Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Phỏng vấn anh Phạm Ngọc Chu: “BUỔI DẠ TIỆC GÂY THANH DANH CHO CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM…”

(NCTG) Như NCTG đã đưa tin, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, lần đầu tiên, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary (HDN) đã tổ chức buổi dạ tiệc mừng xuân rất “hoành tráng” với sự có mặt của nhiều vị chính khách quan trọng của Hungary (hai Nghị sĩ Nghị viện Châu Âu, các vị tỉnh trưởng, quận trưởng, quận phó, chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại, v.v…), cũng như của nhiều đại diện doanh nghiệp hàng đầu tại Hungary.

Anh Phạm Ngọc Chu (ngoài cùng bên trái) cùng anh Hoàng Mạnh Huê (Chủ tịch Liên hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu), anh Lê Thanh Bình (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary) trong dạ tiệc tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn Cấp cao Chính phủ Việt Nam (Budapest, Hungary, tháng 9-2009)

Một trong những thành viên trụ cột của Ban tổ chức buổi liên hoan nói trên là anh Phạm Ngọc Chu, Ủy viên ban Chấp hành HDN, gương mặt quen thuộc của cộng đồng Việt Nam tại Hungary. Còn nhớ, khoảng này năm ngoái, anh Phạm Ngọc Chu cũng được HDN chỉ định đứng ra tổ chức hội thảo chuyên đề “Châu Âu mở rộng: Đi đâu? Làm gì?”. Với sự tham dự của một số chuyên gia kinh tế, tài chính Hungary, kỳ hội thảo đã thành công tốt đẹp, để lại dư âm trong giới kinh doanh Việt Nam tại Hungary.

Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi với anh Phạm Ngọc Chu về ý nghĩa của công việc tổ chức buổi dạ tiệc trên trong nỗ lực hội nhập với xã hội bản địa của giới doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary.

PV: Xin anh cho biết, ý tưởng tổ chức buổi liên hoan bắt nguồn từ đâu?

Anh Phạm Ngọc Chu (P.N.C.): Trước hết, xin được nói ngay rằng ý tưởng trên đến từ chủ tịch HDN, anh Lê Thanh Bình, tôi cùng một số anh em khác trong BCH là những người thực hiện, nhưng cá nhân tôi cũng rất tâm đắc với ý tưởng đó.

Xin được kể một câu chuyện: có hai người Mỹ thân nhau, một người gốc Do Thái, người kia có gốc Hoa. Anh người Mỹ gốc Do Thái chê anh gốc Hoa rằng “hội các anh kiếm tiền giỏi nhưng chỉ đút vào túi là hết, còn chúng tôi kiếm được tiền còn đầu tư đưa người vào giữ ghế trong chính phủ các nước”.

Cộng đồng Do Thái và cộng đồng Hoa kiều trên thế giới đã hình thành từ Thế chiến thứ nhất, còn cộng đồng người Việt ở nước ngoài còn tương đối trẻ, chỉ mới hình thành sau 1975 và phát triển mạnh trong thập niên 90.

Tuy nhiên, với đà liên kết mạnh mẽ như hiện tại – khi các Hội, Hiệp hội, Liên hiệp hội được thành lập ở nhiều nơi và có những hoạt động cụ thể bổ ích, có hiệu quả - thì trong những thập kỷ sau, chúng ta sẽ có một cộng đồng mạnh, liên kết toàn thế giới…

PV: (cắt lời) Vậy, phải chăng, các anh đang chuyển hướng sang… hoạt động chính trị?

P.N.C.: (cười) Gần như là lớp người Việt đầu tiên di cư sang Hungary, bây giờ chúng tôi ai cũng trên dưới ngũ tuần, chẳng còn ham muốn chính trị, chức tước gì nữa! Điều mà chúng tôi mong muốn thông qua dạ tiệc này là gây thanh danh cho cộng đồng Việt Nam, đặt nền móng ban đầu cho những thế hệ mai sau.

Chúng ta đã được biết, thế hệ thứ hai trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ rất thành đạt, có người là nghị sĩ, có người là cán bộ cao cấp trong chính phủ, có người là tướng, tá chỉ huy hàng nghìn, hàng chục nghìn binh sĩ... Tôi tin rằng con em chúng ta ở châu Âu nói chung và ở Hungary nói riêng cũng sẽ có nhiều người thành đạt trên con đường chính trị, khoa học và xã hội.

Muốn có được tương lai vẻ vang như thế, ngay từ bây giờ chúng ta phải nuôi dưỡng những chồi non!

Riêng trong kinh doanh, khi chúng ta buôn bán nhỏ thì tầm nhìn chúng ta còn hạn chế, thế nhưng khi đã từng bước buôn bán lớn, đã mở rộng thị trường thì chắc chắn là sự cạnh tranh trên thương trường sẽ càng khốc liệt hơn.

Tại Hungary, chúng ta đã có nhiều tập đoàn, công ty lớn do người Việt Nam làm chủ như Vimpex, DDA, Vitexim, Anhtoni..., vì vậy, điều cần thiết là chúng ta phải có được mối quan hệ hữu hảo với chính quyền địa phương nơi mình đang làm ăn. Khi có nhiều bạn bè, việc đối phó với những đối thủ kình địch sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta “đơn thương độc mã”.

PV: Mời các chính khách cao cấp của Hungary đến dự liên hoan của một cộng đồng ngoại quốc nhỏ (như của người Việt Nam tại Hungary) không phải là điều dễ. Bằng cách nào, HDN đã mời được khá đông đảo những gương mặt tiêu biểu ấy?

P.N.C.: Đây là mối quan hệ được thiết lập trên cơ sở những hoạt động và sự hợp tác của HDN, và cá nhân chủ tịch Hội, anh Lê Thanh Bình.

Ngoài ra, có mặt trong dạ tiệc đầu năm, các vị chính khách còn đồng thời dự kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Như phát biểu khai mạc của anh Lê Thanh Bình: “60 năm là quãng thời gian rất dài, Việt Nam rất cám ơn nhân dân Hungary đã sát cánh giúp đỡ chúng tôi trong công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Là thế hệ sau, chúng ta phải nối tiếp, củng cố và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp này…”.

Cần hiểu một cách tế nhị rằng Hungary đang chuẩn bị cho kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới, nên các đảng phái lớn cũng cần sự ủng hộ các các cá nhân, các tổ chức xã hội. HDN của chúng ta cũng là một tổ chức lớn, nhiều thành viên mang quốc tịch Hungary - trong hoàn cảnh cạnh tranh cao độ, nhiều khi, 1-2 lá phiếu cũng là rất quý, có thể thay đổi ván cờ…

Cũng như chúng ta là người kinh doanh, “buôn 1 đồng cũng là lãi”, “tích tiểu thành đại”… là như thế!

PV: Trong dạ tiệc, có các chính trị gia của cả hai đảng lớn: đảng cầm quyền MSZP và đảng đối lập FIDESZ…

P.N.C. Các doanh nghiệp lớn của chúng ta ở đây có cái hay là đã thâm nhập sâu vào thị trường Hungary, nhiều công ty có tới hơn 100 nhân viên, các anh làm nhiều nghề khác nhau và hoạt động ở các địa bàn khác nhau.

Từng vùng, từng địa phương, mỗi tỉnh, mỗi thành phố đều có các vị tỉnh trưởng, quận trưởng thuộc các đảng phái chính trị khác nhau, nên các anh trong HDN cứ mời họ, không phân biệt đảng phái, hơn nữa, vì đây còn là dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, chúng ta không nói về chính trị.

Có một điểm hay khác là dù có là thành viên của đảng phái nào đi nữa, người dân Hungary nhìn chung đều rất có thiện cảm với dân tộc và nhân dân Việt Nam.

Nam danh ca Hungary Carlie tại dạ tiệc - Ảnh: Farkas Tibor

PV: Chưa bao giờ thấy một dạ tiệc nào do cộng đồng Việt Nam tổ chức lại đẹp, hoành tráng và chất luợng như kỳ vừa rồi. Anh có thể cho biết công tác chuẩn bị có vất vả lắm không?

P.N.C.: Đây là buổi liên hoan đầu tiên do HDN tổ chức để mời các chính trị gia, các quan chức cao cấp Hungary. Bên cạnh đó, còn có sự hiện diện của nhiều vị tổng giám đốc, đại diện các ngân hàng, hãng bảo hiểm, các công ty đa quốc gia có trụ sở tại Hungary như Unilever, Henkel, L'Oréal Paris, Procter & Gamble, T-Mobile, hoặc tập đoàn bán lẻ CBA có hàng ngàn cửa hàng trên toàn quốc, có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và tốt đẹp với HDN.

(Xin được mở ngoặc ở đây để nói một ví dụ về sự hợp tác hữu hiệu ấy. Qua buổi làm việc giữa anh Lê Thanh Bình (chủ tịch HDN) và Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng với Tổng giám đốc tập đoàn CBA, phía bạn đồng ý để trong mấy nghìn cửa hàng của họ, cửa hàng nào cũng dành riêng một khu vực lớn để bày hàng Việt Nam với trong khuôn khổ “Tuần lễ Việt Nam”, nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nuớc vào mùa hè tới. Đây cũng là một cơ hội tốt và hiếm có đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng Việt Nam.)

Tất cả đều là những vị khách quan trọng (và sang trọng), nên chúng tôi xác định ngay từ đầu là công tác tổ chức phải làm rất kỹ lưỡng, không thể để một sơ xuất dù nhỏ. Ngay từ giấy mời chúng tôi cũng đã thuê họa sĩ thiết kế riêng...

PV: (ngắt lời) Tôi thấy giấy mời có chữ 60 rất đẹp, còn bên góc cạnh có hình con sư tử…

P.N.C.: Chúng tôi quan niệm bữa cơm truyền thống đầu năm của Việt Nam rất quan trọng: đó là cơ hội để chúng ta gặp gỡ, thưởng thức các món ẩm thực, vui vẻ chúc tụng, trò chuyện với nhau bên bàn tiệc.

Theo quan niệm ấy, hình tượng chú mãnh hổ trên tấm giấy mời, vừa mang ý nghĩa năm Canh Dần đã tới, vừa là biểu tượng của sức mạnh to lớn và bền bỉ trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Hungary.

Đồng thời, con hổ cũng là biểu tượng cho những nỗ lực lớn lao và bền bỉ của giới doanh nghiệp Việt Nam, đang chiến đấu và sẽ chiến thắng trong đợt khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới đang xảy ra.

Đấy mới là giấy mời, chứ toàn bộ công tác tổ chức - từ việc đi tìm thuê khách sạn sao cho hợp “gu” của cả hai giới chính khách và thương gia, chọn đồ ăn đồ uống, tìm chương trình văn hóa phù hợp với hai dân tộc... - phải nói là đòi hỏi sự tập trung và trách nhiệm cao độ.

PV: Công việc tổ chức được thực hiện rất chu đáo: ngay từ khi bước chân vào khách sạn, khách đã được một đội ngũ tiếp tân rất chuyên nghiệp chào đón và đưa tới tận bàn, ghế đươc phủ một loại khăn đẹp, bàn nào cũng có một bó hoa đẹp mang màu cờ hai nước, đồ ăn thức uống rất chọn lọc cùng chương trình văn nghệ với sự trình diễn của các ca sĩ nổi tiếng... Kinh phí của buổi này chắc không nhỏ? Các anh lấy ở đâu ra?

P.N.C.: Tổ chức một buổi dạ tiệc với mục đích và ý nghĩa như chúng tôi đã trình bày ở trên là một hoạt động văn hóa, mà đã là văn hóa thì chúng tôi không tính toán tiền nong, mà làm hết mình bằng trái tim và lòng nhiệt tình mến khách.

Thử hỏi, nếu chúng ta làm một bữa cơm ngon mời nhiều bạn bè, nhưng người đến lại thưa thớt thì chủ nhà có buồn không? Ngược lại, khách mời lần này đến rất đông đủ: chúng tôi mời đôi, nhưng có vị khách là chính khách cao cấp còn xin thêm một “suất” nữa cho con lớn đi cùng. Có vị khách trên đường đi bị va chạm xe liền bỏ xe ở đấy đi taxi đến cho kịp giờ - tin này là niềm vui và là nguồn động viên cho những người làm công tác tổ chức như tôi.

Nói thêm về chi phí: may mắn là anh Lê Thanh Bình và các anh trong BCH xin được tài trợ từ các doanh nghiệp lớn nên chúng tôi chi trả được 80% chi phí cho buổi dạ tiệc mừng Xuân vừa rồi từ nguồn ấy.

PV: Xin hỏi anh một câu cuối mang tính cá nhân. Nhưng năm gần đây, anh tham gia rất nhiệt tình trong hoạt động của HDN - đặc biệt, tại các hội nghị Doanh nghiệp tại Châu Âu hoặc ở Việt Nam, anh có nhiều bài tham luận rất được chú ý, được nhiều tờ báo lớn trong và ngoài nước đăng lại. Tuy nhiên, anh có vẻ ít có mặt trong các sinh hoạt của Hiệp hội Người Việt Nam? Anh đánh giá ra sao về hoạt động của các hội khác tại Hungary?

P.N.C.: Câu hỏi này hay và khó vì mang tính phê bình tôi (cười).

Tôi thấy trong chúng ta có rất nhiều người tài và nhiệt tình với phong trào cộng đồng, nên mỗi người làm một việc là công bằng và hợp lý. Cộng đồng ta đã sáng suốt bầu ra hai anh đứng đầu Hiệp hội và HDN: làm công tác cộng đồng phải có tâm và có kinh phí, thiếu một trong hai cái này đều không làm được.

Cá nhân tôi thấy các hội khác hoạt động cũng rất hiệu quả và sôi nổi, như Hội Phụ nữ, Ban liên lạc Cựu chiến binh, các hội thể thao như CLB Tennis, CLB Golf... Tất cả, theo tôi, đều có đóng góp lớn cho sự phát triển của cộng đồng ta tại Hungary!

PV: Rất cám ơn anh đã dành thời gian cho buổi nói chuyện ngày hôm nay!

Tác giả bài viết: Trần Lê thực hiện