Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


QUYỀN ĐƯỢC TÌM HIỂU QUÁ KHỨ

(NCTG) Bà Kónyáné Kutrucz Katalin, Phó Giám đốc Kho Thư khố Lịch sử trực thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia (CQANQG) Hungary: Cho dù có thể sử dụng những hồ sơ an ninh quốc gia cho các mục đích mờ ám đi nữa, tất cả mọi người đều có quyền được biết về cuộc đời của họ, và mọi dân tộc đều có quyền tìm hiểu lịch sử của chính họ.

Minh họa: Internet


Cuộc trao đổi về những điểm “gợn”, bị cho là còn “bất cập”, của Đạo luật Thanh lọc Hungary, cho phép tìm hiểm quá khứ cộng sản, chỉ điểm...

- Những kẻ chỉ điểm của các CQANQG thời xưa không bị phát hiện đồng thời, mà sau nhiều năm tháng dài mới bị lộ tẩy. Điều này có tự nhiên hay không?

- Tôi chỉ có thể nói đạo luật cho phép chúng ta làm gì, và không cho phép làm gì. Có thể đến chúng tôi theo nhiều cách. Trên tư cách một công dân, có thể đến xem thời xưa, các CQANQG đã lập hồ sơ như thế nào về mỗi người. Nhiều người hay nói đây chỉ là những thông tin rò rỉ, nhưng thực ra không phải vậy, điều này được thực hiện đúng nguyên tắc, như cách người ta đề nghị và như cách chúng tôi có thể nhận định được.

Nhiệm vụ của chúng tôi là nói cho người dân những gì mà luật định cho phép. Một khả năng khác là nghiên cứu khoa học. Việc nghiên cứu khoa học ở Hungary khá tự do. Các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận mọi dữ liệu, ngoại trừ những thứ như thói quen tính dục, những vui thú có hại, trạng thái sức khỏe... là những thứ được bảo vệ và giữ gìn trong một khoảng thời gian nhất định. Còn sau đó, với những số liệu đó, những hồ sơ đó, họ làm gì thì đó là trách nhiệm của nhà nghiên cứu, không phải của chúng tôi.

- Sau những bê bối vì một số người vừa bị phát hiện là cựu chỉ điểm, nhiều người khó chịu, cho rằng những hồ sơ này gây nên xáo trộn tại Hungary một cách không cần thiết. Có một giải pháp khác sau 4-5 thập kỷ độc tài?

- Giải pháp tốt thì không có đâu. Khi đã nát bét rồi, rất khó hồi phục. Mọi thứ là như thế, không thể có giải pháp nào tốt. Tôi chắc chắn ở hai điểm sau đây. Một là, tất cả mọi người đều có quyền được biết tại sao cuộc đời của họ lại như những gì đã xảy ra, nghĩa là có quyền tìm hiểu các CQANQG xưa lập những hồ sơ gì về họ. Thứ nhì, tôi hoàn toàn chắc chắn là mọi dân tộc đều có quyền tìm hiểu lịch sử của chính họ.

- Nhân những vụ bê bối mới đây, người ta cũng bảo rằng Đạo luật Thanh lọc, có nhiệm vụ vạch ra sự thật, không được phù hợp cho lắm. Bà nghĩ sao?

- Quả thực là đạo luật không hoàn thiện. Nó có rất nhiều hạn chế, theo tôi, điểm dở trong đạo luật là nó không cho phép các cựu chính trị phạm được tìm hiểu các hồ sơ điều tra thời xưa. Như vậy, có thể nói là có thể sửa đổi đạo luật đó. Nhưng, phải nói là những điều khoản liên quan đến việc nghiên cứu các hồ sơ cũ là rất rộng mở. Còn việc nhà nghiên cứu cảm thấy có trách nhiệm như thế nào, ông ta làm gì với những sự việc được nghiên cứu, thì đây là chuyện khác và không hề dính dáng gì đến điểm nói ở trên.

- Liên quan đến tự do nghiên cứu, tờ nhật báo “Tự do Nhân dân” (Népszabadság) viết rằng một cựu chỉ điểm viên có thể thuê một nhà nghiên cứu đến xin hồ sơ của ông ta, rồi trao lại những thông tin được nhận một cách bất hợp pháp như thế tại một nơi chốn bí mật nào đó. Nếu như vậy, có thể loại trừ việc một số nhà nghiên cứu bị “giật dây” từ nước ngoài?

- Tôi chưa gặp trường hợp ấy bao giờ, nhưng tôi có thể nói rằng có thể nhận được giấy phép nghiên cứu nếu ai đó đệ một đơn xin phép nghiên cứu. Phải nộp kèm theo đơn một ý kiến ủng hộ từ một cơ quan có chức năng nghiên cứu khoa học.

Giấy phép sẽ được một hội đồng cấp, chứ không phải Kho Thư khố, và bộ luật không tạo mấy khả năng để hội đồng của Kho Thư khố có thể bác một đơn xin nghiên cứu. Nếu đơn hội tụ các điều kiện, phải cấp giấy phép nghiên cứu và hội đồng cũng không có khả năng về pháp luật để có thể điều tra một cách đặc biệt là ai đó tại sao lại muốn nghiên cứu khoa học.

- Trên cơ sở ấy, có thể loại trừ việc trong tương lai, các giáo hội nhỏ, hoặc các tà giáo sẽ sử dụng các nhà nghiên cứu để làm “mất mặt” các giáo hội lớn, có lịch sử lâu đời?

- Tôi nhắc lại một lần nữa, và từ đây có thể suy ra câu trả lời. Luật định ra những gì mà một đơn xin nghiên cứu phải có. Nếu hội tụ đủ những điều này, Hội đồng phải cấp giấy phép và nếu không cấp, nhà nghiên cứu có thể kiện Hội đồng trên tòa. (Điều này chưa xảy ra). Và chúng tôi không có quyền, và cũng không có công cụ nào để xem xét những gì diễn ra sau đó.

- Như vậy trong tương lai, có thể các đảng phái cũng sử dụng các hồ sơ an ninh quốc gia để tác động đến quá trình vận động tranh cử, và đây cũng có thể là một phần của nền dân chủ của nước Hung?

- Cố nhiên, không thể loại trừ bất cứ điều gì. Nhưng không thể phân loại các nhà nghiên cứu theo kiểu “anh là đồng chí tốt đấy, tôi cho anh nghiên cứu, còn anh là người xấu, tôi không cho”. Bản thân điều này là sự độc đoán.

- Theo như bà nói thì xã hội Hungary, trong các tuần tới, tháng tới, có khả năng phải trực diện với việc những nhân vật nổi tiếng bị phát hiện là đã làm chỉ điểm?

- Có thể. Nhưng tôi muốn hỏi lại rằng chúng ta muốn, hay không muốn tìm hiểu quá khứ của chính chúng ta?

- Nếu một số nét của quá khứ được biết đến trong chiến dịch tranh cử, điều này có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

- Xin đừng giận, tôi thực không có gì để nói ở đây. Tôi cần phải thực thi luật và chúng tôi cũng sẽ thực thi luật, và không thể làm ra một đạo luật nào trên cơ sở “bất khả” lợi dụng. Có thể làm tất cả, và lợi dụng tất cả. Kẻ lợi dụng phải chịu trách nhiệm!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh dịch, theo MTV