Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


QUẢNG TRƯỜNG KOSSUTH, CUỘC “CÁCH MẠNG VŨ TRANG” VÀ “KẾ HOẠCH Y”

(NCTG) Tối 17-9-2007, tròn 1 năm khi bài phát biểu thú nhận “dối dân” của thủ tướng Gyurcsány Ferenc bị phanh phui, gây sự bất ổn trầm trọng trong xã hội Hungary, nhiều người cho rằng lại có biểu tình thật lớn tại quảng trường Kossuth. Tuy nhiên, rốt cục, theo ước tính của Hãng Thông tấn Hungary, chỉ có chừng 4 ngàn người xuống đường trước Nhà Quốc hội Hung, và trước mắt, họ mới chỉ “bạo loạn” trong ngôn từ.

Vài ngàn người biểu tình trước Nhà Quốc hội Hungary - Ảnh: Kurucz Árpád

Theo “nhà cách mạng” Ekrem Kemál György, một nhân vật cực đoan từng có tiền án, các nhóm biểu tình chống chính phủ có hai lựa chọn: hoặc là “hành động tuân thủ luật pháp”, hoặc tiếp tục “cuộc chiến cách mạng vũ trang”. Tuy nhiên, tuyên bố đó của “nhà cách mạng” trước chừng 200 người tụ tập ở khu Corvin vào hồi 16 giờ ngày 17-9-2007 nhằm “thay đổi thể chế” đã không nhận được sự hưởng ứng đáng kể, vì bị tiếng ồn át đi.

Trong ngày, hai tổ chức cực đoan Diễn đàn Thay đổi Thể chế và Ủy ban Quốc gia Hungary 2006 kêu gọi cư dân thủ đô tuần hành và “biểu dương lực lượng” tại Budapest. “Ba-rem” không có gì thay đổi so với những cuộc biểu tình trước đây: ngợp trời cờ quạt mang tinh thần dân tộc cực đoan, hô hào theo nhịp (“cút”, “cuốn gói”, kèm tên của thủ tướng Hung, hoặc nội các Hung). Điểm mới là khẩu hiệu “Hãy cầm vũ khí!” được hô vang khắp các khu phố trung tâm Budapest.

Chừng 4 rưỡi chiều, đoàn biểu tình bắt đầu diễu một vòng qua các đường phố chính của Budapest và mất chừng 2 giờ để đến quảng trường Kossuth. Có cảnh sát đi kèm, mọi thứ diễn ra khá hòa bình, ngoại trừ một vài khẩu hiệu cho thấy có những lực lượng không bằng lòng với các phương tiện chống đối hợp pháp: “Lũ chó chết! Quẳng chúng nó xuống Duna!” (ám chỉ các chính khách phe chính phủ Hung).

Tàu điện bị cản: hành khách và người biểu tình trước Nhà Quốc hội Hungary - Ảnh: Szabó Bernadett 

Đoàn biểu tình được một cô bé chừng 4 tuổi dẫn đầu một đoạn, cô bé thỉnh thoảng lại phất cờ và nghịch ngợm đập vào chiếc xe cảnh sát có gắn camera theo dõi đám đông. Thấy cảnh tượng “hào hùng” đó, nhiều người từ các cửa hiệu và các ngôi nhà đổ ra đường rồi cùng “hòa” cùng nhịp của đoàn biểu tình: “Gyurcsány, Kóka, trò đùa chấm dứt rồi!" (Kóka János là chủ tịch đảng SZDSZ, đảng nhỏ hơn trong liên minh cầm quyền, đồng thời là bộ trưởng Kinh tế Hungary); “Gyurcsány, cút ngay! Người Hung đến rồi!

Khi đến quảng trường Kossuth, đoàn biểu tình hồ hởi hòa vào đám đông hàng ngàn người đang mong mỏi họ (cùng nhóm bán rong cờ quạt đang hồi hộp chờ đợi). Từ lúc đó, khoảng 18 giờ rưỡi, các diễn giả đăng đàn chửi bới và văng tục "tùm lum" với chính phủ Hung, và đặc biệt, với các dân biểu Quốc hội, khi đó có vẻ sợ hãi và rủ nhau đi thành đoàn ra về sau phiên họp toàn thể. Xe và nhiều vị dân biểu bị các nhóm biểu tình ném đất, đá. Chỉ nữ dân biểu cực đoan Wittner Mária (FIDESZ) là được vỗ tay.

Cho dù nhóm biểu tình đã tuyên bố “Kế hoạch Y” (hô hào bao vây và phong tỏa các Bộ, các cơ quan đầu não của chính phủ, trong đó có cả Quốc hội), nhưng kế hoạch này, trước mắt, chưa được thực hiện. Ước mơ của “nhà cách mạng” Ekrem Kemál - "Chiến đấu cho đến thắng lợi" - tạm thời vẫn là một mộng tưởng. Cuộc tuần hành chấm dứt lúc 11 giờ đêm. Báo chí Hung để ý tới vài chục thanh niên lực lưỡng, đầu tóc húi trọc, đeo kính đen và mặt nạ trắng trà trộn trong đoàn người biểu tình.

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo “Tự do Nhân dân”