biết họ ủng hộ bà Szili. Như vậy, bà Szili đang ở thế "hạ phong" vì thiếu độ 7 (hoặc 10) phiếu.

Chủ tịch đảng SZDSZ, trong một chương trình truyền hình thứ Ba vừa rồi, cho biết ông không loại trừ khả năng sẽ có một vài nghị sĩ của đảng ông sẽ xin phép để được bỏ phiếu. Tuy nhiên, câu trả lời cụ thể sẽ chỉ được đưa ra vào ngày 6-6 tới, khi cuộc bầu cử tổng thống Hungary được tổ chức!

Tác giả bài viết: H.Linh