Phó Đại sứ Hungary: “TÔI THÍCH CÔ DÂU VIỆT NAM MẶC ÐỒ TRUYỀN THỐNG”
- Thứ ba - 23/08/2011 11:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Rất tiếc vì những phong tục tập quán liên quan tới tổ chức đám cưới đã thay đổi. Vào những năm 80, Việt Nam, Hà Nội, khi tổ chức đám cưới, cô dâu mặc đồ truyền thống rất đẹp. Ngày nay, tất cả mọi người trên thế giới, kể cả Việt Nam, đều mặc áo cưới kiểu Italy, rất đẹp nhưng không phải truyền thống” - Công sứ Toàn quyền, Phó Đại sứ Hungary tại Việt Nam Váraljai Márton László chia sẻ cảm nghĩ về văn hóa Việt Nam với NCTG.
Ông Váraljai Márton László cảm động trước những giai điệu quen thuộc của quê hương Hungary được các nghệ sĩ nghiệp dư Việt Nam thể hiện
Ông Váraljai Márton László sinh năm 1950, bắt đầu làm công tác ngoại giao từ đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Trong cuộc đời làm ngoại giao 27 năm, ông đã có 3 nhiệm kỳ, tổng cộng 12 năm công tác tại Việt Nam - có nhiệm kỳ Ông là Đại biện Lâm thời, Công sứ toàn quyền, Phó Đại sứ phụ trách chung.
Là người có hiểu biết sâu sắc về đất nước và nền văn hóa Việt Nam, ông Váraljai Márton László có vai trò quan trọng trong việc phục hồi và tăng cường mạnh mẽ chưa từng thấy các mối quan hệ giữa hai nước đã bị chững lại sau quá trình thay đổi thể chế kinh tế - chính trị tại Hungary. Bằng việc chuyển giao những kinh nghiệm của Hungary, ông đã có đóng góp lớn cho việc hình thành quá trình đổi mới kinh tế của Việt Nam.
Hiện ông Váraljai Márton László là Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Hungary – Việt Nam có trụ sở tại Budapest, một tổ chức đã tham gia tổ chức và đồng tài trợ thực hiện nhiều sự kiện văn hóa lớn tại Việt Nam và Hungary như buổi hòa nhạc của các nghệ sĩ Hungary và Việt Nam tại Nhà hát lớn Hà Nội, Liên hoan Ẩm thực Quốc tế tại Vũng Tàu, giới thiệu phim “Đừng đốt” tại Budapest...
Sau khi kết thúc sự nghiệp ngoại giao về nghỉ hưu vào năm 2011, ông vẫn mong muốn mang tất cả sức lực và trí tuệ của mình để cống hiến nhằm mở rộng và tăng cường hơn nữa các mối quan hệ hữu nghị và truyền thống giữa hai nước Hungary và Việt Nam.
Tại cuộc Gặp mặt hữu nghị Việt Nam - Hungary nhân Quốc khánh hai nước, ông Váraljai Márton László đã được trao Kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc”. Nhân dịp này, NCTG đã có cuộc trao đổi với ông về những quan tâm của ông liên quan tới quan hệ hai nước, trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ 12 năm công tác để về nghỉ hưu vào tháng 8-2011.
Trả lời phỏng vấn báo NCTG
Trong 12 năm vừa qua, ông quan tâm đến những vấn đề gì nhất ở Việt Nam, thưa ông?
Trong nhiệm kỳ của mình, dù ở bất kỳ nơi nào, tôi đều quan tâm đặc biệt tới văn hóa, con người, phong tục tập quán của người dân địa phương. Bởi vì tôi nghĩ rằng, nếu ai đó không hiểu sâu về văn hóa và con người của nước sở tại nơi mình công tác, thì người đó chắc chắn không thành công trong sự nghiệp ngoại giao của mình.
Việt Nam là một quốc gia lớn, so với Hungary là quốc gia lớn. Có thể tìm thấy ở đây sự đa dạng văn hóa, đa dạng sắc tộc; tất cả những điều đó là điều tôi đặc biệt quan tâm. Tôi đã đi từ Sơn La tới Cần Thơ. Tôi đi cả đường biển và vùng đồi núi. Và tôi cho rằng sự hiểu biết của mình về văn hóa và con người Việt Nam, nó đã góp phần làm cho sự nghiệp của tôi thành công.
Theo ông, Việt Nam và Hungary có thể hợp tác ở những lĩnh vực kinh tế và phi kinh tế nào?
Về lĩnh vực kinh tế thì hướng nghiên cứu khoa học phát triển kinh tế là một hướng rất quan trọng và là hướng mà chúng ta đã có quan hệ hợp tác; và chúng ta có thể thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước trong lĩnh vực này. Trước đây Hungary cũng đã cung cấp rất nhiều công nghệ, kỹ thuật cho Việt Nam. Với sự giúp đỡ đó, Hungary đã góp phần vào sự phát triển của Việt Nam.
Như tôi có nói, các quan hệ như vậy bây giờ trở thành quan hệ bình đẳng rồi. Trong rất nhiều lĩnh vực Việt Nam cũng có thế mạnh, thậm chí có thể chia sẻ với Hungary. Ví dụ như Bệnh viện Ung bướu ở Cần Thơ sẽ được xây dựng bằng nguồn vốn tín dụng hỗ trợ của Hungary. Đó là lĩnh vực mà tôi cho rằng hai bên có thể hợp tác rất thành công trong tương lai.
Những năm 70-80, sự giúp đỡ của Hungary chiếm ưu thế trong quan hệ giữa hai nước. Tổng Công ty May 10, trước kia là Xưởng may 10, cũng được Hungary giúp đỡ hỗ trợ rất nhiều để trở thành một đơn vị dân sự. Những năm 80 chúng tôi cũng giúp Việt Nam xây dựng một nhà máy sợi dệt với 50 ngàn cọc sợi. Lúc đó, trong quan hệ về mặt kỹ thuật giữa các công ty và cơ quan của hai nước, đặc biệt là nghiên cứu quân sự, thì Hungary cũng hợp tác rất chặt chẽ với Việt Nam.
Tại TP HCM, Hungary đã giúp Việt Nam xây dựng một trung tâm đồng vị phóng xạ và trung tâm này giúp cho những sản phẩm thực phẩm của Việt Nam được tiệt trùng an toàn và có thể đem xuất khẩu.
Phát biểu chúc mừng cuộc gặp mặt hữu nghị nhân Quốc khánh hai nước
Còn rất nhiều lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác về khoa học công nghệ. Hàng năm, có rất nhiều đoàn Việt Nam sang nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của Hungary, và các chuyên gia Hungary cũng sang Việt Nam. Ngày nay, tôi nghĩ rằng hai nước nên đi sâu hợp tác trên lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo. Trường Đại học Việt Hung đây cũng là một ví dụ điển hình về thành công. Chúng ta sẽ cố gắng đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu và phát triển. Đào tạo chuyên gia về y tế cũng là lĩnh vực hứa hẹn hợp tác thành công giữa hai nước. Nhưng trước hết là cả hai nước cần thoát khỏi khủng hoảng kinh tế đang diễn ra…
Cộng đồng người Việt Nam ở Hungary tỏ ra lo ngại về tình hình nền kinh tế hiện nay. Ông có thể cho biết hiện trạng khắc phục khủng hoảng kinh tế ở Hungary như thế nào rồi?
Điều đó là đúng, nhưng rất tiếc là không phải chỉ ở Hungary mà tất cả các nước trên thế giới đều bị ảnh hưởng, chính vì thế mà gọi là khủng hoảng kinh tế thế giới. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng và ngày càng thấy sự tác động lớn hơn. Không loại trừ quốc gia nào cả. Nước rất mạnh như Đức, Pháp, Hoa Kỳ cũng bị. Chỉ có cái chúng ta có thể làm được là hy vọng những ảnh hưởng xấu đó sẽ sớm chấm dứt.
Lãnh đạo kinh tế thế giới cũng phải rút ra bài học kinh nghiệm là chính họ đã đưa nền kinh tế thế giới tới tình hình thế này, thì họ sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm. Tất cả chúng ta phải làm gì đó để sớm thoát khỏi khủng hoảng. Chúng ta chắc chắn là không cam chịu, đầu hàng và chịu thất bại. Tất cả mọi người, trên lĩnh vực của mình, phải cố gắng với hết sức của mình để thoát ra khỏi tình trạng đó.
Có lẽ do khủng hoảng mà nảy sinh hiện tượng nhiều người Việt Nam bị phát hiện trồng cần sa trong nhà, hoặc mượn Hungary làm đất để vượt biên trái phép sang Anh, lại tiếp tục trồng cần sa… Ông có thể cho biết quan điểm của ông về vấn đề này và phía Việt Nam nên làm gì?
Đây là một hoàn cảnh rất khó khăn. Tình hình rất khó khăn. Thực tế cuộc sống là luôn luôn có những người mong làm giàu nhanh chóng. Trong một số trường hợp thì có thể nói là họ rất khó khăn trong kế sinh nhai hàng ngày. Những người trồng cần sa như vậy có thể họ dễ đi theo con đường bị cám dỗ. Đây là vấn đề rất khó khăn, vì việc đó xảy ra thường là làm quan hệ hai nước xấu đi.
Trong những năm vừa qua, chúng ta cũng đã đi theo hướng rất mở cửa, tạo điều kiện cho các công ty vừa và nhỏ của hai nước xây dựng quan hệ và hợp tác với nhau. Du lịch cũng được mở để cư dân hai nước có thể qua lại. Về nguyên tắc, theo tôi điều đó là tốt. Và sự tham gia tích cực của các dân tộc cũng làm phong phú thêm mối quan hệ, giao lưu giữa công dân hai nước.
Nhận Kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” từ ông Đỗ Bá Khoa, Tổng thư ký Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam
Trong thời gian vừa qua ở Việt Nam có nhiều gia đình giàu lên nhanh
chóng; họ sẵn sàng bỏ tiền túi để gia đình của họ đi du lịch châu Âu và
thế giới. Với những người đó, chúng ta phải ủng hộ để họ thực hiện được
mong muốn của họ. Bên cạnh đó thì cũng có nhiều người lợi dụng chính
sách để đi cùng, đi theo con đường ấy, và người ta lợi dụng để xin visa
qua Hungary, từ Hungary họ sang Anh và nhiều nước khác. Đây là một việc,
có thể nói là họ bị trừng phạt.
Về cách thức để ngăn chặn, tôi nghĩ rằng cộng đồng Việt Nam cũng có thể làm được việc đó hoặc tham gia hỗ trợ. Họ có thể loại trừ những người đó ra khỏi cộng đồng của mình.
Sự hiểu biết của những người thuộc thế hệ tôi về văn hóa Hungary chỉ dừng lại ở một số tác phẩm văn học (“Những cậu con trai phố Pál”) và âm nhạc cổ điển (Liszt Ferenc). Theo tôi được biết thì cách đây vài năm Hungary từng có trao đổi văn hóa với Trung Quốc, dựng tượng thi sĩ Petőfi tại Thượng Hải. Liệu Hungary có một chiến lược nào nhằm xúc tiến việc trao đổi văn hóa với Việt Nam không?
Chiến lược văn hóa của Hungary không chỉ hướng tới một quốc gia. Cái được thực hiện ở Trung Quốc là thế này: Lúc đó có một triển lãm quốc tế ở Thượng Hải. Theo tôi được biết thì một nhà điêu khắc Hungary đã tạc tượng đó và gửi tặng triển lãm. Ngoài hai tác phẩm mà bạn vừa nhắc tới, tôi có thể nói với bạn về rất nhiều sản phẩm khác đã được dịch sang tiếng Việt.
Những năm vừa qua, chính phủ Hungary đã ghi nhận sự đóng góp của những dịch giả nước ngoài với tác phẩm của Hungary. Trong khuôn khổ chương trình đó, ông Lê Xuân Giang – dịch giả “Ngôi sao thành Eger” – cũng đã nhận được phần thưởng rất cao quý của nhà nước Hungary. Cách đây ba ngày, ông Giáp Văn Chung, một dịch giả sống ở Budapest, cũng được tặng thưởng.
Chụp ảnh kỷ niệm cùng những người bạn Việt Nam và Hungary
Hungary hiện nay có khó khăn về tài chính, chính vì thế mà sự ghi nhận của Chính phủ với những trường hợp như vậy chủ yếu là về mặt tinh thần. Khoảng cách giữa hai quốc gia rất lớn cho nên để có thể tổ chức triển lãm, đưa đồ vật qua một chặng đường dài như thế thì rất khó khăn. Mặc dù vậy, năm vừa rồi chúng tôi cũng tổ chức được một số chương trình văn hóa với sự tham dự của các nghệ sĩ Hungary và với sự hỗ trợ của Hội Nhà văn Hungary thì một số tác phẩm văn học của Việt Nam cũng đã được dịch và giới thiệu bên Hung.
Ngày nay, để phát triển quan hệ văn hóa, thế giới hay lập ra các quỹ văn hóa. Các quỹ ấy hoạt động rất hiệu quả nhằm tăng cường quan hệ văn hóa giữa các nước. Nhưng hoạt động của quỹ lại phụ thuộc các nhà tài trợ: như thế nào, bao nhiêu… Quỹ Văn hóa Hungary - Việt Nam cũng đã làm rất nhiều việc nhằm tăng cường quan hệ văn hóa song phương, các sự kiện văn hóa ở Việt Nam cũng như Hungary.
Để nói về văn hóa Việt Nam với người Hungary thì ông nói gì đầu tiên?
Câu hỏi rất khó đấy vì có rất nhiều điều có thể kể cho bạn bè của tôi nghe. Điều đầu tiên tôi muốn nói là, rất tiếc vì những phong tục tập quán liên quan tới tổ chức đám cưới đã thay đổi. Vào những năm 80, Việt Nam, Hà Nội, khi tổ chức đám cưới, cô dâu mặc đồ truyền thống rất đẹp. Ngày nay, toàn cầu hóa đã phát triển nhanh chóng và tất cả mọi người trên thế giới, kể cả Việt Nam, đều mặc áo cưới kiểu Italy, rất đẹp nhưng không phải truyền thống. Còn áo dài vẫn là áo truyền thống rất đẹp, của Việt Nam, đặc biệt là với phụ nữ Việt Nam.
Nói về ẩm thực, thức ăn Việt Nam rất ngon và cần giữ gìn bản sắc các dân tộc. Nó như một biểu tượng trên áo của mọi người ấy, tức là có những điểm chấm của các dân tộc Việt Nam.
Đất nước các bạn rất đẹp, phong cảnh, danh lam thắng cảnh rất đẹp, nên phải giữ gìn. Rất may mắn là từ sự phát triển kinh tế, Việt Nam đã giàu lên, nhiều gia đình cho phép mình đi nghỉ ở các bờ biển. Tất nhiên là với sự thoải mái đó thì cũng kèm một số vấn đề, ví dụ người ta đến biển thì người ta mang theo rất nhiều đồ dùng, làm môi trường bị bẩn, xấu đi. Đó là những việc rất quan trọng mà ta cần chú ý.
Sau khi hết nhiệm kỳ thì ông sẽ làm gì?
Đây cũng là một câu hỏi khó, thậm chí liệt kê cũng rất khó. Tôi có một gia đình, có hai con, một trai một gái. Các cháu sinh ra khi tôi công tác tại đây. Tôi mới được thăm các cháu trong thời gian rất ngắn thôi. Cho nên đương nhiên là tôi sẽ dành thời gian nhiều nhất cho các cháu. Chúng tôi cũng có một nhà nghỉ rất đẹp trên một bờ sông thơ mộng. Tôi rất thích câu cá và đây cũng là một chương trình. Tôi còn có rất nhiều chương trình liên quan tới nhà cửa. Cần phải sửa sang, chỉnh trang lại nhà mình cũng như nhà các con.
Tôi sẽ giữ quan hệ rất mật thiết với Hội Hữu nghị Việt Nam – Hungary và có rất nhiều chương trình hợp tác trong tương lai mà tôi rất sẵn sàng tham gia. Tôi sẵn lòng quay lại Việt Nam để tham gia thực hiện các dự án đó. Tôi rất muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình với Việt Nam. Như vậy là cho tới 10-20 năm nữa, chúng tôi vẫn còn nhiều chương trình dự kiến và quan trọng là có đủ sức khỏe để thực hiện những việc đó.
(*) Chân thành cám ơn ông Vũ Hoài Chương và ông Trịnh Duy Cường đã giúp đỡ NCTG thực hiện cuộc phỏng vấn này.