QUYỀN CHỈ TRÍCH “NGƯỜI CỦA CÔNG CHÚNG” VẪN TIẾP TỤC ĐƯỢC BẢO VỆ
- Thứ năm - 10/05/2012 23:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Với phán quyết sơ thẩm ra ngày 27-4 vừa qua, Tòa án Thủ đô Budapest đã tái xác nhận một quan điểm “cấp tiến” trong nền tư pháp Hungary: việc phê phán, chỉ trích cay nghiệt những “người của công chúng” là một phần của tự do báo chí và cần bảo vệ ký giả khi họ thực hiện điều đó.
Tự do ngôn luận, tự do thể hiện quan điểm, tự do báo chí... - thước đo của nền dân chủ và văn minh - vẫn còn bị hạn chế và dày xéo ở nhiều nơi trên thế giới - Minh họa
Câu chuyện xảy ra xung quanh một bài phóng sự điều tra được đăng tải trên mạng commmunity.hu vào ngày 27-5-2011, mổ xẻ hậu trường quyết định của Chính quyền Tự quản Quận VII (Budapest) về việc tái tổ chức các trường sở trong quận. Nhân danh cá nhân và thay mặt chính quyền Quận, Quận trưởng Quận VII đã đệ đơn kiện các tác giả bài viết, cho rằng các quyền cá nhân của phía nguyên đơn bị xâm phạm, vì hầu như mọi chi tiết trong bài báo mang tính phê phán đó, theo các nguyên đơn, là đều “có vấn đề”.
Phán quyết của Tòa sơ thẩm trước hết khẳng định rằng, Quận trưởng là “người của công chúng” và Chính quyền Tự quản “do dân, vì dân” cũng phải được coi là đối tượng được công chúng quan tâm và “săm soi”. Do đó, cả hai đều phải chịu búa rìu dư luận hơn một người bình thường và do đó, việc bài báo chỉ trích họ hết sức mạnh mẽ và gay gắt là điều có thể và phải chấp nhận.
Tòa đồng tình với các nguyên đơn rằng trong bài viết có một số thực tế có thể kiểm định một cách rõ ràng là sai hay đúng, và nói sai sự thật là phạm luật. Tuy nhiên, phù hợp với những tiền lệ của tòa án, Tòa án Hiến pháp và Tòa án Quốc tế có liên quan tới quyền tự do thể hiện ý kiến, Tòa sơ thẩm đã bác bỏ những khiếu nại có liên quan của nguyên đơn, và cho rằng những kết luận rút ra từ thực tế thất thiệt nói trên - cùng sự đánh giá thực tế đó, cũng như cách diễn đạt của bài báo - là không mang tính xúc phạm.
Đại diện cho các bị đơn, Hiệp hội vì các quyền tự do (TASZ) cho rằng phán quyết trên hàm chứa một điều hết sức quan trọng: mặc dù một số khẳng định thực tế trong bài viết là thất thiệt, nhưng Tòa sơ thẩm không coi toàn bộ bài báo, tựa đề bài báo và những kết luận của nhóm ký giả là xúc phạm đến nguyên đơn. Bởi lẽ, quyền tự do thể hiện ý kiến không chỉ bảo vệ ý kiến có cơ sở thực tế vững chắc, mà nó còn bảo vệ cả ý kiến được rút ra từ những khẳng định thực tế thiếu sót, hoặc vô cơ sở.
Phù hợp với điều đó, mặc dù trong bài báo có một số khẳng định thực tế sai trái, nhưng Tòa sơ thẩm vẫn cho rằng ý kiến do bài viết truyền tải vẫn thuộc phạm vi quyền tự do ngôn luận. “Đáng mừng là tòa án vẫn tiếp tục bảo vệ sự chỉ trích những “người của công chúng” - luật sư Baltay Levente thuộc Hiệp hội TASZ chia sẻ. Tuy nhiên, ông vẫn chưa hoàn toàn đồng tình với một số điều khoản trong phán quyết, vì TASZ muốn rằng Tòa phải tuyên bố rằng ý kiến dựa trên những cơ sở còn thiếu sót hoặc sai lầm cũng là một phần của tự do ngôn luận.