PHẢI ÐI TỊ NẠN VÌ CÓ Ý KIẾN “TRÁI CHIỀU”
- Thứ sáu - 09/03/2012 21:13
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một trong những nhà văn, nhà soạn kịch đương đại lớn nhất của Hungary, ông Kertész Ákos, năm nay 80 tuổi, đã rời Hungary sang Canada và đệ đơn xin tị nạn chính trị tại đó với lý do là sau khi cho đăng tải một bài viết, ông đã bị chính quyền Hungary sách nhiễu và vùi dập.
Nhà văn, nhà soạn kịch Kertész Ákos (ảnh chụp trước tư gia tại Békásmegyer, Budapest) - Ảnh: Kollányi Péter
Ngày 29-2, Kertész Ákos cùng vợ sang Canada. Thoạt đầu, ông không muốn công bố lý do ra đi, do đó khi rời Hungary ông đã không nói năng gì. Chỉ vài ngày sau, ông mới ra một thông cáo thông qua Văn phòng Báo chí của mình.
Sinh năm 1932, Kertész Ákos là một tác gia đa tài của nền văn học Hungary thế kỷ 20. Ông là tác giả hoặc đồng tác giả của vô số kịch bản phim truyện, phim truyền hình tại Hungary. Nhiều vở kịch của ông đã được dựng tại sân khấu ngoại quốc. Cuốn tiểu thuyết mang tựa đề “Makka” của ông được dịch ra 12 thứ tiếng và bán với lượng ấn bản 1,2 triệu bản trên thế giới.
Những tiểu thuyết và những vở kịch chính của Kertéz Ákos được coi là tấm gương của xã hội Hungary thập niên 60, 70 thế kỷ trước, trên góc độ của các giai tầng công nhân, thợ thuyền. Kịch của ông nay vẫn được diễn ở nhiều nước Ðông - Trung Âu - ông đã được trao tặng hầu hết các giải thưởng danh giá nhất về văn học nghệ thuật của Hungay như Giải József Attila (hai lần), Giải Arany János, Giải Kossuth, cũng như Huân chương Chữ thập Công chức của Cộng hòa Hungary.
Bài viết nhạy cảm
Ngày 29-8 năm ngoái, Kertész Ákos cho đăng một bài viết trên mạng “Tiếng Dân Hoa Kỳ” (Amerikai Népszava) của Hung kiều tại Mỹ, trong đó ông có nêu một số nhận định cay đắng về Hungary bị coi là nhạy cảm và kỳ thị chủng tộc, như “dân Hung vốn đã hạ đẳng trên góc độ di truyền”, “người Hung không hề có chút ăn năn, cắn rứt lương tâm nào vì những tội ác lịch sử trầm trọng nhất của mình”, “luôn luôn đổ tội cho kẻ khác”, v.v...
Trong bài viết, ông cũng dùng những từ ngữ nặng nề khác, bị coi là miệt thị dân tộc, như bảo người Hung “hạnh phúc trầm mình trong vũng lầy của thể chế độc tài, kêu ủn ỉn và nhồm nhoàm cám lợn, và không muốn biết răng sẽ bị người ta chọc tiết”. Dân Hung, theo Kertész Ákos, “không biết và không chịu lao động, chỉ ghen tỵ và nếu có thể thì triệt hạ những ai đạt được chút thành công bằng công việc, học hỏi và sáng tạo”.
Ðoạn nhạy cảm nhất của bài viết, Kertész Ákos khẳng định: “Ngày nay, chỉ duy nhất người Hung phải chịu trách nhiệm về những kinh hoàng của Ðệ nhị Thế chiến, về holocaust, bởi vì trái với dân tộc Ðức, dân Hung chưa bao giờ thú nhận, sám hối những tội lỗi của mình, cũng như, chưa bao giờ tỏ ra ân hận và chưa thề thốt rằng sẽ không bao giờ để tái diễn... Vì thế, dân tộc Hung chưa bao giờ được thoát tội”.
Bài viết của Kertész Ákos thực chất là một cái nhìn mang tính phê phán và cả tự trào về Hungary, kèm những cảm xúc cay đắng về quê hương mình, một xứ sở đã phải chịu quá nhiều đau đớn trong thế kỷ 20 - như đại bại trong cả hai cuộc Thế chiến, mất hai phần ba đất đai và dân số cho những quốc gia láng giềng, và đã bắt tay với Ðức quốc xã để tàn sát 6-700 ngàn người gốc Do Thái trong Thế chiến thứ hai... Và đến nay, đất nước này vẫn chìm đắm trong sự đối đầu chính trị, chia rẽ và khủng hoảng tài chính.
Tuy nhiên, có lẽ tác giả của những dòng phê phán trên cũng không thể ngờ rằng, bài viết đã làm dấy lên một làn sóng bài xích nhà văn, khiến ông phải bỏ nước ra đi ở tuổi 80.
Làn sóng phản đối của dư luận
Ngay sau khi tin về bài viết được loan trên báo chí Hungary, hầu như tất cả mọi ý kiến đều tập trung phê phán Kertész Ákos. Ngay cả những nhà văn, những nhân sĩ cánh tả nổi tiếng cũng cho rằng, Kertész đã đi quá xa và không thích hợp khi nói đến quê hương bằng những từ ngữ mang tính nhục mạ như thế. Ða số đều yêu cầu Kertész phải xin lỗi và rút lại những quan điểm đã nêu.
Hầu như ngay tức thì, đảng cực hữu JOBBIK đệ đơn tố giác Ketész Ákos với những tội danh trầm trọng như kích động chống lại cộng đồng, vu cáo và xúc phạm danh dự. Phát ngôn viên của đảng này cho hay, JOBBIK tìm kiếm khả năng để thu hồi những giải thưởng quốc gia đã được trao cho Kertész, cũng như, đề xuất tước danh hiệu Công dân Danh dự của thủ đô Budapest mà nhà văn được nhận năm...
Vài ngày sau khi bài viết nhạy cảm nói trên được đăng, Kertész Ákos ra thông cáo, rút lại câu “dân Hung vốn đã hạ đẳng trên góc độ di truyền” và cám ơn những phản hồi liên quan tới việc Hungary đã làm tất cả để bù đắp cho tội lỗi holocaust một thuở. Ðồng thời, ông tuyên bố chấm dứt những tranh luận xung quanh vụ việc.
Tiếp đó, trong một chương trình trên kênh truyền hình ATV, nhà văn nói rằng ông viết những dòng trên xuất phát từ sự âu lo trước vận mệnh của dân tộc Hungary và do đó, ông không hối hận trước bất cứ từ ngữ nào đã được viết ra và cảm thấy hoàn toàn nực cười là chính người Hung lại phản đối ông. Kertész phát biểu: ông cũng không sợ nếu bị rút lại các giải thưởng quốc gia vì, như ông diễn đạt, khi ông được trao tặng không nhiều người quan tâm, thì khi bị tước đi, chắc chắn sẽ nhiều người chú ý hơn, và nhũng kẻ tước đi của ông sẽ phải hối hận về điều đó.
Kertész còn khẳng định: từ 20 năm trước, ông đã viết những điều này, có điều khi ấy không ai nhận ra, và giờ người ta cũng chỉ bám vào một từ “di truyền” để cố tình hiểu sai dụng ý của ông. Bởi lẽ, theo ông, bài viết của ông “có giá trị mỹ học” chứ không phải một luận án khoa học, phải hiểu theo nghĩa bóng, sâu xa của nó. Cuối cùng, ông nhấn mạnh: trong 80 năm của đời mình, ông đã học để biết viết, còn những kẻ chỉ trích ông thì chưa học được cách đọc.
Ðòn đánh từ chính quyền
Ngày 21-9 năm ngoái, Hội đồng Thành phố Budapest - với đa số ghế trong tay liên minh cầm quyền - đã thu hồi danh hiệu Công dân Danh dự của Kertész với lời lý giải: nhà văn đã lăng mạ và xúc phạm dân tộc Hung trong bài viết của mình, khiến ông không còn xứng đáng với danh hiệu ấy. Quyết định này khi đó được các đại biểu đảng cầm quyền FIDESZ và đảng cực hữu JOBBIK tán thành, còn hai đảng đối lập MSZP và LMP bỏ phiếu chống.
Ðây là một đòn nặng giáng xuống Kertész. Như ông viết trong thông cáo mới được đăng tải, một chiến dịch chỉ trích mang tính tính trị đã được dấy lên đối với ông, không chỉ trong Hội đồng Thánh phố Budapest, mà trong cả Quốc hội và chính phủ Hungary. Truyền thông thân chính quyền thường xuyên có bài đả kích ông và kích động những kẻ cực đoan chống phá ông.
Theo Kertész, chính vì vậy mà ông luôn bị dọa dẫm, sách nhiễu về thể xác, ông bị tấn công, hành hung trên đường phố và cảm thấy tính mạng bị nguy hiểm. Nhà văn cay đắng: “Nếu một nhà văn 80 tuổi có mọi sự gắn bó với quê hương mà phải quyết định ra đi và chấp nhận rủi ro như vậy, thì điều đó có nguyên nhân nghiêm trọng. Trường hợp này nói lên nhiều về một đất nước mà một nhà văn phải trốn chạy vì bất cứ bài viết nào đó”.
“Tôi đã rất khó khăn để ra quyết định này vì đối với tôi, tiếng Hung là cuộc sống. Hungary là quê hương nơi tôi chào đời, là nhà của tôi. Tôi đưa ra quyết định này không phải để chống lại Hungary và dân tộc Hung mà tôi luôn chung phận, mà tôi buộc phải có hành động này vì tình trạng hiện tại. Tôi hy vọng rằng, tôi sẽ vẫn còn có dịp được trở về một nước Hung dân chủ và khoan dung, nhân đạo” - ông bày tỏ.
Kertész Ákos không phải là nhân vật nổi tiếng duy nhất từ Hungary sang xin tị nạn chính trị tại Canada. Sau khi rời Hungary từ tháng 12 năm ngoái, đầu tháng 2 qua, bà Mohácsi Viktória, một chính khách, cựu dân biểu Nghị viên Châu Âu, đồng thời là một nhà tranh đấu nổi tiếng cho quyền lợi của sắc dân Tzigane, cũng xin tị nạn tại Torontó vì lý do bị dọa giết, không tìm được công ăn việc làm và sống đói khát tại Hungary.
Ranh giới của tự do ngôn luận?
Trường hợp của Kertész Ákos dấy lên một cuộc tranh luận xung quanh khái niệm ranh giới của tự do ngôn luận. Tương tự như vậy, hơn hai năm trước, văn hào Kertész Imre - giải Nobel đầu tiên và cho đến nay, là duy nhất của văn học Hungary - cũng phải nhận nhiều lời chỉ trích, một phần cả từ chính giới, vì những ý kiến bị coi là miệt thị, lăng nhục nước Hung, đăng trên một tờ báo ở Ðức nhân 80 năm ngày sinh của ông.
Về mặt luật pháp, Cơ quan Kiểm sát Hungary nhận định rằng, bài viết và những ý kiến của Kertész nằm trong khuôn khổ quyền tự do thể hiện quan điểm, nên nhà văn không phạm tội các tội kích động cộng đồng, vu cáo và xúc phạm danh dự như đảng cực hữu JOBBIK đã tố giác và do đó, đã không mở cuộc truy cứu ông về mặt hình sự. Tuy nhiên, rất nhiều cá nhân, nhân sĩ, tổ chức vẫn cho rằng Kertész đã diễn đạt một cách rất dễ gây hiểu nhầm và đề nghị ông cần thẳng thắn nhìn lại mình.
Có điều, theo một bộ phận của công luận của Hungary, cho dù Kertész phải chịu trách nhiệm về lời ăn tiếng nói của ông, thì việc chính quyền tước đi sự tưởng thưởng cho cả sự nghiệp cống hiến của ông vẫn là điều quá trớn. Nhất là, chính quyền ấy – theo nhiều người - vẫn thường xuyên cho phép báo chí thân cận đưa ra những quan điểm vi phạm nhân quyền, kích động hằn thù chủng tộc, gây chia rẽ trong xã hội.
Có lẽ, ý kiến của ông Horváth Csaba, trưởng nhóm đại biểu của đảng đối lập MSZP (Ðảng Xã hội Hungary) trong vấn đề này phải được chú ý, theo đó, Kertész Ákos đã phải tự chọn sự lưu đày vì ý kiến của mình, bởi ông dám có quan điểm khác về nước Hung so với chính quyền hiện tại. Nước Hung, theo mong muốn của đảng MSZP, phải là một xứ sở mà bất cứ ai có thể có ý kiến “trái chiều” đối với bất cứ chính quyền nào, vào bất cứ thời điểm nào.
Nghĩa là, quyền tự do ngôn luận phải được tôn trọng đối với mọi người, chừng nào nó chưa vi phạm những quyền khác của những cá nhân khác. Ðảng MSZP cho rằng chỉ có thể đạt được điều này nếu tất cả các lực lượng dân chủ đều đặt mục tiêu phấn đấu để tái thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do quan điểm - sự bảo đảm cao nhất cho một nhà nước pháp quyền.
Cần nhắc lại rằng nội các FIDESZ, từ mấy năm nay, luôn bị chỉ trích là đã ra hàng loạt đạo luật phi dân chủ nhằm hạn chế tự do báo chí, tự do ngôn luận, đặt sự hoạt động của truyền thông công ích và báo chí trong vòng kiềm tỏa của chính quyền. Gần đây, hai nhà văn, nhân sĩ lớn của nước Hung là các ông Závada Pál và Parti Nagy Lajos cũng đã cấm sử dụng các tác phẩm của mình trên Ðài Phát thanh Hungary để phán đối cách đưa tin thiên lệch mang màu sắc kiểm duyệt, đi ngược lại chức năng phục vụ xã hội, cộng đồng.
(*) Bài viết đã đăng trên RFI.