Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


RỬA TAY, KHỬ TRÙNG VÀ CHỐNG LÂY NHIỄM, THẾ GIỚI NHỚ TỚI SEMMELWEIS IGNÁC

(NCTG) Hôm nay 20-3-2020, trên toàn thế giới, mạng Google tưởng nhớ đến một bác sĩ Hungary, ông Semmelweis Ignác (1818-1865), “vị cứu tinh của các sản phụ”, “người cha của cuộc chiến chống lây nhiễm” vì đã phát hiện ra tầm quan trọng của rửa tay và khử trùng bằng dung dịch Clo từ khi khái niệm virus, vi khuẩn... chưa hề được biết đến!
Bác sĩ Semmelweis Ignác (1818-1965)
Vào ngày này tròn 173 năm trước, bác sĩ Semmelweis Ignác được chọn giữ cương vị giáo sư Trưởng khoa Sản số 1 của Bệnh viện Đa khoa Vienna, nơi về sau này ông đã tìm ra và quyết liệt đưa vào ứng dụng phương pháp rửa tay và khử trùng để ngăn chặn một cách đáng kể sự lây nhiễm.

Semmelweis Ignác chào đời ngày 1-7-1818 tại Buda. Ông lấy bằng bác sĩ sản khoa tại Đại học Vienna và khi bắt đầu làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Vienna, ông gặp phải một căn bệnh kỳ lạ và quái ác mà thời đó chưa ai lý giải được, đã cướp đi tính mạng của không biết bao nhiêu sản phụ trẻ tuổi.

Đó là chứng bệnh sốt hậu sản, gây kinh hoàng cho các sản phụ thời đầu thế kỷ 19, và khiến tại nhiều nơi, tỷ lệ tử vong lên đến con số cao chất ngất 10-35%. Các bác sĩ đương thời, do không thể tìm ra nguyên nhân, đã tự nghĩ ra vài ba chục lý do không có thực để “gán” cho căn bệnh tử thần đó.
 
Bệnh viện đầu thế kỷ 19 - Ảnh: Thư viện Y học Quốc gia
Bệnh viện đầu thế kỷ 19 - Ảnh: Thư viện Y học Quốc gia

Cũng vì cảm thấy bất lực, nên đa số các đồng nghiệp của Semmelweis Ignác xem cái chết sau khi sinh của các sản phụ là điều tự nhiên, và không ai có ý đi tìm kiếm nguyên nhân. Ngược lại, tuy là một người ngoại quốc, nhưng Semmelweis Ignác không thể đành lòng trước cảnh tượng thương tâm đó.

Điều khiến người bác sĩ Hungary cảm thấy ngạc nhiên, là tại bệnh viện có hai khoa sản. Ở khoa sản dành cho người nghèo, chỉ có các “bà đỡ” chăm sóc và đỡ đẻ cho phụ nữ, thì tỷ lệ tử vong lại thấp. Ngược lại, nơi ông phụ trách, toàn các bác sĩ phẫu thuật và đỡ đẻ, thì tỷ lệ có lúc lên tới 40%!

Sau một thời gian dài quan sát, và đặc biệt căn cứ vào một cái chết rất thương tâm của một đồng nghiệp thân thiết, khi ông này chỉ bị thương nhẹ ở tay lúc mổ tử thi mà sau đó qua đời, Semmelweis Ignác phát hiện ra rằng căn bệnh sốt hậu sản chính là hậu quả của sự nhiễm trùng. Đó là năm 1847.
 
Chưa ai biết chính nhiễm khuẩn là nguyên nhân của căn bệnh sốt hậu sản - Ảnh: origo.hu
Chưa ai biết chính nhiễm khuẩn là nguyên nhân của căn bệnh sốt hậu sản - Ảnh: origo.hu

Đương nhiên, khi đó thế giới chưa hề biết đến những khái niệm như lây nhiễm, virus, vi khuẩn (mà phải chờ tới vài chục năm sau, với phát kiến của nhà bác học Pháp Louis Pasteur), nên Semmelweis Ignác chỉ có thể hình dung ra rằng, chính các bác sĩ phải chịu trách nhiệm về căn bệnh này.

Bởi lẽ, trước khi khám hay giải phẫu, đỡ đẻ cho sản phụ, vào buổi sáng họ đã đi thực hành mổ tử thi, và do đó họ đã mang “tử khí” (hullaszag, theo cách gọi của vị bác sĩ) tới các “bà đẻ”. Semmelweis Ignác lập tức đưa phát kiến này vào một công trình nghiên cứu, và cố gắng quảng bá lý thuyết đó.

Để ngăn chặn việc lan truyền của “tử khí”, bằng con đường thực nghiệm, ông đã sử dụng dung dịch Clo và buộc các bác sĩ dưới quyền phải rửa tay thật kỹ sau khi mổ tử thi, thì mới được chạm vào sản phụ. Giường chiếu, quần áo các sản phụ cũng được ông chỉ thị phải giặt giũ bằng dung dịch này.
 
“Vị cứu tinh của các sản phụ” - Ảnh tư liệu từ thế kỷ 19
“Vị cứu tinh của các sản phụ” - Ảnh tư liệu từ thế kỷ 19

Đặc biệt, Semmelweis Ignác yêu cầu phải thường xuyên dọn vệ sinh, thông gió, thay ga trải giường và mở cửa cho nắng chiếu vào cái phòng bệnh, và đây là những điều hoàn toàn mới lạ với giới y học lúc bấy giờ, vì không ai nghĩ ra được mối quan hệ nhân quả của nó với bệnh tình của bệnh nhân.

Phát kiến của vị bác sĩ thành công bao nhiêu (nó khiến tỷ lệ tử vong tại nơi ông phụ trách giảm xuống còn 0,17%!) thì lại làm cho ông có thêm bấy nhiêu kẻ thù: các đồng nghiệp không tin, không phục ông, và tức giận vì một người Hungary lại muốn làm “cách mạng” tại một cơ sở y tế của Đế quốc Áo!

Hơn thế nữa, vốn quen chỉ rửa tay qua loa, thậm chí chỉ chùi vào quần áo, giới bác sĩ, sinh viên Y khoa và y tá, hộ lý dưới quyền Semmelweis Ignác không thể chịu được khi bị ông buộc phải khử trùng 15-20 phút một cách hết sức kỹ càng. Rốt cục, năm 1850, Semmelweis Ignác bị cho thôi việc.
 
Những bệnh viện thực hiện chỉ dẫn của Semmelweis Ignác đều giảm thiểu được con số những ca tử vong vì lây nhiễm - Ảnh tư liệu
Những bệnh viện thực hiện chỉ dẫn của Semmelweis Ignác đều giảm thiểu được con số những ca tử vong vì lây nhiễm - Ảnh tư liệu

Hồi hương, ông làm việc tại Khoa Sản, Bệnh viện Szent Rókus (Pest), nơi ngày nay chúng ta có thể thấy tượng đài ông trước cổng viện. Tại đó, ông tiếp tục phổ biến và cho ứng dụng phương pháp rửa tay, khử trùng khiến tỷ lệ tử vong do sốt hậu sản trong vòng sáu năm giảm xuống 0,85% (*).

Đồng thời, cho dù chưa biết đến bệnh lý học của hiện tượng lây nhiễm, với trực giác thực nghiệm rất xuất chúng, Semmelweis Ignác vẫn tiến hành những thí nghiệm với động vật để bác bỏ những “học thuyết” phi khoa học, và ông trở thành người sáng lập bệnh lý học thực nghiệm trên thế giới.

Năm 1860, Semmelweis Ignác cho in ở Vienna tác phẩm để đời của ông bằng tiếng Đức “Bệnh lý học, khái niệm và cách phòng ngừa sốt hậu sản” (Die Aetiologie, der Begriff und die Prophylaxis des Kindbettfiebers). Tuy nhiên, công trình này cũng bị giới Y khoa tiếp nhận với sự phản đối và ghẻ lạnh.
 
Rửa tay bắt buộc tại khoa nơi Semmelweis Ignác phụ trách - Ảnh: origo.hu
Rửa tay bắt buộc tại khoa nơi Semmelweis Ignác phụ trách - Ảnh: origo.hu

Bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời của người bác sĩ Hung là mặc dù đã chứng tỏ được sự đúng đắn trong thực hành, cứu vãn được cuộc đời của không biết bao nhiêu người mẹ, nhưng phát kiến của ông lại gặp phải bức tường im lặng đáng sợ của giới bác sĩ, khiến ông bị suy nhược thần kinh nặng.

Bị bạn bè, đồng nghiệp xa lánh vì coi là “kẻ điên”, năm 47 tuổi, Semmelweis Ignác được đưa sang Vienna theo ý muốn của vợ ông, và lời khuyên của các bác sĩ, để “nghỉ dưỡng”. Tại đây, ông bị đưa vào Viện Tâm thần Döblingen, và trong một lần xô xát, ông bị các hộ lý hành hung dẫn đến tử vong!

Semmelweis Ignác qua đời khi cả giới bác sĩ chống lại ông, vì họ không thể thừa nhận rằng chính sự thiếu hiểu biết và bất lực của họ đã gây nên cái chết của bao nhiêu bà mẹ! Và vị bác sĩ Hung thì “một mình chống lại mafia” và trong “cuộc chiến với cối xay gió” không cân sức đó, ông đã thất bại...
 
Mộ phần của Semmelweis Ignác tại Nghĩa trang Kerepesi (Budapest)
Mộ phần của Semmelweis Ignác tại Nghĩa trang Kerepesi (Budapest)

Đám tang ông tại Nghĩa trang Schmelz (Áo) không hề có mặt các đồng nghiệp và thân nhân trong gia đình. Chỉ khi nơi này bị đóng cửa (năm 1891), di cốt của ông mới được vợ ông đưa về quê hương: ông yên nghỉ tại Nghĩa trang Kerepesi, rồi được đưa về ngôi nhà gia đình, trong bức tường ở sân nhà.

Nơi đó, hiện là Bảo tàng Y học Semmelweis. Tên của vị bác sĩ cũng được đặt cho Đại học Y khoa Budapest, và các công trình của ông thời gian 1847-1861 được tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc đưa vào danh mục Di sản Tư liệu Thế giới. Tượng của ông được đặt ở nhiều nơi trên thế giới.

Cho dù trong đời, Semmelweis Ignác gặp nhiều bất hạnh và không nhận được sự kính trọng thỏa đáng, nhưng hậu thế đã đánh giá ông đúng mực. Năm 1954, tại Đại sảnh của Hiệp hội Bác sĩ Phẫu thuật Thế giới ở Chicago, người bác sĩ Hung được chọn trong số 10 bác sĩ vĩ đại nhất của nhân loại.
 
Một trong số 10 bác sĩ vĩ đại nhất của nhân loại: tượng Semmelweis Ignác tại Chicago
Một trong 10 bác sĩ vĩ đại nhất của nhân loại: tượng Semmelweis Ignác tại Chicago

Tượng của ông, bên cạnh Louis Pasteur và Wilhelm Conrad Röntgen, được thể hiện trong tư thế nâng đỡ một bà mẹ trẻ cùng con nhỏ. “Vị cứu tinh của các sản phụ”, hàng chữ trên bia mộ ông, là lời tưởng thưởng xác đáng nhất dành cho một trong những vĩ nhân lớn nhất của lịch sử thế giới.

Câu chuyện của Semmelweis Ignác càng mang tính thời sự trong thời kỳ dịch bệnh hiện tại, khi những khuyến cáo vệ sinh dịch tễ của ông sau hơn một thế kỷ rưỡi vẫn chưa được làm đúng cách: một thống kê cho thấy 95-97% người dân không hề biết là trước nay hàng ngày mình vẫn rửa tay sai! (**)

Mặc dù, rửa tay và tẩy trùng thường xuyên, cho tới giờ, vẫn được coi là phương pháp ngăn ngừa Coronavirus hiệu quả nhất. Và cứ mỗi lần làm động tác tưởng chừng đơn giản ấy, chúng ta hãy nhớ đến Semmelweis Ignác, một trong những nhà cách mạng xuất chúng nhất của nền y học hoàn vũ!

Ghi chú:

(*) Cùng thời gian đó, tỷ lệ này ở Vienna và Praha vẫn còn là 10-15%!

(**) Gắn liền với tên tuổi Semmelweis Ignác, ngày 15-10 hàng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Rửa tay Thế giới (World Hand Hygiene Day), vận động toàn cầu tăng cường nhận thức và hiểu biết về tầm quan trọng của việc rửa tay, khử trùng như một cách hiệu quả và hợp lý để ngăn ngừa bệnh tật và bảo đảm sức khỏe toàn dân.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh